Cụ thể, tại Văn bản số 358/VPCP-KGVX ngày 15/01/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về "Tình hình và kết quả thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030"; đánh giá cao nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, bám sát Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược theo đúng chức năng, thẩm quyền quy định.

Trước đó, Hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 08/12/2021 cho biết: Sau 1 năm triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt và phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược tới các đơn vị, doanh nghiệp ở Bộ, ngành và địa phương gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ. Một số Bộ, ngành và địa phương cũng đã chủ động ban hành các kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg.

Trong đó đáng chú ý là những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chiến lược: Các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động tham gia CMCN 4.0 thông qua việc ban hành các các chương trình, kế hoạch triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược CMCN 4.0 vào các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch ngành/lĩnh vực. Đồng thời bố trí nguồn lực ưu tiên cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số và ứng dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước được xây dựng và phát triển. Chính sách khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017. Đến nay cả nước có hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh. Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến mạnh mẽ.

Chủ trương ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai được Chính phủ ban hành đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam...

Tại Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; Chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.