Trung Quốc: Hoạt động của khối dịch vụ tiếp tục suy giảm, nền kinh tế khó phục hồi nhanh chóng

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng khối dịch vụ trong tháng 4/2020 của Trung Quốc chỉ đạt 44,4 điểm, cho thấy khối dịch vụ của nước này vẫn bị thu hẹp trong bối cảnh số đơn hàng xuất khẩu mới suy giảm và nhân công mất việc tăng cao.
Kinh tế Trung Quốc suy thoái
 Các khu vui chơi và mua sắm tại Trung Quốc vẫn vắng bóng người mặc dù nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: CNN)

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khối dịch vụ Caixin/Markit trong tháng 4/2020 của Trung Quốc chỉ đạt mức 44,4 điểm, tăng không đáng kể so với mức 43 điểm trong tháng 3/2020 và vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy hoạt động của khối dịch vụ tại Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp bất chấp Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế.

Chỉ số PMI Caixin/Markit do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit thực hiện và tập trung vào đo lường hoạt động của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Sự suy giảm hoạt động của khối dịch vụ tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh số lượng người bị mất việc tại Trung Quốc cao kỷ lục và số đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận việc khối dịch vụ của Trung Quốc thu hẹp hoạt động.

Khối dịch vụ hiện đóng góp đến 60% tổng GDP và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm đối với nền kinh tế Trung Quốc. Sự sụt giảm hoạt động của khối dịch vụ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn sau khi GDP của nước này trong quý 1/2020 đã giảm kỷ lục 6,8% và sẽ khó phục hồi nhanh chóng trở lại như các kỳ vọng trước đây.

Mặc dù Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19 nhưng các quốc gia khác trên thế giới như Hoa KỳChâu Âu vẫn đang vật lộn với dịch bệnh và đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng khiến nhu cầu đối với hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc sụt giảm mạnh. Tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đang khiến giới phân tích lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với đợt suy thoái kinh tế tồi tệ hơn nhiều so với những dự báo ban đầu.

Ông Zhengsheng Zhong, giám đốc phụ trách phân tích kinh tế vĩ mô tại hãng tư vấn đầu tư CEBM Group, nhận định “Không thể đánh giá mức độ của làn sóng tác động thứ hai, sự suy giảm nhu cầu tại các thị trường nước ngoài, đối với nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2020”.

Số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc trong tháng 4/2020 tiếp tục sụt giảm mạnh, với tốc độ giảm cao thứ hai trong lịch sử ghi nhận dữ liệu. Thông thường, hoạt động xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng cao trở lại sau tháng 3 hàng năm khi nước này kết thúc kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày.

Trong ngày 30/4, chỉ số PMI tổng hợp khu vực sản xuất và dịch vụ Caixin/Markit trong tháng 4/2020 của Trung Quốc chỉ đạt 47,6 điểm, tăng nhẹ so với mức 46,7 điểm trong tháng 3/2020. Mặc dù chỉ số này có tăng lên nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy tổng thể chung các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc vẫn tiếp tục suy yếu dưới các tác động của đại dịch Covid-19.

Quang Đặng (Theo CNBC)