Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam gấp 4 lần

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2024, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 750 triệu USD, đặc biệt, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng trưởng mạnh.

Trong tháng đầu năm 2024, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể, tôm tăng 71%; cá tra tăng 97%; cá ngừ tăng 57%; mực bạch tuộc tăng 45%; các loại cá khác tăng 50%.

Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc & Hồng Kông, tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...

Đáng chú ý, trong tháng 1/2024, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) đã trở thành thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Tháng 1 cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán, vì vậy, riêng mặt hàng tôm và cá tra Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong tháng này, tăng gấp 4 lần so với tháng 1/2023.

Trung Quốc tăng nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam gấp 4 lần
Riêng đối với mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, tăng gấp 4 lần so với tháng 1/2023

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành Thuỷ sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…

Có một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng vẫn lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

Bên cạnh đó, lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam hiện vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024, bà Trần Thuỵ Quế Phương - Chánh văn phòng Hiệp hội VASEP dự đoán, ngành tôm sẽ tiếp tục đối mặt với tăng trưởng kém trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ, từ 10-15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm đang dần hồi phục. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu.

Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40-45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Do những ảnh hưởng của chiến tranh, của biến động ở Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ là lợi thế. Mặt khác, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.” - Bà Trần Thuỵ Quế Phương chia sẻ.

Xem thêm Bài viết "Nguồn cung toàn cầu suy giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tăng 15% năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trung Quốc tăng nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam gấp 4 lần
Đơn hàng xuất khẩu cá tra trong tháng 1 và 2/2024 đã có dấu hiệu khởi sắc

Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và 2/2024 bắt đầu khởi sắc, đồng thời giá cá tra của Việt Nam cũng được thúc đẩy từ việc thiếu hụt nguồn cung, do vậy, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 25-26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28-29.000 đồng/kg đầu năm nay.

Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Vì thế, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.

Ngành hải sản cũng như thủy sản nói chung đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như: chiến tranh, xung đột ở Nga - Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt. Ngoài ra, riêng với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ xuất khẩu vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.

Nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, hy vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD.” - Đại diện VASEP dự báo

Huyền My