Truyền thông chủ động dựa vào người học góp phần nâng cao hiệu quả tuyển sinh các ngành kinh tế tại Trường Đại học Đồng Tháp

Bài viết "Truyền thông chủ động dựa vào người học góp phần nâng cao hiệu quả tuyển sinh các ngành kinh tế tại Trường Đại học Đồng Tháp" do ThS. Phạm Ánh Tuyết* - Nguyễn Thị Như Hằng (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Tháp) thực hiện.

Tóm tắt:

Chỉ tiêu tuyển sinh là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của lĩnh vực giáo dục đại học nói chung nên luôn được các trường đại học, cao đẳng quan tâm hàng năm. Bài viết tiến hành phân tích thực trạng tuyển sinh qua 5 năm của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Tháp để từ đó đề xuất các giải pháp truyền thông chủ động dựa vào người học nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyển sinh góp phần  trong sự nghiệp phát triển bền vững của Khoa và của Trường Đại học Đồng Tháp.

Từ khóa: hiệu quả tuyển sinh, truyền thông chủ động, ngành kinh tế, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học đã không còn xa lạ trong xu hướng phát triển mang tính toàn cầu hóa hiện nay. Các trường cạnh tranh gay gắt trong cả đầu vào và đầu ra: đạt và vượt kế hoạch tuyển sinh đầu vào, tối đa hóa tỷ lệ tốt nghiệp/tỷ lệ có việc làm/chất lượng đầu ra và đáp ứng được nhu cầu nhà sử dụng lao động. Đây là một trong những cơ sở so sánh hiệu quả hoạt động giáo dục của các trường. Thương hiệu và uy tín của các cơ sở giáo dục cũng được phản ánh thông qua 2 tiêu chí này.

Đầu ra quan trọng bao nhiêu thì đầu vào cũng quan trọng bấy nhiêu - Đó là lý do vì sao các trường phải nỗ lực trong truyền thông để thu hút người học. Có thể nói truyền thông là một trong những cách hiệu quả nhất để tiếp cập với người học tiềm năng và tất nhiên là các yếu tố khác cũng phải phù hợp với nội dung truyền thông. Khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Tháp với lịch sử 14 năm phát triển đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều phương diện. Truyền thông chính là một trong những giải pháp góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển bền vững của Khoa và Nhà trường. Tuy nhiên, việc cân nhắc sử dụng phương pháp truyền thông vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn phát huy được tính hiệu quả, tính lan tỏa là điều vô cùng quan trọng. Trong kỷ nguyên số, có thể nói trải nghiệm của người học sẽ làm nên thương hiệu. Do vậy, truyền thông dựa vào người học, tập trung phát triển trải nghiệm của người học chính là một những định hướng marketing chủ động gia tăng uy tín và thu hút người học.

2. Kết quả tuyển sinh các ngành kinh tế tại Trường Đại học Đồng Tháp trong 5 năm qua (từ năm 2018 2022)

   Từ năm 2019 - 2021, Trường Đại học Đồng Tháp tuyển sinh các ngành kinh tế theo 2 phương thức tuyển sinh cụ thể: Dựa vào điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và phương thức tuyển sinh riêng (TSR). Bắt đầu từ năm 2022, Trường đã đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là 4 phương thức sau: Phương thức 1 - Điểm thi THPT, phương thức 2 - Học bạ (HB), phương thức 3 - tuyển thẳng, phương thức 4 - Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (Bảng 1). Có thể thấy chỉ tiêu tuyển sinh của Trường được xác định hàng năm là phù hợp với năng lực đào tạo của Trường, cách thức tổ chức tuyển sinh, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm và kết quả tuyển sinh của năm liền kề trước đó.

Bảng. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế

theo từng phương thức tuyển sinh cụ thể giai đoạn 2019 – 2022

tong-chi-tieu-tuyen-sinh-cac-nganh-kinh-te Nguồn: Phòng Đảo đảm chất lượng, Trường Đại học Đồng Tháp

Với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được thiết lập, tỷ lệ trúng tuyển nhập học/tuyển sinh các năm của Khoa Kinh tế đều đạt trên 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự tăng trưởng chưa ổn định qua các năm và giữa các ngành (Hình 1). Có thể thấy tỷ lệ nhập học/tuyển sinh được ghi nhận có tỷ trọng tăng trưởng cao ở giai đoạn 2020 - 2021.

Hình: Tỷ lệ trúng tuyển nhập học/chỉ tiêu tuyển sinh qua 4 năm từ 2019 - 2022

ty-le-trung-tuyen-nhap-hoc-chi-tieu-tuyen-sinh

Nguồn: Tổng hợp từ Phòng Bảo đảm chất lượng, Trường Đại học Đồng Tháp

Chính vì sự tăng/giảm chưa tăng trưởng ổn định nên Khoa và Nhà Trường đang tăng cường các hoạt động củng cố và phát triển thương hiệu thông qua nhiều cách thức và truyền thông tuyển sinh là một trong những mối quan tâm của Khoa và Nhà Trường.

3. Trải nghiệm khách hàng - Cách thức tiếp thị mới trong kỷ nguyên số

3.1. Khái niệm

Theo Gartner (2017), trải nghiệm khách hàng (Customer Experience - CX) là nhận thức, cảm xúc của người tiêu dùng do tương tác tích lũy với một thương hiệu trong suốt chu kỳ mua hàng. Hoàn thiện trải nghiệm khách hàng là ưu tiên hàng đầu của hoạt động tiếp thị trong thời đại số (Gartner, 2018). Cũng theo Newman (2015), trải nghiệm khách hàng chính là tương lai của marketing, là cách tiếp thị mới.

Thông điệp truyền thông của các tổ chức được truyền tải thông qua chia sẻ trải nghiệm từ phía khách hàng và việc tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông đã khiến cho thông điệp truyền thông đến với khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí marketing.

Hơn nữa, quyền truy cập thông tin qua các kênh trực tuyến của khách hàng ngày càng mở rộng, trí thông minh nhân tạo đã rút ngắn khoảng cách khác biệt giữa các thương hiệu, do vậy các thương hiệu phải không ngừng nỗ lực để định hình phong cách, nổi bật giữa đám đông. Trải nghiệm chính là giải pháp marketing trong kỷ nguyên số - giai đoạn mà thông điệp dần nhường chỗ cho trải nghiệm. Tuy nhiên toàn bộ quá trình tương tác với thương hiệu phải đem đến cho khách hàng một trải nghiệm - cảm giác tuyệt vời đến từng điểm chạm. Chủ động tạo ra trải nghiệm tích cực chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt của thương hiệu và hiệu quả tuyển sinh.

3.2. Hành trình của khách hàng

Hành trình của khách hàng (Customer journey) là hành trình của một khách hàng tiềm năng tương tác với thương hiệu thông qua vô số điểm tiếp xúc/tương tác cho đến khi khách hàng thực hiện hành động mục tiêu mong muốn. Hay nói cách khác, hành trình của khách hàng là chuỗi các sự kiện (các điểm tiếp xúc có thể có của tổ chức), qua đó khách hàng có thể tương tác với thương hiệu trong toàn bộ hành trình mua hàng (Mark S.R. và cộng sự, 2017).

Trên cơ sở nắm bắt các điểm tiếp xúc, xác định các cơ hội tương tác với khách hàng trong suốt hành trình và dự đoán các phản hồi có thể có, các trở ngại tiềm ẩn của khách hàng. Từ đó, tổ chức có thể xây dựng các chiến thuật, chủ động tạo ra trải nghiệm cho các nhóm khách hàng tiềm năng khác nhau để thúc đẩy khách hàng mục tiêu di chuyển trên hành trình, đưa ra quyết định mua hàng theo hướng mong muốn của tổ chức thay vì theo hướng tự do.

Có 3 giai đoạn trong hành trình của khách hàng liên quan đến việc biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng: nhận thức, cân nhắc và quyết định.

- Giai đoạn 1 - Nhận thức: Ở giai đoạn này, khách hàng tiềm năng nhận thức được nhu cầu cần được đáp ứng và bắt đầu tìm hiểu về tổ chức.

- Giai đoạn 2 - Cân nhắc: Khách hàng tiến hành nghiên cứu, đánh giá và thu hẹp các lựa chọn. Ở giai đoạn cân nhắc, tổ chức có thể tác động đến các điểm tiếp xúc để cố gắng gây ấn tượng với khách hàng tiềm năng. Đây là giai đoạn tổ chức có thể xây dựng lòng tin với khách hàng, sử dụng các chiến lược truyền thông để thu hút sự chú ý của khách hàng, nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng, tiết kiệm tối đa các chi phí marketing trong tìm kiếm khách hàng mới.

Bằng việc tạo ra các trải nghiệm tích cực đến khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng, tạo cơ hội gián tiếp quảng bá sản phẩm/dịch vụ, hình ảnh thương hiệu miễn phí bởi sự giới thiệu của khách hàng. Giới thiệu gián tiếp thông qua khách hàng là hình thức hiệu quả được ưa chuộng trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

- Giai đoạn 3 - Quyết định: Khách hàng sẽ đưa ra quyết định mua hàng phù hợp nhất so với số tiền chi trả.

4. Truyền thông chủ động dựa vào người học - nâng cao hiệu quả tuyển sinh các ngành kinh tế tại Khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Tháp

Việc nâng cao hiệu quả tuyển sinh dựa vào truyền thông chủ động là rất cần thiết trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Khoa và Nhà trường cần tăng cường các điểm tiếp xúc tạo ra trải nghiệm tích cực với người học. Ngoài những việc đã thực hiện, Khoa và Nhà Trường có thể xem xét thêm các đề xuất sau:

- Tạo ấn tượng với không gian đẹp mắt - tăng cường trải nghiệm cho người học Thiết kế trường học với không gian mở đang là xu thế quốc tế dần được thịnh hành tại Việt Nam. Không gian mở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo môi trường học tập thân thiện, tạo lập văn hóa học đường, động lực học tập và nâng cao hiệu quả truyền thông.

- Từ việc đáp ứng nhu cầu thể hiện của giới trẻ và tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội, hoạt động checkin chụp ảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ quảng bá hữu hiệu. Thay vì tập trung nhiều vào các chi phí truyền thông khác, Nhà trường có thể xem xét đến phương pháp truyền thông này bằng cách hoàn thiện môi trường học tập, vui chơi của người học.

(1) Mặt tiền của Trường và Khoa có thể xây dựng bổ sung các điểm học tập, vui chơi, giao lưu có thể checkin cho nhóm người học mục tiêu, nhằm thu hút sinh viên tập trung tại các cảnh quan mục tiêu, chia sẻ cảnh quan lên mạng xã hội, tạo sự thu hút đến người lạ và tạo cảm giác đông đúc, năng động, nhộn nhịp trong môi trường đại học.(2) Tối ưu các khoảng đất trống tạo không gian học tập gần với thiên nhiên, đáp ứng các tiêu chí xanh, sạch, đẹp. Không gian kiến trúc này phải kích thích được sự tò mò, tạo sự khác biệt và khuyến khích người lạ khám phá, checkin, giới thiệu đến khách hàng tiềm năng.(3) Xây dựng một số phòng nghỉ trưa tại chỗ tại các khu dạy học cho người học với đề xuất mỗi tòa nhà/mỗi dãy cần trang bị 01 phòng cho nam, 01 phòng cho nữ với không gian rộng, đẹp, có nhạc nhẹ, có máy lạnh nhằm phục vụ chỗ nghỉ miễn phí cho những học viên ở xa, đặc biệt là học viên không chính quy, học viên cao học các ngành sư phạm - những người có vai trò quan trọng trong hoạt động marketing truyền miệng đến các người học tiềm năng.

- Tương tác thường xuyên với người học tiềm năng thông qua trực tuyến và ngoại tuyến. Khoa và Nhà trường có thể xem xét đến việc tương tác trực tiếp tại trường phổ thông thông qua các chương trình giao lưu, chia sẻ chuyên đề, tư vấn tuyển sinh và trên các nền tảng mạng xã hội, tạo bài viết hữu ích thu hút, xây dựng nội dung video phù hợp, tạo thiện cảm cho người học mục tiêu. Làm rõ những lợi thế của việc học tập các ngành tại Khoa, tại Trường và giải quyết các rào cản, lo ngại của học sinh, tạo được sự tò mò, hứng thú cho người học. Để làm được điều này cần có đội ngũ chuyên biệt về marketing và nhóm cộng tác viên là sinh viên hỗ trợ. Nhóm này phải có kỹ năng giao tiếp và truyền thông.

- Liên kết chặt chẽ với các trường trung học phổ thông, đặc biệt là cựu học viên của Trường - đang là giáo viên tại các trường, xây dựng thêm mạng lưới cộng tác viên, cựu người học nhằm có được sự quảng bá hiệu quả, tích cực với nhóm người học tiềm năng.

- Hình thành con người dịch vụ trong trường học. Việc tăng cường nhận thức, tư duy dịch vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên của Khoa, của Trường trong mọi hoạt động cung cấp dịch vụ là cần thiết nhằm tránh những tác động tiêu cực, tăng cường tác động tích cực đến người học mục tiêu.

5. Kết luận

Một người học hài lòng sẽ tự quảng bá, giới thiệu với người thân, bạn bè về Khoa và Nhà Trường. Điều này có thể kéo theo nhiều người học tiềm năng tìm hiểu về Khoa, về Trường và đưa ra quyết định học tập. Ngược lại, nếu người học không hài lòng sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực gấp nhiều lần so với lợi ích có được và ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả tuyển sinh các năm sau đó. Do vậy, việc tạo ra trải nghiệm tích cực từ người học, truyền thông chủ động dựa vào người học là điều cần thiết để tiết kiệm chi phí và nâng cao tối đa hiệu quả truyền thông tuyển sinh là vấn đề mà Khoa và Nhà trường cần quan tâm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bruce D. Temkin, Andrew McInnes, Rachel Zinser (2010). Mapping The Customer Journey, Forrester Research, Inc. Reproduction Prohibited.
  2. Gartner (2017). Customer Experience in Marketing Survey 2017: Greater Expectations, Greater Challenges. Available at: https://www.gartner.com/doc/3812767/customer- experience-marketing-survey.
  3. Gartner (2018). Key Customer Experience Foundations for Marketing Leaders. Available at: https://www.gartner.com/doc/3847270/key-customer-experience-foundations-marketing.
  4. Newman D. (2015). Customer experience is the future of marketing. Available at: https://www.forbes.com/sites/danielnewman/2015/10/13/customer-experience-is-the-future- of-marketing/.
  5. Nguyễn Anh Tuấn (2019). Không gian cảnh quan mở dưới góc nhìn tâm lý học môi trường (Nghiên cứu trường hợp Đại học Havrard và Học viện Công nghệ Massachusetts). Tạp chí Kiến trúc, Số 6 - 2019.
  6. Mark S.R., Mauricio L.O., German C.R. (2017). How to create a realistic customer journey map. Business Horizons, 60(1), 143-150.

 

Proactive communication based on learners to improve

the enrollment of economic majors at Dong Thap University

Master. Pham Anh Tuyet*

Nguyen Thi Nhu Hang

Faculty of Economics, Dong Thap University

Abstract:

Enrollment target is one of the important criteria to evaluate the performance of a higher education institutions. Universities and colleges, including the Faculty of Economics, Dong Thap University, always pay attention to their enrollment targets. This paper analyzes the enrollment of the Faculty of Economics, Dong Thap University over the past 5 years. Based on the paper’s findings, some solutions about proactive communication based on learners are proposed to further improve the faculty’s enrollment and to support the sustainable development of the Faculty of Economics in particular and Dong Thap University in general.

Keywords: enrollment efficiency, proactive communication, economics, Faculty of Economics, Dong Thap University.