Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) tỉnh Khánh Hòa đã nổ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, có nhiều sáng kiến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với thành tích đạt được, vừa qua đơn vị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Sử dụng một phần nguồn thu cho công tác trùng tu

Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, sự phối hợp của các ban ngành liên quan; Trung tâm BTDT tỉnh Khánh Hòa luôn thực hiện công tác tu bổ di tích một cách nghiêm túc, đúng quy định.

Đối với các di tích cấp quốc gia khi triển khai tu bổ đều có hồ sơ dự toán, thiết kế trình xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt mới triển khai thực hiện, như: thành cổ Diên Khánh, Tháp Bà Ponagar, miếu Trịnh Phong, di tích lịch sử địa điểm Tàu C235.

Đối với di tích cấp tỉnh khi tu bổ đều có ý kiến thẩm định về thiết kế của Sở Văn hóa và Thể thao. Khi di tích được xếp hạng bị hư hỏng, xuống cấp, các Ban quản lý di tích, UBND xã, phường, thị trấn đều tiến hành đồng bộ các thủ túc tu bổ; đơn vị thực hiện các khâu từ thiết kế, thi công, giám sát đều có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hội quán Hòn chồng
Hội quán Hòn chồng

Tuy nhiên, do số lượng các di tích xuống cấp ngày càng nhiều, trong khi kinh phí từ ngân sách dành cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng còn chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời đã khiến nhiều di tích phải “đợi” để được trùng tu.

Để tránh hiện tượng các di tích hư hại kéo dài, Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) đã sử dụng một phần nguồn thu từ di tích để phục vụ cho công tác này. Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm BTDT tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Các di tích trên địa bàn tỉnh tùy mức độ đều có sự xuống cấp do yếu tố thời gian, nếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước thì công tác trùng tu, sửa chữa không thể kịp thời.

Từ năm 2017, được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho phép sử dụng 30% nguồn thu phí tham quan để hỗ trợ tu bổ, phục hồi các di tích, danh thắng trên địa bàn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu bức thiết của công tác này. Do đó đơn vị có thể chủ động trong công tác trùng tu, sửa chữa di tích, thắng cảnh mà không phải đợi ngân sách Nhà nước.

Từ đó vừa giữ gìn giá trị di sản vừa phát huy được giá trị văn hóa, tâm linh trong đời sống nhân dân; thu hút du khách, góp phần trong việc phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Lễ hội đền Hùng được tổ chức trang trọng
Lễ hội đền Hùng được tổ chức trang trọng

Theo quy định, đối với một di tích cần tu bổ, tôn tạo sẽ được cấp tối đa 60% tổng dự toán (nhưng không quá 500 triệu), 40% còn lại sẽ từ nguồn xã hội hóa. Đối với những địa phương đặc biệt khó khăn, nguồn đóng góp của nhân dân còn hạn chế hoặc với những di tích nằm trong diện cấp thiết thì Trung tâm sẽ xin ý kiến lãnh đạo cấp Sở để có phương án kịp thời.

Ông Tuấn Dũng chia sẻ: “Việc xã hội hóa, huy động sự đóng góp của nhân dân trong việc trùng tu, sửa chữa di tích sẽ nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhưng đối với những trường hợp đặc biệt chúng tôi luôn có sự hỗ trợ kịp thời”.

Cụ thể, sau cơn bão số 12 (vào cuối năm 2017) toàn tỉnh có đến 14 di tích bị hư hại hoặc đổ sập; tổng kinh phí tu bổ, sửa chữa lên tới 500 triệu, Trung tâm đã linh động giải quyết, kịp thời hỗ trợ toàn bộ số kinh phí này”.

Nỗ lực trong công tác bảo tồn

Theo báo cáo của Trung tâm BTDT tỉnh Khánh Hòa, trong nhiều năm qua, đơn vị luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ nhà nước giao và các nhiệm vụ đột xuất khác. Cụ thể trong năm 2019, Trung tâm đã xây dựng được 3 hồ sơ di tích cấp tỉnh (đạt 150% kế hoạch được giao) gồm: di tích Đình Vĩnh Hội (Nha Trang); di tích Đình Đầm Môn (Vạn Ninh); Đền thờ danh nhân Trần Đường (Vạn Ninh).

Được thực hiện từ nguồn Quỹ đầu tư và phát triển của Trung tâm, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức 10 Hội thi tuyên truyền Di sản Văn hóa cấp huyện (đạt 125%) và 1 Hội thi tuyên truyền cấp tỉnh (đạt 100%).

Thông qua các đợt tuyên truyền đã cung cấp cho các em học sinh kiến thức cơ bản về giá trị, ý nghĩa cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tổ chức, phối hợp và tham gia những lễ hội lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Am Chúa, lễ hội Đền Trần Hưng Đạo.

Đặc biệt Trung tâm đã tổ chức thành công lễ hội Tháp Bà năm 2019, đón tiếp trên 100 đoàn khách hành hương với hơn 100.000 lượt người về dự lễ.

Tháp Bà Ponagar thu hút nhiều khách du lịch tham quan
Tháp Bà Ponagar thu hút nhiều khách du lịch tham quan

Song song với công tác bảo tồn, trong năm 2019, Trung tâm đã phục vụ hơn 5 triệu lượt khách tham quan tại khu Di tích Tháp Bà và Danh thắng Hòn Chồng. Tại hai địa điểm này, Đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm và ban nhạc biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc liên tục biểu diễn phục vụ du khách; các tiểu cảnh, cảnh quan thường xuyên được tôn tạo; an ninh trật tự được đảm bảo đã tạo được ấn tượng đẹp đối với khách tham quan. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã xuất bản 5.000 tờ gấp và dịch ra tiếng nước ngoài giới thiệu, quảng bá di tích Tháp Bà Ponagar tới đông đảo du khách tham quan.

Với những kết quả đạt được trong năm 2019 nói riêng, giai đoạn từ 2012-2018 nói chung, mới đây, Trung tâm BTDT tỉnh là 1 trong 4 đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. “Đây chính là vinh dự và sự khích lệ to lớn đối với tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm. Từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong công các bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh” - Ông Dũng chia sẻ.        

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao. Trong đó, ngoài chú trọng công tác bảo tồn, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh khai thác các dịch vụ tại Khu di tích Tháp Bà và danh thắng Hòn Chồng một cách hợp lý để tăng nguồn thu cho hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Đồng thời nâng cao từng bước kỹ năng giao tiếp, phục vụ của cán bộ, công nhân viên đối với du khách tại 2 điểm tham quan di tích Tháp Bà và danh thắng Hòn Chồng, theo phương châm chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự.

 

PV