Tổng quan về quản trị đại học trên thế giới và ở Việt Nam

TRỊNH THÙY ANH (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh), NGUYỄN PHẠM KIẾN MINH (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) và BÙI QUANG HÙNG (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT:

Quản trị đại học (QTĐH) gần đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục. Bài viết nhằm đánh giá chung về vấn đề quản trị đại học tại các nước trên thế giới, đồng thời đánh giá thực trạng quản trị đại học tại Việt Nam. Qua đó, đề xuất một số gợi ý cho mô hình quản trị đại học cho các trường đại học trong nước, để thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong tương lai.

Từ khoá: đại học, quản trị đại học, giáo dục.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục sau phổ thông, hay còn gọi là giáo dục chuyên biệt, được biết đến như một phần tất yếu trong giáo dục đại chúng và có một lịch sử hình thành và phát triển vĩ đại. Khác với nền giáo dục không phân giai cấp ở xã hội nguyên thủy, giáo dục chuyên biệt vào thời cổ đại tập trung đào tạo chuyên sâu cho con cái của các nhà quý tộc và nam giới là chính. Đồng thời, các trường học này được quản lý và vận hành dưới sự dẫn dắt bởi những người đại diện cho nhà nước pháp quyền và những thầy tế (priests) trong các đền thờ (Clarke, 2012; Lee, 2000).

Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục chuyên biệt đã dẫn đến sự hình thành các “Viện” và các “Đại học” mà ở đó, giới hạn cho sự tiếp cận tri thức về xuất thân và giai cấp bị xóa bỏ, chỉ còn lại tầng lớp trí thức có cùng đam mê khám phá và phát triển nền tri thức, khoa học kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển của xã hội (Lee, 2000; Moore, 2019). Lúc này, các “Viện” và “Đại học” (sau đây sẽ gọi là đại học), được quản lý bởi các nhóm thành viên bao gồm các thành viên đến từ hệ thống quản trị đất nước, các thành viên thuộc các giáo hội ở một số nước phương tây, và cộng đồng học thuật tại trường.

Sự hình thành các đại học đã dẫn đến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm khoa học phục vụ các nhu cầu thiết yếu của xã hội trong nhiều bối cảnh khác nhau. Sự mở rộng về quy mô đại học bên cạnh xu thế đại chúng và phổ thông hóa giáo dục đại học đã dẫn đến sự thiếu hụt và các khó khăn về tài chính trong vận hành đại học. Đây chính là rào cản cho sự phát triển và vận hành đại học ở cả phương Đông và phương Tây, làm phức tạp hóa mô hình QTĐH, hình thành nên xu thế tự chủ tài chính thông qua nhiều nguồn lực khác nhau ở các đại học thay vì chỉ dựa vào nguồn lực được hỗ trợ từ Nhà nước và Chính phủ (Dobbins, 2017a; Lin và cộng sự, 2020; Shattock, 2017). Bài viết này sẽ tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới về quản trị đại học tại các nước, đồng thời đề xuất gợi ý đổi mới quản trị đại học tại Việt Nam nhằm bắt kịp xu thế QTĐH trên thế giới và nhu cầu của xã hội hiện nay.

2. Thực trạng QTĐH trên thế giới

2.1. Bối cảnh QTĐH tại một số quốc gia phương Tây

Hiện nay, các xu thế thường thấy trong giáo dục đại học bao gồm: giáo dục toàn diện và đa dạng, thúc đẩy năng lực nghiên cứu, và phát triển giáo dục đại học như một mô hình doanh nghiệp nhỏ (Hong, 2018). Mức độ phụ thuộc của QTĐH vào các cơ quan quản lý sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào các nhóm yếu tố sau: (1) thể chế chính trị, (2) văn hóa - xã hội, (3) định hướng phát triển của nhóm QTĐH, và (4) nguồn lực tài chính.

Nghiên cứu tổng hợp của Shattock (2017) cho các đại học thuộc khối liên hiệp Anh đầu thế kỷ 20 đến năm 2016 đã làm rõ hơn các xu thế QTĐH. Đặc điểm chung ở các đại học tại đây là sự quản lý của các bên bao gồm hội đồng kỷ luật, hội đồng trường, hội đồng khoa học và lãnh đạo các khoa và bộ môn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hội đồng trường bắt đầu giảm với sự xuất hiện của các nhân viên đại diện cho cơ quan nhà nước và sinh viên trong công tác vận hành đại học. Các vấn đề lạm phát, gian lận và bất ổn trong hệ thống phân bổ tài chính tại các đại học ở nhóm các quốc gia trong liên hiệp Anh vào giai đoạn thập niên 70 của thế kỷ 20 đã buộc các quốc gia tại đây thay đổi cách thức QTĐH và bắt đầu xuất hiện các tập đoàn đại học (Higher Education corporations - HECs), được lập ra bởi các Đại học khoa học và công nghệ vào năm 1988 (Shattock, 2017; Sizer, 1987).

Theo đó, các đại học này sẽ vận hành như một công ty với việc loại bỏ quyền định hướng phát triển của hội đồng khoa học. Quyền này được trao vào tay của giám đốc điều hành, cùng hội đồng quản trị của tập đoàn. Việc thị trường hóa cơ chế tài chính đã thúc đẩy năng lực quản trị của hội đồng QTĐH thông qua việc quản lý rủi ro, tiếp cận và phân tích thị trường giáo dục, đồng thời tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội tiềm ẩn thông qua các hoạt động này. Do vậy, vận hành một đại học như một tập đoàn doanh nghiệp đã đem đến nhiều lợi ích cho các đại học ở khối Liên hiệp Anh về khía cạnh tài chính và phát triển năng lực quản trị.

Bên cạnh đó, Dobbins (2017b) đã tiến hành phân tích quá trình hình thành nền giáo dục của Ba Lan và Romani. Cả 2 nền giáo dục này đều có bắt nguồn từ nền giáo dục dưới sự điều hành và quản trị mạnh mẽ từ chính phủ trước khi chuyển sang mô hình tự chủ về cả vận hành và tài chính. Nghiên cứu của Dobbins đã chia QTĐH thành 3 nhánh gọi là phương thức lý tưởng, bao gồm: lấy chính phủ làm trung tâm (state - centred model), học viện tự quản (academic self - governance model), và mô hình học viện thương mại hóa (marketized model).

Ở mô hình đầu tiên, các đại học sẽ được vận hành theo phương thức “Đại học công lập” với mức độ tự chủ thấp nhất và Chính phủ sẽ tham gia vào công tác vận hành của đại học trên tất cả phương diện. Đối với hình thức “Học viện tự quản” hay còn gọi là “Đại học bán tự chủ”, các đại học thuộc nhóm này sẽ được vận hành theo hệ thống Humboldt và được tự do theo đuổi các nhánh giảng dạy và nghiên cứu học thuật phù hợp với nguyện vọng của học viện. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn chịu sự quản lý về kế hoạch phát triển và các quy tắc về chi trả tài chính của chính phủ.

Áp lực từ sự phụ thuộc vào tài chính dưới sự kiểm soát của chính phủ đã hình thành nên mô hình “Đại học thương mại hóa” và được áp dụng rộng rãi đối với việc QTĐH ở các quốc gia trong nghiên cứu tổng hợp của Dobbins. Ở mô hình này, các đại học sẽ vận hành như một doanh nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu của khu vực mà đại học đó hoạt động cũng như nhu cầu của thế giới. Cần lưu ý, ở các đại học này, Chính phủ sẽ không hoàn toàn dừng việc chi trả cho đại học mà sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động vận hành của đại học (Dobbins, 2017b).

2.2. Bối cảnh QTĐH tại các nước phương Đông

Khác với phương Tây, Nho giáo được xem như một nền tảng để xây dựng mô hình giáo dục ở phương Đông, đồng thời đưa tiêu chí “Tôn sư trọng đạo” lên hàng đầu và tạo nên dấu ấn khác biệt giữa 2 nền giáo dục (Lin và cộng sự, 2020; Marginson, 2011). Tuy nhiên, văn hóa Nho giáo lại có một điểm yếu chính là hệ thống phân tầng giáo dục quá rõ ràng, hạn chế sự tự do trong học thuật và QTĐH. Như một hệ quả tất yếu, sự bó buộc quá trình phát triển của giáo dục đại học tại các quốc gia thuộc nhóm các nước phương Đông là điều thường thấy. Philip (2016) đã làm rõ quan điểm này và chỉ ra vấn nạn với các đại học ở Trung Quốc nằm ở sự phân tầng trong nền giáo dục đại học, bằng cách chỉ ra khoảng cách trong sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ giữa nhóm một số ít các đại học hàng đầu và một lượng lớn các đại học nhỏ thuộc nhiều khu vực khác nhau tại đây.

Tuy nhiên, nhiều học giả đã chứng minh quá trình QTĐH và sự phát triển của nền giáo dục nói chung không thể tách rời khỏi mối liên hệ mật thiết với định hướng của Chính phủ nói chung và nền kinh tế xã hội nói riêng (Lin và cộng sự, 2020; Rungfamai, 2018; Song, 2020).

Thực tế, Trung Quốc đã có những thành tựu đỉnh cao trong sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội, và giáo dục. Hong (2018) đã chỉ rõ những nét chính trong công tác QTĐH tại Trung Quốc khi so sánh giữa nền giáo dục Trung Quốc và Úc trên 3  khía cạnh của QTĐH, gồm: Mối quan hệ giữa đại học và Chính phủ; Mối quan hệ điều tiết trong nội bộ QTĐH; Tài chính trong công tác điều hành đại học. Sự phát triển và đại chúng hóa giáo dục đại học đã thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển các quy định về đảm bảo chất lượng, tăng hiệu quả và phát triển nguồn vốn vận hành trong hệ thống giáo dục Đại học ở đây.

Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, Chính phủ Trung Quốc đã trao quyền bán tự chủ, tư nhân hóa, và thị trường hóa kèm chính sách tự do tìm nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, quyền kiểm soát tổng thể ở các đại học tại đây vẫn còn phụ thuộc lớn đến từ các quyết định của Chính phủ (Hong, 2018). Nhờ đó, Chính phủ đã thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển của các đại học tại đây sau khi thông qua chính sách thị trường hóa và tư nhân hóa như một doanh nghiệp trong mô hình QTĐH (Hong, 2018; Mok, 2005). Tuy nhiên, sự tập trung hóa quyền quyết định trong vấn đề cấp vốn vận hành đại học ở Trung Quốc vẫn đem đến nhiều hệ lụy lớn. Ở đó, khoảng cách trong nguồn vốn được cấp giữa các đại học lớn và các đại học ít danh tiếng là rất lớn và điều này dẫn đến sự hạn chế trong khả năng phát triển tổng thể của các đại học nhỏ nói chung và tạo ra sự thiên vị đối với các đại học nổi tiếng trong nước (Lin và cộng sự, 2020).

2.3. Đánh giá chung

Kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và các công trình nghiên cứu cho thấy, sau khi các trường đại học nhận được quyền tự chủ từ cơ quan chủ quản nhà nước, các trường đại học có xu hướng hoạt động độc lập theo cơ chế hoạt động giống như một doanh nghiệp thuộc khu vực tư vì các lợi ích nó mang lại ở cả khía cạnh học thuật và khía cạnh quản trị - tài chính. Nghiên cứu của Flórez-Parra và cộng sự (2019) tại các đại học ở Colombia đã chứng minh việc vận hành đại học như một doanh nghiệp cũng thể hiện tính minh bạch hơn trong công tác QTĐH, đặc biệt là các công việc liên quan đến tính định hướng và phát triển của đại học.

Các nghiên cứu về QTĐH tại các đại học thuộc các nước có nền giáo dục lâu đời như Anh, Pháp và Trung Quốc cũng cho thấy, việc giữ trong tay một nền tài chính vững mạnh sẽ giúp các đại học chủ động hơn trong các công tác đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của đại học đến với công chúng, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, mở rộng quy mô hoạt động, đồng thời hỗ trợ cho các nhu cầu nghiên cứu và phát triển cho các hoạt động kinh tế chính của vùng. Điều này sẽ chỉ đạt được khi có sự hỗ trợ tài chính cực kỳ vững mạnh đến từ Chính phủ, các hoạt động chuyển giao công nghệ, tri thức và nhân lực giữa đại học và doanh nghiệp, hoặc chính bản thân các đại học vận hành như một doanh nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, việc vận hành đại học như một doanh nghiệp sẽ không chỉ giúp chuẩn hóa quy trình hoạt động của đại học, mà còn giúp các đại học mô hình hóa hoạt động của mình, tìm ra được những “cổ chai” (bottle neck) tiềm ẩn có ảnh hưởng đến việc đánh giá và đề xuất mô hình quản trị hoạt động của đại học trong tương lai.

3. Thực trạng và đề xuất mô hình quản trị đại học ở Việt Nam

3.1. Thực trạng QTĐH tại Việt Nam

Mặc dù chính sách tự chủ tại các trường đại học ở Việt Nam đã được đề xuất từ lâu, tuy nhiên, đến năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học mới được chính thức đưa vào Luật Giáo dục đại học, mở ra một kỷ nguyên mới tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho nền giáo dục và quản trị đại học tại đây (Đỗ, 2018). Như vậy, chủ trương đổi mới mô hình quản lý giáo dục đại học theo mô hình doanh nghiệp, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập là phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và là xu thế đã áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế chủ quản theo mô hình doanh nghiệp tại các trường đại học vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. (Hình 1)

Hình 1: Mô hình quản trị đại học tại Việt Nam sau thời kỳ đổi mới

(Pham và cộng sự, 2019)

mo_hinh_quan_tri_dai_hoc_tai_viet_nam_sau_thoi_ky_doi_moiThực tế, quá trình đổi mới và phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước với cách làm việc chậm, quan liêu, khó tạo sự phát triển nhanh chóng và toàn diện. Việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế cùng xu thế cổ phần hóa công ty đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước thay đổi. Các trường đại học cũng không nằm ngoài quy luật này. Việc hiện thực hóa tính tự chủ một số trường đại học, đồng thời thí điểm mô hình trường đại học dựa trên mô hình doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển toàn diện của các trường đại học tại Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung.

3.2. Mô hình quản trị đại học hoạt động theo mô hình quản trị doanh nghiệp

Việc áp dụng rập khuôn các mô hình như trên sẽ không phù hợp vì tính đặc thù của nền thể chế chính trị, cũng như quy trình quản trị ở Việt Nam. Điều này cũng được đề cập trong các nghiên cứu của Pham và cộng sự (2019), trong đó sự ảnh hưởng của các cơ quan đoàn thể đại diện cho chính phủ đến quá trình QTĐH là khá lớn và chứa nhiều sự chồng chéo, phức tạp. Đối với nội bộ đại học tại Việt Nam, nhiều trường đại học có nhiều phòng, ban có cùng các chức năng, nhưng được phân ra tùy theo bậc học hoặc mục đích quá chi tiết, dẫn đến sự phức tạp trong quy trình giải quyết vấn đề, gây nhầm lẫn hoặc phức tạp trong khâu xử lý các công tác hành chính. Do đó, bài viết đề xuất mô hình quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp. 

Hình 2: Hoạt động của mô hình đại học doanh nghiệp cơ bản (Clark, 2004)

hoat_dong_cua_mo_hinh_dai_hoc_doanh_nghiep_co_ban

Để chuyển đổi từ một đại học truyền thống sang một ĐHDN, theo Clark (2004), nên thực hiện 5 bước như sau:

  • Đẩy mạnh công tác định hướng hoạt động đại học, đảm nhiệm chính bởi nhóm hội đồng quản trị tại đại học nói chung cùng lãnh đạo các phòng, ban. Ở đây, nhiệm vụ chính của nhóm các nhà lãnh đạo này chính là tìm kiếm và phân bổ các nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động trong nội bộ đại học, đồng thời sử dụng hợp lý các nguồn hỗ trợ này nhằm gìn giữ các chương trình đào tạo và các hoạt động được xem là trọng tâm cho mục đích giáo dục.
  • Thành lập nên các trung tâm phát triển ngoại vi (developmental periphery centers), là các trung tâm điều tiết cho sự kết nối giữa các hoạt động thuộc nội bộ đại học và các trung tâm, cơ sở, doanh nghiệp không thuộc phạm vi hoạt động của giáo dục nhằm tạo nguồn thu cho các sản phẩm có được trong quá trình hoạt động của đại học. Ở đây có 2 dạng trung tâm được nhắc đến: Nhóm thứ nhất là các quản trị viên thúc đẩy quá trình tư vấn, hợp tác, kết nối, chuyển giao công nghệ, và trao đổi đào tạo với các doanh nghiệp. Nhóm thứ hai chính là các phòng, ban hợp tác nghiên cứu các vấn đề đa/ liên ngành.
  • Các đại học cần mở rộng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính khác nhau thay vì chỉ dựa vào một hoặc một vài nguồn hỗ trợ chính, ví dụ nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ hoặc từ học phí của sinh viên.
  • Áp dụng các sản phẩm có được thông qua giáo dục đào tạo vào thực tiễn kinh doanh, thông qua các nghiên cứu đa/liên ngành có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ban khoa học kỹ thuật và xã hội.
  • Cuối cùng, cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

4. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với những biến động mạnh, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thần tốc và mạnh mẽ, việc thay đổi mô hình QTĐH là cực kì quan trọng và phù hợp đối với sự phát triển của xã hội. Khi đó, các sản phẩm được làm ra thông qua quá trình đào tạo và nghiên cứu mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường thông qua số lượng các sản phẩm có được từ nghiên cứu ứng dụng thay vì các nghiên cứu lý thuyết Đồng thời tạo ra được một nguồn lao động chất lượng cao phù hợp cho nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn đến từ các doanh nghiệp cả ở trong nước và nước ngoài.

 

Lời cảm ơn:

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu mô hình quản trị đại học theo mô hình quản trị doanh nghiệp” – Mã số: CT-2018-05-03".

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Altbach P.G. (1989) Twisted roots: The Western impact on Asian higher education. In: Altbach P.G., Selvaratnam V. (eds). From Dependence to Autonomy. Springer, Dordrecht. https://doi.org/10.1007/978-94-009-2563-2_1.Clark, B. (2004). Sustaining change in universities. UK: McGraw-Hill Education.
  2. Clarke, M. L. (2012). Higher education in the ancient world. UK:
  3. Đỗ, Đ. M. (2018). Cơ chế quản trị đại học tự chủ và yêu cầu hoàn thiện pháp luật tự chủ đại học ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, 34 (4), 62-74.
  4. Dobbins, M. (2012). How market-oriented is French higher education? French politics, 10(2), 134-159.
  5. Dobbins, M. (2017a). Convergent or divergent Europeanization? An analysis of higher education governance reforms in France and Italy. International Review of Administrative Sciences, 83(1), 177-199. doi:10.1177/0020852315580498.
  6. Dobbins, M. (2017b). Exploring higher education governance in Poland and Romania: Re-convergence after divergence? European Educational Research Journal, 16(5), 684-704. doi:10.1177/1474904116684138.
  7. Flórez-Parra, J. M., López-Pérez, M. V., & López-Hernández, A. M. (2019). Corporate governance in Colombian universities. International Review of Administrative Sciences, 85(3), 544-565. doi:10.1177/0020852317707331.
  8. Hong, M. (2018). Public university governance in China and Australia: a comparative study. Higher Education, 76(4), 717-733. doi:10.1007/s10734-018-0234-5.
  9. Lee, T. H. (2000). Education in traditional China: A history (Vol. 13). Leiden, Boston : Brill.
  10. Lin, W., & Yang, R. (2020). Centralising, decentralising, and recentralising: a case study of the university-government relationship in Taiwan. Journal of Higher Education Policy and Management, 1-24. doi:10.1080/1360080X.2020.1724599.
  11. Marginson, S. (2011). Higher education in East Asia and Singapore: rise of the Confucian Model. Higher Education, 61(5), 587-611. doi:10.1007/s10734-010-9384-9.
  12. Mok, K.-h. (2005). Globalization and educational restructuring: University merging and changing governance in China. Higher Education, 50(1), 57-88. doi:10.1007/s10734-004-6347-z.
  13. Moodie, G. C., & Eustace, R. (1974). Power and Authority in British Universities. Québec, Canada: McGill-Queen's University Press.
  14. Moore, J. C. (2019). The Middle Ages: 500–1500 A Brief History of Universities (pp. 9-36): Germany: Springer.
  15. Pham, H. T. T., Nguyen, G. T. H., Vu, A. T. M., & Hoang, Q. N. (2019). Higher Education Governance-International Experience and Lessons for Vietnam. VNU Journal of Science: Education Research, 35(3).
  16. Philip, G. A. (2016). Chinese Higher Education: “Glass Ceiling” and “Feet of Clay”. International Higher Education, 0(86). doi:10.6017/ihe.2016.86.9364.
  17. Rowlands, J., & Ngo, M. T. (2018). The north and the south of it: academic governance in the US, England and Australia. Higher Education Research & Development, 37(7), 1501-1514. doi:10.1080/07294360.2018.1498462.
  18. Rungfamai, K. (2018). Governance of National Research University in Southeast Asia: the case of Chiang Mai University in Thailand. Studies in Higher Education, 43(7), 1268-1278. doi:10.1080/03075079.2016.1250072.
  19. Shattock, M. (2017). University governance in flux. The impact of external and internal pressures on the distribution of authority within British universities: A synoptic view. Higher Education Quarterly, 71(4), 384-395. doi:10.1111/hequ.12132.
  20. Sizer, J. (1987). Institutional Responses to Financial Reductions in the University Sector: Report of a Research Project Directed by Professor John Sizer. Comparative Analysis. Comparative Analysis of Universities' Case Studies: Department of Education and Science.
  21. Song, S.-Y. (2020). How Does Variation in the State’s Choice Over Higher Education Governance Affect University Restructuring? A Time-Series-Cross-Sectional Analysis. Education and Urban Society, 52(1), 92-116. doi:10.1177/0013124519861948.

 

AN OVERVIEW ON UNIVERSITY MANAGEMENT

IN SOME COUNTRIES AND IN VIETNAM

TRINH THUY ANH 1

NGUYEN PHAM KIEN MINH 1

BUI QUANG HUNG 2

1 Ho Chi Minh City Open University

 2 University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

University management has attracted great attention from many researchers and educational managers. This paper generally assesses the university management of countries in the world and the current university management in Vietnam. Based on the paper’s findings out, some suggestions about university management models are presented in order to improve the quality of universities’ training programs in the future.

Keywords: university, university management, education.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 7, tháng 3 năm 2021]