Trung Quốc tích cực xem xét tham gia CPTPP

Vào cuối năm 2020, Trung Quốc quyết định “nghiêm túc xem xét” việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng quá trình này sẽ không dễ dàng bởi Bắc Kinh còn đối mặt nhiều rào cản từ các yêu cầu khắt khe về tư cách thành viên của khối.

Trung Quốc “tích cực xem xét” tham gia CPTTP

CPTPP được kế thừa và phát triển từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là trọng tâm trong chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm củng cố ảnh hưởng tại khu vực châu Á. 

Trong một thời gian dài, Trung Quốc không bày tỏ ý muốn tham gia hiệp định này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm khi các quan chức nước này nghiên cứu các khả năng và tìm kiếm các lời khuyên để tham gia vào hiệp định nói trên.

Ngày 19/11/2020, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu rằng Trung Quốc sẽ “tích cực xem xét” việc tham gia CPTTP. Trước đó, vào tháng 5/2020, tại cuộc họp báo nhân kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã công khai xác nhận “sự quan tâm tích cực” của Trung Quốc đối với CPTPP.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào CPTTP. Trước hết, việc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra áp lực bên ngoài để Bắc Kinh tiến hành một số cải cách cần thiết ở trong nước. Chẳng hạn như xóa bỏ các rào cản cơ cấu và thể chế đã ăn sâu bám rễ, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách DNNN, cải cách thể chế cạnh tranh và xây dựng một nền kinh tế mở với các thể chế mới cấp cao hơn.

CPTPP cũng có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng như khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước hành động tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác của Washington...

Bên cạnh đó, việc Mỹ không tham gia CPTPP cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 mang lại cho Trung Quốc cơ hội để hội nhập kinh tế với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Còn nhiều rào cản cần vượt qua

Tuy nhiên, để tham gia CPTPP, Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn và không ít rào cản. Nước này có thể cần một thời gian dài để đàm phán các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), luồng dữ liệu xuyên biên giới và tiêu chuẩn lao động.

Một trong những mục đích rất quan trọng khi tham gia CPTPP là thúc đẩy cải cách thông qua mở cửa, trong đó có cải cách các DNNN. Tuy nhiên, vấn đề của các DNNN lại nằm ở hệ thống kinh tế rất cơ bản ở Trung Quốc, nơi mà sở hữu công là trụ cột. Điều này gây ra khá nhiều khó khăn cho việc cải cách. Mặc dù CPTPP không yêu cầu các quốc gia thành viên xóa bỏ DNNN nhưng lại áp đặt các hạn chế đối với DNNN. Những quy định này cũng có tác động phần nào.

Hiện vẫn chưa có quy tắc rõ ràng cho luồng dữ liệu xuyên biên giới. Trung Quốc thậm chí còn không thiết lập các quy tắc trong nước, điều này khiến các cuộc đàm phán quốc tế trở nên khó khăn. Các vấn đề về tiêu chuẩn lao động cũng vướng vào một số vấn đề chính trị nhất định do liên quan đến quyền lao động và tổ chức công đoàn.

Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ phải đạt thỏa thuận về các điều khoản với tất cả các bên tham gia, bao gồm một số đồng minh truyền thống của Mỹ mà Trung Quốc hiện đang có những mâu thuẫn khá lớn như Australia, Nhật Bản, Canada.

Triển vọng của Trung Quốc gia nhập CPTPP vẫn chưa rõ ràng nếu Mỹ đột ngột muốn quay trở lại hiệp định. Việc Trung Quốc có được phê duyệt để tham gia vào CPTPP hay không cũng không phải là vấn đề của một sớm một chiều.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia hiệp định bất chấp những khó khăn cho thấy nước này mong muốn khẳng định vị thế của mình trên những thiết chế đa phương, đồng thời kiềm chân Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược giành vị trí đứng đầu thế giới.

Mi Mi