Tự do di chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với nhân lực có kỹ năng ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN và ThS. TRẦN PHƯƠNG THẢO ( Khoa Quản lý kinh doanh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC được thành lập giúp hình thành sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có tay nghề cao trong khu vực. Một thị trường chung về lao động mà AEC hướng tới sẽ tạo cơ hội cho lao động có kỹ năng trong khu vực ASEAN tìm kiếm các công việc phù hợp, có khả năng phát triển nghề nghiệp, đem lại nguồn thu nhập xứng đáng cùng nhiều quyền lợi khác. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần nhận thức đúng đắn về năng lực của lao động, những cơ hội và thách thức khi di chuyển lao động có kỹ năng Việt Nam sang các nước phát triển khác làm việc hay ngược lại khi Việt Nam muốn thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực. Để làm rõ vấn đề này, bằng phương pháp so sánh, phân tích định tính nguồn dữ liệu thứ cấp, bài báo đã nêu bật khái niệm, thực trạng về nhân lực có kỹ năng của nước ta cũng như phân tích cơ hội và thách thức. Từ thực tiễn và các mục tiêu phát triển thị trường lao động của Việt Nam, kết hợp dự báo về sự thay đổi việc làm ở nước ta trong thời gian tới, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động có kỹ năng và thúc đẩy tự do di chuyển.

Từ khóa: AEC, thị trường lao động chung, lao động có kỹ năng, Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP).

1. Những vấn đề chung về di chuyển lao động có kỹ năng trong cộng đồng kinh tế ASEAN

1.1. Lao động có kỹ năng

Kỹ năng của người lao động được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về thao tác, nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành một công việc nào đó. Kỹ năng được chia làm hai loại: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp - phụ thuộc vào trình độ học vấn và chuyên môn. Kỹ năng mềm là thước đo hiệu quả trong công việc, gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định…

Đến cuối năm 2015, AEC được thành lập hướng đến tự do hóa thị trường lao động trong một số ngành nghề và lao động có kỹ năng. Những lao động có kỹ năng trong thị trường lao động tự do AEC được hiểu là lao động có chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có lao động được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được tự do di chuyển trong AEC.

1.2. Cơ sở của việc di chuyển lao động có kỹ năng trong cộng đồng kinh tế ASEAN

Việc thành lập thị trường lao động tự do AEC lại vô cùng thuận lợi vì các nước có sự gần gũi về mặt văn hóa và địa lý. Bên cạnh đó, các nước ASEAN đều là thành viên của WTO - đều cam kết các điều khoản trong GATS và FTAs. Trong đó có điều khoản về đầu tư và dịch vụ, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của mỗi cá nhân. Như vậy có thể nói, việc thành lập một thị trường lao động tự do trong nội khối ASEAN không đơn thuần để thỏa mãn nhu cầu của sự phát triển kinh tế, mà còn là nghĩa vụ đối với các cam kết ASEAN.

Sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, du lịch và điều tra viên.

2. Tình hình di chuyển lao động có kỹ năng trong cộng đồng kinh tế ASEAN

2.1. Tương quan lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực

+ Điểm mạnh:

Theo báo cáo của Liên Hiệp quốc, Việt Nam đang ở thời kỳ“cơ cấu dân số vàng”, đây cũng là cơ hội mà mỗi quốc gia chỉ có một lần. Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số vàng là khi tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi thấp hơn 20% và tỷ lệ người cao tuổi từ 65 trở lên thấp hơn 15%. Cơ cấu dân số vàng tạo điều kiện cho hoạt động tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, nguồn lao động trẻ dồi dào sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động. Theo thống kê của tổ chức ILO năm 2013, Việt Nam có quy mô về lực lượng lao động đứng thứ 2 trong 10 nước ASEAN. Đây chính là giai đoạn phù hợp nhất cho lực lượng lao động của chúng ta gia nhập AEC.

                 Hình1: Giai đoạn cơ cấu dân số vàng của một số quốc gia trong khối ASEAN

(Nguồn: Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc)

Cơ cấu dân số vàng cũng chính là cơ hội dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Theo Hình 1 tác giả thấy, Singapore và Thái Lan đang dần đi qua giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đây chính là cơ hội cho lao động của Việt Nam và các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia tìm kiếm việc làm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2016, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người.

Cơ cấu lao động của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tích cực; tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Qua các năm ta thấy, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp dịch vụ tăng dần phù hợp với xu thế chung của khu vực.

Chất lượng lao động cũng dần được cải thiện, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng. Từ Bảng 1, ta thấy tỉ lệ lao động chưa có chuyên môn kĩ thuật giảm dần qua các năm, từ 82,29% năm 2002 xuống còn 48,7% năm 2015. Số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, đã qua đào tạo nghề, cao đẳng, đại học đều tăng qua các năm. Như vậy, trong những năm vừa qua vẫn có những dấu hiệu tích cực cho lao động Việt Nam để đón nhận cơ hội việc làm đa dạng, phong phú khi AEC được thành lập.

+ Điểm yếu:

Về chất lượng nhân lực, nước ta còn thiếu nhiều lao động lành nghề, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm.

Nhìn chung, lực lượng lao động Việt Nam đã gia tăng về cả số lượng lẫn chất lượng. Trình độ, ngoại ngữ cũng đã phần nào được cải thiện bằng nỗ lực của người lao động và các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, để có thể hội nhập sâu rộng và sánh vai được với các nước trong khối, người lao động của Việt Nam cần tiếp tục trau dồi kỹ năng, chuyên môn và đặc biệt là ngoại ngữ.

2.2. Di chuyển lao động trong nội khối ASEAN

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng.

Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, lao động của Việt Nam tập trung chủ yếu vào 3 thị trường lớn - cũng là ba thị trường truyền thống, là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong năm 2015, tỷ lệ lao động Việt Nam đi làm việc tại 3 quốc gia này chiếm tới 86% tổng số lao động xuất khẩu, trong đó xu hướng lao động làm việc tại Đài Loan và Nhật Bản tăng trưởng dương từ 2011 - 2015. Tuy nhiên, công việc của lao động làm việc tại các quốc gia này phần lớn là công việc giản đơn, không đòi hỏi trình độ cao. Riêng tại Hàn Quốc, tỷ lệ này có xu hướng giảm (từ 18% xuống còn 5%). Lý do chính nằm ở ý thức của người lao động, sau khi hết hạn hợp đồng, lao động Việt Nam không về nước mà tự ý bỏ trốn để có thể tiếp tục ở lại, làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2011, tỷ lệ lao động bỏ trốn của Việt Nam lên tới 59%. Phía Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động từ Việt Nam trong một thời gian.

Hiện nay, xu hướng di chuyển của lao động Việt Nam không hướng vào các quốc gia có tiềm năng trong nội khối như Singapore, Malaysia, Thái Lan mà tập trung vào các thị trường xuất khẩu truyền thống.

                                           Hình 2: Tỷ lệ nhập cư trong khối Asean 1990 -2013


Nguồn: Liên hiệp quốc- xu hướng nhập cư quốc tế 2013

Từ năm 1990, nguồn di cư nội khối ASEAN đã tăng mạnh. Tính theo giá trị tuyệt đối số di cư trong ASEAN đã tăng từ 1,5 triệu (năm 1990) lên 6,5 triệu người (năm 2013). ASEAN có 3 nước là điểm đến chính của lao động di cư – Malaysia, Singapore và Thái Lan. Ba nước này chiếm gần 90% trong tổng số lao động di cư của khu vực và 97% trong tổng số lao động di cư giữa các nước trong ASEAN. Ở Singapore, 45% lao động nhập cư từ Malaysia; ở Malaysia, 42,6% lao động nhập cư từ Indonesia, và ở Thái Lan, 50,8% lao động nhập cư từ Myanmar. Việt Nam chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong số lao động nhập cư tại Malaysia là 3,5%. Các thị trường còn lại như Thái Lan và Singapore gần như tỉ lệ lao động nhập cư từ Việt Nam là rất nhỏ, không đáng kể hoặc có thể không có.

Trong các điểm đến của lao động di cư tại ASEAN,, Singapore có mức tiền lương bình quân hàng tháng cao hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 3.694 USD/tháng (2013), là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, lao động Việt Nam lại không thể tiếp cận được với thị trường này.

Có thể thấy, lý do lao động Việt Nam chọn điểm đến là các nước Nhật Bản, Đài Loan là do hầu hết lao động khi di chuyển là lao động phổ thông, khi sang nước bạn làm việc chủ yếu phụ trách công việc giản đơn, không cần chuyên môn kĩ thuật. Ở khu vực ASEAN, điển hình là Singapore, lao động của chúng ta không có chỗ đứng. Yêu cầu dành cho lao động di cư đến Singapore rất khắt khe, Singapore áp dụng các chính sách thu hút nhân tài nhưng đồng thời sử dụng các biện pháp hạn chế lao động kỹ năng thấp. Chính vì vậy, tỉ lệ lao động Việt Nam di chuyển đến Singapore là rất nhỏ, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, ngoại ngữ. Như vậy có thể thấy, sự thiếu hụt về kỹ năng lao động, ngoại ngữ chính là một rào cản lớn của người lao động khi mở cửa thị trường lao động trong khối.

3. Cơ hội và thách thức của lao động có kỹ năng của Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế Asean

3.1. Cơ hội

Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về số việc làm trong 10 quốc gia của AEC. Tại Việt Nam, số việc làm tăng thêm so với kịch bản cơ sở là 6,0 triệu, chiếm 9,5% tổng số việc làm. Đặc biệt với lao động có kỹ năng, tự do di chuyển lao động trong ASEAN sẽ đem lại nhiều lợi ích tích cực cho người lao động. Trước mắt, với 8 ngành nghề lao động trong ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, lao động có kỹ năng, trình độ ngoại ngữ sẽ không chỉ có thêm việc làm trong nước, mà họ còn có cơ hội việc làm tại 10 quốc gia nội khối.

                     Hình 3: Ước tính số lao động động Việt Nam di chuyển trong ASEAN

                                                                                                                      Đơn vị: người Nguồn: ILO

Sử dụng mô hình dự báo bằng phương pháp san bằng mũ, nhìn vào hình 3 ta có thể dự báo được số lao động Việt Nam sẽ di chuyển trong ASEAN vào năm 2025 vào khoảng 10.996 người lao động. Nếu những người lao động có kỹ năng trước đây muốn tiếp cận với thị trường lao động nước ngoài đều phải thông qua các tổ chức hoặc chính phủ, thì nay họ đã có thể tiếp cận trực tiếp với nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tìm được công việc phù hợp nhất.

Những tính toán do Tổ chức Lao động quốc tế ILO về những thay đổi việc làm theo kịch bản AEC so với kịch bản cơ sở cho thấy, Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về số lượng việc làm ở cả nam và nữ. Điều đó khẳng định một lần nữa cơ hội của lao động Việt Nam.

Bên cạnh việc có thêm nhiều cơ hội việc làm, lao động có kỹ năng sẽ được học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, năng động hơn, áp lực cao hơn, từ đó hoàn thiện được các kỹ năng công việc cần thiết.

3.2. Thách thức

* Thách thức từ sự khác biệt văn hóa

Đông Nam Á quy tụ hầu hết các tôn giáo lớn của thế giới. Các quốc gia rất tôn trọng tự do tôn giáo, vì vậy người lao động di chuyển đến nước khác sẽ vẫn được tôn sùng tôn giáo của chính mình.

Với người dân Việt Nam, gia đình có vai trò rất quan trọng. Dù làm việc ở môi trường năng động với mức lương cao nhưng nếu không có chính sách đưa gia đình đi cùng sẽ khiến người lao động có kỹ năng lo ngại. Khi đó, họ vừa phải đối mặt với môi trường, ngôn ngữ, luật pháp xa lạ vừa chịu sức ép về mặt tinh thần khi không có gia đình ở bên.

* Thách thức từ sự khác biệt về pháp luật

ASEAN là một khối không đồng nhất về hệ thống chính trị. Sự khác nhau về thể chế giữa các nước trong ASEAN là cơ sở tạo ra sự khác biệt về pháp luật. Vì vậy, Bộ luật Lao động của các nước có các quy định khác nhau đối với lao động đến từ nước ngoài: về an sinh xã hội mỗi quốc gia, về quyền nhập cư một số nước có thể đưa ra chính sách mở cửa, nhưng một số lại yêu cầu rất cao - điển hình là Singapore.

Hiện nay, hệ thống cung cấp thông tin cho người lao động ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, sự khác biệt về luật pháp, sự khó khăn khi tiếp cận, hiểu những chính sách của nước chủ nhà là một thách thức lớn trong việc di chuyển lao động có kỹ năng của nước ta.

* Thách thức về chuyên môn

Trong tất cả các trở ngại dành cho lao động, kỹ năng di chuyển, trình độ chuyên môn của lao động là thách thức lớn nhất:

Lao động có kỹ năng ở nước ta nếu xét theo bằng cấp thì nhiều nhưng không có được lòng tin của xã hội nói chung và người sử dụng lao động nói riêng ở ngay trong đất nước mình. Chính vì vậy với trình độ kĩ thuật chuyên môn hiện nay, lao động Việt Nam rất khó đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN khác.

Khung trình độ Việt Nam chưa hoàn thiện để phù hợp với Khung trình độ ASEAN đã được đưa ra, trong khi các nước khác trong khối đã đi đến những bước cuối cùng trong xây dựng Khung trình độ quốc gia. Lao động dù được đánh giá là có kỹ năng tại Việt Nam cũng phải rất vất vả mới có thể hoàn thiện mọi kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam không có chính sách công nhận năng lực, trình độ của người lao động trải nghiệm qua thực tiễn lao động và nghề nghiệp. Do đó dẫn đến, người bằng cấp thấp nhiều kinh nghiệm, có thể xử lí tình huống, năng lực công việc tốt nhưng không được thừa nhận.

4. Định hướng giúp lao động có kỹ năng ở Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội tham gia thị trường lao động tự do trong AEC

Thứ nhất, về bản thân người lao động:

Lao động đặc biệt là lao động có kỹ năng cần nhận thức, tư duy đúng đắn khi Việt Nam gia nhập AEC. Vì khi thị trường lao động mở cửa, lao động nước ta sẽ phải tự tìm chỗ đứng, khẳng định vị trí, năng lực cạnh tranh - đầu tiên trên chính đất nước mình. Chỉ khi thay đổi tư duy, nhận thức đúng đắn chúng ta mới hành động đúng đắn được.

Về lâu dài, người lao động cần trau dồi học tập, tích lũy: không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả các kĩ năng cần thiết khác như làm việc nhóm, ngoại ngữ thông thạo, kỹ năng ra quyết định, khả năng thích ứng… để đảm bảo khung tiêu chuẩn về lao động trong nước cũng như quốc tế.

Ngoài ra, chúng ta cần trang bị cho mình sự hiểu biết sâu rộng về tập quán, văn hóa, pháp luật của các nước trong khu vực cũng như nhanh nhậy trong việc tìm kiếm thông tin để có thể tìm cho mình một cơ hội tốt nhất.

Thứ hai, về phía Nhà nước:

Cải cách giáo dục là bước căn bản để có thể cải thiện chất lượng lao động Việt Nam hiện nay:Xây dựng chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia, đặc biệt là khung trình độ ASEAN nhằm cải thiện sự chênh lệch trong chất lượng đầu ra tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Chúng ta cần cải thiện hệ thống thông tin: Thông tin về các nhà tuyển dụng, thông tin về văn hóa, pháp luật, tình hình kinh tế, chính trị cũng như thông tin về các cuộc điều tra phân tích thị trường lao động trong khu vực.

Chúng ta cần xây dựng chính sách thu hút lao động có kỹ năng trong và ngoài nước như: chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế, chế độ hưu… cạnh tranh với nước bạn; có thể tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam bằng các chính sách gia hạn thêm visa, nới lỏng các điều kiện nhập cư, mua nhà ở Việt Nam,… Ngoài ra chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ người lao động có kỹ năng Việt Nam sang nước bạn như: thiết lập các tổ chức cộng đồng đại diện cho quyền lợi của người lao động di trú, bảo vệ người lao động trước pháp luật, đồng thời tổ chức các hoạt động hòa nhập cộng đồng như giao lưu văn hóa, thành lập các khu vực của riêng cộng đồng người Việt.

5. Kết luận

Sau khi gia nhập cộng đồng kinh tế Asean, người lao động đặc biệt là lao động có kỹ năng ở nước ta sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, bên cạnh đó cũng là vô số thách thức.

Từ những phân tích ở trên, nhóm tác giả đưa ra một vài định hướng cho bản thân người lao động, cũng như định hướng mang tính chiến lược quốc gia, nhằm giúp lao động có kỹ năng nước ta nắm bắt tối đa cơ hội nghề nghiệp cho mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Kế hoạch Đầu tư (2016), Báo cáo tóm tắt thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam 2015, Hà Nội.

2. ILO&ADB (2014), Cộng đồng Asean 2015: Quản lý hội nhập hướng tới thịnh vượng chung và việc làm tốt hơn, Việt Nam.

3. ILO (2016), Báo cáo tiền lương toàn cầu 2014/15. Phụ trương Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

4. Nguyễn Thường Lạng, Trần Đức Thắng (2016), “Đánh giá mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 - tháng 4/2016 (606), trang 23-26.

5. Tổng cục Thống kê (2015), Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 - một vài điểm sáng tích cực, Hà Nội.

6. Tổng cục Thống kê (2016), Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 9, quý 1-2016, Hà Nội.

7. Sugiyaro & Aguinas (2014), A 'freer' flow of skilled labour within ASEAN: Aspirations, opportunities and challenges in 2015 and beyond.

8. Almeida, Behrman and Robalino (eds) (2012), The Right Skills For the Job: Rethinking Training Policies for Workers, human development perspectives, World bank.

9. Asean agreement on the movement of natural persons(2012), Phnom Penh

10. Bogdan Voicua, Ionela VlasebaRomanian,(2014), High-skilled immigrants in times of crisis. A cross-European analysis.

11. Chia Siow Yue, (2011), Free Flow of Skilled Labour in the AEC.

12. Ha Minh Duc, Nguyen Ba Ngoc (2016), “How will skill mobitity bring economic benefits to the Asean menber countries and the region?”, International conference on emerging challenges: Partnership Enhancement, Hanoi University of Science and Technology, page.

FREE MOVEMENT OF LABOR IN THE ASEAN: ECONOMIC COMMUNITY: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR SKILLED WORKERS IN VIETNAM

MA. NGUYEN THI DIEU HIEN

Faculty of Business Management - Hanoi University of Industry

MA. TRAN PHUONG THAO

Faculty of Business Management - Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

AEC economic community was established to help shape the free movement of goods, services, investment and skilled labor in the region. A general labor market that AEC towards, will provide opportunities for skilled labor in Asean, identify suitable job, able to develop careere and bring worthy income together with other rights. More than ever, Vietnam needs proper awareness of the power of labor, the opportunities and challenges when moving skilled workers to other developing countries or on the coutry, when Vietnam wants to attract high quality staff in the region. To clarify this problem, with comparing qualitative analysis of secondary data sources, the articles highlights the concept, the status of skilled manpower in our country as well as analysis of opportunities. From practical and targeted development of Vietnam labor market, combined forecast of the change in the job next time, measures to improve the competitiveness of skilles labor and promote freedom of movement proposed.

Keywords: AEC, General labor market, Skilled labor;  Movement of  natural Person.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây