Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh: Hiệu quả lớn từ mô hình “đào tạo kép”

Những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp trong tỉnh và các địa phương trong cả nước.

Sáng tạo, nâng cao chất lượng thực học, thực hành

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội(KT – XH) cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh liên tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy và học gắn với thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động đào tạo của Nhà trường chính là việc phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình “Đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc thực học thực hành và trang bị cho học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại.

Giảng viên, sinh viên nhà trường nghe các kỹ sư hướng dẫn lắp đặt dây chuyền tự động tại trường

Mô hình “đào tạo kép” giúp doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo, thuận lợi tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng; đồng thời giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cho HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường. Trình độ tay nghề của HSSV nhà trường ngày càng cao, được doanh nghiệp tin tưởng tuyển dụng với tỷ lệ HSSV sau tốt nghiệp có việc làm đạt trên 95%.

Với hiệu quả mang lại cho cả nhà trường, doanh nghiệp và xã hội, mô hình này đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như: Công ty TNHH Canon Việt Nam - Chi nhánh Tiên Du, Công ty TNHH Samsung Display Yên Phong, Công ty Sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT…

Đối với HSSV năm cuối cần được thực tập thường xuyên, Nhà trường xây dựng phương án phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực tập theo mô hình “3 tại chỗ” (học tập, ăn uống và nghỉ ngơi) ngay tại trường. Dưới sự hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn của các kỹ thuật viên từ doanh nghiệp, các giảng viên, HSSV có điều kiện được thực hành, thực tập ở nhiều chuyên ngành như: Chế tạo máy, thiết kế cơ khí, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, tự động hóa… Đây là bước đổi mới có tính đột phá trong công tác tổ chức dạy và học của nhà trường trong năm học này.

Sớm xây dựng Trường đào tạo nghề chất lượng cao

Phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất và bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo lộ trình của Đề án trường chất lượng cao. Cập nhật công nghệ mới, tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động chủ yếu của Nhà trường, tổ chức tốt hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và ứng dựng khoa học trong giảng dạy, thực hành sản xuất, dịch vụ kỹ thuật; Đẩy mạnh liên kết sản xuất tại Trung tâm công nghệ cao, các xưởng thực hành ô tô, Điện – điện tử...

Tập đoàn Công nghệ HCL (Ấn Độ) thăm và làm việc tại BCi - mở ra cơ hội hợp tác mới

Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình từng bước để Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh trở thành trường chất lượng cao trước năm 2025. Trong thời gian tiếp theo, phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực định hướng hội nhập quốc tế, hướng tới cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín, chất lượng cao trong khu vực ASEAN.

Năm học 2021-2022:

  • Nhà trường tuyển sinh mới 786 HSSV hệ chính quy, nâng tổng số HSSV toàn trường là 2.186 em, trong đó hệ Cao đẳng chiếm hơn 70%.
  • Nhà trường đào tạo thêm một số nghề mới như: Thương mại điện tử; Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn CHLB Đức…
  • Đến nay, tỷ lệ CBGV có trình độ sau Đại học của Nhà trường chiếm 43% với 1 Tiến sĩ, 39 Thạc sĩ. Đội ngũ CBGV cũng thường xuyên được tập huấn, tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp để kịp thời cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng mới phục vụ việc giảng dạy. Bên cạnh đó, Nhà trường còn liên kết mời các kỹ sư, chuyên gia tham gia vào quá trình giảng dạy, hướng dẫn, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho việc thực học, thực hành của HSSV. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề của nhà trường.

Nguyên Khôi