Triển vọng kinh tế Trung Quốc: Phép màu có lặp lại?

Cách đây gần 2 năm, thậm chí đã có những dự báo cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ có cú sụp đổ kinh hoàng ngay trong năm 2014. Mặc dù vậy, với nhiều biện pháp được Chính phủ nước này thực thi, trong

Khi phép màu không thể lặp lại

Những chỉ số kinh tế vĩ mô được Chính phủ Trung Quốc công bố đầu tháng 3/2016 đang cho thấy triển vọng của nền kinh tế nước này dường như tệ hơn nhiều so với dự đoán. Kịch bản “hạ cánh cứng” (thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng suy giảm tăng trưởng đột ngột) của nền kinh tế Trung Quốc đã hiển hiện. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 khóa XII vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề rất khó khăn khi tìm giải pháp cho tương lai và ngăn chặn sự sụt giảm tăng trưởng. Nhưng đồng thời ông Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh: “Việc tìm kiếm (giải pháp) sự phát triển kinh tế hiện nay cũng giống như chèo thuyền ngược dòng chảy. Hoặc là tiến về hướng mình muốn đến, hoặc bị dòng nước cuốn đi”. Trước đó, giới chức cũng như nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng thống nhất quan điểm rằng những khó khăn hiện tại là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi chất lượng tăng trưởng. Như ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh cho rằng việc thực thi những biện pháp mạnh tay để tái cấu trúc nền kinh tế, tìm động lực mới cho sự phát triển trong giai đoạn mới chắc chắn là một quá trình gian khổ. Nhưng cũng giống như khi người ta ăn kiêng để giảm béo để có thân hình khỏe mạnh, nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ được phục hồi.

Có lẽ vì thế mà tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố những mục tiêu của năm 2016 khá lạc quan. Cụ thể như tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm mới (mục tiêu về tăng trưởng thương mại không được đề cập). Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy với thực trạng hiện nay, những mục tiêu kể trên rất khó để thực hiện. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 giảm tổng cộng 25,4%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và cũng là tháng thứ 8 liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm; hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moodys hạ triển vọng xếp hạng nợ của Trung Quốc từ mức "ổn định” xuống “tiêu cực”; tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã lên tới mức chưa từng có tiền lệ 247%...

Một nỗi lo khác, Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng công nghiệp của nước này chỉ tăng 5,4%, mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 11/2008. Mức tăng 5,4% trên thấp hơn so với mức 6,8% trong giai đoạn cùng kỳ năm ngoái và mức tăng 5,9% trong tháng 12/2015, thậm chí thấp hơn so với mức 6,1% tính trung bình cả năm 2015. Trong khi đó, chủ trương cắt giảm sản lượng các ngành công nghiệp như than đá, thép... nhằm giảm sức ép dư thừa và ô nhiễm lại đặt thị trường lao động Trung Quốc trước những thách thức không nhỏ. Ước tính, năm 2016, số người cần việc làm ở Trung Quốc lên tới 15 triệu, chưa kể một lượng 5-6 triệu người thất nghiệp nằm trong diện cắt giảm trong các ngành công nghiệp dư thừa cũng như trong các công ty và tập đoàn nhà nước. Việc giới chức Trung Quốc công bố sẽ có những gói hỗ trợ tài chính để tái đào tạo hoặc hỗ trợ người lao động tìm công việc mới không trấn an dư luận được bao nhiêu. Nhiều ý kiến đã lo ngại khi "quả bom thất nghiệp" phát nổ, cộng với những vấn đề xã hội đang âm ỉ lâu nay sẽ càng thúc đẩy các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn.

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007-2008, nền kinh tế Trung Quốc cũng lập tức chịu tác động tiêu cực, xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và những khiếm khuyết bên trong của nền kinh tế còn bộc lộ chưa rõ nét, Trung Quốc đã tập trung giải quyết vấn đề bằng những gói kích cầu thị trường nội địa. Trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... còn đang chưa biết bao giờ mới thoát khỏi khó khăn thì Trung Quốc đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010. Nhiều chuyên gia đã đánh giá đó là "phép màu" mà các nhà quản lý Trung Quốc đã tạo ra trong bối cảnh u ám của kinh tế thế giới. Thành công này khiến không chỉ các nhà lãnh đạo mà đa phần người Trung Quốc đều tin tưởng chắc chắn họ sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai rất gần. Vậy câu hỏi đặt ra là, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng lại bài toán kích cầu nội địa để tái hiện sự thành công giống như đã thực hiện năm 2009 hay không? Bởi lẽ cho đến nay, nguồn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn còn rất dồi dào, bằng chứng là trong năm 2015, lượng vốn đầu tư (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) mà Trung Quốc rót vào châu Âu và Mỹ đã đạt mức cao chưa từng có với 23 tỷ USD vào châu Âu và 15 tỷ USD vào Mỹ. Còn trong năm 2016, theo các thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa các nhà đầu tư Trung Quốc với đối tác châu Âu, Mỹ từ đầu năm thì ước tính có thể còn cao hơn. Vì vậy, xét trên những tính toán thông thường, việc bỏ ra vài chục tỷ USD so với tổng mức dự trữ hơn 3.200 tỷ USD là hoàn toàn nằm trong khả năng của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy sẽ rất vô ích nếu sử dụng lại đòn bẩy tiêu dùng thị trường nội địa vì người dân Trung Quốc đang thắt chặt chi tiêu và tâm lý hoang mang đang ngày một nhiều lên. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 2/2016 cũng giảm khoảng 13,8% và đã giảm liên tiếp trong vòng 16 tháng qua. Thực trạng này đồng nghĩa với việc rất khó có một gói kích cầu nội địa nào được tung ra để bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu.


"Các công ty và cá nhân không muốn giữ đồng NDT. Nó từng là một sự đánh cược vững vàng trong một thời gian dài nhưng hiện tại thì không. Rất nhiều người muốn đẩy nó đi”.

Shaun Rein, người sáng lập Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc.


Chấp nhận lộ trình khó khăn để phát triển bền vững

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, tổng thể nền kinh tế Trung Quốc không chỉ toàn những gam màu tối.

Như trên đã trình bày, Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại nhiều khu vực trên thế giới. Điều đó một mặt vừa bảo đảm an toàn cho đồng vốn của nước ngay trong giai đoạn kinh tế trong nước suy giảm. Đồng thời, việc chủ động "giằng níu" lợi ích với nhiều nước, nhiều khu vực thông qua đồng vốn đầu tư là một giải pháp chiến lược của Chính phủ Trung Quốc nhằm "bỏ trứng nhiều giỏ" để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp kinh tế Trung Quốc không tránh được cú "hạ cánh cứng". Việc đồng Nhân dân tệ được thêm vào giỏ tiền tệ SDR (Special Drawing Rights - quyền rút vốn đặc biệt) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2016 đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình trở thành đồng tiền quốc tế của đồng Nhân dân tệ. Chính vì lý do này, các chuyên gia quốc tế nhận định chính sách tài chính của Trung Quốc sẽ buộc phải duy trì ổn định, bảo đảm cho kế hoạch của nước này thành công.

Một vấn đề khác, năm 2016 sẽ là một năm quan trọng khi chiến lược "One Belt, One Road (OBOR) - Một vành đai, một con đường" - còn gọi là "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc khởi xướng năm 2015 đi vào thực thi. Ba tổ chức chính bao gồm Silk Road Fund, Asian Infrastructure Investment Bank và New Development Bank sẽ đi vào hoạt động toàn bộ để tài trợ cho các dự án. Đây là kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc nhằm giải tỏa áp lực kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy khả năng kết nối và quan hệ hợp tác của các quốc gia Á - Âu cũng như tăng trưởng xuất khẩu cho Trung Quốc.

Tất nhiên, những tính toán trên của Chính phủ Trung Quốc thành công đến mức độ nào còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của nền kinh tế toàn cầu cũng như các biến động địa chính trị của khu vực và thế giới. Đồng thời, một vấn đề cũng đóng vai trò rất quan trọng là các đối tác nhìn nhận thế nào và chấp nhận đến đâu về việc Chính phủ Trung Quốc lồng ghép hợp tác với những toan tính ngoài mục đích kinh tế.

Trong 30 năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển cực kỳ ấn tượng. Quan trọng hơn cả việc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khoảng 500 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Có ý kiến đã nhận định theo hướng hài hước rằng, giá như mức tăng trưởng kể trên được duy trì thêm khoảng 30 năm nữa thì sự thịnh vượng sẽ đến với toàn bộ hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc. Nhưng phép màu đã không lặp lại và Chính phủ Bắc Kinh đang thể hiện quyết tâm chấp nhận một lộ trình khó khăn để hướng tới sự phát triển bền vững. Giai đoạn này được cho là sẽ bắt đầu từ năm 2016 và nếu tình hình tiến triển tốt, có khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi từ năm 2017. Khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, vì các nhà quản lý Trung Quốc đã tích lũy được không ít kinh nghiệm và biện pháp xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, yêu cầu khó nhất mà các nhà lãnh đạo nước này đặt ra là không những nền kinh tế Trung Quốc phải tránh được sụp đổ, mà còn phải duy trì mức tăng trưởng 6-7%. Vì với Trung Quốc, thấp hơn con số này nghĩa là không tăng trưởng. Nhưng làm thế nào để vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững lại vừa phải thật nhanh chóng hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" là bài toán cực kỳ khó có lời giải.


+ Khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007-2008, nền kinh tế Trung Quốc cũng lập tức chịu tác động tiêu cực, xuất khẩu sụt giảm. Bằng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc đã giải quyết vấn đề bằng những gói kích cầu thị trường nội địa, và Trung Quốc đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010.

+ Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ nước ngày đang thể hiện quyết tâm chấp nhận một lộ trình khó khăn để tái cấu trúc nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.


TIỀN VỐN ĐANG "DI CƯ" RA KHỎI TRUNG QUỐC

Tiền đang được đưa ra khỏi Trung Quốc, bằng mọi cách - nói cách khác, những người giàu có và các nhà đầu tư đều đang tìm cách chuyển tiền khỏi Trung Quốc. Trung Quốc hiện không cho phép một cá nhân chuyển quá 50.000 USD/năm ra nước ngoài. Do đó, nhiều người tìm cách nhờ bạn bè và các thành viên trong gia đình thực hiện việc này. Một nhóm 100 người có thể chuyển số tiền trị giá 5 triệu USD ra khỏi Trung Quốc/năm, theo New York Times.

Quá trình này được gọi là Smurfing - một biểu hiện rõ nét của cuộc di cư vốn, khi triển vọng kinh tế bị nghi ngờ, cùng với sự bất ổn của thị trường toàn cầu gia tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, gần 1.000 tỉ USD đã được các cá nhân và các công ty chuyển ra nước ngoài từ Trung Quốc.

Trong một bài viết “Người giàu Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách nào?”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) liệt kê những phương thức sau: Nhờ bạn bè, người thân - như đã nói ở trên; Đổi tiền ngầm; Ngân hàng tư nhân; Buôn bán; Đầu tư trực tiếp (như mua doanh nghiệp ở nước ngoài); Kết hôn với người nước ngoài hoặc đi du lịch mang theo tiền mặt. SCMP còn cho rằng, với nhiều cách thức, chỉ 20 người đã có thể chuyển số tiền 1 triệu USD ra khỏi Trung Quốc rất dễ dàng.