TP.HCM chính thức trình Thủ tướng Đề án xây dựng "siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được UBND TP.HCM chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng, khai thác cảng trước năm 2030.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM. (Nguồn: Portcoast)

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Thành phố vừa chính thức có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo UBND TP.HCM, việc triển khai Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2013/QH15 của Quốc hội Khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời làm cơ sở định hướng lộ trình triển khai đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng kỹ thuật kết nối với cảng và các vấn đề liên quan đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phát huy hiệu quả và bền vững.

Dự kiến khai thác Cảng giai đoạn 1 trước năm 2030

Đề án định hướng phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Hướng tới xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEU.

Vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Quy mô cảng dự kiến đáp ứng khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 TEU), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 TEU) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 TEU). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.

Về Kế hoạch đầu tư cảng, trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính), giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; năng lực nhà đầu tư, sẽ được cấp thẩm quyền đánh giá trong các bước triển khai dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

cù lao
Vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Tạo động lực thu hút đầu tư FDI cho toàn vùng Đông Nam bộ

Đánh giá tác động của đầu tư dự án, theo Đề án, đối với TP.HCM và huyện Cần Giờ, khi Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), có thể đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động. Tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam bộ; tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Đối với phạm vi cả nước, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian. Phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam bộ, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia. Bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng hiện hữu, tương hỗ, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4, tạo cơ hội đưa khu vực này (cả khu Cái Mép - Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế của thế giới.

Thanh Hà