TP. Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Theo đó, Thành phố đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ hàng phục vụ người dân.

Website Thành ủy TP HCM dẫn báo cáo của Sở Công thương TP HCM cho biết sau 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021, các đơn vị đã nỗ lực để đảm bảo hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn Thành phố.

sieu thị
Các siêu thị nỗ lực phục vụ đầy đủ hàng hóa cho người dân

Theo đó, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường Thành phố trung bình hơn 5.000 tấn/ngày; để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân, Thành phố đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ hàng phục vụ người dân.

Sở Công thương TP HCM đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, TP Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mni, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa; đã tăng cường tổ chức các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư. Tính đến ngày 22/7/2021, Thành phố đã tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận - huyện, TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa hình thành thêm một kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 điểm bán/ngày với giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường, giúp mọi người dân đều được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

Sở Công thương TP HCM phối hợp Thành đoàn TP HCM tổ chức Chương trình “Chợ nghĩa tình” nhằm đưa hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, khu phong tỏa; đã hỗ trợ cho 2.077 hộ dân sinh sống tại các khu cách ly, vùng phong tỏa trên địa bàn Thành phố (ước tính quy mô phục vụ là 8.308 dân). Đồng thời, phối hợp Thành Đoàn TP HCM, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận triển khai Chương trình “Siêu thị 0 đồng” với 10 điểm bán/1 ngày, theo hình thức tặng phiếu mua hàng cho người dân tự lựa chọn trong siêu thị các nhu yếu phẩm cần thiết. Đến nay, Chương trình đã mở được 13 điểm siêu thị offline tại TP Thủ Đức và 9 quận - huyện; hỗ trợ cho hơn 7.000 hộ gia đình, công nhân nghèo và 5.500 sinh viên tại 34 ký túc xá.

hang thiet yeu
Xe rau nghĩa tình được đưa đến từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn

Để từng bước khôi phục hoạt động của chợ truyền thống, hiện Thành phố đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dân đi chợ như mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (đang thí điểm tại Chợ Tân Chánh Hiệp, Quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” (đang thí điểm tại Chợ Bình Thới, Quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, Thành phố sẽ triển khai nhân rộng thực hiện đồng bộ cho các chợ truyền thống trên địa bàn.

Về công tác đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm khi TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8/2021, TP HCM sẽ triển khai các giải pháp cụ thể.

Tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng (có thể sử dụng mặt đường làm nơi họp chợ), có màn ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chợ và tiểu thương.

Triển khai giải pháp thiết lập điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời gần các chợ đầu mối nhằm điều tiết, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM.

 

Theo Moit.gov.vn