Tổng quan về thanh toán điện tử tại Việt Nam

Vũ Văn Điệp (Khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật)

TÓM TẮT:

Mục đích của bài báo này là giới thiệu tổng quan về thanh toán điện tử, các khái niệm, lợi ích của thanh toán điện tử, bên cạnh đó tác giả trình bày các hệ thống thanh toán điện tử, cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử và các phương thức thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Từ khóa: Thanh toán điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, thương mại điện tử.

1. Đặt vấn đề

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã tạo tiền đề cho thương mại điện tử phát triển. Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, Internet đã trở thành phương tiện phổ biến cho truyền thông, dịch vụ và thương mại (Narges Delafrooz và cộng sự, 2010). Internet và thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức mua hàng truyền thống của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ không còn bị giới hạn về thời gian và địa điểm mà họ có thể mua các sản phẩm và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào (Hasslinger và cộng sự, 2007). Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã làm thay đổi môi trường kinh doanh trên thế giới, do đó các giao dịch kinh doanh cũng thay đổi từ các giao dịch tiền mặt chuyển sang giao dịch tiền điện tử (Mohamad, Haroon và Najiran, 2009). Các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh tiếp tục phát triển trên nền tảng thương mại điện tử, giải pháp thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt (Dennis, 2004). Trong môi trường thương mại điện tử, thanh toán trao đổi tiền ở dạng điện tử gọi là thanh toán điện tử, thanh toán điện tử là một phần không thể tách rời và là một phần quan trọng nhất của thương mại điện tử, nói chung thanh toán điện tử được sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua trực tuyến thông qua việc sử dụng Internet (Roy và Sinha, 2014).

Tại Việt Nam, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp khai thác mô hình ví điện tử nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có 9 doanh nghiệp như: Payoo, MoMo, Mobivi, Ngân Lượng… được cấp phép thử nghiệm loại hình dịch vụ này.

2. Tổng quan về thanh toán điện tử

2.1. Khái niệm về thanh toán điện tử

Trong hai thập kỷ qua, hệ thống thanh toán điện tử đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà nghiên cứu và thiết kế hệ thống thông tin do vai trò quan trọng của nó trong thương mại điện tử hiện đại. Điều này dẫn đến các nghiên cứu và có những quan điểm khác nhau về định nghĩa thanh toán điện tử của một số các nhà nghiên cứu. Các khái niệm này chủ yếu là nhìn từ những góc độ khác nhau, từ các học giả trong lĩnh vực kế toán và tài chính, công nghệ kinh doanh và hệ thống thông tin. Ví dụ, Dennis (2004) định nghĩa hệ thống thanh toán điện tử như một hình thức cam kết tài chính có liên quan đến người mua và người bán thông qua việc sử dụng các thông tin liên lạc điện tử. Briggs và Brooks (2011) cho rằng, thanh toán điện tử là một hình thức liên kết giữa các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ bởi các ngân hàng cho phép trao đổi tiền điện tử. Ở góc độ khác, Peter và Babatunde (2012) xem hệ thống thanh toán điện tử là một phương thức chuyển khoản qua Internet. Theo Adeoti và Osotimehin (2012), hệ thống thanh toán điện tử dùng để chỉ một phương tiện điện tử thực hiện thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mua sắm trực tuyến tại các siêu thị và trung tâm mua sắm. Một định nghĩa khác cho thấy rằng, thanh toán điện tử là các khoản thanh toán trong môi trường thương mại điện tử với hình thức trao đổi tiền thông qua các phương tiện điện tử (Kaur và Pathak, 2015). Thanh toán điện tử là một cách trả tiền điện tử cho hàng hóa hoặc dịch vụ khi mua sắm, thay vì sử dụng tiền mặt hoặc séc, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hệ thống thanh toán điện tử thường được phân loại thành bốn loại: Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, tiền điện tử, hệ thống micropayment (Maiyo, 2013).

Ngoài ra, Teoh, Chong, Lin, và Chua (2013) xem thanh toán điện tử như bất kỳ chuyển giao của một giá trị thanh toán điện tử của người nộp để thụ hưởng thông qua một kênh thanh toán điện tử cho phép người tiêu dùng truy cập từ xa và quản lý tài khoản ngân hàng và giao dịch qua mạng điện tử.

Tóm lại, theo các định nghĩa trên, hệ thống thanh toán điện tử có thể chỉ đơn giản là một tập hợp các thành phần và quy trình cho phép hai hoặc nhiều bên tham gia giao dịch và giá trị tiền trao đổi thông qua phương tiện điện tử.

2.2. Lợi ích của thanh toán điện tử

Theo Garadahew Warku (2010), tất cả các phương thức thanh toán điện tử có một số đặc điểm như: Tính độc lập, di động, ẩn danh, bảo mật, dễ sử dụng, chi phí giao dịch, thuận tiện, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc. Hệ thống thanh toán điện tử có lợi cho người bán hàng trực tuyến, bởi vì thanh toán điện tử cho phép họ để giao dịch bán hàng trực tuyến mọi lúc mọi nơi thay vì bị giới hạn trong một cửa hàng; Giảm chi phí xử lý hoạt động và đồng thời tiết kiệm giấy in ấn cho biên lai, hoá đơn; Cho phép khách hàng, người tiêu dùng tiếp cận với thị trường toàn cầu.

Theo Hord (2005), thanh toán điện tử là rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần nhập thông tin tài khoản của mình như số lượng, địa chỉ thanh toán và thẻ tín dụng. Thông tin sau đó được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu trên máy chủ web của nhà bán lẻ. Khi người tiêu dùng quay trở lại trang web, chỉ cần đăng nhập với tên truy cập và mật khẩu. "Hoàn thành một giao dịch đơn giản như cách nhấn chuột. Tất cả người tiêu dùng phải làm là xác nhận đang thực hiện mua hàng" (Hord, 2005).

Thanh toán điện tử làm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các khoản thanh toán hơn đó được xử lý bằng điện tử, chi phí ít hơn là sử dụng giấy và bưu chính. Cung cấp thanh toán điện tử cũng có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện duy trì người tiêu dùng. Người tiêu dùng có nhiều khả năng trở lại với trang web thương mại điện tử nơi mà thông tin của họ đã được nhập và lưu trữ (Hord, 2005).

Theo Cobb (2005), "Thanh toán điện tử chi phí giao dịch thấp hơn có thể kích thích GDP và tiêu dùng cao hơn, tăng hiệu quả của chính phủ, tăng cường vai trò trung gian tài chính và cải thiện tính minh bạch tài chính". Cobb nói thêm rằng: "Chính phủ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra một môi trường mà trong đó những lợi ích có thể đạt được một cách phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế".

Sử dụng các công cụ thanh toán điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng dưới hình thức chi phí giảm, thuận tiện hơn, phương tiện đáng tin cậy an toàn hơn trong thanh toán và nhiều tiềm năng lớn cho hàng hóa và dịch vụ được cung cấp trên toàn thế giới qua Internet hoặc mạng điện tử khác (Humphrey và cộng sự, 2001). Thanh toán điện tử cho phép người tiêu dùng xử lý các giao dịch tài chính hàng ngày mà không cần phải truy cập vào chi nhánh ngân hàng địa phương của họ. Thanh toán điện tử tiết kiệm thời gian và chi phí (Appiah và Agyemang, 2006).

2.3. Hạ tầng thanh toán điện tử tại Việt Nam

Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đã đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành.

Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%. Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện, số lượng các máy POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.

+ Dịch vụ Ví điện tử: Các tổ chức không phải ngân hàng đã được cấp phép thực hiện dịch vụ Ví điện tử gồm 6 tổ chức: Banknetvn, VNPay, M_Service, BankPay, Vietnam Online, VietUnion. 38 ngân hàng thương mại đã tham gia phối hợp triển khai dịch vụ Ví điện tử.

+ Hệ thống chuyển mạch thẻ: Ngày 1/4/2015, Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn và Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink đã sáp nhập thành Trung tâm Chuyển mạch thẻ thống nhất, cho phép chủ thẻ của một ngân hàng có thể rút tiền hoặc thanh toán tại hầu hết ATM/POS của các ngân hàng khác.

+ Thẻ thanh toán: Tổng lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường tính đến quý 1/2017 có 116 triệu thẻ. Bên cạnh các dịch vụ rút tiền mặt, chuyển khoản, sao kê các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ như: Thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, vé máy bay hoặc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

+ Các dịch vụ thanh toán qua Internet và điện thoại: Hiện có 67 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet Banking) và 37 ngân hàng thương mại cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (Mobile Banking).

+ Thanh toán thẻ xuyên biên giới: Các hệ thống thanh toán thẻ quốc tế như VISA, MarterCard, American Express, Diners Club/Discover (Mỹ), Union Pay (Trung Quốc) cung cấp 2 dòng thẻ phổ biến là thẻ tín dụng (Credit Card) và thẻ ghi nợ (Debit Card). Những thẻ này có các tính năng như rút tiền mặt ATM, thanh toán tiền khi mua hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán (POS), thanh toán trực tuyến (Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 12/2015).

2.4. Các phương thức thanh toán điện tử

Thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tửlà một khái niệm không còn xa lạ với người dùng Internet. Thanh toán là một trong những vấn đề cần quan tâm nhất của kinh doanh thương mại điện tử. Các loại hình thanh toán được các công ty kinh doanh thương mại điện tử áp dụng là:

2.4.1. Thanh toán bằng thẻ

Là hình thức thanh toán đặc trưng nhất của giao dịch thương mại trực tuyến trên Internet. Thanh toán bằng thẻ tín dụng chiếm tới 90% trong tổng số các giao dịch thương mại điện tử. Với cách thanh toán này giúp cho người mua hàng trực tuyến có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch với nhà cung cấp ở mọi nơi mọi lúc một cách nhanh chóng nhất.

Thanh toán trực tuyến bằng thẻ có hai loại sau:

* Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế: Với hình thức thanh toán này, người tiêu dùng sở hữu các loại thẻ mang thương hiệu Visa, Master, American Express, JCB có thể thanh toán hơn 60 website đã kết nối với cổng thanh toán OnePay.

* Thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa: Đây là hình thức chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam nhưng lại rất phổ biến ở nước ngoài, là thẻ được giới hạn trong phạm vi một quốc gia, do các ngân hàng, tổ chức trong nước phát hành, đồng tiền giao dịch phải là bản tệ của nước đó. Với cách thanh toán này, các chủ thẻ đa năng tại Đông Á và chủ thẻ tại Connect 24 của Vietcombank đã có thể thực hiện thanh toán trực tuyến tại các website đã kết nối với Ngân hàng Đông Á và cổng thanh toán OnePay.

2.4.2. Thanh toán trực tuyến

Đây là một dịch vụ trung gian, giúp chuyển tiền thật từ tài khoản ngân hàng thành một loại tiền ảo trên mạng nhưng vẫn có khả năng sử dụng như tiền thật để mua sắm và sử dụng thanh toán trực tuyến. Hình thức thanh toán này bảo mật hơn so với hình thức thanh toán truyền thống. Để sử dụng thanh toán trực tuyến, người tiêu dùng cần có một tài khoản trên một dịch vụ trung gian nào đó và liên kết tài khoản đó với ngân hàng, hiện nay có một số cổng thanh toán tốt như: OnePay, VTC…

2.4.3. Thanh toán bằng Ví điện tử

Với hình thức thanh toán này, người tiêu dùng phải sở hữu ví điện tử của Mobivi, Payoo, VnMart, NetCash, từ đó có thể thanh toán trực tuyến trên một số website đã chấp nhận ví điện tử này. Ví điện tử có thể được gắn kết với tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giữa ví điện tử và tài khoản. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể nạp tiền vào ví bằng cách nộp tiền mặt, chuyển khoản. Chi phí phải trả cho hình thức này tương đối thấp, chi phí đăng ký dịch vụ thường được miễn phí.

2.4.4. Thanh toán bằng thiết bị di động thông minh

Đây là một hình thức thanh toán ra đời trong nền kinh tế số hóa, khá phổ biến và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai với đại đa số người tiêu dùng bây giờ ai cũng đã quá quen thuộc và sử dụng thành thạo Smartphone. Với dịch vụ này khi đi mua sắm, người tiêu dùng không cần phải mang theo tiền mặt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại di động thông minh với dịch vụ Mobile Banking.

Hệ thống thanh toán qua điện thoại được xây dựng trên mô hình liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ: Ngân hàng, các nhà cung cấp viễn thông, hệ thống tiêu dùng, người tiêu dùng.

Hiện nay trên thị trường hình thức thanh toán này có một số nhà cung cấp như: Samsung, Apple, Androi, tuy nhiên có một hạn chế hình thức thanh toán này chỉ thực hiện trên các thiết bị di động đời mới Smartphone.

2.4.5. Trả tiền mặt khi giao hàng

Đây là hình thức được người mua hàng tin dùng hơn cả vì đảm bảo hàng tận tay tới người tiêu dùng sau đó mới thanh toán. Hầu hết các website thương mại điện tử đều áp dụng phương thức COD (Cash On Delivery) cho phép người mua hàng đặt hàng trước mà không phải đặt cọc tiền và sau khi nhận được hàng thì người mua có thể kiểm tra chất lượng hàng hóa, nếu hài lòng thì tiến hành thanh toán trực tiếp cho người giao hàng.

2.4.6. Thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng

Thông qua ATM hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, người mua hàng chuyển tiền của mình sang tài khoản của người bán một số tiền nhất định hoặc có giá trị bằng hàng hóa đặt mua trước khi nhận được hàng. Hình thức thanh toán này chỉ nên thực hiện khi mua hàng tại các website lớn và có uy tín hoặc hai bên là khách quen của nhau. Bên cạnh lợi ích nó mang lại là người mua và người bán có thể thanh toán tiền cho nhau khi ở xa nhau thì cũng có những rủi ro cho người mua, khi người bán không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng, không như cam kết khi rao bán, quảng cáo và khó có thể đổi lại được hàng hóa nếu không ưng ý.

3. Kết luận

Những ưu điểm trên của thanh toán điện tử sẽ là những lợi thế để thanh toán điện tử tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số hóa trong tương lai. Tóm lại, tuy ít phát triển nhất trong thương mại điện tử nhưng thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện nay cũng đã có những thay đổi nhất định và thật nổi bật. Những thay đổi đó đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử trong các ngân hàng nói riêng và sự phát triển của thương mại điện tử nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Adeoti, O. & Osotimehin, K. (2012). Adoption of Point of Sale Terminals in Nigeria: Assessment of Consumers' Level of Satisfaction. Research Journal of Finance and Accounting. 3 (1), 1-5.

2. Appiah, Alexander & Agyemang, Fred (2007). Electronic Retail Payment Systems: User Acceptability and Payment Problems in Ghana.

3. Baddeley, M. (2004). Using e-cash in the new economy: An economic analysis of micropayment systems. Journal of Electronic Research, Vol. 5 No. 7, pp. 239-253.

4. Briggs, A. & Brooks, L. (2011). Electronic Payment Systems Development in a Developing Country: The Role of Institutional Arrangements. The Electronic Journal on Information Systems in Developing Countries, 49(3), 1-16.

5. Cobb Anne (2004), http://www.ameinfo.com/50050.html

Dennis, A. (2004). Electronic Payment System: User-Centered Persnective and Interaction Design. Eindhoven, Netherland: Technische.

6. Eastin, M.J. (2002). Diffusion of e-commerce: An analysis of the adoption of four ecommerce activities. Telematics and Informatics, Vol. 19 No. 3, pp. 251-267.

7. Hasslinger, A., Hodzic, S., & Obazo, C. (2007). Consumer behaviour in online shopping. Kristianstaad University Department of Business Studies.

8. Hord, J. (2005). How electronic payment works , available at: http:// www.nu.e association.ca/cim/dbf/how_electronic_payment_works_ English.pdf?

9. Humphrey, D.B. & Hancock, D. (1997). Payment Transactions, Instruments and Systems: A Survey. Journal of Banking and Finance, 21, 1573-1624.

10. Garadahew.W. (2010). Electronic Banking in Ethiopia Practices, Opportunities and Challenges. Journal of internet banking and commerce, vol, 15 no, 2. Http://www.CBE bank eth.et .visited on February, 25, 2014. Http://www.eurotechnology.com/store/mobilepayment.Visted on March, 15, 2014. Http://www.answers.com/topic/paymentVisited on March, 17, 2014. Http://ecb,int/events/pdf/conferences/E-payment. Visited on, March 17, 2014. Juang, W.S. (2006). D-cash. A flexible pre paid e-cash scheme for date attachment accepted for electronic commerce research and applications.

11. Peter, M. O. & Babatunde, P. J. (2012). E-Payment: Prospects and Challenges in Nigerian Public Sector. International Journal of Modern Engineering Research, 5(2), 3104-3106.

12. Roy, S., & , I. (2014). Determinants of Customers Acceptance of Electronic Payment System in Indian Banking Sector–A Study. International Journal of Scientific and Engineering Research, 5(1), 177-187.

13. Kaur Manjot, E-Commerce, Kalyani Publcation, New Delhi (2012).

Maiyo, J. (2013). The Effect of Electronic Banking on Financial Performance of Commercial Banks In Kenya, Unpublished MBA Thesis University of Nairobi.

14. Mohamad, A., Haroon, A. & Najiran, A. (2009). Development of Electronic Money and its Impact on the Central Bank Role and Monetary Policy. Issues in Information Science and Information Technology. 6 (1), 339-344.

15. Narges Delafrooz, Laily Hj. Paim and Ali Khatibi (2010). Students Online Shopping Behavior: An Empirical Study, Journal of American Science, 6(1).

16. Lim, B., Lee, H. and Kurnia, S. (2006). Why did an electronic payment system fail? A case study from the system providers perspective , available at: www.collecter2006.unisa.edu.au/Paper%2011%20Benjamin%20Lim.pdf (accessed December 14, 2009).

17. Teoh, W. M., Chong, S.C, Lin, B. & Chua J. W. (2013). Factors Affecting Consumers Perception of Electronic Payment: An Empirical Analysis. Internet Research, 23(4), 465 - 485.

http://ketoanducminh.edu.vn/tin-tuc/103/3110/6-Hinh-thuc-thanh-toan-truc-tuyen-tai-Viet-Nam-hien-nay.html

Overview of electronic payments in Vietnam

Vu van diep

ABSTRACT:

The purpose of this article is to introduce an overview of electronic payment, concepts and benefits of electronic payment, and the author presents the electronic payment infrastructure, electronic payment systems and electronic payment methods in Vietnam.

Keywords: Electronic payment, information technology, digital, e-ecommerce.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây