TÓM TẮT:

Việt Nam hiện đã tham gia ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do và đang tiếp tục đám phán một số FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, việc tận dụng được các lợi thế này chỉ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp nắm vững quy tắc xuất xứ và đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ đã được thỏa thuận trong các FTA. Trong bài viết, tác giả sử dụng phương pháp thống kê và phân tích số liệu kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi để tính toán mức độ thụ hưởng ưu đãi thuế quan từ các thị trường FTA, từ đó đưa ra khuyến nghị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam hướng đến lộ trình tự cấp chứng nhận xuất xứ.

Từ khóa: FTA, quy tắc xuất xứ, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), tự chứng nhận xuất xứ.

1. Đặt vấn đề

Mục tiêu hướng đến của các Hiệp định thương mại tự do - Free Trade Agreement (FTA) là thúc đẩy việc tìm kiếm và sản xuất nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi FTA, kích thích luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên FTA thông qua các thỏa thuận ưu đãi thuế quan và các thỏa thuận tạo thuận lợi khác. Căn cứ pháp lý quan trọng nhất để được hưởng ưu đãi thuế quan FTA là hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi. Tất cả các FTA đều dành từ 1 chương trở lên cho nội dung này.

Mức độ thụ hưởng ưu đãi thuế quan FTA được tính bằng kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi đến một thị trường thành viên FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến thị trường FTA đó. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi càng cao, chứng tỏ số lượng hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi và được hưởng thuế quan ưu đãi càng nhiều.

Trên toàn cầu, tỷ lệ tận dụng ưu đãi bình quân các FTA là  40%. Việc nghiên cứu theo dõi tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan các FTA mà Việt Nam tham gia là cần thiết để so sánh đánh giá và đưa các khuyến nghị cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước liên quan nhằm tận dụng lợi thế mà các FTA đã ký kết và hướng đến thương lượng hiệu quả các FTA tương lai.

2. FTA và các quy tắc xuất xứ

2.1. Tổng quan các FTA Việt Nam tham gia và các mẫu C/O  

Kể từ FTA đầu tiên Việt Nam tham gia ký kết - Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1993 cho đến nay đã có tổng số 15 FTA có hiệu lực tại Việt Nam. (Bảng 1)

Riêng trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã kí kết và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA),  Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật  Bản (AJCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc- NewZealand (‘AANZFTA’), và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA).

FTA là hình thức liên kết kinh tế quốc tế ở cấp độ cơ bản nhất. Giai đoạn từ 2014 về trước, các FTA mang tính truyền thống. Từ năm 2014 về sau này, các FTA thế hệ mới bao gồm các cam kết tự do hóa trong nhiều lĩnh vưc hơn, với mức độ mở cửa mạnh hơn, điển hình như các FTA với thị trường EU (EVFTA), và thị trường châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP).

Bảng  1. Các FTA Việt Nam tham gia đến tháng 4/2021

STT

Hiệp định
FTA

Hiệu lực

Đối tác - Thị trường

1

AFTA

1993

ASEAN

2

ACFTA

2003

ASEAN, Trung Quốc

3

AKFTA

2007

ASEAN, Hàn Quốc

4

AJCEP

2008

ASEAN, Nhật Bản

5

VJEPA

2009

ASEAN, Nhật Bản

6

AIFTA

2010

ASEAN, Ấn Độ

7

AANZFTA

2010

ASEAN, Úc, New Zealand

8

VCFTA

2014

Chi Lê

9

VKFTA

2015

Hàn Quốc

10

VN-EAEU

10/2016

Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan

11

CPTPP

2019*

Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia

12

AHKFTA

11/6/2019

ASEAN, Hồng Kông (TQ)

13

EVFTA

1/8/2020

EU (27 thành viên)

14

RCEP*

15/11/2020

ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand

15

UKVFTA

1/5/2021

Vương Quốc Anh

Nguồn: Tác giả tổng hợp

2.2. Quy tắc xuất xứ

Theo định nghĩa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quy tắc xuất xứ là tập hợp các tiêu chí cần thiết nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc quốc tịch của hàng hóa. Theo định nghĩa trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, quy tắc xuất xứ ưu đãi là tập hợp các tiêu chí được thiết kế nhằm đảm bảo hàng hóa đó được hưởng ưu đãi thuế quan FTA nếu tuân thủ các quy định về xuất xứ áp dụng với hàng hóa trong FTA đó.

Với mỗi FTA, quy tắc xuất xứ là một nội dung rất quan trọng bởi các quy tắc này sẽ quyết định hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện gì về nguồn gốc nguyên liệu thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của FTA.

Tiêu chí xuất xứ hàng hóa ưu đãi được quy định trong Chương Quy tắc xuất xứ tùy theo từng FTA, nhìn chung có 3 cách xác định hàng hóa thỏa mãn tiêu chí:

  1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều nước thành viên (WO hay WO khối).
  2. Hàng hóa không có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng tiêu chí chung hoặc danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (Non-WO).
  3. Hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu chỉ từ những nguyên liệu có xuất xứ một hay nhiều nước thành viên FTA (PE).

Tiêu chí PE nêu trên đầu tiên xuất hiện trong Chương Quy tắc xuất xứ của các FTA song phương như VJCEP và VKFTA, sau này được bổ sung khi nâng cấp Quy tắc xuất xứ hàng hóa của AANZTA, ACFTA và thường xuất hiện trong các FTA thế hệ mới như AHKFTA và CPTPP.

Về bản chất, tiêu chí PE có thể hiểu tương tự tiêu chí xuất xứ thuần túy khối/vùng (WO region) nhưng lỏng hơn do nguyên liệu nhập khẩu từ một hay nhiều nước thành viên FTA để sản xuất hàng hóa chỉ cần đạt xuất xứ Non-WO và toàn bộ các công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại lãnh thổ của Việt Nam.

3. Tình hình sử dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA trọng yếu

3.1. Cơ chế cơ quan quản lý nhà nước cấp C/O

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và có thẩm quyền trong việc ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức triển khai các cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.

Tình hình cấp C/O ưu đãi theo Hiệp định được thống kê như Bảng 2

Bảng 2. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi năm 2019-2020

ĐVT: tỷ USD

ty_le_tan_dung_c_o_uu_dai_nam_2019-2020

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.

Nhìn chung tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi là cao và tăng giảm tương ứng theo kim ngạch xuất khẩu từng năm và khác biệt nhiều giữa các thị trường.

Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ có sử dụng C/O ưu đãi 70% là cao nhất, kế đến là các thị trường Chi Lê, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.

Đối với thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng ưu đãi từ AKFTA, VKFTA khá ổn định, tăng đều qua các năm và đạt trên 52% năm 2020. Điều này được lý giải là do: (i) Thời gian từ khi hiệp định hiệu lực đủ dài và doanh nghiệp đã nắm vững quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc; (ii) quy tắc xuất xứ của AKFTA và VKFTA tương đối linh hoạt; hàng hóa sản xuất xuất khẩu có thể đáp ứng tiêu chí để được cấp C/O mẫu AK và VK và (iii) các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU (mẫu EUR.1) khá thấp được giải thích đối với thị trường EU, ngoài C/O mẫu EuR.1 để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, doanh nghiệp còn đăng ký cấp C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.

Đối với các nước thành viên CPTPP thị trường châu Á – Thái Bình Dương: Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi là thấp nhất. Điều này được lý giải phần lớn các nước đối tác đều đã có hiệp định thương mại tự do với Việt nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực. Chỉ có Mexico và Canada là 2 nước lần đầu tiên Việt Nam có FTA.

3.2. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

Tự chứng nhận xuất xứ là một xu thế tất yếu của thương mại quốc tế khi cho phép doanh nghiệp chủ động về thời gian, chi phí và nhân sự liên quan đến thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là cơ chế khá phổ biến trên thế giới, nhung còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Trong số các FTA Việt Nam tham gia, có 3 FTA chính thức có điều khoản về TCNXX là ATIGA; EVFTA; CPTPP. Riêng đối với VKFTA, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ thảo luận điều khoản hướng tới một cơ chế TCNXX trong tương lai.

3.2.1. Thị trường ASEAN - Mẫu D

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho phép thực hiện 2 dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Dự án thí điểm số 1: Cho phép các nhà xuất khẩu (gồm các công ty thương mại và nhà sản xuất) đủ điều kiện được xem xét, cho phép tự chứng nhận xuất xứ; trên bất kỳ chứng từ thương mại nào, bao gồm hóa đơn, vận đơn, phiếu đóng gói.

Dự án thí điểm số 2: Chỉ cho phép nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất đủ điều kiện được xem xét, cho phép tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do chính họ sản xuất ra; chỉ cho phép tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại gốc của hàng hóa.

Việt Nam chọn tham gia thí điểm số 2 cùng với các nước Philippines, Indonesia, Lào và Thái Lan (tham gia cả 2 dự án).

Hải quan các nước nhập khẩu trong khối ASEAN thường đặt nhiều nghi vấn đối với các lô hàng tự chứng nhận xuất xứ hơn hẳn so với các lô hàng được cấp C/O truyền thống, nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ này. Hiện mới chỉ có Vinamilk và Nestle Việt Nam là 2 nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.

3.2.2. Thị trường EU

Theo cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của EU, các doanh nghiệp được EU cấp mã số ủy quyền sẽ được phép tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu. Để được cấp mã số ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng một số quy định tương đối chặt và cơ quan hải quan thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện này.

Đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro,  nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu lên trang web: www.ecosys.gov.vn.

Đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 Euro, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quá trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 được thực hiện tương tự như các mẫu C/O hiện hành.

Về phía Việt Nam sẽ áp dụng song song 2 cơ chế: cơ chế cấp C/O như hiện tại và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành nhà xuất khẩu tự chứng nhận. Tuy nhiên, sau ngày 30/6/2020, cơ quan Hải quan EU, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận C/O mẫu A để cho hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP.

Hiện tại, cơ chế GSP mà EU dành cho Việt Nam vẫn có thể được áp dụng trong vòng 2 năm. Sau 2 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, tức là từ ngày 01/8/2022, cơ chế GSP sẽ chấm dứt và nhà xuất khẩu cần thực hiện chứng nhận xuất xứ hoàn toàn theo EVFTA.

3.2.3. Thị trường các nước CPTPP

Hiệp định cho phép nhà xuất khẩu (bao gồm nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu và thương nhân chỉ hoạt động thương mại/ không có sản xuất) và nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Hiện tại Việt Nam được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: i) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và ii) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.

4. Kết luận và các khuyến nghị đối với Việt Nam

Tự chứng nhận xuất xứ  hiện nay đã trở nên khá phổ biến trên thế giới (40 năm) và là một xu thế tất yếu của thương mại quốc tế với lợi ích cũng rõ ràng cho tất cả các bên. Ngoài ATIGA, EVFTA, CPTPP, Việt Nam đang tham gia đàm phán với khối EFTA (gồm các nước Iceland, Lechtenstein, NaUy, Thụy Sỹ) thì EFTA cũng sử dụng cơ chế này. Như vậy, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ sớm trở nên một yêu cầu phổ dụng tại Việt Nam.

Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về cơ chế  tự chứng nhận xuất xứ để có sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các FTA xuất khẩu sang các thị trường EU và châu Mỹ trong các lộ trình giảm thuế sâu hơn về sau và đón đầu các FTA sắp được ký kết.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ chế cấp C/O mẫu quy tắc xuất xứ, chủ động tìm hiểu các cơ chế, chính sách, cũng như tìm các đối tác ở thị trường phù hợp.

Kế hoach dài hạn, doanh nghiệp cần có cơ cấu tổ chức nội bộ, có một hệ thống được thiết lập để đảm bảo tự chứng nhận xuất xứ một cách hiệu quả. Nhân sự phụ trách tự chứng nhận xuất xứ tại doanh nghiệp phải đủ năng lực, đủ kiến thức, có nghiệp vụ giỏi hơn cán bộ cấp C/O để làm chủ toàn bộ quá trình tự chứng nhận xuất xứ.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xác minh xem nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hoá như thế nào, phải tự đảm bảo các dữ liệu cung cấp rõ ràng, minh bạch, và luôn sẵn sàng cho công tác hậu kiểm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, để sớm thực hiện cơ chế TCNXX về sau, giai đoạn hiện nay Việt Nam cần tận dụng các kênh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật từ các dự án hợp tác kinh tế - kỹ thuật trong các FTA đã thỏa thuận được để nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin; Kết nối phần mềm và số liệu cấp C/O, cập nhật thông tin dữ liệu về tình hình cấp C/O để phát hiện các diễn biến bất thường, cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa.

Tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Ban hành và thực thi chế tài xử phạt rất nặng đối với các hành vi gian lận thương mại nói chung và trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa nói riêng.

Có như vậy, Việt Nam sẽ tạo được môi trường và hành lang pháp lý cho doanh nghiệp an tâm đầu tư vào lộ trình tự chứng nhận xuất xứ và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các FTA kỳ vọng mang lại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Xuất nhập khẩu (2021), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, NXB Công Thương, Hà Nội.
  2. Cục Xuất nhập khẩu (2020), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, NXB Công Thương, Hà Nội.
  3. Cục Xuất nhập khẩu (2019), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018, NXB Công Thương, Hà Nội.
  4. Mutrap (2017), Sổ tay quy tắc xuất xứ trong các FTA Việt Nam là thành viên (E-book).

 

PREFERENTIAL TARIFF UTILIZATION RATES OF FTAs

AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAMESE COMPANIES

Master. NGUYEN THANH HOA BINH
Lecturer, Lac Hong University

ABSTRACT:

In the effort of economic integration to create favorable conditions for enterprises to expand markets, Vietnam has joint into 15 Free Trade Agreements.(FTA) and continued to negotiate more new-generation FTAs . However, the benefits of these FTAs can only be realized when companies have a firm grasp of the rules of origin and meet the origin criteria agreed in the FTAs. By using statistical methods and analyzing data of export turnover and preferential C/O rate, this paper calculates the level of preferential tariff enjoyment from FTA markets, Based on the paper findings, some recommendations are proposed for Vietnamese businesses towards a long roadmap of self-certification of origin.

Keywords: FTA, Rules of origin, Certificate of Origin (C/O), Self-certification.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]