Trực tiếp từ Hội nghị: 3 bài học từ dịch Covid-19 của Vinatex

Tham luận tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm từ dịch Covid-19.
vinatex
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex

 

Theo ông Vương Đức Anh, dịch Covid 19 khiến GDP toàn cầu giảm 3,1% trong năm 2020, tình trạng lock down, giãn cách xã hội tại các thị trường lớn khiến nhu cầu dệt may suy giảm.  Xét ở quy mô dệt may thế giới: năm 2020 dịch Covid đã làm giảm 15% tổng cầu dệt may so với năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch, từ mức 742 tỷ USD xuống 630 tỷ USD, sau khi đã loại trừ mức tăng đột biến nhu cầu đồ bảo hộ cá nhân (PPE) trong năm 2020.

Về phía cung, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh và Ấn Độ đều giảm sâu từ 15% đến 20%, kể cả Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, nếu bóc riêng không tính đồ PPE xuất khẩu may mặc cũng giảm 6,6% trong năm 2020 Việt Nam kiểm soát dịch tốt đạt tăng trưởng 2,91% được xếp trong nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2020 vượt Bangladesh trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới (theo báo cáo của WTO vào tháng 8/2021), mặc dù thực tế xuất khẩu hàng dệt may năm 2020 của Việt Nam vẫn giảm khoảng 7,4% so với năm 2019.

Sang năm 2021, cả phía cầu và phía cung dệt may toàn cầu đều có sự phục hồi cùng với đà phục hồi của các nền kinh tế lớn sau khi tiêm phủ vắc xin diện rộng. Dự kiến tổng cầu dệt may thế giới năm 2021 phục hồi về bằng 95% mức của năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19 và hoàn toàn phục hồi về ngang mức trước dịch vào năm 2022. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều có sự phục hồi nhanh về xuất khẩu dệt may, xuất khẩu dệt may của Ấn Độ 7 tháng đầu năm 2021 thậm chí đã vượt qua mức của cùng kỳ năm 2019.

Đối với Dệt may Việt Nam, mặc dù khu vực may phía Nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý 3 tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2021 đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, Dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. 

Sau 9 tháng năm 2021, Tập đoàn đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn.

Rõ ràng khó khăn và thách thức Covid-19 đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may là rất lớn. Doanh nghiệp phải có các giải pháp ứng phó hết sức linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người lao động.

Ngay từ tháng 2.2020 khi dịch bệnh mới xuất hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng và ngành Dệt may nói chung đã xác định tính chất ngành là các doanh nghiệp đông lao động, quy mô tập trung con người rất lớn. Với doanh nghiệp may quy mô chung một xưởng sản xuất trung bình là trên 500 - 1000 lao động, một doanh nghiệp có từ 3000 – 10.000 lao động, cá biệt như các tổng công ty Việt tiến trên 35.000, Nhà bè trên 20.000; Hoà Thọ, May 10 đều trên 10.000 lao động; doanh nghiệp sợi dệt thì đi 3 ca nên đều là các địa điểm có rủi ro rất cao trong dịch bệnh.

Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, kể từ đầu quý 3/2021, hoạt động sản xuất bị dừng ở 19 tỉnh phía Nam, trọng điểm là khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… việc hạn chế số lượng lao động làm việc trực tiếp dẫn tới kim ngạch sụt giảm đáng kể. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn trú đóng tại các tỉnh này đã phải chịu áp lực và thách thức lớn nhất từ trước tới nay, đó là:

Việc dừng sản xuất kéo theo việc thời gian giao hàng không đúng cam kết với khách hàng. Nhiều khách hàng đã phải chuyển một phần đơn hàng sang nơi khác để sản xuất. Nguy cơ lớn nhất là mất khách hàng nếu việc dừng sản xuất tiếp tục kéo dài…

Công nhân bị nghỉ việc 3 tháng nên đã về quê. Ở thời điểm tháng 10/2021, khi thực hiện khảo sát nhanh ở một số doanh nghiệp lượng công nhân sẵn sàng quay lại làm việc ngay từ ngày đầu mở cửa ở mức dưới 50% lượng công nhân.

Việc phải hỗ trợ lao động ngừng việc đã làm cho các doanh nghiệp May ở phía Nam mất một khoản chi phí khá lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả DN.

Vì vậy, ông Vương Đức Anh nhán mạnh, quan điểm chỉ đạo chung của Tập đoàn trong suốt thời gian vừa qua là Sáng tạo – Tự chủ - Đoàn kết, đề cao văn hoá doanh nghiệp Tự do sáng tạo – tự chủ, tự cường – quyết định tự trọng. Cùng với mục tiêu trên hết là bảo toàn được lực lượng lao động và giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài học thứ 1: tạo được sự thống nhất

Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương từ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đến doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo như qua kênh phát thanh của công đoàn, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng sản xuất. Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, trong đó chống dịch lúc này đang là mục tiêu ưu tiên.

Bài học thứ 2: sáng tạo

Ngay khi có chủ trương sản xuất 3 tại chỗ và “một cung đường hai điểm đến” vào tháng 5/2021, Tập đoàn đã tổ chức hội thảo đánh giá khả năng thực hiện qua đó xác định ngành may về cơ bản không thể áp dụng 3 tại chỗ do công nhân đông, cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn khi bố trí ở lại, nếu bố trí ít thì cũng không giải quyết được đơn hàng; ngành sợi – dệt có thể đáp ứng sản xuất 3 tại chỗ đảm bảo được trên 80% sản lượng so với bình thường.

Bài học thứ 3: lựa chọn mục tiêu ưu tiên

Lãnh đạo các DN đều xây dựng các phương án kinh doanh theo kịch bản bị cách ly theo chỉ thị 16,chỉ thị 15… Qua đó lựa chọn ưu tiên khách hàng, đơn hàng cần được bảo vệ, tổ chức các đơn hàng ngành sợi với sản lượng tối đa do ngành sợi đang có hiệu quả. Tổ chức cụm các doanh nghiệp sản xuất cùng loại mặt hàng để kịp thời chi viện cho nhau khi có mắt xích bị cách ly.

Đối với mảng bán lẻ trong nước, mặc dù quy mô thị trường tiêu thụ hàng dệt may trong nước còn nhỏ (chỉ chiểm khoảng 10% năng lực toàn ngành, quy mô khoảng 5 tỷ USD/năm) nhưng hệ thống kinh doanh thời trang bán lẻ của Tập đoàn cũng có những điều chỉnh phù hợp theo xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.

Trung tâm thời trang Vinatex thuộc Tập đoàn DMVN và các đơn vị thành viên đã phát triển kênh bán hàng ở những sàn thương mại tập trung lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Đồng thời thiết kế nhiều chương trình bán hàng đa dạng, nhiều combo khuyến mãi và chương trình chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để giữ được lượng khách hàng trung thành. Các cửa hàng truyền thống sẽ có cơ hội thúc đẩy kinh doanh lớn hơn bằng cách kết hợp kinh doanh ngoại tuyến với các chiến lược online để có thể thu hút nhiều khách đến cửa hàng của họ hơn, tức chính là vận dụng mô hình O2O (hướng khách hàng từ online đến cửa hàng offline), góp phần hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang. Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín./.

Vĩnh Linh