TÓM TẮT:

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động huy động vốn, chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, bảo đảm quyền cho các cổ đông nhỏ lẻ và tăng cường sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng. Tuy nhiên, cơ chế thông thoáng đi liền với rủi ro và tranh chấp, dẫn đến nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng cao. Bài viết phân loại các dạng tranh chấp trong công ty cổ phần, từ đó đề xuất các cơ chế giải quyết tranh chấp, hạn chế và giải pháp.

Từ khóa: tranh chấp, công ty cổ phần, cổ đông, giải quyết tranh chấp, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

          Công ty cổ phần (CTCP) xuất hiện đầu tiên trên thế giới là Công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh (1600 - 1874). Công ty được thành lập ngày 31/10/1860 bởi một nhóm có 218 người, và được cấp phép độc quyền kinh doanh trong vòng 15 năm ở vùng Đông Ấn, các quốc gia và hải cảng ở Châu Á, Châu Phi. Ngày 01/6/1874, Công ty bị giải thể khi giấy phép lần sau cùng không được gia hạn. Sau đó thấy rõ sự phù hợp và cần thiết của loại hình này, một số nước như: Mỹ, Thụy Sỹ và Châu Âu đã phát triển và hoàn thiện quy định về loại hình doanh nghiệp này.

Ở Việt Nam, năm 1931, trong “Bộ Dân luật thi hành tại các tòa án Bắc Kỳ” đã ghi nhận loại hình CTCP với cái tên “hội vô danh”. Vào thời kỳ Pháp thuộc, Bộ luật Thương mại Pháp ra đời năm 1807 có quy định về hình thức CTCP. Năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Bộ luật Thương mại, trong đó CTCP được gọi là hội nặc danh với đặc điểm “gồm có các hội viên mệnh danh cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình thức cổ phần và chỉ được thành lập nếu có số hội viên từ 7 người trở lên. Năm 1990, Luật Công ty được ban hành, hình thức CTCP mới chính thức được quy định cụ thể.

Trải qua nhiền lần sửa đổi và xây dựng luật mới, hiện nay Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định khá hoàn chỉnh về CTCP. Sự cải cách và thông thoáng trong quy định về CTCP đã giúp cho công ty chủ động trong hoạt động huy động vốn, nâng cao sức đề kháng trước nền kinh tế bị khủng hoảng bởi dịch Covid toàn cầu cũng như tăng cường sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ lụy của cơ chế mở là phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong CTCP ngày càng gia tăng và nhu cầu về giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều. Thực trạng này đang đòi hỏi Nhà nước cần phải có quy định đồng bộ về quy chế, cơ quan giải quyết tranh chấp để thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế thị trường.

2. Khái niệm, nhận diện các loại tranh chấp giữa các cổ đông trong CTCP

2.1. Một số khái niệm cơ bản

2.1.1. Cổ đông

Theo Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của CTCP”, về bản chất, cổ đông là những chủ đầu tư đóng góp tài sản để sở hữu ít nhất một cổ phần của CTCP. Việc tham gia vào quá trình kinh doanh hoạt động sản xuất nhằm thu lợi dưới sự giám sát và bảo hộ bởi hệ thống pháp luật hiện hành. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác sau 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ công ty không có quy định khác nhằm hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần (Điều 127 Luật Doanh nghiệp). CTCP có quyền phát hành cổ phần, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty (Điều 111 Luật Doanh nghiệp).

2.1.2. Quyền của cổ đông phổ thông trong CTCP

Ngoài những quyền lợi cơ bản, với những cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau: Xem xét tra cứu trích lục sổ biên bản và Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; Yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết (yêu cầu bằng văn bản); Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên, hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

2.1.3. Nghĩa vụ của cổ đông

Cổ đông có nghĩa vụ “thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua”. Giống như giao dịch mua bán thông thường, cổ đông có trách nhiệm thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần đăng ký mua. Cổ đông được cập nhật thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông, đồng thời được cấp giấy chứng nhận cổ phần khi cổ đông đã hoàn thành thanh toán. Trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Doanh nghiệp. Thông tin quy định Sổ đăng ký cổ đông được ghi đầy đủ vào Sổ đăng ký cổ đông. Như vậy, nghĩa vụ thanh toán của cổ đông, sẽ chứng nhận tư cách và quyền hạn của họ trong CTCP.

Cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra. Tuân thủ Điều lệ công ty, quy chế quản lý nội bộ của công ty và chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

2.2. Nhận diện các loại tranh chấp giữa các cổ đông trong CTCP

“Tranh chấp giữa các cổ đông” là những mâu thuẫn, xung đột về quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các cổ đông, đội ngũ quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh trong CTCP. Như đã nói ở phần khái niệm cổ đông, các cổ đông cùng nhau góp vốn để cùng đem lại lợi ích kinh tế, việc xảy ra các tranh chấp giữa các cổ đông là điều không ai mong muốn. Có thể chia tranh chấp giữa các cổ đông thành 2 loại:

Thứ nhất, tranh chấp quyền lợi, nghĩa vụ giữa các cổ đông với nhau. Tranh chấp về tư cách cổ đông. Có thể họ là cổ đông sáng lập nhưng lại không đóng góp tiền cho một cổ phần nào trong số cổ phần đã đăng ký hoặc góp không đủ số cổ phần đã đăng ký nhưng yêu cầu quyền và lợi ích như của một cổ đông đã góp đủ vốn. Ngoài ra, tranh chấp về phương thức góp vốn như định giá tài sản cao hơn thực tế, không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn, không thỏa thuận trước với nhau về việc góp vốn và giá trị vốn góp bằng tài sản, không quy định cụ thể về thời điểm hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần, hoặc tranh chấp về việc cổ đông nào cũng muốn tham gia điều hành công ty…

Thứ hai, tranh chấp giữa cổ đông và các thành viên trong Hội đồng quản trị, hoặc những người giữ chức vụ được trực tiếp quản lý, tham gia vận hành doanh nghiệp. Các nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối (như HĐQT) thường muốn “người của mình” làm giám đốc; hoặc cổ đông lớn là chủ tịch và đồng thời muốn làm giám đốc điều hành nhằm mục đích không loại họ ra khỏi HĐQT, không bãi miễn khỏi chức danh chủ tịch HĐQT, hoặc tranh chấp phát sinh từ các quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Sự tranh chấp về tư cách cổ đông dẫn tới hệ quả là tất cả các quyết định cỉa ĐHĐCĐ sẽ trở thành đối tượng của tranh chấp vì lẽ: Quyết định không công bằng; Quyết định không hợp pháp của ĐHĐCĐ dẫn đến quyền lợi của các cổ đông khác không được như mong đợi…

3. Biện pháp giải quyết tranh chấp giữa các cổ đông trong CTCP

 3.1. Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

Một trong những “quyền năng” được quy định thể hiện quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông chính là việc tổ chức các cuộc họp để thương lượng. Cách thức tiến hành cuộc họp, điều kiện tiến hành họp đã được quy định cụ thể tại Điều 139 Luật doanh nghiệp 2015: “Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc hợp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường. Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Tuy nhiên ở mỗi công ty, các cổ đông có thể thỏa thuận về tỷ lệ cổ phần cổ đông có quyền quyết định tham gia dự họp, tham gia biểu quyết, tiến hành họp qua các lần,… ngoại trừ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp (Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020). Tranh chấp giữa các cổ đông nếu phát sinh trong quá trình kinh doanh thì các bên sẽ giải quyết thông qua việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông.

3.2. Giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải

Các bên có quyền lựa chọn phương thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải thương mại về tranh chấp như một phương án phát sinh sau khi xảy ra tranh chấp. “Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự” (Điều 16, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại). Việc này giúp tranh chấp được thực hiện nhanh chóng, và đối với kết quả hòa giải được Tòa án công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên trên thực tế, các tranh chấp xảy ra thường mang tính cấp bách, ảnh hưởng đến kinh tế của từng cổ đông và phương án kinh doanh của công ty, việc hòa giải chưa hẳn đã đủ tính cưỡng chế răn đe các bên thực hiện kết quả như một số phương án giải quyết tranh chấp khác.

3.3. Giải quyết tranh chấp bằng việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân

Theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Toà án có thẩm quyền giải quyết đối với “tranh chấp giữa người chưa là thành viên của công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần bốn góp với công ty, thành viên công ty”, “tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong CTCP, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty”. Lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp bằng khởi kiện tại Tòa án nhân dân được nhiều cổ đông sử dụng. CTCP thực chất là công ty đối vốn nên các tranh chấp phát sinh từ bên ngoài hoặc nội bộ công ty sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận hợp tình hợp lý. Chẳng hạn, một công ty đại chúng, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật ký kết đầu tư những khoản lớn hơn quy định, vượt quyền hạn của họ dẫn đến thiệt hại cho công ty. Trường hợp này, bên cạnh việc triệu tập các cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường, cổ đông còn có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu bồi thường cũng như tuyên các giao dịch vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Điều mà việc thương lượng không thể giải quyết triệt để được.

3.4. Giải quyết tranh chấp thông qua Trung tâm trọng tài

Phương án giải quyết bằng việc khởi kiện tại Trung tâm trọng tài có thể được các bên áp dụng trong trường hợp có thỏa thuận. Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 33, Luật Trọng tài thương mại 2010). Hiện nay, lựa chọn giải quyết trọng tài cũng đã trở nên phổ biến trong việc giải quyết các tranh chấp bởi ưu điểm của phương pháp này: Quyết định của Hội đồng trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Việc giải quyết bằng trọng tài sẽ mất ít thời gian hơn so với giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng tại Tòa án nhân dân.

4. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp quyền và nghĩa vụ giữa các cổ đông trong CTCP

4.1. Xuất phát từ rủi ro mua bán giao dịch chuyển nhượng tự do

CTCP là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. Vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau, được gọi là cổ phần. Sau 3 năm kể từ ngày thành lập doanh nghiệp, cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần. Do đó, số lượng cổ đông trong công ty là không giới hạn. Một quá trình pháp lý chuẩn được quy định như sau:

Cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng cổ phần trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó (Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020). Nghĩa là, các cổ đông sáng lập họp và thông qua việc chuyển nhượng cổ phần thì mới được coi là hợp lệ.

Ngoài trường hợp trên, cổ đông được tự do chuyển nhượng. Sau khi ký hết hợp đồng chuyển nhượng, cổ đông được cấp cổ phiếu, được ghi nhận trong sổ đăng ký cổ đông. Việc thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông phải là trách nhiệm của công ty dưới yêu cầu của cổ đông mới. Như vậy, cổ đông mới cần biết được quyền yêu cầu của mình để thực hiện hoàn thành bước được trở thành cổ đông chính thức của CTCP.

Một trong những lưu ý quan trọng trong quá trình chuyển nhượng cổ phần trong CTCP chính là hình thức của hợp đồng. Việc thực hiện chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng, thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền ký (Điều 127 Luật Doanh nghiệp). Khi có tranh chấp liên quan đến việc xác nhận tư cách thành viên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trở thành một trong những chứng cứ quan trọng bên cạnh những giấy tờ cần thiết nêu trên.

4.2. Xuất phát từ báo cáo tài chính không minh bạch

Điều này cũng xuất phát từ một số cá nhân được giao trọng trách nhưng không tuân thủ quy định. Quyền trong tay càng lớn thì lòng tham càng lớn, chẳng hạn những người vừa là cổ đông lớn, vừa nắm giữ chức quyền hạn của Người địa diện theo pháp luật, Chủ tịch hội đồng quản trị. Bằng thủ thuật chuyển nhượng cổ phần cổ phiếu của công ty, hoặc hoán đổi cổ phần giữa một công ty sắp phá sản với công ty thực tế đang kinh doanh phát triển qua mắt các cổ đông còn lại. Trên thực tế, không phải công ty nào cũng được thành lập để kinh doanh làm ăn chân chính hoặc có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, vì sự toan tính của một nhóm người, đã dẫn đến tranh chấp nội bộ xảy ra, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của công ty.

5. Hạn chế trong quy định giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ vốn từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền triệu tập cuộc họp bất thường và từ 10% trở lên có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm sát.Tuy nhiên trên thực tiễn, những cổ đông nhỏ lẻ tại các CTCP chưa thật sự được bảo vệ tốt quyền lợi do quy định về tỷ lệ biểu quyết của Công ty. Ví dụ: quy định 50% cổ đông triệu tập có mặt thì tổ chức Đại hội, 65% cổ phần có mặt biểu quyết là thông qua… Nếu doanh nghiệp bị đứt gãy trong đội ngũ lãnh đạo và có dấu hiệu lợi ích nhóm thì hầu hết những cổ đông nhỏ lẻ bị lép vế và không được đảm bảo về quyền lợi.

Ngoài quy định về việc giải quyết mâu thuẫn trong doanh nghiệp qua các cuộc Đại hội thì Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đối với các cổ đông trong CTCP.  Theo Điều 37, 30 BLDS năm 2015, tranh chấp giữa các cổ đông công ty thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh và thời hạn giải quyết là 2 tháng. Tuy nhiên, trên thực tiễn, hầu hết các vụ án về kinh doanh thương mại đều kéo dài quá 2 tháng, thậm chí đến vài năm, dẫn đến mất cơ hội cho các nhà đầu tư (đặc biệt là đầu tư nhỏ lẻ).

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

Pháp luật luôn tạo điều kiện cho cổ đông thuận lợi trong việc chuyển nhượng, tuy nhiên chưa thực sự tạo một hành lang pháp lý chặt chẽ để hai bên tránh được tranh chấp sau này. Đến nay, chưa có án lệ nào giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp các cổ đông về quyền lợi và nghĩa vụ trong CTCP. Trong triết học, “phát triển chính là kết quả của quá trình giải quyết mâu thuẫn”. Chắc chắn, khi nhà làm luật quy định về CTCP với những điều luật mở thì đã tạo cho chính những nhà đầu tư, các cổ đông một sân chơi mà chỉ khi có tranh chấp về quyền lợi thì pháp luật sẽ can thiệp. Quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, vừa mềm dẻo linh hoạt, vừa cứng rắn. Chỉ có như vậy, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vận dụng các nguyên lý triết học, kinh tế học vừa thể hiện quyền lực nhà nước đúng lúc đúng chỗ. Kiến nghị một số biện phấp khắc phục như sau:

Thứ nhất, minh bạch tài chính doanh nghiệp, pháp luật quy định cụ thể danh mục hồ sơ cần có của công ty khi người nhận cổ phần yêu cầu cung cấp để nắm được tình hình tài chính của công ty trước khi họ quyết định.

Thứ hai, trong quá trình chuyển nhượng, thay vì chấp nhận tư cách thành viên khi họ có tên trong sổ đăng ký cổ đông thì cần quy định bắt buộc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ đối với thương vụ chuyển nhượng của những cổ đông sáng lập, hoặc cổ đông lớn chiếm trên 35% cổ phần. Thời điểm trở thành cổ đông chính thức được tính kể từ khi thương vụ chuyển nhượng được thông báo đến toàn bộ cổ đông hiện hữu.

Cuối cùng, đối với tranh chấp kinh doanh thương mại, Tòa án cần nhanh chóng bổ sung án lệ để tạo tiền đề cho một số tranh chấp pháp luật phổ biến, đồng thời chú ý nhiều hơn đến việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  3. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp 2014.
  4. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp 2020.
  5. Quốc hội (2015), Bộ Dân luật thi hành tại các tòa án Bắc Kỳ năm 1931.
  6. Cộng hòa dân chủ Pháp (1807, Bộ luật Thương mại Pháp năm 1807.
  7. Quốc hội (1990), Luật Công ty năm 1990.
  8. Quốc hội (1972), Bộ luật Thương mại năm 1972.
  9. Nguyễn Thanh Tâm (2022), Một số vấn đề về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-van-de-ve-dieu-kien-chao-ban-co-phieu-lan-dau-ra-cong-chung-o-viet-nam-hien-nay-86468.htm (, tác giả).
  10. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình Luật Doanh nghiệp .

 

DISPUTES BETWEEN SHAREHOLDERS IN A JOINT-STOCK COMPANY

Master of  Law, NGUYEN DAO TO

Hoang Huy Law Office

ABSTRACT:

The Enterprise Law 2020 has created an open mechanism for capital mobilization and share transfer of shareholders, ensuring the rights of small shareholders and enhancing the financial health of enterprises in general and joint stock companies in particular. However, the open mechanism is associated with risks and disputes, leading to an increasing need for dispute resolution. The article categorizes the types of disputes in joint-stock companies, thereby proposing dispute resolution mechanisms, limitations and complete solutions.

Keywords: dispute, joint-stock company, shareholders, dispute resolution, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 3, tháng 2 năm 2022]