Triển vọng phát triển thị trường xuất khẩu mặt hàng giày da Việt Nam trong bối cảnh mới

ThS. Nguyễn Hải Trung (Viện Nghiên cứu Da giày)

TÓM TẮT:

Thế giới giai đoạn 2010-2020 đã chứng kiến những sự thay đổi mang tính căn bản so với những thập niên trước đây. Đó là sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi một cách triệt để cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Thêm vào đó, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (2008, 2012), sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (2018 - 2019), sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ, sự chuyển dịch các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu trong thời gian qua đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đây vừa là thách thức nhưng cũng là thời cơ lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam, trong đó có mặt hàng giày da và việc phát triển thị trường XK theo hướng tham gia sâu hơn vào các khâu ở thượng nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ khóa: Mặt hàng giày da, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

1. Bối cảnh mới phát triển thị trường XK

Trong giai đoạn tới, phát triển thị trường XK đối với mặt hàng giày da của Việt Nam trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng bởi một số xu thế mới như sau.

Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo trên thế giới trong tương lai. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang đàm phán, kí kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” như CPTPP, EVFTA, VN-EAEU FTA… với nhiều đối tác thương mại quan trọng trên thế giới. Các hiệp định này sẽ giúp gỡ bỏ cơ bản các rào cản về thuế quan, từ đó có nhiều cơ hội để mở rộng, tiếp cận các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng, tạo điều kiện cho nhiều ngành và các mặt hàng, sản phẩm có kim ngạch XK phát triển.

Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sự thay đổi rất mạnh về năng suất, quy mô và mô hình quản lý, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực trong công nghiệp, trong đó có ngành Da giày Việt Nam. 

Về cơ hội, Việt Nam là nước đi sau nên nếu như chúng ta tận dụng tốt cơ hội này, nhanh chóng trải qua cách mạng công nghệ 3.0 về tư động hóa và cơ khí hóa thì có thể tiết kiệm được thời gian so với các nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế và có cơ hội bứt phá nhanh trong thời gian tới.

Thứ ba, do hệ luỵ của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nước đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các nước láng giềng. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng, tiếp nhận các nhà máy có công nghệ mới và có nhiều điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành Da giày là một trong những ngành đang được hưởng lợi, đặc biệt trong việc thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị, tạo nên những bước thay đổi dần về chất và tìm kiếm những thị trường tiềm năng.

Bên cạnh những cơ hội đó, hiện nay đã xuất hiện những thách thức to lớn đòi hỏi Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp da giầy Việt Nam phải tập trung tháo gỡ, phát triển các nguồn cung về nguyên phụ liệu, từng bước tạo dựng thương hiệu sản phẩm “Việt” và hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào các khu công nghiệp, chỉ sản xuất công đoạn cuối để lấy xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam” nhằm hưởng lợi thuế nhập khẩu khi xuất hàng đi các thị trường trên thế giới.

Thứ tư, trong thập niên trở lại đây, thế giới đang phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng leo thang do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo WTO, các quốc gia nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các rào cản thương mại phi thuế quan nhằm hạn chế XK của các nước để bảo hộ thị trường nội địa. Việt Nam phải tìm ra những giải pháp để chống lại chủ nghĩa bảo hộ và phi thuận lợi hóa thương mại. Ngành Da giày nói chung và mặt hàng giày da của Việt Nam nói riêng không phải là trường hợp ngoại lệ.

2. Mục tiêu và triển vọng phát triển thị trường XK mặt hàng giày da

Theo “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam thời kì 2011 - 2020 tầm nhìn 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Chính phủ đã vạch ra mục tiêu, định hướng phát triển của ngành Da giày thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế, thúc đẩy tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

* Về mục tiêu cụ thể

(1) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Da - Giầy giai đoạn 2020 - 2025 đạt 8,2%/năm; (2) Phấn đấu đạt kim ngạch XK năm 2020 là 25 tỷ USD, năm 2025 là 37 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,15%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 là 8,16%/năm; (3) Phấn đấu tỷ lệ nội địa năm 2020 đạt 75-80% và năm 2025 đạt 80-85%; (4) Cùng với ngành Dệt may và một số ngành liên quan làm trụ cột phát triển công nghiệp Thời trang Việt Nam tại một số đô thị, thành phố lớn; (5) Xây dựng một số khu - cụm công nghiệp, sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung trên cơ sở lợi thế về hạ tầng và lao động để chủ động cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành; (6) Xây dựng mới và phát triển các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm kiểm định, các trung tâm xúc tiến thương mại, thời trang ở trong nước và nước ngoài.

* Triển vọng phát triển thị trường XK mặt hàng da giày

Thị trường giày dép thế giới dự báo sẽ tăng trưởng tốt (đạt 371.8 tỷ USD vào năm 2020), Việt Nam đã và đang ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các thị trường có tiềm năng lớn về giày dép (EU, Hoa Kỳ, châu Á Thái Bình Dương…), vì vậy có cơ hội cạnh tranh lớn về giá so với nhiều nước XK chưa có FTA.

Liên quan tới thuế XK, Việt Nam có cam kết trong EVFTA loại bỏ thuế XK đối với nguyên liệu da (bao gồm cả da sống và da thuộc) trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, thuế XK đối với nhóm hàng này sẽ được cắt giảm dần về 0% từ mức thuế cơ sở hiện nay (1-10% tùy từng mã hàng).

Chính sách mở cửa và hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới đã và đang mang lại tác động tích cực đến ngành Sản xuất XK giày dép Việt Nam. Nhờ tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, thị trường ngày càng mở rộng, ngành Sản xuất giày dép XK Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng khá tốt, với kim ngạch XK vào mỗi khu vực thị trường tăng đều đặn hàng năm. Hiện, Việt Nam đã XK sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch XK trên 1 triệu USD. Có 5 thị trường dẫn đầu nhập khẩu giày dép của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Bỉ.

3. Dự báo về phát triển thị trường XK mặt hàng giày da

* Về thị trường XK

Phát triển thị trường XK giày dép nói chung và mặt hàng giày da nói riêng của nước ta vẫn tập trung vào các thị trường XK truyền thống có kim ngạch cao như EU và Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếp đến là các thị trường ASEAN, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Trong tương lai gần, thị trường Trung Quốc rộng lớn sẽ trở thành thị trường XK lớn của Việt Nam, thị trường ASEAN cũng là thị trường gần gũi mà Việt Nam cần chú ý đặc biệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đi vào thực thi (2018). Ngoài ra, các thị trường Trung Đông, châu Phi và thị trường các quốc gia Nam Mỹ là những thị trường tiềm năng mới nổi cần được chú ý khai thác trong thời gian tới.

- Thị trường khu vực Bắc Mỹ

XK giày dép sang thị trường Bắc Mỹ, gồm Hoa Kỳ và Canada dự kiến sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD vào năm 2020, khoảng 10,5 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 13,3 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chính tại khu vực này.

Dự báo, XK giày dép sang thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch. Trong khi chính quyền Mỹ đang tập trung sự bảo vệ các mặt hàng công nghệ cao trong nước nhiều hơn là vào các mặt hàng thiết yếu như giày dép, dệt may vốn không phải thế mạnh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Đồng thời, với việc Mỹ áp đặt thuế quan cao hơn với hàng hóa Trung Quốc nên hàng hóa từ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm sức cạnh tranh so với hàng Việt Nam tại Mỹ, vì vậy XK giày dép của Việt Nam sang thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng để bù đắp nhu cầu thiếu hụt từ nguồn cung Trung Quốc.

- Thị trường châu Âu (gồm Tây Âu và Đông Âu)

+ Với thị trường EU, Việt Nam hiện đang được hưởng quy chế GSP đối với giày dép với mức thuế thấp hơn 3,5% so với mức thuế cơ sở (12,5%). Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực trong năm 2019 sẽ tạo cơ hội tăng trưởng XK sang các nước EU. Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm da thuộc và túi-ví-cặp, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực; thì các sản phẩm giày dép da sẽ giảm từ mức cơ sở (12,5%) xuống 0% theo lộ trình từ 3-7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. 

+ Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực đã giảm từ mức thuế cơ sở và duy trì 20% đối với túi cặp và 10% đối với giày dép da, giày vải.

Như vậy, XK hàng giày dép Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng do kinh tế khu vực đồng EURO đang phục hồi khá tốt. Dự báo kim ngạch XK giày dép từ Việt Nam đến châu Âu sẽ đạt khoảng 5,8 tỷ USD vào năm 2020, khoảng 8,4 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 11-12 tỷ USD vào năm 2030.

- Thị trường ASEAN:

Từ ngày 1/1/2016, thuế quan về 0% đối với sản phẩm giầy dép, túi xách lưu thông nội khối của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhưng các hàng rào phòng vệ thương mại cũng đang có xu hướng gia tăng. AEC đã có một số chính sách tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, nhiều nước ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Philipinese, Campuchia, Myanmar) cũng sản xuất giầy dép túi xách và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại các thị trường XK cũng như tại thị trường nội địa.

- Thị trường châu Á và châu Đại Dương

Thị trường châu Á và châu Đại Dương bao gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Úc, New Zealand hiện là các thị trường XK giày dép lớn của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ, EU và vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

 + Thuế nhập khẩu đối với sản phẩm da giày của Việt Nam tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã về 0%.

+ Đối với Hiệp định FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản, biểu thuế cam kết của Nhật Bản cắt giảm thuế nhập khẩu từ 7 đến 10 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Dự kiến XK hàng giày dép Việt Nam vào khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng do kinh tế châu Á dự báo sẽ tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường XK lớn tiếp theo của hàng giày dép nói chung và giày da nói riêng.

- Thị trường Trung và Nam Mỹ

XK giày dép nói chung và giày da nói riêng vào thị trường Trung và Nam Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Các thị trường Mexico và Peru, Chile sẽ được hưởng cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nhờ thuế quan giảm, hàng Việt Nam XK vào các quốc gia này dự kiến sẽ có giá thấp hơn, vì vậy giày dép Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để thâm nhập sâu hơn, lượng XK vào các thị trường này dự báo sẽ gia tăng. Tuy nhiên, giày dép XK vào các thị trường này sẽ chịu cạnh tranh mạnh do các quốc gia trong khu vực như Brazil cũng là những nước XK giày dép lớn của thế giới. Dự báo đến năm 2020, kim ngạch XK giày dép của Việt Nam vào khu vực này sẽ khoảng khoảng 700-800 triệu USD.

- Thị trường Tây Nam Á, Trung Đông, châu Phi

Các thị trường này còn nhiều tiềm năng và mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng cũng có nhiều khó khăn về phương thức thanh toán, chi phí vận tải, thiếu thông tin thị trường hoặc những bất ổn về chính trị, an ninh… là những rào cản cần được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể xúc tiến XK. Dự báo giá trị XK tại các thị trường này sẽ có xu hướng tăng ở Trung Đông và châu Phi nơi mà tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng tăng trong những thập kỷ tới. (Bảng 1)

bang 1

* Về mặt hàng XK

Xu thế nâng cao chất lượng của thị trường giày dép thế giới, các yêu cầu giày dép XK ở hầu hết các thị trường sẽ ngày càng trở nên khó tính hơn, nhiều ràng buộc kỹ thuật hơn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững cần chú ý đến nâng cao năng lực và phẩm chất sản phẩm của mình. Thị trường XK lớn nhất trong trung hạn đến năm 2025 sẽ vẫn tiếp tục là thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam XK 3 mã hàng giày dép chính là giày mũ da (mã HS 6403), giày mũ vải (mã HS 6404) và giày cao su và  plastic (mã HS 6402). (Bảng 2).

bang 2

Dù dự báo tăng trưởng hàng da giày về cả số lượng và giá trị đều tăng nhưng Việt Nam cần chú ý đến tăng trưởng theo cơ cấu mặt hàng, chủng loại và phân khúc giày dép. Các doanh nghiệp giày dép cần phải hướng tới phân khúc giày dép có giá trị gia tăng và thương hiệu cao cấp hơn trong mỗi chủng loại hàng XK nhằm thu được tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.

* Về phương thức XK

Dự báo phương thức XK giày dép của Việt Nam nói chung và mặt hàng giày da nói riêng sang các thị trường sẽ ngày càng đa dạng hóa hơn. Giá trị giày dép XK mang thương hiệu Việt Nam có thể tăng, nhất là tại thị trường ASEAN và châu Á. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành Da giày của Việt Nam vì cách duy nhất để gia tăng giá trị là Việt Nam phải có những thương hiệu da giày quốc gia giống như Trung Quốc (Senda, Spider King, Kangnai, Red Dragonfly, AoKang…).

- Thứ nhất, XK gián tiếp dưới dạng gia công.

 Doanh nghiệp gia công sẽ nhận được trả tiền công cho hoạt động gia công của mình. Hình thức XK này các doanh nghiệp tại Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất gia công, ít có cơ hội phát triển thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài.

Dự báo trong trung hạn, hình thức XK gián tiếp dưới dạng gia công cho các hãng nước ngoài vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK giày dép từ Việt Nam, thậm chí tỷ lệ này có thể gia tăng do các thương hiệu giao đơn hàng gia công đang chuyển khu vực gia công từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam.

- Thứ hai, XK trực tiếp bằng thương hiệu của đơn vị sản xuất.

Dưới hình thức này, các sản phẩm của doanh nghiệp khi bán ra được giữ nguyên thương hiệu của mình và có cơ hội tạo dựng hình ảnh của mình trên thị trường nước ngoài. Dự báo trong trung hạn, giá trị giày dép XK dưới hình thức này có thể sẽ gia tăng, các thương hiệu Việt Nam đang có xu hướng phát triển hơn, đồng thời nhiều hãng sản xuất có ý thức xây dựng thương hiệu chung. Giá trị XK giày dép dưới hình thức này sẽ có xu hướng tăng lên, nhất là XK sang các nước trong khu vực ASEAN, các nước khác tại châu Á, tại Trung Quốc và châu Phi, Trung Đông, những khu vực không quá kén chọn về thương hiệu hàng hóa.

Tại các thị trường EU, Mỹ, tỷ trọng XK trực tiếp dưới thương hiệu của nhà sản xuất nội địa dự kiến có thể tăng nhưng nhiều khả năng không thể tăng mạnh vì các thương hiệu thời trang lớn đã tồn tại từ lâu và được đánh giá là các thương hiệu mạnh, vì vậy, các thương hiệu mới sẽ khó mở rộng thị phần của mình.

- Thứ ba, XK ủy thác.

Hình thức XK này có ưu điểm là dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, doanh nghiệp ngoại thương không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hàng hóa và cũng không phải tự bỏ vốn ra để mua hàng. Tuy nhiên, phí ủy thác mà doanh nghiệp nhận được thường nhỏ nhưng được thanh toán nhanh. Hiện nay, các doanh nghiệp da giày ngày càng chuyên nghiệp hơn trong khâu thương mại XK, do đó dự báo XK theo hình thức ủy thác có thể sẽ giảm.

Kim ngạch XK giày dép Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục gia tăng nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi trong cả trung hạn và dài hạn. Dự báo kim ngạch XK giày dép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 8%/năm từ nay đến năm 2025 và khoảng 7-8%/năm trong giai đoạn 2025-2030. Trước những biến động của thế giới, để đạt được những kết quả như trên, cơ quan quản lý điều hành ngành hàng Giày dép, trực tiếp là Bộ Công Thương, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu và thực hiện nhiều chính sách hợp lý với từng thị trường khu vực, nhằm đưa ngành sản xuất, XK giày dép Việt Nam phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

  1. Chính phủ (2018), “Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương”, Chính phủ, 2018.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2016), “Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực công tác thông tin xúc tiến thương mại giai đoạn 2016-2020”, Chính phủ, 2016.
  3. Chinhphu.vn (2013), “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kì 2011-2020 tầm nhìn 2030”, Chính phủ Việt Nam, 2013.
  4. Chinhphu.vn (2012), “Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020”, Chính phủ Việt Nam, 2012.
  5. Bộ Công Thương (2018), “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội về các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT). http://moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=13266.
  6. Việt Nga (2018), Xúc tiến thương mại năm 2018: Sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, Báo Công Thương điện tử, 2018. https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-nam-2018-sang-tao-doi-moi-hieu-qua-98805.html
  7. Lefaso 2018, Báo cáo tổng kết ngành Da giày năm 2018, Hiệp hội Da-giày-túi xách Việt Nam, 2018.
  8. Bộ Công Thương (2014), “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Bộ Công Thương, 2014.
  9. Bộ Công Thương (2013), “Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Công Thương, 2013.
  10. Bộ Công Thương (2010), “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da - Giầy Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Bộ Công Thương,2010.
  11. Nguyễn Thùy Vân (2018), “Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại quốc gia trong tình hình mới”, Tạp chí điện tử Tài chính, 2018. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nang-cao-hieu-qua-xuc-tien-thuong-mai-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-137754.html

Tài liệu tiếng Anh

  1. Hanh Vu, Hung Doan (2016), “Vietnamese footwear export: The direction of trade and determinants of firms’ market penetration”, Munich Personal RePEc Archive (MPRA) 2016.
  2. Lan Hoang, Hong Pham (2016), “An Analysis of Vietnamese Footwear Manufacturers’ Participation in the Global Value Chain Where They Are and Where They Should Proceed?”, VNU Journal of Science: Education and Research.
  3. Chunyu Zhang (2018), “An empirical analysis on export status quo and international competitiveness of Chinese footwear products”, Leather and Footwear Journal.
  4. Dordi, C. (2010), “Challenges of accessing and exporting to the EU market”, MUTRAP, EUROPA, 2010.

 Opportunities for Vietnam to boost leather shoes exports in the context of new development period

Master. Nguyen Hai Trung

Leather and Shoes Research Institute

Abstract:

In the period of 2010-2020, the world has experienced radical changes, including the Industry 4.0, compared to previous decades. The Industry 4.0 is radically changing production, distribution and consumption ways. In addition, the world economic crisis in 2008, the escalation of current the U.S-China trade war, the rise of protectionism, and the recent shift of value chains and global production networks have impacted developing countries including Vietnam. These situations bring not only challenges but also great opportunities for Vietnam to boost its export growth including leather shoes exports and to engage deeply with upstream activities of global value chains.

Keywords: Leather shoes, export market, global value chain.