Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM với công tác nghiên cứu khoa học công nghệ

Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, tên tiếng Anh là HCM University of Industry (HUI), là một trong những cơ sở giáo dục đại học, kỹ thuật và đào tạo nghề lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Trường có quy m

Trường là nơi khai sinh ra nhiều chủ trương về đào tạo và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, gắn đào tạo với sản xuất và những tiến bộ khoa học công nghệ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất thì công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ cũng được Nhà trường coi trọng và không ngừng phát triển.

 

I. Một số hoạt động nghiên cứu KHCN và đào tạo

Nhà trường đặc biệt quan tâm việc tổ chức NCKH và chuyển giao công nghệ. Về nghiên cứu, Nhà trường đã hình thành các nhóm nghiên cứu về các lĩnh vực khác nhau như: Tự động hóa, phát triển phần mềm, chế tạo máy, môi trường, chế biến nông sản thực phẩm, năng lượng và đăng ký các đề tài khoa học và phát triển các trung tâm NCKH theo hướng thực sự là Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Duy trì và tiếp tục mở rộng mối quan hệ song phương, đa phương nhằm trao đổi thông tin giữa các cán bộ NCKH với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác NCKH trong học sinh - sinh viên. Chú trọng phát triển các đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho sản xuất và đời sống xã hội. Đầu tư mạnh vào các đề tài cấp trường nhằm nghiên cứu chế tạo mới các sản phẩm khoa học phục vụ cho công tác đào tạo như: cải tiến đổi mới chương trình, giáo trình, các mô hình học cụ.

Đặc biệt, ngay sau ngày thành lập Trường được vài năm, Nhà trường đã đầu tư cho công tác nghiên cứu qua việc thành lập 2 viện nghiên cứu: Viện Công nghệ sinh học và Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường. Có lẽ đây là một trong những bước đi đầy tự tin của Nhà trường trong công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN và đào tạo.

Để công tác nghiên cứu KHCN và đào tạo được tiến hành theo hướng hiện đại và khoa học, Nhà trường đã xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà giáo, các nhà khoa học trong Trường tham gia chủ trì các nhiệm vụ NCKH, hướng dẫn sinh viên NCKH; xây dựng quy chế thống nhất trong toàn Trường về việc dành thời gian cho giảng viên NCKH. Cụ thể, ngày 01/3/2006, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM Tạ Xuân Tề đã ký 2 quyết định về việc thành lập Hội đồng Khoa học - Đào tạo và Quy chế hoạt động của Hội đồng Khoa học và Đào tạo. Đây là 2 văn bản pháp lý cao nhất của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM trong việc phát triển nghiên cứu KHCN và đào tạo phục vụ cho sự nghiệp đưa NCKH và ứng dụng KHCN vào thực tiễn và đào tạo.

Nhằm đẩy mạnh phong trào NCKH trong đội ngũ giảng viên của Trường, ngày 21/07/2007, Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ và Đào tạo lần thứ II năm 2007. Tham gia Hội nghị đã có 46 báo cáo khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được chia làm 6 tiểu ban gồm: Tiểu ban 1- chuyên ngành Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin; Tiểu ban 2- chuyên ngành Cơ khí; Tiểu ban 3- chuyên ngành Hóa - Thực phẩm; Tiểu ban 4- chuyên ngành Công nghệ Sinh học; Tiểu ban 5- chuyên ngành Hóa - Môi trường; Tiểu ban 6- chuyên ngành Kinh tế, Công nghệ May. Song song với Hội nghị khoa học, Nhà trường trưng bày các thành tựu khoa học của Trường như mô hình học cụ, giáo trình, sách giáo khoa…

Tại Hội nghị, có nhiều báo cáo khoa học của giáo viên Nhà trường được nhiều người quan tâm như: Vector hóa văn bản và ứng dụng (tác giả Đỗ Trung Hiếu - Khoa Công nghệ Thông tin); Kiểm tra sự ràng buộc toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu hướng thời gian (Phạm Văn Chung - Khoa Công nghệ Thông tin); Thuật toán thích nghi huấn luyện mạng Neuron; ứng dụng thuật toán di truyền để xác định bề dày lớp Germanium bất hoạt trong Detector Germanium siêu tinh khiết… Tại Hội nghị, TS. Tạ Xuân Tề - Hiệu trưởng Nhà trường đã báo cáo định hướng công tác NCKH của Trường trong những năm tới.

Được biết, trong những năm tiếp theo, Nhà trường sẽ tập trung vào những lĩnh vực có tính đột phá và mang lại nhiều ý nghĩa cho thực tiễn và xã hội. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã đề ra 3 định hướng chiến lược như sau:

1. Tập trung giải quyết những vấn đề KHCN, kinh tế - xã hội và môi trường phát sinh từ thực tế sản xuất và đời sống của đất nước.

2. Nhà trường từng bước hướng các cán bộ khoa học vào nghiên cứu cơ bản, những lĩnh vực KHCN mới như: công nghệ nano. Định hướng này nhằm mục tiêu phát triển Trường theo hướng hiện đại, đạt trình độ khu vực và quốc tế.

3. Xây dựng các mô hình học cụ, chế tạo các thiết bị đắt tiền phải nhập ngoại.

Không những tổ chức tốt công tác nghiên cứu KHCN, mà Trường còn phối hợp và hợp tác với các cơ sở khác cùng nghiên cứu KHCN. Cụ thể, nhiều đề tài nghiên cứu KHCN của giảng viên của Trường đã phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức ngoài trường, như đề tài “Thuật toán thích nghi huấn luyện mạng Neuron” của Nguyễn Sĩ Dũng, Lê Hoài Quốc (Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, Sở KHCN&MT TP.HCM); ứng dụng thuật toán di truyền để xác định bề dày lớp Germanium bất hoạt trong Detector Germanium siêu tinh khiết (Võ Xuân Ân, Ngô Quang Huy, Đỗ Quang Bình- Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trung tâm Hạt nhân TP.HCM)…

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thường xuyên tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhằm đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu KHCN. Cụ thể, sáng 20/10/2007, Trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tới dự, ngoài Ban giám hiệu Nhà trường và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ là các giám đốc, phó giám đốc các sở KHCN các tỉnh phía Nam và đại diện nhiều viện nghiên cứu và một số trường ĐH trong cả nước đã đến tham gia với nhiều tham luận bổ ích.

Theo dư luận đánh giá, Hội thảo hợp tác phát triển đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là sáng kiến của Cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Khoa học Công nghệ kết hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Mục đích của Hội thảo này nhằm tạo sự kết gắn hài hòa giữa Bộ, các trường đại học, các sở, ban ngành để nghiên cứu ứng dụng và đưa kết quả nghiên cứu ấy vào thực tiễn sản xuất của từng địa phương. Cũng tại Hội thảo này, thay mặt Ban giám hiệu Nhà trường, TS - Hiệu trưởng Tạ Xuân Tề báo cáo các kết quả và tiềm lực NCKH, chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Đặc biệt, tham luận của GS.TSKH Lê Huy Bá - Viện Môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã giới thiệu sơ lược bước đầu NCKH mà Viện Môi trường đã thực hiện cùng với sự kết hợp của các sở, ban ngành các tỉnh. Năm 2007, với 50 cán bộ chuyên làm nhiệm vụ NCKH, đang thực hiện trên 22 đề tài cho các tỉnh: Bến Tre (2 đề tài), Kiên Giang (3 đề tài), Tây Ninh (1 đề tài), Trà Vinh (2 đề tài), Ninh Thuận (1 đề tài), Đồng Tháp (3 đề tài), Bạc Liêu (1 đề tài), Long An (2 đề tài), Vĩnh Long (1 đề tài), Lâm Đồng (2 đề tài), Bình Dương (2 đề tài), Bình Phước (1 đề tài), Quảng Ngãi (1 đề tài), Đăk Nông (2 đề tài).

Ngoài ra, Hội thảo còn nhiều tham luận quý giá như tham luận của PGS.TSKH Nguyễn Xuân Mãn - Viện trưởng Viện Cơ học ứng dụng; GS.TSKH Lê Huy Bá với tham luận được đánh giá cao: “Hợp tác liên kết chỉ thành công khi chúng ta có thiện ý đến với nhau, có nhu cầu thiết thực, có khả năng và đưa hết khả năng của mình”.

Một trong những mục tiêu của công tác nghiên cứu KHCN của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là: Đào tạo nhân lực, NCKH & chuyển giao công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp.

Chính vì thế, ngày 28/10/2007, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng các cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 200 đại biểu là các hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp khu vực phía Nam thảo luận để tìm giải pháp trong việc đào tạo nhân lực, NCKH và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

 Tại Hội nghị, TS. Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã có bài phát biểu nêu bí quyết thành công của Trường trong việc đào tạo gắn kết với doanh nghiệp và đưa ra những mục tiêu trong thời gian tới.

 

II. Nguyên nhân thành công trong công tác nghiên cứu KHCN và đào tạo ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Mọi thành công đều có nguyên nhân, vậy đâu là nguyên chính về sự thành công trong công tác nghiên cứu KHCN và đào tạo cũng như chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, góp phần đưa Nhà trường lớn mạnh không ngừng ở TP. HCM?

Có lần Hiệu trưởng, Anh hùng lao động - TS. Tạ Xuân Tề, trong lúc dẫn khách đi giới thiệu về Trường, ông đã dẫn đến khu vực làm việc riêng cho các tiến sĩ. Theo ông, họ vẫn có chỗ làm việc ở các khoa, nhưng họ có thêm nơi đây để chỉ tập trung vào công tác nghiên cứu với môi trường nghiên cứu hoàn toàn và cũng được Trường trang bị thêm những điều kiện chỉ nhằm mục đích nghiên cứu có hiệu quả hơn. Cho đến nay, có lẽ cả nước chưa nơi nào các tiến sĩ được tạo điều kiện như ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Trong bài tham luận của mình (tại Hội thảo Hợp tác phát triển đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ), GS.TSKH Lê Huy Bá (Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) nhấn mạnh: “Có được hoạt động tốt đẹp này là nhờ sự giúp đỡ tận tình, vô tư của các vị lãnh đạo sở. Mặt khác, cũng nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của thầy Hiệu trưởng. Trường chúng tôi có một Hiệu trưởng có “tâm”, có “tầm”, rất nhạy bén, hết lòng với công việc, thầy Hiệu trưởng rất quan tâm về NCKH, ủng hộ sáng tạo khoa học, ông luôn nói rằng: “Chúng ta phải liên kết chặt chẽ với các địa phương, các công ty, có như vậy mới mong cơ hội thành công”. Ông nhấn mạnh rằng: “Muốn trường đại học phát triển không thể coi nhẹ NCKH, NCKH và đào tạo là 2 chân của một con người đại học”.

  • Tags: