Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 10/2023 tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9

Trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9/2023 (23,4 nghìn tỷ đồng).
trái phiếu doanh nghiệp
10 tháng đầu năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 45,1% so với cùng kỳ

Nhà đầu tư tổ chức mua 95% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp

Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9 (23,4 nghìn tỷ đồng).

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng (giảm 45,1% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).

Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 5/3/2023), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 179,5 nghìn tỷ đồng.

Về mua lại trái phiếu doanh nghiệp, từ đầu năm các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.

Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Trên thị trường thứ cấp tính đến 30/6/2023, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).

Về đáo hạn, khối lượng đáo hạn năm 3 tháng cuối năm 2023 là 61,6 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành.

Các nhóm giải pháp chính bao gồm: (i) Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; (ii) tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; (iii) Theo dõi thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; (iv) Tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; (v) Rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; (vi) Nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; (vii) Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước. 

"Các giải pháp nêu trên đã được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các Bộ ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính đã và đang phân công các đơn vị chuyên môn triển khai, đảm bảo thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt”, Bộ Tài chính cho biết.

Ngày 05/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó, đáng chú ý là một số quy định mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán.

Theo quy định trước đây tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP, đã bổ sung quy định, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Về việc kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, theo quy định cũ tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.

Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã điều chỉnh quy định này, cụ thể, việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc: Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP; Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Việt Hằng