Trung Quốc lên kế hoạch xả bán đồng từ kho dự trữ, giá đồng thế giới lao dốc

Chốt phiên giao dịch ngày 15/6 (theo giờ địa phương), giá kim loại đồng đã rơi xuống đáy 8 tuần khi giới đầu tư lo ngại Trung Quốc sẽ xả bán đồng từ kho dự trữ quốc gia nhằm kìm hãm việc giá đồng tăng cao kỷ lục.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/6 (theo giờ địa phương), giá đồng giao tháng 7/2021 trên sàn giao dịch COMEX (Hoa Kỳ) đã giảm mạnh 4,2% xuống còn 4,34 USD/pound – chạm đáy 8 tuần trở lại đây; mức giá này thấp hơn đến 9% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 5 vừa qua. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá đồng kể từ cuối tháng 4/2021.

Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng giao sau 3 tháng cũng giảm khoảng 4%, còn 9.553,5 USD/tấn. Giá đồng chịu áp lực giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại Cơ quan dự trữ quốc gia Trung Quốc đang có kế hoạch dần xả bán các kim loại công nghiệp gồm đồng, nhôm và kẽm trong thời gian tới nhằm hạ nhiệt thị trường. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát sự leo thang của giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô.

Giá kim loại đồng
 Diễn biến giá kim loại đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME kể từ đầu năm đến nay (Ảnh: The Wall Street Journal)

Việc giá kim loại công nghiệp nói chung và giá các loại hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô trên thị trường thế giới liên tục tăng cao trong giai đoạn vừa qua đã gây áp lực lớn đến các hoạt động sản xuất của Trung Quốc, gia tăng rủi ro đến quá trình phục hồi kinh tế của nước này. Hiện Trung Quốc đang chiếm đến khoảng 50% tổng nhu cầu về đồng tinh luyện trên toàn cầu.

Ông William Adams, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản thuộc hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh), nhận định “Trở ngại lớn nhất đối với thị trường đồng hiện nay là việc Trung Quốc đang tìm cách kìm hãm đà tăng của lạm phát và ngăn chặn tình trạng đầu cơ và tích trữ kim loại. Điều này sẽ trở thành nhân tố quan trọng quyết định dòng tiền nóng vốn đang đổ vào thị trường đồng trong thời gian qua”.   

Kim loại đồng đã trở thành mặt hàng có đà tăng giá mạnh nhất trong số các kim loại công nghiệp kể từ đầu năm đến nay. Đà tăng mạnh của giá đồng đã thu hút sự quan tâm của nhiều bên khi kim loại này đóng vai trò quan trọng trong việc các nền kinh tế lớn chuyển dịch dần từ các nguồn nguyên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Nguồn cung đồng trên toàn cầu cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt khi nhiều mỏ khai thác phải tạm ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19.

Việc giới đầu tư gia tăng hoạt động đầu cơ và các tổ chức kinh tế đưa ra dự báo lạc quan về giá đồng càng khiến giá đồng tăng cao kỷ lục thời gian vừa qua. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc liên tục có các động thái nhằm hạ nhiệt giá nguyên vật liệu thô. Những nỗ lực này đã bắt đầu phát huy tác dụng và khiến giá một số loại nguyên liệu giảm xuống. Giá đồng hiện đã giảm mạnh khoảng 1.000 USD/tấn so với mức cao nhất mọi thời đại 10.556 USD/tấn được thiết lập hồi tháng 5 vừa qua.

Kể từ tháng 5, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về việc giá hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô tăng cao chưa từng thấy và tuyên bố sẽ có các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả. Chính phủ Trung Quốc cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn nếu phát hiện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu cơ và thao túng giá hàng hoá.

Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc khối G7 và NATO lại nổi lên khiến thị trường lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu sử dụng đồng.

Ông Julian Kettle, Phó chủ tịch hãng tư vấn và nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên Wood McKenzie (Australia), cũng cho biết sự sụt giảm của giá đồng là do giá đồng đã tăng quá nóng và các yếu tố nền tảng không thực sự giúp giá đồng tăng cao như những gì đã xảy ra.

Ngoài ra, những biến chủng Covid-19 mới và việc kéo dài phong toả tại một số quốc gia đang đặt ra các rủi ro mới đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, ông Julian Kettle nhận định.

Quang Đặng (Tham khảo Wall Street Journal)