“Tỷ phú” về công nghệ cao xử lý môi trường

Trung tâm Công nghệ Hóa học và môi trường (ECHEMTECH) - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam được nhiều người đánh giá là “tỷ phú” sở hữu các công nghệ cao xử lý môi trường.

Nói về công trình ấn tượng nhất, GS.TSKH Trần Mạnh Trí, Giám đốc ECHEMTECH tỏ ra hài lòng với công nghệ xử lý thuốc trừ sâu quá hạn bằng phương pháp tuần hoàn trong nước.

Xử lý thuốc trừ sâu quá hạn bằng... nước

Dựa trên đặc tính chung của các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là tan được trong nước, công nghệ này dùng nước để pha loãng thuốc đến nồng độ cần thiết, sau đó đưa vào xử lý nước chứa thuốc BVTV. Quá trình xử lý thực hiện trong nước tuần hoàn tạo thành một vòng lưu chuyển tuần hoàn, điểm đầu là nước chứa thuốc BVTV cần tiêu hủy, điểm cuối là nước đã xử lý sạch. Từ đây, lấy chính nước đã xử lý đem hòa tan thuốc BVTV mới để tiếp tục quá trình. Vì thế hiệu quả xử lý cao và rất an toàn, nước sau khi xử lý được sử dụng lại để bổ sung vào quá trình tạo thành chu trình khép kín chứ không hề thải ra ngoài, không gây hại cho môi trường. 
Theo các chuyên gia đánh giá, phương pháp này có nhiều ưu điểm an toàn tuyệt đối cho môi trường do không có khói và nước thải ra ngoài, chi phí năng lượng thấp...

GS Trần Mạnh Trí cho biết, phương pháp tiêu hủy thuốc BVTV không đốt này so với chi phí xử lý rẻ hơn cách dùng lò đốt đến 50% - 60%. Tổng chi phí đầu tư thiết bị chỉ khoảng 1 tỉ đồng, do vậy rất thích hợp với trình độ công nghệ và vốn đầu tư ở nông thôn.

Giải pháp này được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) của Liên Hiệp Quốc đồng ý cho triển khai thực hiện thông qua Quỹ tài trợ các dự án nhỏ ở Việt Nam (SGP VietNam) với kinh phí 70.000 USD. Dự án thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và đã được tỉnh Long An hỗ trợ trên 1 tỉ đồng đối ứng trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, công nghệ AOP (Advanced Oxidation Processes – các quá trình oxy hóa nâng cao) do Trung tâm nghiên cứu thành công đang được xem là công nghệ “chìa khóa” để xử lý ô nhiễm môi trường ở thế kỷ 21. Hiện công nghệ này được ứng dụng tại rất nhiều nơi, điển hình như trạm xử lý nước thải nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn; Trạm Môi trường Xanh Bến Lức (Long An) chuyên tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng bằng công nghệ không cần lò thiêu cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

ECHEMTECH cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong nước nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời và chất xúc tác nano TiO2 vào xử lý môi trường. Công nghệ này hiện cũng được ứng dụng tại nhiều nơi như TP. Hồ Chí Minh, Bến Cát, Bình Dương. Với tư duy mạnh dạn đi đầu, hiện ECHEMTECH sở hữu hàng chục công nghệ cao xử lý môi trường.

Tiến quân vào mặt trận mới

GS.TSKH Trần Mạnh Trí cho biết, thế mạnh của Trung tâm là đội ngũ các nhà khoa học, có kinh nghiệm trong chuyên môn, đã từng là tổng công trình sư, kỹ sư lâu năm, chủ nhiệm các đề án lớn cấp quốc gia. Hiện các nhà khoa học tại ECHEMTECH đang hướng đến nghiên cứu thử nghiệm các vật liệu mới như: Vật liệu làm đường giao thông nông thôn EMULVIE trên cơ sở nhũ tương nhựa đường tan được trong nước với chất nhũ hóa từ dầu dừa. Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải) đã sử dụng vật liệu EMULVIE thử nghiệm thành công làm mặt đường giao thông nông thôn tại Long An, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh.

Ông Trí cho biết thêm, trung tâm cũng đang tập trung vào sản xuất vật liệu chống thấm các công trình xây dựng trên cơ sở nhũ tương nhựa đường tan được trong nước. Công nghệ đã được chuyển giao cho Công ty phát triển công nghệ và môi trường Á Đông (ASIATECH) để sản xuất đại trà, cung cấp cho nhu cầu thị trường khắp nước.

Với quan điểm của trung tâm – một đơn vị hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ thực thụ, do vậy GS.TSKH Trần Mạnh Trí cho rằng, tất cả những vấn đề của thực tế cuộc sống khó giải quyết đều cần đến khoa học và khi khoa học cùng với những công nghệ cao giải được bài toán này sẽ mang đến thành công.

  • Tags: