TÓM TẮT:

Các môn lý luận chính trị (LLCT) được tổ chức giảng dạy và học tập trong hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam có tính chất bắt buộc. Việc giảng dạy các môn LLCT đã trải qua nhiều giai đoạn với những điều chỉnh, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Theo Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH ngày 19/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn LLCT (Gọi tắt là: Công văn 3056), các cơ sở GDĐH, trong đó có Trường Đại học Thương mại (ĐHTM), phải thực hiện triển khai chương trình các môn LLCT mới từ năm học 2019-2020. Bên cạnh nguồn dữ liệu thứ cấp, bài báo sử dụng các nguồn dữ liệu sơ cấp có được từ việc quan sát, phỏng vấn chuyên gia và nghiên cứu tình huống. Không những vậy, bài viết cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như: phân tích-tổng hợp, quy nạp-diễn dịch, so sánh. Nghiên cứu này đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện công văn 3056 đối với các chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học không chuyên về LLCT, trong đó phân tích tình huống Trường ĐHTM triển khai thực hiện Công văn 3056 như là một minh chứng thực tiễn. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số định hướng giải pháp nhằm thực hiện tốt việc giảng dạy các môn LLCT theo tinh thần công văn 3056.

Từ khóa: Lý luận chính trị, Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH, Trường Đại học Thương mại.

1. Tổng quan việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục đại học và nội dung cơ bản của công văn 3056

Trước đây, các môn LLCT được tổ chức giảng dạy và học tập trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), bao gồm: Triết học (TH) Mác - Lênin, Kinh tế chính trị (KTCT) Mác - Lênin, Lịch sử Đảng cộng sản (LSĐCS) Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng (TT) Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18/9/2008 của Bộ trưởng GD&ĐT Ban hành chương trình các môn LLCT trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh và công văn 512/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT ngày 02/02/2009 Về việc giảng dạy các môn LLCT (gọi tắt là: Công văn 512), từ năm học 2008-2009, các môn LLCT được tổ chức giảng dạy cho đối tượng là sinh viên không chuyên về LLCT bao gồm: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin (5 tín chỉ); Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam (3 tín chỉ); TT Hồ Chí Minh (2 tín chỉ). Sau một số năm triển khai giảng dạy các môn LLCT theo tinh thần Công văn 512, một số ưu điểm đã được phát huy nhưng đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình các môn LLCT. Vì vậy, ngày 28/3/2014, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 94-KL/TW Về việc tiếp tục đổi mới việc học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân (Gọi tắt là: Kết luận 94). Căn cứ Kết luận 94, Kế hoạch số 319-KH/BTGTW ngày 03/4/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương và một số căn cứ pháp lý có liên quan, ngày 19/7/2019, Bộ GD&ĐT ban hành công văn 3056 Hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn LLCT áp dụng cho CTĐT trình độ đại học chuyên và không chuyên về LLCT.

Theo Công văn 3056, từ năm học 2019-2020, các CSGDĐH phải tổ chức giảng dạy các môn: TH Mác - Lênin; KTCT Mác - Lênin; CNXH khoa học; LSĐCS Việt Nam; TT Hồ Chí Minh (gọi tắt là: các môn LLCT mới), với thời lượng khác nhau giữa các CTĐT chuyên và không chuyên. Về phương pháp dạy học, Công văn 3056 định hướng: “Khuyến khích hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu trước, chỉ giảng những vấn đề cơ bản và sử dụng phương tiện dạy học hiện đại trong giảng dạy các môn LLCT; tăng cường xem và tham quan thực tế”. Về nhân sự giảng dạy, Công văn 3056 yêu cầu: “giảng viên được đào tạo chuyên ngành nào, giảng dạy môn học đó, xây dựng đội ngũ giảng viên (ĐNGV) riêng cho từng môn học”, “Giảng viên giảng dạy các môn LLCT phải có trách nhiệm nghiên cứu khoa học,... được tạo điều kiện đi nghiên cứu thực tế,...).

2. Thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện công văn 3056 đối với các chương trình đào tạo không chuyên về lý luận chính trị

2.1. Những tiền đề thuận lợi

Khác với các môn học khác, việc giảng dạy các môn LLCT được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp và rất sát sao bởi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT. Trong đó, các môn LLCT đều có chương trình, giáo trình chung, thống nhất trong toàn quốc. Tinh thần chấp hành mệnh lệnh từ hệ thống các CSGDĐH đối với cấp trên rất nghiêm túc, luôn luôn đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Các CSGDĐH triển khai thực hiện giảng dạy các môn LLCT theo chương trình và giáo trình (bản Dự thảo) được biên soạn bởi các Hội đồng chuyên môn do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT thành lập. Tại các diễn đàn lấy ý kiến góp ý cho việc biên soạn giáo trình các môn LLCT mới, đa số ý kiến tán thành và đánh giá cao nội dung, ý tưởng cơ bản được đề xuất và biên soạn trong bản Dự thảo. Nội dung của các bản Dự thảo về cơ bản đáp ứng yêu cầu được nêu ra tại Kết luận 94: (1)“... những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng; sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam”; (2) “Các vấn đề đến nay không còn phù hợp thì không đưa vào nội dung học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Nội dung chương trình, giáo trình các môn LLCT mới được đánh giá không chỉ đáp ứng đúng yêu cầu Kết luận 94, mà còn đảm bảo tính khoa học, tính thời sự, tính hợp lý,...

Toàn bộ ĐNGV thực hiện giảng dạy các môn LLCT đều là những giảng viên được đào tạo chuyên sâu trong nhiều năm trước đây và những năm thực hiện công văn 512. ĐNGV sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của công văn 3056: “giảng viên được đào tạo chuyên ngành nào, giảng dạy môn học đó”, mặt khác được giảng dạy đúng chuyên môn  đào tạo sẽ tạo tâm lý thoải mái, hứng khởi cho ĐNGV. 

Nhìn chung, việc giảng dạy và học tập các môn LLCT mới được thực hiện trên nền tảng CSVC hiện có. Ở một mức độ nhất định, CSVC của các CSGDĐH được đánh giá là có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua. Nhiều CSGDĐH có CSVC hiện đại.

2.2. Khó khăn, thách thức

Trong khi Kết luận 94 được Ban Bí thư ký ban hành ngày 28/3/2014, cho đến ngày 19/7/2019, Bộ GD&ĐT mới ký ban hành công văn 3056 yêu cầu triển khai giảng dạy các môn LLCT mới ngay đối với khóa tuyển sinh từ năm học 2019-2020. Như vậy, các CSGDĐH và cụ thể là ĐNGV trực tiếp triển khai thực hiện giảng dạy các môn LLCT mới, có một khoảng thời gian chuẩn bị rất ngắn. Đến ngày 12/8/2019, ĐNGV mới được tập huấn chuyên môn về việc giảng dạy các môn LLCT mới. Cho đến khi công văn 3056 được ban hành, hầu như các đối tượng liên quan trực tiếp và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện là các CSGDĐH, các đơn vị tổ chức giảng dạy bộ môn LLCT và đặc biệt là ĐNGV không thực sự biết được kế hoạch cụ thể cũng như được chuẩn bị về mặt tư tưởng, chuyên môn cho việc giảng dạy các môn LLCT mới. Điều đó cho thấy ĐNGV giảng dạy các môn LLCT bị đặt vào tình thế rất bị động.

Các CSGDĐH cũng bị đặt vào tình thế bị động với việc các CTĐT, kế hoạch đào tạo, lịch trình giảng dạy, phân công giảng dạy đã được ban hành từ trước đó, nay thực hiện Công văn 3056, các CSGDĐH bắt buộc phải thực hiện sự thay đổi mang tính hệ thống, thực hiện hàng loạt những điều chỉnh. Những sự điều chỉnh trong tình thế bị động như vậy đã gây ra những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đồng thời gây tốn kém các chi phí nguồn lực của các CSGDĐH.

Hiện nay, việc giảng dạy các môn LLCT mới được thực hiện theo chương trình và giáo trình dự thảo. Trong khi đó, tại các cuộc họp do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm lấy ý kiến hoàn thiện giáo trình các môn LLCT mới, bên cạnh những ưu điểm được đánh giá cao, còn có rất nhiều các ý kiến chỉ ra những hạn chế, bất cập, sai sót của các bản giáo trình dự thảo. Nội dung giảng dạy các môn LLCT mới rất lớn trong khi thời lượng giảng dạy tương đối ít ỏi.

ĐNGV giảng dạy các môn LLCT mới là những giảng viên hiện đang giảng dạy các môn LLCT theo tinh thần công văn 512. Trên thực tế, ĐNGV LLCT hiện có, được đánh giá còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo, phát triển nguồn giảng viên LLCT kế cận gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ khi thực hiện công văn 512, công tác tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành TH Mác-Lênin, KTCT Mác-Lênin, CNXH khoa học, LSĐCS Việt Nam đã bị trùng xuống, nguồn tuyển sinh ngày càng hạn chế. Tình trạng giảng viên LLCT phải (được) giảng nhiều giờ liên tục trong một năm học còn mang tính phổ biến, giảng dạy các môn LLCT mới với thời lượng nhiều hơn càng làm cho tình trạng này thêm căng thẳng (Công văn 512: tổng số là 10 tín chỉ; Công văn 3056: tổng số là 11 tín chỉ).

Chương trình và giáo trình dự thảo cho thấy các môn LLCT mới đã được cơ cấu lại, bổ sung, phát triển và cập nhật nhiều nội dung mang tính thực tiễn cao, dung lượng kiến thức phải giảng dạy và học tập nhiều, đòi hỏi phải có CSVC tương ứng để thực hiện, đặc biệt là các phương tiện hiện đại để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Trong thực tế, CSVC của các CSGDĐH Việt Nam được đánh giá có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, còn thiếu thốn, lạc hậu. Việc giảng dạy các môn LLCT mới được thực hiện trên chính những CSVC hiện có, vì vậy có những khó khăn trong việc triển khai thực hiện công văn 3056 là điều khó tránh khỏi.

Tóm lại: Kể từ khi Kết luận 94 được ban hành cho đến khi triển khai thực hiện, công tác chuẩn bị giảng dạy các môn LLCT mới từ các cơ quan là rất hạn chế, vừa chậm vừa thiếu đồng bộ. Điều đó đã gây ra những khó khăn, thách thức cho việc triển khai thực hiện giảng dạy các môn LLCT mới theo tinh thần công văn 3056 cũng như Kết luận 94.

3. Triển khai thực hiện công văn 3056 tại Trường Đại học Thương mại

3.1. Tổng quan Trường ĐHTM và đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai việc giảng dạy các môn LLCT - Khoa LLCT

Trường ĐHTM (Thuongmai University, viết tắt là TMU) là trường đại học công lập và là trường đại học chất lượng cao, đa ngành, hàng đầu trong các lĩnh vực Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Du lịch, Thương mại điện tử… tại Việt Nam. Hiện nay, Trường ĐHTM được tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật[3].

Khoa LLCT (Trường ĐHTM) được tái thành lập năm 2006 theo quyết định của Hiệu trưởng Trường ĐHTM và đã chính thức ra mắt ngày 8/08/2006 với tên gọi là Khoa Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh, sau đổi tên thành Khoa LLCT[2]. Khoa có chức năng tham mưu, giúp Hiệu trưởng giáo dục và tuyên truyền các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐHTM, Khoa LLCT có trách nhiệm thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức giảng dạy các môn LLCT cho người học trong trường. Về cơ cấu tổ chức, Khoa có: Trưởng khoa; Phó Trưởng khoa; Hội đồng khoa; Các bộ môn; Viên chức thuộc khoa[1]. Hiện nay Khoa có một ĐNGV cơ hữu chất lượng cao bao gồm 18 giảng viên, trong đó số người có học vị tiến sĩ trở lên chiếm gần 56%, cụ thể Khoa có 1 phó giáo sư, 9 tiến sĩ và 8 thạc sĩ. Trong số 8 thạc sĩ, hiện có 3 người đang theo học trình độ tiến sĩ [2].

3.2. Tiền đề thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện công văn 3056 tại Trường ĐHTM

3.2.1. Những tiền đề thuận lợi

Việc triển khai thực hiện công văn 3056 tại Trường ĐHTM có những tiền đề thuận lợi chung và những tiền đề thuận lợi mang tính đặc thù. Đó là tinh thần chấp hành nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong việc tổ chức thực hiện giảng dạy các môn LLCT mới. Đó là sự quyết liệt, sát sao của tập thể lãnh đạo Nhà trường trong việc chỉ đạo Khoa LLCT triển khai thực hiện công văn 3056. Hơn nữa, trong nhiều năm, nhờ có chính sách đào tạo, bồi dưỡng tốt, Trường ĐHTM có ĐNGV các môn LLCT chất lượng tương đối cao với tỷ lệ phần trăm số người có học vị tiến sĩ trở lên rất lớn[2] (hiện nay, nếu so sánh với các CSGDĐH khác, đây có thể xem là một lợi thế vượt trội) và toàn bộ giảng viên được đào tạo chuyên sâu ứng với các môn LLCT mới. Theo kết quả phỏng vấn, hầu hết ĐNGV Khoa LLCT xem việc thực hiện công văn 3056 “không chỉ là một nhiệm vụ mà chủ yếu còn là một quyền lợi vì được giảng dạy đúng chuyên môn của mình”. Việc “được trở lại giảng dạy đúng chuyên môn” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn LLCT theo tinh thần Kết luận 94. ĐNGV cơ hữu giảng dạy LLCT của Trường ĐHTM tương đối mỏng, tuy nhiên hiện nay tập thể lãnh đạo Nhà trường đã rất quan tâm đến việc phát triển ĐNGV LLCT thông qua đẩy mạnh công tác tuyển dụng mới. Trong ngắn hạn, Nhà trường thực hiện chính sách thỉnh giảng nhằm khắc phục hiện tượng thiếu giảng viên LLCT. Hiện, Nhà trường đã có Thông báo tuyển giảng viên, trong đó có giảng viên LLCT được tuyển với khá nhiều chỉ tiêu[5]. Ngoài ra, trong những năm gần đây, CSVC của Trường ĐHTM được cải thiện và nâng cấp rất nhiều và kết quả đạt được “là một trong những đại học có cảnh quan và khuôn viên đẹp nhất trong các trường đóng tại Hà Nội”[3]. Đặc biệt, hệ thống thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy của Trường ĐHTM như: âm thanh, ánh sáng, không gian phòng học, điều hòa, cơ sở hạ tầng truyền thông, hạ tầng internet, cơ sở dữ liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu được đầu tư trang bị liên tục, rất đầy đủ và hiện đại,... Với một CSVC như vậy đã góp phần tạo tiền đề thuận lợi cho giảng viên LLCT thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt công văn 3056.

 3.2.2. Về khó khăn, thách thức

Bên cạnh những khó khăn chung, việc thực hiện công văn 3056 tại Trường ĐHTM cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức riêng, trong đó, phải kể đến số lượng ĐNGV. Chỉ tiêu tuyển sinh những năm gần đây (2018, 2019) của ĐHTM ổn định với khoảng 3800 chỉ tiêu[6; 4]. Trong khi đó, ĐNGV cơ hữu giảng dạy LLCT hiện nay chỉ có 18 người[2]. Như vậy, về số lượng giảng viên là quá ít so với số sinh viên được tuyển sinh. Để đảm bảo kế hoạch giảng dạy và đáp ứng đủ số lượng giảng viên, Trường ĐHTM thực hiện chính sách thỉnh giảng. Việc thực hiện chế độ thỉnh giảng có nhiều ưu điểm trong bối cảnh cụ thể hiện nay, tuy nhiên nếu sử dụng giảng viên thỉnh giảng với số lượng nhiều và đến từ nhiều nguồn khác nhau có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc giảng dạy các môn LLCT mới. Trong đó, việc sử dụng nhiều giảng viên thỉnh giảng khó đảm bảo sự đồng đều về chất lượng, sự đồng đều trong thực hiện quy trình giảng dạy, trong nhiều trường hợp, việc tổ chức giảng dạy có phần bị động do mức độ gắn kết của đội ngũ thỉnh giảng không thể chặt chẽ và chắc chắn như giảng viên cơ hữu.

 3.3. Kết quả bước đầu

Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng với những tiền đề thuận lợi có tính quyết định, việc triển khai thực hiện giảng dạy các môn LLCT mới theo tinh thần công văn 3056 tại Trường ĐHTM đã và đang được triển khai đúng theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp trên, đảm bảo tiến độ và đặc biệt là đảm bảo về chất lượng giảng dạy và học tập. Kết quả phỏng vấn một số giảng viên đã hoàn thành việc giảng dạy môn TH Mác - Lênin và một số giảng viên đang giảng dạy môn KTCT Mác - Lênin chỉ ra rằng chương trình và giáo trình các môn LLCT mới có nhiều ưu điểm, những ưu điểm này đã và đang được kiểm chứng trong thực tiễn. Quan sát và khảo sát ý kiến của ĐNGV, sinh viên cho thấy các bên đều có tâm lý hứng khởi hơn trong việc giảng dạy và học tập các môn LLCT mới. Tính hiệu quả cũng được thể hiện khá rõ rệt ở kết quả học tập của sinh viên. Kết quả học tập môn TH Mác - Lênin - môn học đã hoàn thành việc giảng dạy và học tập trong học kỳ 1 năm học 2019-2020, có sự cải thiện rõ rệt so với các khóa sinh viên năm học 2018-2019 trở về trước khi họ được học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.

4. Một số kiến nghị

Phân tích những tiền đề thuận lợi, khó khăn, thách thức đã cho thấy, để triển khai thực hiện tốt công văn 3056 trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần thực hiện một số định hướng giải pháp sau:

Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với Bộ GD&ĐT và các CSGDĐH trong việc tập trung giải quyết dứt điểm các hạn chế liên quan đến việc triển khai thực hiện giảng dạy các môn LLCT mới. Trong đó, sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT cần được thực hiện hiệu quả hơn, nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ trong từng công đoạn của công tác tổ chức giảng dạy các môn LLCT mới. Việc ban hành chương trình, giáo trình các môn LLCT mới không thể chậm trễ hơn nhưng chất lượng chương trình, giáo trình vẫn phải đảm bảo. Sớm có kế hoạch sơ kết, tổng kết đánh giá việc giảng dạy các môn LLCT mới, nhằm khắc phục các hạn chế liên quan, đặc biệt là hạn chế trong chương trình và giáo trình giảng dạy.

Bộ GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ các CSGDĐH nhanh chóng phát triển ĐNGV LLCT theo tinh thần công văn 3056. Việc phát triển ĐNGV giảng dạy các môn LLCT nhìn chung đang có những khó khăn mang tính đặc thù ngành, nếu để cơ chế thị trường tự điều tiết sẽ rất khó đạt được kết quả tốt. Vì vậy, để có ĐNGV đủ về số lượng, đồng thời đảm bảo về chất lượng cần có những giải pháp quyết liệt với sự hỗ trợ đủ mạnh từ phía Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan có liên quan, trong đó rất cần có các giải pháp chính sách mạnh hơn đối với công tác đào tạo nguồn giảng viên LLCT, khuyến khích nhiều hơn đối với ĐNGV giảng dạy LLCT,...

Đối với tập thể lãnh đạo các CSGDĐH nói chung, Trường Đại học Thương mại nói riêng cần chủ động nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm phát huy đầy đủ nhất các tiền đề thuận lợi đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan trong việc triển khai thực hiện Công văn 3056. Trong đó, các CSGDĐH cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến phát triển ĐNGV, có chính sách hợp lý và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng, cũng như có chính sách đãi ngộ đủ tốt nhằm phát huy tối đa năng lực của ĐNGV hiện có, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển CSVC, trong đó quan tâm đến CSVC phục vụ giảng dạy các môn LLCT mới theo tinh thần công văn 3056.

5. Kết luận

Việc đổi mới chương trình, giáo trình các môn LLCT trong hệ thống GDĐH theo tinh thần Kết luận 94 thông qua Công văn 3056 là một sự cần thiết mang tính khách quan. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, các bên liên quan mà đặc biệt là các CSGDĐH, trong đó có Trường ĐHTM, bên cạnh những tiền đề thuận lợi thì cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc giảng dạy các môn LLCT mới, các bên liên quan, nhất là các CSGDĐH và cả Trường ĐHTM, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần phải tìm ra các giải pháp phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiệu trưởng Trường ĐHTM (2016), Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Thương mại (Ban hành kèm theo Quyết định số 789/QĐ-ĐHTM ngày 26 tháng 9 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại).
  2. Khoa LLCT (Trường ĐHTM) (2016), Giới thiệu (về Khoa LLCT), http://llct.tmu.edu.vn/vi/gioi-thieu/.
  3. Trường ĐHTM (2016), Giới thiệu chung về Đại học Thương mại, http://llct.tmu.edu.vn/vi/gioi-thieu/gioi-thieu-chung/gioi-thieu-chung-1.html.
  4. Trường ĐHTM (2018), Thông tin tuyển sinh đại học chính quy 2018, https://tmu.edu.vn/vi/news/Dao-tao-Chinh-quy/page-5/.
  5. Trường ĐHTM (2019), Quản lý nhân sự - Tuyển dụng, https://tmu.edu.vn/vi/news/Quan-ly-Nhan-su-Tuyen-dung/thong-bao-tuyen-dung-vien-chuc-nam-2020-1804.html.
  6. Trường ĐHTM (2019), Thông tin tuyển sinh hệ chính quy trình độ đại học năm 2019, https://tmu.edu.vn/vi/news/TUYEN-SINH/thong-tin-tuyen-sinh-he-chinh-quy-trinh-do-dai-hoc-nam-2019-1700.html.

 

SOME ORIENTATIONS IN ORDER TO UNDERTAKING EFFECTIVELY

POLITICAL THEORY COURSES UNDER THE GUIDELINES

OF THE OFFICIAL DISPATCH NO.3056/BGDĐT-GDĐH

THIS RESEARCH USES THE CASE STUDY OF THUONGMAI UNIVERSITY

Ph.D HOANG VAN MANH

Assistant Dean, Faculty of Political Theory

Thuongmai University

ABSTRACT:

The modules of political theory science are conducted as required courses in Vietnam’s higher education system. The conduction of these courses has implemented for many stages with different adjustment innovatively in order to meet the requirements of society and building socialism. According to Official Dispatch No.3056/BGDĐT-GDĐH dated July 19, 2019 of Ministry of Education and Training on guidelines of implementing the program of political theory courses and textbooks, higher education institutes which includes Thuongmai University have had to implement the new modules of political theories since 2019-2020. This research is conducted based on collected secondary data and primary data obtaining from interviewing experts and observation. Moreover, several methods such as summary analysis, inductive, deductive and comparative methods are used to conduct this research. This research has indicated the opportunities and difficulties in implementing the Official Dispatch No.3056 for higher education programs which do not major in political theory. This research uses the case study of Thuongmai University to emphasize the research’s evidences and analysis. This research also proposes some orientations to effectively conduct political theory courses under the guidelines of the Official Dispatch No.3056.

Keywords: Political theory, Official Dispatch No.3056/BGDĐT-GDĐH, Thuongmai University.