Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc: Phát huy hiệu quả từ các đề án khuyến công

Năm 2022, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc (Trung tâm) đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiên, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho 32 đơn vị, với kinh hỗ trợ là 5 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại Trung tâm đã phối hợp nghiệm thu được 9/32 đề án. Các đề án khuyến công khi đi vào hoạt động đã giúp cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Các đề án cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, về khuyến khích phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…

Sử dụng hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công

Sáng ngày 28 tháng 9 năm 2022, Trung tâm phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh - Số nhà 24A, đường Trường Chinh, phường Xuân Hoà, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nghiệm thu đề án: “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến nấm đông trùng hạ thảo” theo chương trình khuyến công địa phương năm 2022.

khuyến công
Việc đầu tư máy móc cho ra sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, bằng công nghệ tiên tiến

Với tổng kinh phí thực hiện đề án là 385 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương  hỗ trợ 150 triệu  đồng. Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh đã đầu tư mới 100%; 01 Máy sấy thăng hóa HT-FD24; Công suất định mức: 10kw; Năng suất đông khô: 24 lít/mẻ sấy; Số khay sấy: 10 cái. Việc máy móc đi vào hoạt động đã giúp doanh thu của Công ty ước đạt khoảng hơn 156 triệu đồng/tháng (1,875 tỷ/năm) trong năm đầu tiên và tăng ổn định 20%/năm trong những năm tiếp theo. Năng suất sản phẩm/tháng gấp 2 lần: 6.000 hộp/tháng.

Từ đó, giải quyết việc làm cho 6-8 lao động toàn thời gian, 4-6 lao động bán thời gian. Thu nhập bình quân của lao động đạt khoảng 6-9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra đầu tư máy móc, thiết bị mới giúp người lao động nâng cao tay nghề, tạo việc làm và có thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Đỗ Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý, việc đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là rất bền vững. Sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, bằng công nghệ tiên tiến, góp phần khẳng định vị thế của tỉnh Vĩnh Phúc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Góp phần làm đa dạng sản phẩm vùng miền mang thương hiệu tỉnh nhà”.

phát triển hoạt động khuyến công
Từ khi được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc doanh thu bình quân của Cơ sở sản xuất Trần Văn Hùng  tăng từ 180 triệu đồng/tháng lên 250 triệu đồng/tháng

Tương tự, với tổng kinh phí đầu tư 225 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 90 triệu đồng. Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm kính, cửa Inox” tại Cơ sở sản xuất Trần Văn Hùng - xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, đã giúp cơ sở tạo ra các loại sản phẩm như cánh cửa lớn, cửa sổ, ô gió, tủ bếp… phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.

Quy trình sản xuất theo quy trình công nghệ, thời gian thi công nhanh gọn, có độ chính xác cao, thiết kiệm thời gian, sản phẩm chủ yếu là các công trình nhà nước và công trình tư nhân, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, sản phẩm ổn định, lâu dài.

Ông Trần Văn Hùng, Cơ sở sản xuất Trần Văn Hùng vui vẻ cho sẻ: “Việc máy móc đầu tư đi vào vận hành gồm: Máy cắt nhôm 2 đầu; Máy phay đố; Máy nén khí và Đột dập 17 dao, đã giúp Cơ sở năng suất tăng từ 120m2 cửa/tháng lên 200m2 cửa/tháng, doanh thu bình quân tăng từ 180 triệu đồng/tháng lên 250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 triệu lên 9 triệu đồng/người/tháng”.

Đề án thực hiện sẽ đem lại hiệu quả xã hội rõ rệt và thiết thực như sản phẩm của cơ sở sẽ có tính cạnh tranh cao và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ngoài ra, đầu tư máy móc thiết bị giúp cho người lao động nâng cao tay nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho cơ sở và người lao động…

giảm thiểu ô nhiễm
Giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm thời gian nung, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ Lò nung ga tự động được đầu tư tại Cơ sở sản xuất Nguyễn Hồng Quang

Cùng với đó, sáng 14/9/2022, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc phối hợp với Cơ sở sản xuất Nguyễn Hồng Quang - thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nghiệm thu cơ sở Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất Gốm truyền thống”, với tổng kinh phí đầu tư 380 triệu đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 155 triệu đồng,

Sau khi đề án được triển khai Chủ cơ sở đã mạnh dạn đầu tư mua mới 100% các máy móc thiết bị gồm: Lò nung ga tự động, Cấu tạo gồm 03 phần “vỏ lò, lớp bảo ôn, hệ thống đường ống dẫn khí và đầu đốt” thể tích lò 5m3, nhiệt độ Tmax=1300ºc, Tmin=300ºc. Với ưu điểm vượt trội của các thiết bị trên giúp giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm thời gian nung, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là phát thải độc hại so với khi nung bằng than, từ đó cho ra chất lượng sản phẩm đồng đều, sản phẩm tốt sau nung đạt 95%.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công

Hiệu quả đạt được từ hoạt động khuyến công trong thời gia qua của tỉnh Vĩnh Phúc đã được khẳng định. Đó là, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, bên cạnh việc góp phần tăng cường sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, còn có tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đó là sự khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở sản xuất trong phát triển kinh tế, giúp cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp vững tin trong quá trình đầu tư.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai, rà soát các đơn vị đã được phê duyệt, hướng dẫn hồ sơ máy móc thiết bị và tổ chức nghiệm thu các đề án đã được phê duyệt.

Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa các nội dung khuyến công, gắn với nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ tích cực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Hoàng Dương