Tứ Sơn mang hàng Việt đến các huyện miền núi và biên giới

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều năm qua siêu thị Tứ Sơn mang sản phẩm hàng Việt rong ruổi khắp các vùng sâu vùng xa, miền biên giới tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thu nhập.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới của Tứ Sơn thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới của Tứ Sơn thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm

 

An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Trong đó, có 3 đơn vị huyện giáp với biên giới nước ban Campuchia gồm thành phố Châu Đốc, huyện An Phú và huyện Tân Châu. Hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn được Chính phủ công nhận là huyện miền núi, cũng đồng thời là huyện có đường biên giới với Campuchia.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều năm qua siêu thị Tứ Sơn mang sản phẩm hàng Việt rong ruổi khắp các vùng sâu vùng xa, miền biên giới tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thu nhập.

Theo đánh giá, hàng hóa có mặt ở các phiên chợ được Ban hàng Việt của siêu thị tuyển chọn, chính thức gốc hàng Việt, đa dạng với hàng ngàn mặt hàng thiết yếu tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng... nhưng đảm bảo 100% là hàng Việt với chất lượng bảo đảm. Mỗi chuyến hàng, Tứ Sơn chọn 80-100 nhà cung cấp sản xuất trong nước thay nhau mang hàng hóa về phiên chợ và dòng hàng hóa thay đổi theo dòng sự kiện nên lượng hàng hóa lúc nào cũng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hoạt động của Tứ Sơn gần đây được nhiều người biết đến như một siêu thị đi đầu đưa hàng Việt đến vùng sâu vùng xa. Nhưng thực ra, từ hàng chục năm trước, trước biến động về giá cả và việc lợi dụng tăng giá theo lương, Sở Tài chính và Sở Công Thương tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp đưa hàng Việt về nông thôn, mở rộng hệ thống siêu thị và thành lập cửa hàng tiện ích …. nhằm đảm bảo giá cả cho sản phẩm tiêu dùng ổn định hợp lý. Đây là chủ trương của tỉnh nhằm đối phó với biến động của giá cả thị trường gây lo lắng cho người dân, trong đó quan tâm nhiều đến các hộ có mức sống thấp ở khu vực nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới có cơ hội sử dụng hàng Việt với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

Hưởng ứng chủ trương này, Tứ Sơn đã đưa hàng trăm mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, dụng cụ gia đình, may mặc…. phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn. Để chuẩn bị cho các chuyến đi này, trước đó hàng tháng siêu thị Tứ Sơn đã liên hệ với nhà cung cấp, nhà sản xuất để đặt lượng hàng và Tứ Sơn đã ứng tiền trước để có giá tốt nhất cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người dân, người tiêu dùng. Mục tiêu của siêu thị Tứ Sơn không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường.

Hơn 10 năm đưa hàng Việt đến người dân nông thôn, miền núi, biên giới, mỗi chuyến hàng, phiên chợ Tứ Sơn tổ chức đều rất hiệu quả, thu hút rất đông người dân tham quan, mua sắm. Các chuyên gia chỉ ra 5 nguyên nhân “hút khách” của Tứ Sơn như sau. Thứ nhất, Tứ Sơn đặc biệt quan tâm đến khâu khảo sát,  chọn dòng hàng hóa phù hợp nhu cầu túi tiền người dân mua sắm nên sức mua cao. Thứ hai, Tứ Sơn lựa chọn luân phiên những vùng, những doanh nghiệp phù hợp để đưa hàng về, theo phương châm “đã đi là phải bán tốt”. Thứ ba, Tứ Sơn yêu cầu doanh nghiệp đồng hành phải kiểm soát chặt về chất lượng, những gì thuộc về quy định Nhà nước bắt buộc phải tuân thủ. Thứ tư, Tứ Sơn làm việc với nhà cung cấp ứng vốn trước để có giá bán tốt cho người tiêu dùng được lợi. Trong khi trên thị trường quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì mỗi phiên chợ chuyến hàng Việt về nông thôn của Tứ Sơn là lựa chọn mua sắm tốt nhất cho bà con với hàng hóa chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý. Và cuối cùng, Tứ Sơn tập trung cổ động trực tiếp. Tại các chuyến hàng, phiên chợ không chỉ hát phục vụ bà con mà cùng với khách hàng cùng nhau hát cổ động hàng Việt, tạo sân chơi cho bà con.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tứ Sơn tổ chức hàng chục chuyến bán hàng Việt lưu động từ ngày 30 tháng 10 đến 29 tháng 11 năm 2020 tại các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Thị xã Tân Châu. Các chuyến bán hàng Việt sẽ tổ chức lưu động đến các chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn nông thôn, miền núi... tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ cuối tháng 4 năm 2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho thương mại điện tử “lên ngôi”, bởi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội an toàn, thuận tiện, nhanh chóng, thì Tứ Sơn cũng nhanh chóng vào cuộc. Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, siêu thị Tứ Sơn vẫn đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, giá không tăng và lượng hàng hoá dồi dào cho người dân địa bàn Châu Đốc và các huyện lân cận. Bình quân 1 ngày siêu thị nhận 350 đơn bán hàng, trị giá hơn 150 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu người dân trong tình hình dịch bệnh, siêu thị Tứ Sơn đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, trực tuyến và giao hàng tận nơi. Từ đầu tháng 7 năm 2021 lượng đơn hàng bán ra tăng gấp 3 lần so với bình thường, siêu thị phải tăng nhân viên tiếp nhận thông tin đơn hàng hàng và nhân viên giao hàng để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân.

Nhân viên giao hàng tận nơi của siêu Tứ Sơn khi giao hàng cho khách hàng trang bị kính chống giọt bắn, đeo khẩu trang thường xuyên, mang găng tay, trên xe được trang bị nước tay diệt khuẩn và rửa tay sau khi giao hàng. Trong quá trình giao hàng, không bước vào nhà chỉ đứng bên ngoài, khách hàng để tiền thanh toán một nơi, nhân viên giao hàng để hàng một nơi cách nhau 2m tránh tiếp xúc gần.

Trong thời gian tỉnh An Giang đang hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà những vẫn mua được các mặt hàng thiết yếu, Siêu thị Tứ Sơn đã dùng xe tải chở hàng tấn hàng hóa thiết yếu bán đến tận các khu dân cư với giá bán một số mặt hàng rẻ hơn giá niêm yết ở siêu thị. Đối với các khu vực phong toả theo Chỉ thị 16/TT-TTg nhân viên sẽ đến khu vực đầu chốt kiểm soát liên hệ người dân ra nhận hàng thông qua cán bộ kiểm soát chốt. Tại siêu thị bố trí khu vực cho khách ngồi chờ bên ngoài, bố trí khu vực trưng bày hàng hóa mẫu, nhân viên tiếp nhận thông tin mua hàng của khách hàng và chuyển thông tin vào bên trong có bộ phận nhân viên rút hàng đem ra giao cho khách và thanh toán tại khu vực chờ, tránh tụ tập đông người và tiếp xúc gần. Do đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nên Tứ Sơn không bị gián đoạn công tác phân phối, luôn sẵn sàng cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Có thể nói, sau 35 năm thành lập và 20 năm hoạt động theo mô hình siêu thị, Tứ Sơn được ghi nhận là một trong những doanh nghiệp phân phối đóng góp rất lớn cho thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt tới người dân các vùng miền núi, biên giới.

Hoài Sơn và nhóm tác giả