Từ làng vươn ra thế giới, cơ hội của ngành nội thất và trang trí nhà cửa Việt Nam

Theo thống kê của Amazon, ngành nội thất và trang trí nhà cửa đã tăng trưởng vượt trội trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, tiếp tục cho thấy tiềm năng trên thị trường quốc tế.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer, nhóm ngành nội thất và trang trí nhà cửa đạt 145,56 tỷ USD trong thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Hoa Kỳ. Một con số ấn tượng khác của ngành nội thất và trang trí nhà cửa là 62,3% lượng truy cập tìm kiếm về các sản phẩm nội thất chuyển đổi thành giao dịch trực tuyến, số liệu được cung bố bởi Công ty ứng dụng công nghệ trong bán lẻ đồ nội thất Zolak.

Có thể thấy, các sản phẩm của ngành nội thất và trang trí nhà cửa đã trở nên quen thuộc trong giỏ hàng trực tuyến của khách hàng.

Tại Việt Nam, theo báo cáo Hoạt động trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022 của Amazon Global Selling, nhà bếp và nhà cửa là hai ngành liên tục lọt top ngành bán chạy nhất của các nhà bán hàng Việt trên Amazon trong vòng 3 năm trở lại đây.

nội thất và trang trí nhà cửa
Sản phẩm trang trí nhà cửa từ mây, tre, đan - những nguyên liệu quen thuộc của Việt Nam chinh phục khách hàng toàn cầu

Các sản phẩm trang trí nhà cửa như trang trí tường, nến, đèn treo, đèn thả, rèm cửa, … mang phong cách tự nhiên tận dụng nguyên liệu địa phương như mây, tre, dừa, cỏ, … được khách hàng của Amazon trên toàn cầu ưa chuộng.

Bên cạnh đó, vật dụng lưu trữ giúp người dùng sắp xếp không gian sống gọn gàng, ngăn nắp cũng là một trong những sản phẩm được tìm kiếm nhiều trên Amazon. Những chiếc giỏ, sọt hoặc hộp lưu trữ bằng mây tre thủ công có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lượt mua bởi công năng và tính thẩm mỹ.

Đặc biệt, đồ nội thất lớn và các sản phẩm làm từ gỗ dùng trong nhà và ngoài trời cũng dần trở thành mặt hàng phổ biến trên Amazon.

nội thất và trang trí nhà cửa
Tận dụng sức mạnh của làng nghề, sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa "made in Việt Nam" sẵn sàng vươn ra thế giới

Với khoảng 1.500 làng nghề thủ công có truyền thống lâu đời, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu tự nhiên, lao động tay nghề cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu gỗ với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình trên 10 tỷ USD/năm.

Tận dụng những thế mạnh trên, Việt Nam hoàn toàn tạo ra được những sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa chất lượng cao, mang dấu ấn riêng, sẵn sàng chinh phục khách hàng toàn cầu.

Để tiếp tục khai thác và khai thác hiệu quả hơn nữa những lợi thế của Việt Nam trong sản xuất sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số gợi ý cho nhà sản xuất và chủ sở hữu thương hiệu.

Thứ nhất, nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm.

Việt Nam là một trong số các quốc gia sở hữu nhiều thợ thủ công lành nghề. Theo điều tra về lực lượng lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2020, nhóm "thợ thủ công và các ngành liên quan" có tới 7,4 triệu lao động, chiếm 13,7% tổng lực lượng lao động.

Không chỉ đông đảo về số lượng, thợ thủ công tại các làng nghề và xưởng sản xuất đồ gỗ truyền thống còn có bề dày kinh nghiệm. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Việt Nam luôn có những nét độc đáo và khác biệt.

Tuy nhiên, để thành công trên toàn cầu, sự kết hợp hài hòa giữa “những gì Việt Nam có” và “những gì thị trường quốc tế mong đợi” là điều quan trọng.

Ví dụ, để có được một sản phẩm trang trí thân thiện với môi trường từ mây, tre, cói, các nhà sản xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc nâng cao quy trình sản xuất để xử lý các nguyên liệu dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và côn trùng. Đối với đồ nội thất sử dụng vật liệu tổng hợp, cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về sản phẩm của Amazon cũng như các cơ quan địa phương. Nội thất dành cho trẻ em cần được quan tâm đến độ an toàn, tuân thủ các yêu cầu của thị trường nước ngoài như tiêu chuẩn CPSC/CPSIA, ANSI tại Mỹ  và chứng chỉ CE cho thị trường châu Âu.

nội thất và trang trí nhà cửa
Để thực sự chạm đến khách hàng toàn cầu, sự kết hợp hài hòa giữa “những gì Việt Nam có” và “những gì thị trường quốc tế mong đợi” là rất quan trọng

Thứ hai, nắm bắt xu hướng thị trường.

Bên cạnh việc hiểu tâm lý khách hàng quốc tế, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là một yếu tố thành bại trong việc kinh doanh.  

Theo nghiên cứu của Amazon, chu kỳ phát triển và chuẩn bị hàng tồn kho cho các sản phẩm nội thất thường dao động từ 30 đến 60 ngày và có thể điều chỉnh dựa trên điều kiện nguồn cung ứng và xu hướng mua hàng trong mùa thấp điểm và cao điểm.

Đối với đồ nội thất văn phòng, mùa cao điểm thường sẽ rơi vào khoảng thời gian tháng 1 và tháng 2, khi mọi người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ đón năm mới. Đối với mặt hàng nội thất gia dụng, mùa cao điểm chủ yếu tập trung vào thời gian tựu trường và tuần đầu tiên của hai tháng cuối năm.

Nhà bán hàng Việt Nam nên tận dụng triệt để các công cụ hỗ trợ của Amazon như Hướng dẫn sản phẩm thị trường (Marketplace Product Guidance), Công cụ khám phá cơ hội sản phẩm (Product Opportunity Explorer) để cung cấp và tối ưu hóa trong việc lựa chọn sản phẩm, đưa ra chiến lược sản phẩm nổi bật và hiệu quả.

Thứ ba, cập nhật xu hướng trang trí nội thất và phong cách sống.

Có nhiều yếu tố quyết định việc mua hàng đối với các sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa như công năng, thiết kế, khả năng tùy chỉnh, sử dụng vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường, tính tiện lợi và linh hoạt, phù hợp làm quà tặng hoặc cho các dịp đặc biệt, … Trong đó, thiết kế và phong cách là những yếu tố đặc biệt quan vì chúng phản ánh tính cách, lối sống và tâm trạng của khách hàng.

Nhà bán hàng cần tìm kiếm và khám phá các trang web về phong cách sống ở châu Âu và châu Mỹ, theo dõi các xu hướng trang trí nhà cửa và nội thất, đồng thời lấy cảm hứng thiết kế từ các xu hướng trang trí hàng đầu của Amazon.

Các sản phẩm nội thất hoặc trang trí nhà cửa với thiết kế tinh tế, đơn giản, nhẹ nhàng cùng gam màu sáng, phù hợp với nhiều phong cách nội thất và nền văn hóa khác nhau có khả năng thu hút khách hàng từ nhiều quốc gia. 

Với sự đồng hành của Amazon Global Selling và tận dụng sức mạnh của các làng nghề thủ công địa phương, nhà sản xuất và bán hàng Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngọc Châm