Ứng dụng blockchain trong thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ

ThS. PHẠM THỊ THÁI HÀ - ThS. NGUYỄN THỊ THANH TRẦM (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Ứng dụng công nghệ blockchain đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực để thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu. Theo đó, ứng dụng này mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan và là bước tiến quan trọng của các ngân hàng Việt Nam trong thời đại công nghệ số.

Từ khóa: Blockchain, tín dụng chứng từ, HSBC, BIDV.

1. Đặt vấn đề

Việc ứng dụng công nghệ blockchain là một đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ này cải thiện tốc độ, quy trình và hoàn toàn loại bỏ giấy tờ trong thanh toán quốc tế.

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được xem là phương thức thanh toán phổ biến, trong hoạt động tài trợ thương mại quốc tế hiện nay, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế đó là việc thanh toán chủ yếu dựa vào chứng từ, với quy trình phức tạp dẫn đến chi phí chứng từ tốn kém, ngân hàng phải kiểm tra tính chính xác của chứng từ; việc kiểm tra thủ công sẽ có nhiều sai sót, tốc độ thanh toán chậm, tranh chấp xảy ra,…

2. Ứng dụng blockchain trong thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ

2.1. Công nghệ blockchain

Blockchain chuỗi khối là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Công nghệ Block chain liên quan đến cơ sở dữ liệu phân tán được lưu giữ trên một mạng lưới các máy tính liên kết trên cơ sở ngang hàng, các bên tham gia có thể chia sẻ và giữ các ghi chú giống nhau, được mã hóa theo cách thức phi tập trung. Công nghệ này, cuối cùng, là một tập hợp không ngừng gia tăng của các ghi chú ghi nhận toàn bộ các giao dịch, trong đó mỗi giao dịch tài chính là một ‘khối’. Với mỗi giao dịch mới, một khối được thêm vào, tạo nên một chuỗi thông tin vĩnh viễn. Không như sổ cái của ngân hàng, vốn tập trung và riêng tư, công nghệ Block chain có thể công khai hoặc riêng tư và được cấp quyền, các bên tham gia chỉ cần xây dựng một mạng sổ cái chia sẻ tất cả thông tin giao dịch.

Chính vì thế, blockchain đang là xu hướng ứng dụng được nhiều ngân hàng trên thế giới nghiên cứu triển khai. Công nghệ blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch, với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian.

2.2. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận, trong đó một ngân hàng mở thư tín dụng theo yêu cầu của người yêu cầu mở thư tín dụng. Theo đó, họ sẽ trả một số tiền nhất định cho một người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng, hoặc chấp nhận hối phiếu do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này xuất trình cho ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đề ra trong thư tín dụng.

2.2.1. Quy trình thanh toán tín dụng chứng từ

Hình 1: Quy trình thanh toán tín dụng chứng từ

Quy trình thanh toán tín dụng chứng từ

Nguồn: Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, GS. TS. Nguyễn Văn Tiến

(1) Nhà nhập khẩu căn cứ vào điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua - bán hàng hóa quốc tế làm giấy đề nghị mở L/C và nộp vào ngân hàng các giấy tờ cần thiết. Thực hiện ký quỹ (nếu có) theo yêu cầu để ngân hàng phát hành L/C cho người xuất khẩu.

(2)  Ngân hàng phát hành L/C theo yêu cầu của giấy đề nghị mở L/C. Chuyển tới ngân hàng thông báo tại nước xuất khẩu.

(3) Ngân hàng thông báo chuyển L/C gốc cho nhà xuất khẩu.

(4) Sau khi nhận được L/C từ ngân hàng thông báo, nhà xuất khẩu đánh giá khả năng thực hiện L/C của mình và đề nghị tu chỉnh (nếu có), sau đó nhà xuất khẩu giao hàng theo đúng quy định của L/C và các văn bản tu chỉnh L/C (nếu có).

(5) Nhà xuất khẩu lập bộ chứng từ theo đúng quy định của L/C. Các văn bản tu chỉnh (nếu có) xuất trình cho ngân hàng đúng thời hạn quy định. Ngân hàng thông báo sau khi kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ, chuyển tới ngân hàng phát hành (hoặc ngân hàng thanh toán).

(6) Ngân hàng phát hành thư tín dụng kiểm tra bộ chứng từ thanh toán L/C:

Nếu không phù hợp với quy định của L/C thì từ chối thanh toán và gửi trả bộ chứng từ cho người xuất khẩu.

Nếu phù hợp với quy định của L/C, tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu (Đối với thanh toán L/C trả chậm).

(7)  Ngân hàng phát hành thư tín dụng trao bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và phát lệnh đòi tiền nhà nhập khẩu.

(8) Nhà nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ. Nếu phù hợp với quy định của L/C thì đến ngân hàng làm thủ tục thanh toán, ngân hàng phát hành ký hậu bộ chứng từ để nhận hàng.         

2.2.2. Ưu điểm của phương thức tín dụng chứng từ

Trong phương thức tín dụng chứng từ, ngân hàng không chỉ là người trung gian thu hộ, chi hộ, mà còn là người đại diện bên nhập khẩu thanh toán tiền cho bên xuất khẩu, đảm bảo cho tổ chức xuất khẩu được khoản tiền tương ứng với hàng hoá mà họ đã cung ứng, đồng thời đảm bảo cho tổ chức nhập khẩu nhận được số lượng, chất lượng hàng hoá tương ứng với số tiền mình đã thanh toán.

Về phía nhà xuất khẩu: Rủi ro ít nhất, ngân hàng phát hành/ ngân hàng xác nhận có trách nhiệm thanh toán tiền hàng nếu bộ chứng từ phù hợp với nội dung trong L/C.

Về phía nhà nhập khẩu thì ược đảm bảo việc chuyển hàng.

2.2.3. Nhược điểm của phương thức tín dụng chứng từ:

Hiện nay, bên mua và bên bán sử dụng L/C ghi chép trên giấy để thực hiện các giao dịch. Các giấy tờ được gửi đến mỗi bên trong giao dịch bằng đường bưu điện, người đưa thư hay fax. Các chứng từ này thể hiện thông tin về hàng hóa cung cấp và số tiền cần phải trả. Một L/C có ý nghĩa như một lời cam kết rằng, ngân hàng của bên mua sẽ thanh toán cho lô hàng một khi họ nhận được, trong trường hợp bên mua không thể chi trả.

Trong khi những chứng từ này mang đến sự cam kết và chắn chắn về việc thanh toán, thì thời gian và chi phí phát sinh trong việc xử lý các chứng từ này lại là rào cản làm nản lòng các bên như bên xuất khẩu và nhập khẩu. Quy trình thanh toán phức tạp, các bên tiến hành đều rất thận trọng trong khâu lập và kiểm tra chứng từ. Chỉ cần có một sai sót nhỏ trong việc lập và kiểm tra chứng từ cũng là nguyên nhân để từ chối thanh toán. Đối với Ngân hàng phát hành, sai sót trong việc kiểm tra chứng từ cũng dẫn đến hậu quả rất lớn. Sự không rõ ràng về nội dung trong các điều khoản tín dụng thư (Letter of Credit - L/C) có thể gây ra các lỗi bộ chứng từ không phù hợp, trong khi đó hàng hóa có thể đã được giao cho người mua. Điều này gây trở ngại cho giao dịch giữa người bán và người mua, các ngân hàng cũng mất nhiều thời gian trong tác nghiệp nghiệp vụ tín dụng chứng từ, kèm theo đó là các tranh chấp có thể phát sinh giữa các bên tham gia.

Ngoài ra, người mua còn có thể bị chậm thanh toán trong trường hợp sai lệch thông tin, dữ liệu giữa bộ chứng từ thanh toán và các điều khoản thư tín dụng. Một số trường hợp khác, xảy ra việc chậm thanh toán do chỉnh sửa bộ chứng từ cho phù hợp hoặc phải tu chỉnh thư tín dụng trước ngày hết hạn.

2.3. Ứng dụng blockchain trong thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ tại các ngân hàng của Việt Nam

Những hạn chế của phương thức thanh toán tín dụng chứng từ dựa vào chứng từ văn bản đã dần lỗi thời, cần thiết phải có phương thức thanh toán mới thay thế, hiện đại và phù hợp với giao thương quốc tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Để hạn chế các rủi ro chậm thanh toán hay bị từ chối thanh toán, thư tín dụng có thể được mô hình hóa như các hợp đồng thông minh có khả năng tự xử lý trên blockchain. Loại hợp đồng này tự động kiểm tra, xác định tính phù hợp của các thông tin giao hàng với các điều khoản hợp đồng. Cách làm này làm tăng khả năng thanh toán nhanh cho người bán nhờ ngăn chặn các tranh chấp phát sinh do sự không rõ ràng trong các hợp đồng thanh toán.

 Tự động hóa phương thức thanh toán này trên blockchain cũng xúc tiến thanh toán thông qua việc sớm phát hiện các bất hợp lệ của bộ chứng từ thanh toán cũng như tăng hiệu quả quá trình tu chỉnh. Hợp đồng thông minh có đặc điểm dễ xúc tiến, tiến hành thủ tục, thực hiện đàm phán hay thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng bằng công nghệ blockchain. Việc sử dụng các hợp đồng thông minh sẽ giảm tình trạng bất cân xứng về thông tin, cho phép tạo ra sự đồng thuận, chấp nhận giữa các bên và tiến hành thanh toán tự động cũng như các nghiệp vụ kiểm soát tuân thủ thông tin, hàng hóa, thanh toán được trao đổi nhanh và an toàn hơn.

2.3.1. Ngân hàng TNHH Một Thành viên HSBC Việt Nam:

Tháng 7/2019, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng vừa thực hiện thành công giao dịch Tín dụng thư ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc. Giao dịch được tiến hành là một đơn hàng lớn cung cấp nhựa nguyên liệu của INEOS Styrolution cho Duy Tân.

Giao dịch được tiến hành từ đầu tới cuối trên một ứng dụng chia sẻ duy nhất là Voltron, một nền tảng sử dụng công nghệ Corda của R3, được thiết lập bởi 8 ngân hàng thành viên, bao gồm Ngân hàng Bangkok, BNP Paribas, CTBC, HSBC, ING, Natwest, SEB và Standard Chartered, cùng hợp tác với Bain, CryptoBLK và R3. Mục tiêu của nền tảng này là cung cấp một kênh duy nhất được đơn giản hóa nhằm hỗ trợ quá trình số hóa tài trợ thương mại, từ lúc phát hành L/C cho tới xuất trình/trao đổi chứng từ.

Hình 2: Tổng quan về giao dịch Tín dụng thư trên nền tảng chuỗi khối giữa Duy Tân và INEOS Styrolution

ổng quan về giao dịch Tín dụng thư

Nguồn: HSBC

Quy trình Tín dụng thư trên nền tảng Voltron mô phỏng theo quy trình Tín dụng thư hiện tại (thỏa thuận các điều khoản của L/C, đề nghị, phát hành, thông báo, yêu cầu và chấp thuận sửa đổi, trình bộ chứng từ, giải quyết bất hợp lệ và yêu cầu thanh toán bộ chứng từ). Nhu cầu đối chiếu giấy tờ không còn nữa vì tất cả các bên được kết nối trên cùng một nền tảng duy nhất, với thông tin luôn được cập nhật tức thời, bởi vậy toàn bộ thời gian để trao đổi chứng từ được tiến hành trong vòng 24 giờ, thay vì 5 - 10 ngày như các giao dịch L/C truyền thống. L/C được phát hành và thông báo trong một ngày. Giao dịch này chứng minh tính khả thi của việc thương mại hóa và vận hành hóa công nghệ blockchain trong việc số hóa thương mại. Blockchain giúp giảm thời gian giao dịch L/C bằng cách cho phép chuyển giao điện tử các chứng từ sở hữu hàng hóa và kết nối các bên trong một mạng lưới chuỗi khối duy nhất, cho phép cập nhật thông tin tức thời và loại bỏ thời gian xử lý kéo dài do quá trình trao đổi qua lại giữa các bên trong giao dịch L/C.

2.3.2. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Ngân hàng BIDV phát hành thành công thư tín dụng xác nhận liên ngân hàng trên mạng lưới Contour cho một đơn hàng xuất nhập khẩu. BIDV ứng dụng thành công công nghệ blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. Giao dịch được tiến hành là một đơn hàng cung cấp nhựa nguyên liệu; trong đó bên xuất khẩu (bên bán) là một tập đoàn lớn tại Thái Lan, bên nhập khẩu (bên mua) tại Việt Nam là Công ty Cổ phần nhựa Opec (Opec Plastics), ngân hàng thông báo và xác nhận L/C là Standard Chartered Thái Lan với sự phối hợp của Standard Chartered Việt Nam, ngân hàng bảo lãnh xác nhận là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngân hàng phát hành L/C là BIDV. Toàn bộ quá trình của giao dịch này được thực hiện trên cùng một mạng lưới Contour với sự tham gia của nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và các ngân hàng liên quan. Ngoài ra, một điểm đặc biệt của giao dịch này so với các giao dịch tài trợ thương mại ứng dụng blockchain khác trên thế giới đó là sự tham gia của ADB với vai trò ngân hàng bảo lãnh xác nhận. Đây cũng là giao dịch đầu tiên trên thế giới mà ADB tham gia vào khâu phát hành bảo lãnh trên Contour sử dụng công nghệ sổ cái phân tán.

Contour là một mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu gồm các ngân hàng, tập đoàn lớn như: HSBC, Standard Chartered, Bangkok Bank, R3, CryptoBLK, Bain & Company… Contour tập trung phát triển các giao dịch sử dụng công nghệ sổ cái phân tán Corda của R3 (ứng dụng nền tảng blockchain), với mục tiêu cung cấp một kênh đơn giản hóa, hỗ trợ quá trình số hóa hoạt động tài trợ thương mại,... Giao dịch phát hành thư tín dụng của BIDV nói trên cũng đã cho thấy những lợi ích nổi bật của công nghệ blockchain, như: Tốc độ xử lý giao dịch được cải thiện rõ rệt giúp nâng cao tính thanh khoản cho cả hai doanh nghiệp; tính nhất quán, minh bạch giúp tất cả các bên tham gia giao dịch đều được làm chủ, giám sát giao dịch trong suốt quá trình thực hiện.

3. Lợi ích và thách thức khi ứng dụng blockchain của các ngân hàng hiện nay

3.1. Lợi ích khi ứng dụng blockchain của các ngân hàng hiện nay

3.1.1. Thanh toán nhanh, chi phí thấp

Các ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng của mình dịch vụ thanh toán nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Nhờ vào công nghệ blockchain, các ngân hàng sẽ có thể cắt giảm nhu cầu xác minh từ bên thứ ba và đẩy nhanh thời gian xử lý chuyển khoản ngân hàng truyền thống.

3.1.2. Giao dịch liên ngân hàng

Khi khách hàng chuyển tiền từ tài khoản tại ngân hàng Việt Nam đến một ngân hàng ở nước ngoài, việc chuyển tiền đó sẽ được thực hiện thông qua Hiệp hội truyền thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Giao thức SWIFT tập trung chỉ xử lý các lệnh thanh toán. Tiền thực tế được xử lý thông qua một hệ thống trung gian. Qua mỗi giai đoạn lại mất thêm một khoản chi phí bổ sung và thường mất khá nhiều thời gian. Với sổ cái phi tập trung của các giao dịch như blockchain có thể cho phép các ngân hàng theo dõi tất cả các giao dịch một cách công khai và minh bạch. Các ngân hàng sẽ không cần phải dựa vào một mạng lưới các dịch vụ lưu ký và quản lý của bên thứ ba. Họ chỉ đơn giản có thể giải quyết các giao dịch trực tiếp trên một blockchain công khai. Giao dịch liên ngân hàng được giải quyết trực tiếp và theo dõi chúng tốt hơn.

3.1.3. Tín dụng

Bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain, quy trình cho vay sẽ nhanh và an toàn hơn vì các khoản vay được lập trình phức tạp, ước tính cấu trúc và thế chấp cho vay hợp lý. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp cũng như khách hàng yên tâm hơn trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ.

3.1.4. Tài trợ thương mại

Tài trợ thương mại dựa trên blockchain sẽ hợp lý hóa quy trình giao dịch bằng cách loại bỏ các quy trình thủ công đối chiếu chứng từ bằng giấy, vì tất cả các bên được kết nối trên một hệ thống chung và thông tin được cập nhật liên tục và ngay lập tức. Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa rằng, các giao dịch tài trợ thương mại sẽ được thực hiện đơn giản hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn.

3.1.5. Chuyển tiền ngang hàng P2P (Peer - to - Peer)

Peer to Peer (P2P) là một công nghệ mạng thanh toán ngang hàng online cho phép người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của họ sang tài khoản của một cá nhân khác qua Internet hoặc điện thoại di động. Công nghệ này, blockchain giúp phân cấp các ứng dụng cho chuyển tiền ngang hàng (P2P). Với ưu điểm nổi bật rằng, blockchain cho phép chuyển tiền trên toàn cầu và không có giới hạn địa lý.

3.2. Thách thức khi ứng dụng blockchain của các ngân hàng hiện nay

3.2.1. Đối với ngân hàng thương mại

Trong tương lai, blockchain sẽ trở thành công nghệ chủ đạo trong ngân hàng. Vì vậy, để tận dụng tối đa tính năng của nó các ngân hàng cần phải:

Phát triển cơ sở hạ tầng, cần thiết để có thể vận hành suôn sẻ một mạng toàn cầu.

Thay đổi hệ thống, quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với công nghệ blockchain.

Đánh giá khả năng mở rộng, tốc độ giao dịch, quá trình xác minh và giới hạn dữ liệu trong việc áp dụng rộng rãi blockchain.

Các ngân hàng cần hợp tác thêm với nhau để hiểu rõ hơn và xây dựng các tiêu chuẩn cũng như giao thức thống nhất để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain.

Đối với hoạt động tài trợ thương mại: Phải có tiêu chuẩn chung cho các chứng từ, vì hiện nay có rất nhiều biểu mẫu khác nhau, cũng như tồn tại các nền tảng khác nhau với các tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, cần xây dựng biểu mẫu chung thống nhất trong giao dịch dựa trên công nghệ blockchain.

3.2.2. Đối với ngân hàng trung ương

 Ngân hàng trung ương cần nghiên cứu chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ blockchain tại Việt Nam.

Quy định pháp lý, các tiêu chuẩn và tất cả mạng lưới kỹ thuật liên quan đến các giao dịch tài chính thương mại cần được chuẩn bị đầy đủ trước khi công nghệ blockchain được áp dụng rộng rãi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Xuân Đạo (2018), Ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, Tạp chí Tài chính, 2(691), 9-11.
  2. Nguyễn Ngọc Chánh (2019), Ứng dụng blockchain trong ngân hàng, Tạp chí Tài chính, 1+2 (698+699), 66-68.
  1. Một số website: http://cafef/vn, http://vietnambiz.vn, http://cafebiz.vn

THE USE OF BLOCKCHAIN TECHNOLOGY

IN THE PAYMENT METHOD OF LETTER OF CREDIT

• MA. PHAM THI THAI HA

• MA. NGUYEN THI THANH TRAM

Faculty of Finance and Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

Applications of blockchain have been strongly deployed in many fields to facilitate global commerce. For Vietnamese banks, the implementation applications of blockchain in the payment method of Letter of Credit has brought many benefits. It is an important development step for Vietnamese banks in the era of digital technology.

Keywords: Blockchain, Letter of Credit, HSBC, BIDV.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]