Tương lai của ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19

THS. ĐỖ HIỀN HÒA (Khoa Thương mại và Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra không chỉ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, mà còn trực tiếp làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, trong đó phải kể đến ngành Du lịch - Việt Nam.

Bằng phương pháp thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin, tại bài viết này, tác giả trình bày những tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành Du lịch và đưa ra những nhận định của mình về tương lai của ngành Du lịch Việt Nam.

Từ khóa: Covid-19, ảnh hưởng, ngành Du lịch Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Cuối tháng 12 năm 2019, bệnh viêm đường hô hấp cấp do một chủng mới của virus corona (2019-nCoV) được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đã và đang lây lan nhanh sang các nước lân cận cũng như các châu lục khác. Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh, bao gồm: sốt cao 39 - 40 độ kéo dài liên tục 1 - 2 ngày, ho liên tục, ho khan, khó thở, cơ thể ớn lạnh, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Những triệu chứng này phát triển nhanh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong nếu như không được can thiệp điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ Bộ Y tế của nước ta, tại thời điểm này, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do một chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Những người bệnh hiện nay được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu, thực hiện trong điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân. [1]

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) là đại dịch toàn cầu, bởi dịch đã lây lan sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng trăm nghìn ca nhiễm, hàng nghìn ca tử vong. Tính đến cuối tháng 03/2020, đã có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 1.000.000 người mắc covid-19.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đề nghị người dân thực hiện tốt thông điệp gồm có 5 điểm sau: [1]

1- Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2- Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4- Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5- Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Dịch Covid-19 xảy ra đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, điều này đã tác động tiêu cực đến ngành Du lịch trong nước. Lượng khách quốc tế và nội địa giảm mạnh do du khách hủy dịch vụ và tâm lý e ngại khi đi du lịch.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu số liệu, tài liệu

Số liệu thứ cấp được thu thập dựa trên cơ sở kế thừa các báo cáo, tài liệu có liên quan, bao gồm: thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, báo cáo của Tổng cục Du lịch về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo tháng và qua các năm, công văn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, báo cáo về thiệt hại của các doanh nghiệp du lịch do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra và phỏng vấn 50 doanh nghiệp du lịch - khách sạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra và các giải pháp khắc phục của doanh nghiệp.

2.2. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

- Phương pháp thống kê so sánh: Phương pháp này dùng để so sánh các chỉ số về khách du lịch qua các thời kỳ.

- Phương pháp phân tích SWOT: Phương pháp này giúp ta có thể hiểu một cách tổng hợp các kết quả nghiên cứu để chỉ ra được điểm mạnh (Strength), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) của các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Ảnh hưởng của covid-19 tới ngành Du lịch Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 đạt gần 450 nghìn lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng trước. Trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 375 nghìn lượt, chiếm 83,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (giảm 65,7% so với tháng 03/2019); khách đến bằng đường biển đạt 9.024 lượt - chiếm 2% (giảm 55,2%); khách đến bằng đường bộ đạt 65.762 lượt khách - chiếm 14,6% (giảm 77,9%). Theo dự báo, trong 3 tháng tới, ngành Du lịch Việt Nam có khả năng chịu thiệt hại lên đến 7 tỷ USD do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khó có thể hoàn thành mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm 2020. [2] (Biểu đồ 1)

Dịch bệnh là yếu tố khách quan, dù không mong muốn nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nên buộc phải chấp nhận và khắc phục. Trong đó, việc một lượng lớn khách quốc tế e ngại đi du lịch vì dịch bệnh lây lan, đặc biệt là du lịch đến châu Á, trong đó có Việt Nam, được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm nCoV cao hơn so với các điểm đến du lịch khác - đây là tác động đầu tiên. Đồng thời, tác động thứ hai là do nguồn cầu du lịch trong nước cũng có những lo sợ tương tự như phân tích ở trên nên có xu hướng hạn chế đi đến những địa điểm tập trung đông người, như: sân bay, trạm xe buýt, ga tàu, điểm tham quan du lịch, khách sạn, nhà hàng, nơi vui chơi giải trí,…

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động; ngành Du lịch đã thực hiện nhiều biện pháp từ hạn chế khách đến các điểm tham quan đến quyết định đóng cửa các điểm tham quan, hủy tour đến các vùng dịch và không đón khách từ vùng dịch vào Việt Nam,… đã khiến lượng khách tham quan ngày càng giảm; cộng thêm việc khách đồng loạt hủy dịch vụ nên doanh thu du lịch giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều đối tác, khách đoàn, khách công tác cũng thông báo hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc họp, hội nghị diễn ra tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh, dẫn đến lượng khách doanh nghiệp và khách MICE cũng bị giảm đáng kể. Chưa bao giờ ngành Du lịch - Khách sạn tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề và bị trì trệ như hiện nay - giữa dịch viêm đường hô hấp cấp do virus chủng mới nCoV. Từ hàng không, vận chuyển, lữ hành cho đến lưu trú, ăn uống, vui chơi,... tất cả đều cùng chung số phận bị hủy dịch vụ và vắng khách du lịch.

Hàng loạt tập đoàn, chuỗi khách sạn thông báo tạm ngưng hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống để duy tu - bảo dưỡng và một phần hạn chế tác động từ dịch nCoV. Cụ thể là:

- Vinpearl đóng cửa 7 khách sạn, trong đó: 2 khách sạn ở Nha Trang; 5 cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. [3]

- Sun Group cũng thông báo đóng cửa công viên Châu Á - Sunworld Danang Wonders đến 30/4 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Các công viên, cáp treo đều đã đóng cửa bảo trì hoặc giảm giờ chạy. [4]

Theo khảo sát của tác giả, cắt giảm ngày công, cho nhân viên nghỉ luân phiên, nghỉ không lương dài hạn, cắt giảm nhân sự, tạm đóng cửa, thông báo ngừng hoạt động, thậm chí phá sản… là cách các doanh nghiệp du lịch - khách sạn đang làm vì không có nguồn thu, hàng triệu nhân sự đều rơi vào tình cảnh mất việc làm.

Từ khi thực hiện “giãn cách xã hội”, tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều đã tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp khách sạn tạm đóng cửa hoặc một số cơ sở lưu trú du lịch chuyển qua phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam lưu trú theo hình thức có trả phí, các nhà hàng đều tạm dừng hoạt động hoặc chỉ phục vụ khách mua đồ mang về.

Các doanh nghiệp du lịch phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn chưa biết khi nào mới khởi sắc.

3.2. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau Covid-19

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, khôi phục thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng của ngành Du lịch và các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại,… nhiều giải pháp đã được đề xuất.

Hỗ trợ của Chính phủ

Đứng trước cuộc khủng hoảng với những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra cho ngành Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 1156/BVHTTDL- TCDL đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, phục hồi; góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường. [5]

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý 1, quý 2 và quý 3 năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý 4 năm 2020 và quý 1 năm 2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020,...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới,... Bộ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thời gian áp dụng: 12 tháng từ ngày Việt Nam công bố hết dịch; nghiên cứu pháp lý hóa danh mục 80 nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử (hiện nay đang thí điểm); xem xét miễn thị thực đơn phương có thời hạn (12 tháng) cho các nước Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Mỹ, Canada (khi được xác định không phải là vùng dịch).

Đồng thời, Chính phủ cần tiến hành áp dụng chính sách thuận lợi nhận thị thực tại cửa khẩu, không thông qua thủ tục phê duyệt công văn đối với khách du lịch trọn gói theo đoàn do công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đón và phục vụ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng bộ tiêu chí “Du lịch Việt Nam an toàn”, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả chương trình truyền thông.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các hãng Hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng, như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, New Zealand, Mỹ, Đông Âu; tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.

Đa dạng hóa thị trường

Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản nên khi dịch bệnh bùng phát và lây lan, lượng khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh, kéo theo các nguồn doanh thu của ngành Du lịch nói riêng sụt giảm, kinh doanh khó khăn, ế ẩm. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tại các thị trường không bị ảnh hưởng của dịch, các thị trường có khả năng tăng trưởng cao và có kết nối đường bay trực tiếp. Việc cơ cấu lại thị trường là rất quan trọng, chúng ta nên tập trung hoạt động xúc tiến tại các thị trường có nhiều tiềm năng như Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ. (Biểu đồ 2)

Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ là những thị trường quan trọng cần tập trung công tác xúc tiến quảng bá, đồng thời cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá qua website, mạng xã hội,… với ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút người xem.

Đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách nội địa

Đây là thị trường vốn sẽ hồi phục nhanh hơn thị trường quốc tế. Cần sớm triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa sau khi Việt Nam công bố hết dịch, khuyến khích nhân dân hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường với các chương trình giảm giá phong phú, hấp dẫn du khách với các điểm đến phù hợp.

Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của công ty. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp tự cứu mình

Ngoài mong chờ những gói hỗ trợ, kích cầu du lịch từ Chính phủ và cơ quan ban ngành, nhiều doanh nghiệp cũng tự “cứu” mình bằng cách:

- Tái cơ cấu bộ máy nhân sự của doanh nghiệp, sắp xếp, bố trí lại công việc của tổ chức, cho một số vị trí nhân viên nghỉ luân phiên đến không lương có kỳ hạn nhưng cũng cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

- Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0.

- Thiết lập thêm các mối quan hệ đối tác để xây dựng và triển khai các tour mới, chia sẻ, giới thiệu nguồn khách cho nhau.

- Nghiêm túc hợp tác với tổ chức y tế trong khai báo và phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.

3.3. Tương lai của ngành Du lịch Việt Nam sau covid-19

Du lịch được thúc đẩy bởi nhu cầu của con người. Theo Abraham Maslow, một nhà tâm lý học người Mỹ, nhu cầu này được chia thành 3 nhóm như sau: nhu cầu cơ bản (thực phẩm, nước, sự ấm áp, nghỉ ngơi, an ninh và an toàn); nhu cầu sinh lý (mối quan hệ mật thiết, bạn bè, uy tín, cảm giác thành tựu); nhu cầu tự hoàn thiện (bao gồm các hoạt động sáng tạo). Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu dẫn đến việc thay đổi thói quen hàng ngày của tất cả mọi người trên thế giới. Trong thời gian đại dịch, nhu cầu của khách hàng là được thụ hưởng tại nhà hoặc các khu vực cách ly. Phần lớn các hoạt động diễn ra online. Công nghệ giúp kết nối mọi người. Từ đó, du lịch cũng hình thành những xu hướng mới.

Thứ nhất, du lịch chăm sóc sức khỏe lên ngôi.

Xã hội phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ của con người ngày càng cao, thay vì nghỉ dưỡng đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Sau cơn ác mộng dài của các mối đe dọa từ virus corona, con người thực sự thức tỉnh về lối sống của họ với môi trường xung quanh. Các giá trị tinh thần tích cực của cuộc sống được quan tâm mạnh mẽ. Con người biết cách yêu thương nhau và yêu thương bản thân mình hơn. Theo đó, thời gian này, ngành Du lịch cần chuẩn bị để cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến cho du khách.

Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ được phục vụ tại cơ sở lưu trú, hay ngay cả trong hành trình dài trên các phương tiện giao thông, không chỉ giúp du khách trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, mà còn cân bằng cảm xúc, tâm hồn.

Thứ hai, du lịch thông minh phát triển.

Các sự kiện và số liệu của virus corona là cơ hội cho các doanh nghiệp nghĩ về du lịch thông minh bền vững. Kế hoạch trải nghiệm thông minh cho khách du lịch bằng công nghệ, đưa khách du lịch ra khỏi nhà để tận hưởng giá trị cuộc sống sau đại dịch cũng là những thách thức không nhỏ. Khi khách hàng đã quen với các hoạt động online thì những công nghệ số giúp con người tham gia du lịch ảo cũng cần được các doanh nghiệp quan tâm phát triển.

Để được lựa chọn bởi khách hàng thông minh trong thời gian tới, các doanh nghiệp du lịch và các nhà đầu tư phải liên tục suy nghĩ để xem xét tất cả các hoạt động và hành động cũng như chính sách nào cần thiết để đổi mới. Ưu tiên cho tất cả các nhân viên được đào tạo thêm về tư duy mới, triết lý kinh doanh mới; tái thiết dịch vụ để tiếp cận làn sóng lối sống mới của khách hàng; thiết lập lại hoạt động kinh doanh, chăm sóc tốt các đối tác truyền thống, xác định lại thị trường mục tiêu cho quan hệ đối tác mới,… Đây cũng là những lợi thế cạnh tranh năng lực của mỗi doanh nghiệp.

Thứ ba, hình thành mô hình du lịch khép kín.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường khách nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp, cách thức đầu tư vào mô hình hệ sinh thái du lịch liên kết hàng không - điểm đến - khu nghỉ dưỡng với các dịch vụ khép kín vừa giúp tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, vừa giúp nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam.

Việc đầu tư hệ sinh thái du lịch khép kín mang lại sản phẩm du lịch trọn gói và đa dạng cho khách hàng, qua đó thu hút được dòng khách có thu nhập cao cũng như đối tượng khách gia đình với nhiều nhu cầu nghỉ dưỡng khác nhau. Với tiêu chí an toàn, đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều đối tượng khách hàng sau mùa dịch này.

4. Kết luận

Dịch bệnh xảy đến là không ai mong muốn và nó đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành Du lịch - Khách sạn trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Mặc dù sự ảnh hưởng của dịch covid-19 chưa đến mức kiệt quệ, nhưng rõ ràng, những ảnh hưởng trực tiếp của nó đang đẩy ngành Du lịch - Khách sạn Việt Nam phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng” chưa từng thấy.  Chính phủ, các doanh nghiệp và các ngành liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, kích cầu phù hợpnhằm biến những khó khăn thành thuận lợi để phục hồi lại các hoạt động của ngành Du lịch trong tương lai.hiệp du lịch phục hồi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (2019-nCoV) (2020), Cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (2019-nCoV), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

2. Tổng cục Thống kê (2020), Số liệu thống kê khách du lịch quốc tế đến Việt Nam : http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/cat/12.

3. Vinpearl - Tập đoàn Vingroup (2020), Thông báo quy định đón tiếp khách đặt phòng tại Vinpearl trong giai đoạn dịch Covid19: https://www.vinpearl.com/news/thong-bao-quy-dinh-don-tiep-khach-dat-phong-tai-vinpearl-trong-giai-doan-dich-covid-19.html.

4. Tập đoàn Sun Group (2020), Một số khu vui chơi giải trí của Sun Group tạm ngừng hoạt động trong thời gian chống dịch COVID-19: https://www.sungroup.com.vn/news/chong-dich-covid-19-sun-group-tam-ngung-hoat-dong-mot-so-khu-nghi-duong-va-vui-choi-giai-tri/.

5. Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch (2020), Văn bản số 1156/BVHTTDL- TCDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất những các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi.

Future prediction for Vietnam’s toursim industry

after the Covid-19 pandemic

Master. Do Hien Hoa

 Faculty of Trade and Tourism, Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The global pandemic of acute respiratory disease caused by a novel coronavirus (Covid-19) has not only greatly hindered the economic growth but also severely affected Vietnam’s tourism industry. By collecting, reviewing and analyzing information, this paper briefly presents the impacts of the Covid-19 pandemic on Vietnam’s tourism industry and some recommendations about the future of Vietnam’s tourism sector.

Keywords: Covid-19, impact,  Vietnam's tourism industry.