Trung Quốc giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế

Thay vì tiếp tục bơm tiền kích thích kinh tế như Hoa Kỳ và Châu Âu, Trung Quốc đang giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, đặc biệt là tập trung kiểm soát nợ và các bong bóng tài sản.
Trung Quốc
Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để rút lại các biện pháp kích thích kinh tế mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng hoặc gây ra các bất ổn trên thị trường (Ảnh: The Real Deal)

Giữa tuần trước, Hoa Kỳ đã tung ra gói kích thích kinh tế quy mô khổng lồ 1.900 tỷ USD, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình mua trái phiếu trị giá 1.850 tỷ EUR (2.200 tỷ USD) trong 3 tháng tới. Thay vì tiếp tục bơm tiền kích thích kinh tế như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc lại đang dần thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế.

Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để rút lại các biện pháp kích thích kinh tế mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng hoặc gây ra các bất ổn trên thị trường.

Đây cũng chính là bài toán mà những quốc gia khác sẽ phải đối mặt trong những năm tới khi nền kinh tế đã hồi phục sau đại dịch Covid-19. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc xuất hiện các bong bóng bất động sản tại nước này cũng như gánh nặng nợ vốn đã tích tụ kể từ cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra.

Nếu Trung Quốc không xử lý ổn thoả, việc siết chặt các biện pháp kích thích kinh tế có thể làm suy yếu đà phục hồi của nước này cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, tác động sẽ sâu rộng hơn nếu xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ tại Trung Quốc hoặc thị trường chứng khoán nước này điều chỉnh mạnh.

Để tránh các rủi ro này, nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ dần thắt chặt cung tín dụng tại một số bộ phận của nền kinh tế và tránh thực hiện các biện pháp mạnh tay như tăng lãi suất.

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức “trên 6%”. Đây là mục tiêu tương đối thấp dựa trên đà phục hồi hiện tại cũng như là lần thứ hai, nước này không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc có thể tăng khoảng 8% trong năm nay.

Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thâm hụt tài khoá xuống còn 3,2% GDP trong năm nay so với mức 3,6% GDP trong năm 2020. Qua đó, cho thấy Trung Quốc sẽ có chính sách tài khoá chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cắt giảm quy mô trái phiếu đặc biệt của các địa phương xuống còn khoảng 560 tỷ USD trong năm nay, so với mức 576 tỷ USD trong năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc cũng không thông báo phát hành thêm trái phiếu chính phủ trung ương đặc biệt trong năm nay. Trong năm 2020, nước này đã bán ra gần 154 tỷ USD trái phiếu loại này.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Đại lục Trung Quốc tại tập đoàn ngân hàng Standard Chartered (Anh), nhận định “Rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc có ý định siết chặt các biện pháp kích thích và chính sách nhưng họ đang thực hiện điều này một cách thận trọng”.

Trong một cuộc họp báo ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh “Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chúng tôi sẽ thực hiện các điều chỉnh chính sách phù hợp nhưng theo cách vừa phải. Một số chính sách tạm thời sẽ bị loại bỏ dần, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra cấu trúc chính sách mới, như cắt giảm thuế và phí, để bù đắp tác động".

Để kiềm chế sự hình thành các bong bóng bất động sản, Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các quy định mới siết chặt việc cấp vốn cho các nhà phát triển bất động sản. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tại nước này đã tăng lên trong tháng 2 vừa qua sau 4 tháng giảm liên tiếp, giới quan sát dự báo hoạt động cho vay sẽ sớm chậm lại.

Cách tiếp cận khác nhau giữa Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác phản ánh Trung Quốc coi đại dịch Covid-19 là sự gián đoạn tạm thời. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn đang cố gắng phục hồi nền kinh tế và ngăn chặn thiệt hại lâu dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong năm ngoái, Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế nhưng quy mô các biện pháp này chiếm tỷ trọng GDP thấp hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây.

Theo đánh giá của IMF, tính đến cuối năm ngoái, tổng mức chi của Trung Quốc cho kích thích kinh tế là khoảng 6% GDP của nước này, thấp hơn nhiều so với mức 19% GDP của Hoa Kỳ. Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau đại dịch kể từ quý 4/2020, phần lớn nhờ thành công trong kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu tăng mạnh.

Các nhà phân tích của Trung Quốc cho biết giới lãnh đạo nước này đang đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát nợ và các vấn đề kinh tế dài hạn khác. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng thêm 24% lên 270% trong năm ngoái. Đây cũng là mức gia tăng nợ nhanh nhất kể từ năm 2009.

Giới phân tích dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ nghiêng về việc kiềm chế tốc độ phát hành nợ mới hơn là nâng lãi suất cơ bản. Do việc nâng lãi suất cơ bản có thể thu hút dòng vốn nóng đầu cơ và tạo ra các bong bóng tài sản. PBOC đã cam kết giữ chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, đồng thời tránh các biện pháp kích thích ồ ạt.

Một nguy cơ khác có thể xảy ra khi Trung Quốc thắt chặt chính sách tín dụng là các vụ vỡ nợ tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đang chịu áp lực nợ lớn và giới chức lãnh đạo ngày càng cảnh giác với việc cứu trợ những đơn vị này.

"Khi Trung Quốc loại bỏ các biện pháp hỗ trợ, một số vấn đề đã được che đậy trong năm ngoái có thể xuất hiện trong năm nay. Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn và tỷ lệ nợ xấu cao hơn", theo đánh giá của ông Wang Tao, nhà kinh tế phụ trách thị trường Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ).

Quang Đặng (Tham khảo Wall Street Journal)