Tiền Giang và Bến Tre là 2 địa phương nằm ven sông Tiền có diện tích cây ăn quả đứng đầu vùng ĐBSCL. Gần đây, do nhà vườn áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn GAP đi đôi với công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu nên trái cây khu vực này xuất khẩu mạnh, vào được một số thị trường "khó tính".

Năm qua, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được mùa xuất khẩu, trong đó mặt hàng rau quả vẫn vượt trội. Toàn tỉnh đã xuất trên 10.000 tấn, thu về hơn 17 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị. 

Nhiều loại trái cây đặc sản của  địa phương gồm: xoài cát Hòa lộc, Thanh long, Chôm chôm, Vú sữa Lò Rèn, bưởi Da xanh... từng bước xâm nhập sâu vào thị trường khó tính,  như Hoa Kỳ, Châu Âu… Đi đầu là hơn 5.000ha cây thanh long bên cạnh xuất sang thị trường Trung Quốc thì đã có khoảng 100ha của  Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo đã xuất khẩu sang Hòa Kỳ, với giá cao hơn tiêu thụ nội địa 10%. 

Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhà vườn phải thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng biện pháp canh tác an toàn sinh học, không có dư lượng chất hóa học trên trái thanh long. 

Ông Cao Văn Hiền, nhà vườn trồng hơn 1 ha thanh long Global GAP ở ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, là một xã viên của Hợp tác xã Thanh Long Mỹ Tịnh An, chia sẻ: "Khâu chăm sóc là quan trọng, làm tất cả thuộc về sinh học rất ổn đối với sức khỏe. Cán bộ kỹ thuật thì cứ 10 ngày đến 1 lần. Bây giờ mình chăm sóc đẹp, đúng tỉ lệ ngon lành thì đầu ra không phải lo rồi. Hôm trước trái thanh long ở ngoài chỉ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng Hợp tác xã (HTX) mua 10.000 đồng/kg. Hiện HTX có đến 100 thành viên".

Đến nay, hơn 100 ha vườn cây vú sữa Lò rèn của gần 300 hộ nông dân ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã được cấp mã code để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thông qua 6 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ánh Dương Sao, Công ty Màu xanh Vĩnh Cửu, Công ty Trái cây Tươi Xanh. Hiện nay, thị trường xuất khẩu trái vú sữa rất hút hàng.

Tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy có gần 1.000 ha vườn cây ăn trái. Ngoài cây Sầu riêng, Mít, Hồng Xiêm thì có 35 ha vườn vú sữa đã xâm nhập thị trường khó tính. Để đạt các tiêu chuẩn đề ra để xuất khẩu trái cây là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của nhà vườn.

Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, cho biết thêm: "Xuất khẩu sang nước ngoài thì tiêu chuẩn rất cao, UBND xã có kết hợp với các đoàn thể  tuyên truyền, vận động làm sao những trái cây xuất sang nước ngoài thì mình phun thuốc làm sao cho cách ly. Thứ hai là phải bao trái để tránh trường hợp phun thuốc nhiều quá còn dư lượng trong trái xuất khẩu ra nước ngoài rất khó. So với trước ý thức người dân nâng lên rất nhiều. Nói chung là bảo vệ sức khỏe cộng đồng là bảo vệ chính bản thân mình thôi. Cái này sắp tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền để người dân ý thức hơn nữa".

Ngoài hơn 70.000 ha cây dừa, tỉnh Bến Tre còn có gần 40.000 vườn cây ăn trái chuyên canh với 5 chủng loại chủ lực như: nhãn, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, cho sản lượng gần 400.000 tấn/năm. Gần đây, các loại trái cây này đã vươn xa ra thị trường khó tính. Để phục vụ “chiến lược” xuất khẩu, các ngành, các cấp và nông dân địa phương đã nhân rộng các mô hình GAP, nhất là GlobalGAP.

Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 300ha được chứng nhận GAP, chủ yếu là chôm chôm và bưởi da xanh, nhãn. Tỉnh Bến Tre đã có nhiều loại trái cây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như: Sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, bưởi da xanh và dừa Xiêm xanh của  nông dân huyện Giồng Trôm và Thành phố Bến Tre.

Đồng thời, địa phương đã xây dựng và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.  Riêng trái nhãn ở huyện Bình Đại đã được cấp mã code đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Australia.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, nhà vườn trồng trang trại 07 ha nhãn ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phấn khởi: "Bên phía Australia đã có tham quan nghiên cứu cây nhãn của mình để xuất qua. Mình cũng đang chờ phương hướng phía Australia thứ nhất là nhu cầu sản xuất: phân, thuốc để phun xịt cho câ để đạt tiêu chuẩn xuất sang Australia. Nếu mà nhãn xuất khẩu được sang thị trường Australia thì rất là mừng, được thị trường lớn nông dân rất mừng".

Bênh cạnh những mặt đạt được thì vấn đề xuất khẩu trái cây, nhất là sang thị trường khó tính ở Tiền Giang, Bến Tre cũng như các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp một số khó khăn, tồn tại. Đó là tình trạng  sản lượng sản phẩm đầu vào chưa ổn định, chất lượng chưa đồng đều; công tác bảo quản sau thu hoạch còn yếu; chưa hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà vườn; khâu liên kết sản xuất chưa chặt chẽ….

Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Hiện tại trái cây của Việt Nam mình trồng rất nhiều, thị trường xuất khẩu rất cần nhưng mà chất lượng chưa đạt. Bây giờ nông dân phải tổ chức lại sản xuất, phối hợp với chính quyền. Ngành nông nghiệp phải có cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn bà con sản xuất trái cây theo chuẩn GAP, phải bao trái, quản lý sâu bệnh cho chặt chẽ để xuất sang thị trường Châu Âu".

Đặc biệt một số loại trái cây do chưa xây dựng được thương hiệu, vướng một số rào cản trong xuất khẩu chính ngạch cần được các Bộ, ngành TW quan tâm, tháo gỡ.

Bà Nguyễn Nguyễn Thị Hồng Dung, chủ doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang kiến nghị "Trái sầu riêng chỉ xuất khẩu Trung Quốc số lượng nhiều thôi, trong nước ăn không được bao nhiêu, còn đi các nước khác thì không đủ tiêu chuẩn. Tôi muốn kiến nghị sao cho Bộ Công thương ký kết hoặc làm giấy tờ gì đó hợp pháp  để trái sầu riêng xuất qua Trung quốc. Cây sầu riêng năm này càng phát triển nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp mình đâu có con đường nào xuất".

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cũng như các địa phương vùng ĐBSCL đang có lộ trình, hướng phát triển ngành hàng trái cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và thích nghi với biến đổi khí hậu, hướng đến xuất khẩu. Các vấn đề chất lượng sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu, quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất tiếp tục duy trì và nhân rộng. 

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre có ý kiến "Chúng ta phải có những bước rất rõ, phải quy hoạch lại vùng sản xuất mà theo hướng chuỗi, hình thành những vùng sản xuất gắn với thị trường. Vấn đề thứ hai là áp dụng thực hành nông nghiệp tốt. Đó là áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc gắn với chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi thấy cũng cần quan tâm những giải pháp để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản để  giúp cho người tiêu dùng hiểu biết, người ta có hướng sử dụng tốt hơn cũng như xuất khẩu".

Dòng sông Tiền nước ngọt quanh năm, mang nặng phù sa rất thích hợp cho vườn cây ăn trái xum xuê trĩu quả. Giải quyết được vấn đề đầu ra, khi trái cây xâm nhập được thị trường “khó tính” sẽ nâng cao giá trị trái cây, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhà vườn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng  đất chín sông mà thiên nhiên đã ban tặng.