Trường Trung học Công nghiệp Việt Hung:

Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; coi trọng đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo; chịu đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng cải cách giáo dục (lấy r

 

Điểm đề cập đầu tiên là về cấp độ đào tạo, Trường Trung học Công nghiệp Việt Hung (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) - với 3 cấp học: đào tạo nghề; trung học kỹ thuật; liên kết đào tạo cao đẳng, đại học - chẳng những là một trong 6 trường trọng điểm mạnh của Bộ Công nghiệp, mà còn là một trong các trường có quy mô phát triển nhanh của khối chuyên nghiệp - dạy nghề trong cả nước (tăng 10 lần trong thập niên vừa qua). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 96% - 98%. 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm (thông qua giới thiệu của Trường hoặc học sinh tự liên hệ). Gây dựng được một thương hiệu uy tín như vậy, Trường Trung học Công nghiệp Việt Hung đã không ngừng vươn lên tự hoàn thiện mình theo hướng: tất cả để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Một trong những yếu tố góp  phần làm cho chất lượng đào tạo được nâng cao là chất lượng giáo viên.
Chất lượng đội ngũ giáo viên được lãnh đạo trường coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhà trường tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cho đi tu nghiệp, nâng cao trình độ tại các trường đại học trong nước và nước ngoài, cho đi nghiên cứu, khảo sát, hội thảo theo chương trình AOTS (Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản) mà Trường là hạt nhân trong mạng lưới đào tạo nghề Đồng Nam á - được AOTS tài trợ. Hằng năm tại Trường, các đợt hội giảng được tổ chức đều đặn, thông qua giao lưu, “học tập đội bạn” kỹ năng giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng lên. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học (mà sản phẩm là các đề tài nghiên cứu, ứng dụng), gắn đào tạo với lao động sản xuất tại xưởng trường (mà sản phẩm là các mặt hàng cho học sinh thực tập, các mặt hàng làm ra giá trị sử dụng và giá trị kinh tế) được lãnh đạo Trường chú trọng với phương châm khai thác tối đa trí tuệ, tay nghề của giáo viên, cơ sở vật chất của xưởng trường, các phòng thí nghiệm - thực hành của Trường. Đến nay, trên 90% giáo viên (trong tổng số 200) của Trường đạt trình độ đại học và sau đại học - là hệ quả tổng hoà của các biện pháp “nâng tầm” làm cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một trường trọng điểm mạnh và tiềm tàng khả năng đưa cấp học lên cao. Diễn biến những năm qua cho thấy, việc “nâng tầm” đội ngũ giáo viên có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh cạnh tranh sống động và nghiệt ngã. Sẽ là khiếm khuyết nếu người viết bài này “quên”: những ai muốn trở thành giáo viên của Trường đều phải thông qua quy trình tuyển chọn công chức; đạt yêu cầu mới được vào dạy, không có “ngoại lệ” và cũng không “ưu ái”, “thân quen” với bất cứ ai.
Hàng tỷ VND đầu tư cho trang thiết bị, phương tiện dạy học. Trong điều kiện thu nhập của giáo viên, cán bộ quản lý còn chưa tương xứng với lao động chất xám bỏ ra, Trường đã “lấy ngắn nuôi dài” đầu tư trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu dạy và học. “Chỉ mua những trang bị, dụng cụ không tự sản xuất được”, với chủ trương này, giáo viên, học sinh, sinh viên của Trường đã thiết kế, chế tạo nhiều đồ dùng dạy học nhờ huy động nguồn lực tại chỗ, trong đó có hàng trăm bộ bàn ghế theo mẫu Xuân Hoà. Hiện đã có 18 phòng học đạt chuẩn quốc gia, phòng kế toán máy, phòng công nghệ hàn cao, phòng CNC (sẽ hoàn thành trong năm 2004), v.v... Phòng tin học gồm 16 bộ vi tính, kết nối mạng LAN, điều khiển theo chương trình, được đầu tư trong năm học 2003 - 2004 với tổng kinh phí 1,5 tỷ VND cũng do giáo viên, học sinh, sinh viên của Trường thiết kế và lắp đặt. Đưa công nghệ cao (hàn; cắt gọt kim loại trên thiết bị CNC; v.v...) vào giáo trình đào tạo, đưa công nghệ thông tin phục vụ quản lý và giảng dạy... là những lĩnh vực ưu tiên, đang được lãnh đạo Trường tập trung chỉ đạo thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Mục tiêu của việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại và “nâng tầm” đội ngũ giáo viên (đã đề cập bên trên) là: tạo bước nhảy vọt về chất lượng học sinh ra Trường.
Thực tập và thi tốt nghiệp “dã ngoại”. Quy mô tăng mạnh (ở cấp trung học, khoá 1998 - 1999 chỉ có 1 lớp cơ khí với 49 học sinh; khoá 2004 - 2005 tăng lên... 40 lớp, 5 khoa, với trên 2000 học sinh; ấy là chưa kể 700 sinh viên cao đẳng, đại học hệ liên kết, liên thông) dẫn tới gia tăng sức ép đối với khâu thực tập, rèn luyện tay nghề của học sinh. Trong cái khó đã ló cái khôn tháo gỡ: mở rộng diện đưa học sinh đi thực tập và thi tốt nghiệp tại các cơ sở sản xuất ngoài trường với 40 doanh nghiệp đã thoả thuận làm “vệ tinh”. Cái lợi của thực tập và thi tốt nghiệp ở ngoài trường là các em có điều kiện làm quen với quá trình tổ chức sản xuất thực tế nói chung và tổ chức sản xuất  từng mặt hàng cụ thể nói riêng; các em được rèn luyện tác phong công nghiệp trong môi trường sản xuất sống động. Trong nhiều trường hợp, địa chỉ thực tập đã trở thành nơi tiếp nhận các em vào làm sau khi tốt nghiệp. Đưa học sinh đi thực tập và thi tốt nghiệp ở ngoài trường là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Trung học Công nghiệp Việt Hung, được Bộ Công nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao, đang được nhân rộng tại nhiều trường chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước.
27 năm trôi nhanh, Trường Việt Hung (1977 - 1997) đã trở thành Trường Trung học kỹ thuật Việt Hung (1998 - 2004). Chặng đường phấn đấu gian nan, thách thức không ít, nhưng vinh quang, thành tựu cũng rất đáng tự hào. Bộ Công nghiệp đã “chọn mặt gửi vàng” để cơ sở đào tạo quy mô 6 ngàn học sinh, sinh viên này trở thành Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Hung kể từ năm học 2005 - 2006, quy mô 8 - 10 ngàn, sẽ có thêm cơ sở II tại Thạch Thất (cùng tỉnh Hà Tây). Dự án “Đổi mới trang thiết bị đào tạo” với tổng mức đầu tư 3,5 triệu USD (từ nguồn vay ODA của Tây Ban Nha) đang được lãnh đạo Trường tích cực triển khai, nhằm biến nguyện vọng của thầy, trò Trường “mạnh” này trở thành... “mạnh hơn nữa”!

  • Tags: