TÓM TẮT:

Thiết kế chiếu sáng là một môn học chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện và Điện tử của Trường Đại học Trà Vinh (TVU). Bài viết tập trung tìm hiểu và phân tích những ưu điểm và cả nhược điểm của phần mềm Dialux, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và vận dụng lồng ghép kỹ năng mềm để giảng dạy cho môn học Thiết kế chiếu sáng tại Trường, nhằm nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên. Phần mềm Dialux và phương pháp giảng dạy được đề cập trong tham luận này đã được tác giả thực hiện trong các giờ giảng trên lớp cho sinh viên Đại học chính quy, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, chuyên ngành Hệ thống điện, từ khóa học năm 2017 về sau này.

Từ khóa: thiết kế chiếu sáng, Dialux, phương pháp giảng dạy, kỹ năng mềm.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, chất lượng giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” [1],  đã xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Đối với giáo dục đại học, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành của người học, và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm.

Trong giảng dạy, để truyền tải nội dung tri thức môn học đến người học một cách dễ hiểu nhất, khoa học nhất, hiệu quả nhất, ngoài trình độ chuyên môn, lòng yêu nghề cao độ, đòi hỏi người dạy phải biết sử dụng linh hoạt các phương pháp sao cho phù hợp với nội dung bài giảng. Thực tế hiện nay có rất nhiều phương pháp giảng dạy. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, phương pháp giảng dạy luôn được thay đổi theo từng năm học, ứng dụng cho mỗi môn học giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Hệ thống điện.

Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy, cùng với quan sát và nghiên cứu, tác giả nhận thấy, phương pháp giảng dạy truyền thống đã thể hiện nhiều điểm bất cập, không còn phù hợp với xu thế đào tạo hiện thời. Theo thống kê kết quả học tập các khóa 2017 cho học thiết kế chiếu sáng, tỷ lệ sinh viên có điểm trung bình học tập thấp và động cơ học tập của sinh viên đối với môn học còn thấp, thể hiện qua mức độ tham gia học tập trên lớp của sinh viên chưa cao, sinh viên nghỉ học không lý do (tỷ lệ sinh viên nghỉ học trung bình khoảng từ 7% đến 8%), hoặc còn thiếu nhiệt tình trong các giờ học trên lớp [2].

Trong bài viết này, tác giả phân tích cả ưu điểm và nhược điểm của phần mềm Dialux, phương pháp giảng dạy truyền thống và kết quả vận dụng lồng ghép kỹ năng mềm sau khi giảng dạy môn học thiết kế chiếu sáng cho sinh viên Đại học chính quy, chuyên ngành Hệ thống Điện, từ khóa học năm 2017 trở về sau này.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Sử dụng phần mềm Dialux

Dialux là phần mềm thiết kế chiếu sáng độc lập, phát triển bởi Công ty DIAL GmbH - Đức và cung cấp miễn phí cho người có nhu cầu. Dialux tính toán chiếu sáng dựa theo tiêu chuẩn châu Âu, như EN 12464, CEN 8995.

Dialux là 1 phần mềm thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp,được hỗ trợ rất nhiều bởi các hãng đèn nổi tiếng trên thế giới,hỗ trợ tính toán nhanh và mạnh. Áp dụng phần mềm này vào chương trình giảng dạy môn Thiết kế chiếu sáng (lớp DA17KDHT)  giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng quan hơn, hiểu rõ hơn về nội dung môn học, cũng như gây hứng thú hơn cho sinh viên vận dụng phần mềm khi thiết kế.

Phần mềm Dialux được áp dụng khi giảng dạy môn thiết kế chiếu sáng, giúp sinh viên có được những hình ảnh thực tế khi thiết kế chiếu sáng cho công trình, sự phân bố quang thông trong phòng, biết được những điểm sáng nhất và tối nhất trong công trình mình thiết kế. Ngoài ra, sinh viên còn có cái nhìn tổng quát hơn, cũng như biết được công suất sử dụng tất cả các đèn của công trình mình thiết kế, độ rọi nhỏ nhất, lớn nhất và độ rọi trung bình.

Qua thực tiễn áp dụng sáng kiến vào giảng dạy môn học thiết kế chiếu sáng cho sinh viên DA17KDHT, đào tạo theo học chế tín chỉ, tác giả xin đưa ra kết quả sau: Với các bạn muốn đi sâu vào lĩnh vực thiết kế chiếu sáng, người sử dụng sẽ thấy việc học trở nên dễ dàng và cụ thể hơn, mau chóng tiếp thu hơn, trong khi bình thường khó nắm vững được. Ngoài ra, phần mềm có giao diện đẹp, dễ dàng gây cảm hứng và sự chú ý của người học.

2.2. Phương pháp giảng dạy truyền thống

Hiện nay, việc tìm kiếm một phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam được các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường đại học, cho đến các giảng viên trực tiếp đứng lớp đều quan tâm.

Thuật ngữ “phương pháp” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “Methodos”, có nghĩa là cách thức, con đường để đạt tới mục tiêu nhất định. Trong lý luận dạy học, có nhiều định nghĩa khác nhau về phương pháp dạy học. Nhưng có thể hiểu, phương pháp dạy học được hiểu là cách thức tiến hành hoạt động dạy học mà nhà giáo thiết kế và thực hiện dựa trên cơ sở khoa học, cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp để tác động trực tiếp đến người học và các hoạt động nhận thức của người học trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện nội dung và mục đích dạy học đã xác định [3].

 Phương pháp dạy học truyền thống là những cách thức dạy học quen thuộc, được duy trì qua nhiều thế hệ, bao gồm 3 nhóm phương pháp: nhóm các phương pháp dùng lời (phương pháp thuyết trình, phương pháp vấn đáp,…), nhóm các phương pháp trực quan (phương pháp quan sát, phương pháp minh họa,…), nhóm các phương pháp thực hành (phương pháp luyện tập, phương pháp thực hành thí nghiệm,…) [4].

Về cơ bản, phương pháp giảng dạy học truyền thống với vai trò lấy người thầy làm trung tâm phát thông tin, sinh viên bị động tiếp nhận thông tin đã bộc lộ nhiều nhược điểm, như: không tạo được sự chủ động của sinh viên, nhất là năng lực tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và khả năng tự tiếp thu cái mới của sinh viên. Người dạy là người thuyết trình, diễn giảng; người học là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo.

Phương pháp dạy học truyền thống coi trọng việc truyền tải kiến thức nên nội dung bài dạy theo phương pháp này có tính hệ thống, logic cao; người dạy có thể truyền tải được nhiều nội dung kiến thức đến người học. Phương pháp giảng dạy truyền thống hiện vẫn được đa số giảng viên áp dụng, đó là phương pháp giảng dạy mà giảng viên là trung tâm, trong đó giảng viên là người giảng hầu hết các nội dung trong giáo trình hoặc bài giảng, có sự trợ giúp thêm của một số phương tiện hỗ trợ như máy chiếu, bảng phấn và phần mềm hỗ trợ. Việc thúc đẩy sinh viên tham gia vào các hoạt động học tập trên lớp hoàn toàn do cá nhân các giảng viên.

Ưu điểm của phương pháp giảng dạy học truyền thống là giảng viên chủ động trong hầu hết mọi tình huống diễn ra trên lớp và đảm bảo các tiến trình giảng dạy theo đúng kế hoạch của đề cương chi tiết đã ban hành. Giảng viên soạn bài giảng theo phương pháp này được thiết kế kiểu đường thẳng theo hướng từ trên xuống. Do đặc điểm hàn lâm của kiến thức, nên nội dung bài dạy theo phương pháp truyền thống có tính hệ thống, tính logic cao.

Mặt khác, do quá đề cao người dạy, nên nhược điểm của phương pháp giảng dạy truyền thống là sinh viên thụ động tiếp thu kiến thức, giờ dạy dễ đơn điệu, buồn tẻ, kiến thức thiên về lý luận, ít chú ý đến kỹ năng thực hành của người học; do đó, kỹ năng ứng dụng vào đời sống thực tế bị hạn chế. Vì vậy, giảng viên khó đánh giá sinh viên một cách đầy đủ theo kiến thức và kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng mềm) mà các em đạt được trong quá trình học tập.

2.3. Phương pháp giảng dạy chủ động

Mỗi khi lên lớp, chúng tôi luôn mong muốn tạo ra một buổi học sinh động, với việc xây dựng một môi trường học tập lấy sinh viên làm trung tâm, nơi mà sinh viên cảm thấy thoải mái khi tham gia trao đổi, thảo luận với nhau. Với phương pháp thuyết trình truyền thống, sinh viên đã quen với việc đến lớp là để nghe giảng và ghi chép những kiến thức từ giảng viên, chứ không phải là sự đóng góp từ chính bản thân mình. Vì vậy, tác giả đã vận dụng phương pháp tích cực mới, đó là giảng dạy chủ động và học tập thông qua trải nghiệm, bằng cách vận dụng lồng ghép kỹ năng mềm trong lúc giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Hệ thống điện từ khóa 2017 trở về sau này, khi học môn Thiết kế chiếu sáng, với mong muốn sẽ làm thay đổi cách học thụ động của sinh viên.

Phương pháp giảng dạy chủ động (Active Teaching) là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước, để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. "Chủ động" trong phương pháp giảng dạy chủ động được dùng với nghĩa là hoạt động, tích cực, trái nghĩa với bị động, thụ động. Phương pháp giảng dạy chủ động hướng tới việc hoạt động hóa, chủ động hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính chủ động của người học, chứ không phải là tập trung vào phát huy tính chủ động của người dạy. Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp chủ động, giảng viên phải nỗ lực nhiều hơn so với dạy theo phương pháp thụ động [5].

Điều này cũng cần được thể hiện rõ qua việc thiết kế đề cương chi tiết môn học. Đề cương chi tiết môn học không phải là bảng liệt kê các nội dung kiến thức cần được học, mà đó là kế hoạch các hoạt động, giúp người học đạt được các mục tiêu. Do vậy, phương pháp dạy và học tập cần được thể hiện rõ trong đề cương. Người giảng viên phải tạo ra được các cơ hội học tập, thông qua các hoạt động đa dạng, kích thích sinh viên khám phá, áp dụng, phân tích và đánh giá các ý tưởng hơn là truyền đạt thông tin một chiều. Sinh viên sẽ có cơ hội được thắc mắc, nêu lên các vấn đề để xoay quanh các khái niệm hay các ý tưởng, từ đó tiến tới giải quyết các vấn đề. Người học sẽ cảm thấy luôn ý thức được quá trình học của họ, họ đang học gì và phải học như thế nào. Đây cũng là cách nâng cao cách xây dựng động cơ học tập và hình thành thói quen học tập suốt đời cho người học.

Trong phương pháp này, giảng viên là người giữ vài trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu tranh luận, thảo luận theo nhóm. Người thầy có vai trò là trọng tài, cố vấn điều khiển tiến trình giờ dạy. Phương pháp giảng dạy này rất hữu íchvới đối tượng sinh viên. Giảng viên là người nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của học sinh; từ đó hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững. Bài giảng được dạy theo phương pháp tích cực được thiết kế kiểu chiều ngang, theo 2 hướng song hành giữa hoạt động dạy của thầy và học của trò.

Ưu điểm của phương pháp giảng dạy này đó là rất chú trọng kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn, coi trọng rèn luyện và tự học. Đặc điểm của dạy học theo phương pháp này là giảm bớt thuyết trình, diễn giải; tăng cường dẫn dắt, điều khiển, tổ chức, xử lý tình huống. Song nếu không tập trung cao, học sinh sẽ không hệ thống và logic được nội dung bài học. Yêu cầu của phương pháp giảng dạy này cần có các phương tiện dạy học, học sinh chuẩn bị bài kỹ ở nhà và phải mạnh dạn, tự tin bộc lộ ý kiến, quan điểm ở trên lớp. Giảng viên phải chuẩn bị kỹ bài giảng, thiết kế giờ dạy, lường trước các tình huống để chủ động tổ chức giờ dạy có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động của thầy và hoạt động của trò.

Vận dụng phương pháp mới theo nghĩa giảng viên và sinh viên hoạt động tích cực và trải nghiệm mọi hoạt động dạy và học trên lớp cũng như ngoài lớp học. Giảng viên tổ chức lớp học và các hoạt động dạy học để mọi sinh viên có cơ hội tham gia, đóng góp và bày tỏ ý kiến cá nhân.

Các nguyên tắc quan trọng khi áp dụng phương pháp giảng dạy chủ động và học trải nghiệm bằng cách vận dụng lồng ghép kỹ năng mềm bao gồm:

Thứ nhất, làm nổi bật được ưu điểm và sự phù hợp của việc sử dụng phương pháp học chủ động và học trải nghiệm trong giảng dạy môn thiết kế chiếu sáng.

Thứ hai, giảng viên và sinh viên cùng tạo ra một môi trường học tập cởi mở và thân thiện, tạo điều kiện để mọi sinh viên đều có cơ hội đưa ra ý kiến và ý kiến được tôn trọng.

Thứ ba, giảng viên luôn khuyến khích và đảm bảo tập thể nhóm hỗ trợ phát triển cá nhân.

Thứ tư, rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, và những kỹ năng mềm khác, rất cần thiết cho công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp;

Thứ năm, nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Thiết kế chiếu sáng nói riêng và chất lượng giảng dạy của nhà trường nói chung.

3. Cách thức thực hiện lồng ghép kỹ năng mềm thông qua phương pháp giảng dạy chủ động và học trải nghiệm

Với phương pháp giảng dạy chủ động và học trải nghiệm, giảng viên sử dụng lồng ghép đa dạng kỹ năng mềm trong quá trình giảng dạy, như: kỹ năng tìm kiếm tài liệu, đọc hiểu và ghi nhớ tài liệu, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, kỹ năng đàm phán và giải quyết xung đột, kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức công việc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp,... Bên cạnh đó, giảng viên cần sử dụng kết hợp đa dạng các phương pháp giảng dạy, như: thảo luận nhóm, dạy học theo dự án, thuyết trình, phát vấn,… nhằm khai thác thế mạnh của tất cả sinh viên trong các hoạt động học tập.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên khuyến khích sinh viên, chú trọng đến các hoạt động thảo luận và đưa ra ý kiến của sinh viên theo nhóm, dưới nhiều hình thức như dùng giấy nhớ, giấy khổ lớn (A0, A1,…) hoặc phát biểu trực tiếp. Theo đó, sinh viên trong lớp sẽ được chia thành các nhóm nhỏ (khuyến nghị 3 đến 5 nhóm một lớp, mỗi nhóm từ 3 đến 5 sinh viên tùy theo sĩ số sinh viên trong lớp) trong suốt quá trình khóa học. Bàn ghế trong lớp học được sắp xếp lại để sinh viên trong nhóm sẽ được ngồi theo nhóm, thay vì ngồi thành bàn riêng biệt như trong phương pháp giảng dạy truyền thống.

Trước khi tiến hành, giảng viên cần phải đưa ra nội dung lý thuyết để  sinh viênnghiên cứu trước, có thể là giảng viên chuẩn bị và đưa cho sinh viên nghiên cứu hoặc giảng viên chỉ đưa ra các đề mục cần nghiên cứu, sau đó giới thiệu sinh viên các nguồn để sinh viên tự tìm và nghiên cứu tài liệu, hoặc đi thực tế vào cuộc sống để tìm thông tin.

Bước 1: Phân chia nhóm.

Bước 2: Giảng viên giới thiệu chủ đề, tình huống, dự án.

Bước 3: Sinh viên nghiên cứu chủ đề, tình huống và tìm giải pháp để giải quyết.

Bước 4: Giới thiệu và bảo vệ giải pháp (báo cáo thảo luận).

Bước 5: Giảng viên tổng kết và đưa ra bài học từ chủ đề, hay tình huống.

Trong giờ học lý thuyết, tương ứng với khoảng 10 phút giảng lý thuyết, sẽ có câu hỏi phát vấn, hoặc các hoạt động học tập gắn với nội dung sinh viên vừa được nghe giảng. Sau đó, giảng viên yêu cầu sinh viên thảo luận để đưa ra đáp án trả lời chung cho cả nhóm trong thời gian từ 5 - 7 phút. Giảng viên sẽ đưa ra những quy định, cũng như những cách khuyến khích (chẳng hạn, cộng điểm chuyên cần) để các thành viên trong nhóm sẽ thay phiên nhau đưa ra câu trả lời; hoặc các nhóm sẽ đưa ra câu trả lời bằng cách viết vào các giấy nhớ và dán lên bảng.

Như vậy, trong 1 tiết học, sinh viên sẽ có ít nhất 2 đến 3 hoạt động thảo luận chung và đưa ra câu trả lời của nhóm. Mọi thành viên trong nhóm đều có cơ hội đóng góp ý kiến như nhau, thậm chí là phát biểu ý kiến thay mặt nhóm. Sinh viên sẽ tự tin khi trả lời, vì được thảo luận chung trong nhóm và câu trả lời đưa ra cũng là ý kiến chung của cả nhóm. Nhiều câu hỏi liên quan đến các ứng dụng thực tế về chiếu sáng mà sinh viên có thể tự tìm hiểu thông qua các phương tiện kết nối mạng internet được giảng viên giao cho sinh viên tự tìm hiểu và làm thành bài tiểu luận.

Đối với các giờ thảo luận, sinh viên sẽ có thêm cơ hội để thảo luận nhiều hơn, vì trong khuôn khổ của giờ học thảo luận (khoảng 2 giờ hoặc 4 giờ trên một buổi học, tùy theo cách sắp xếp thời khóa biểu của nhà trường), giảng viên sẽ giao các nhiệm vụ khác nhau theo các chủ đề học tập đã học. Sinh viên đã có thời gian chuẩn bị ở nhà để thảo luận thêm trên lớp và thống nhất câu trả lời chung cho nhóm và đưa ra câu trả lời trên giấy A0. Sinh viên cũng có thể chọn trình bày câu trả lời sử dụng các phần mềm hỗ trợ trình chiếu như PowerPoint. Đối với các nội dung liên quan đến quang thông, thay thế cho việc thực hiện đo bằng thiết bị chuyên dụng, có thể đo đếm bằng phần mềm Dialux sẽ giải quyết vấn đề như chiếu sáng nội thất, đường phố, sân vận động, phòng học, nhà kho, bệnh viện, khách sạn,…

4. Kết quả

Qua thực tiễn áp dụng phần mềm Dialux và phương pháp lồng ghép các kỹ năng mềm vào giảng dạy môn học Thiết kế chiếu sáng cho sinh viên năm thứ 3 của ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện khóa 2017 (DA17KDHT) đào tạo theo học chế tín chỉ, kết quả như sau:

Thứ nhất, nâng cao tính thực tiễn của môn học Thiết kế chiếu sáng nói riêng và các môn thuộc chuyên ngành Hệ thống điện nói chung. Với những kiến thức lý thuyết tự mình nghiên cứu, tìm hiểu, thông qua việc giảng dạy phần mềm và lồng ghép kỹ năng mềm, sinh viên sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết. Cũng thông qua việc làm này, kết hợp với việc chốt kiến thức của giảng viên, sinh viên càng nhớ lâu hơn các kiến thức lý thuyết liên quan đến tình huống, hay chủ đề mà giảng viên đưa ra.

Thứ hai, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và sự hứng thú của sinh viên trong quá trình học. Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được giao các bài tập theo dạng chủ đề, các nhóm phải chủ động tìm kiếm và phân tích các thông tin để đi đến giải pháp cho những bài tập giáo viên đưa ra. Để đáp ứng được yêu cầu này, sinh viên phải chủ động tư duy, thảo luận - tranh luận trong nhóm hay với giảng viên, tìm hiểu thêm về lý thuyết, tài liệu tham khảo, hay đi vào thực tế cuộc sống thì mới đạt đến giải pháp cuối cùng. Chính trong quá trình tư duy, tranh luận, bảo vệ và sửa đổi các đề xuất - giải pháp của mình, sinh viên (hay nhóm sinh viên) đã tham gia vào quá trình nhận thức.

Sự tham gia tích cực đó đã góp phần tạo ra sự hứng thú và say mê học tập, sáng tạo của sinh viên. Đây chính là lúc quá trình dạy và học tập trung vào phương pháp học, phương pháp tiếp cận, phân tích và tìm giải pháp, chứ không chỉ giới hạn ở việc học các nội dung cụ thể. Thông qua hoạt động tự học này, đã rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng làm việc nhóm, phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, bảo vệ và phản biện ý kiến trước đám đông.

Thực tế, lớp DA17KDHT là sinh viên năm thứ 3, do số lượng ít, có thể chia 1 nhóm gồm từ 3 đến 4 thành viên. Các thành viên trong nhóm có sự phối hợp phân công thu thập tài liệu, chia sẻ thông tin, đặc biệt là quá trình thảo luận, có lúc là tranh luận để tìm giải pháp, sau đó bảo vệ giải pháp trước lớp. Đặc biệt, với mỗi nội dung thảo luận, giảng viên yêu cầu cử 1 thành viên trong nhóm lên trình bày, đảm bảo tất cả các thành viên trong nhóm đều có cơ hội lên trình bày và bảo vệ giải pháp trước lớp. Từ đó kích thích sự thi đua giữa các nhóm và các thành viên.

Thứ ba, đối với giảng viên, không còn là “trung tâm”, mà với vai trò của người hướng dẫn cũng sẽ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm và những giải pháp mới từ sinh viên để làm phong phú bài giảng và điều chỉnh nội dung bài tập chủ đề cho phù hợp.

Thứ tư, những chủ đề được giảng viên sử dụng trong giảng dạy thông thường là những chủ đề khá phức tạp. Để giải quyết được nó, sinh viên cần phải vận dụng không chỉ nội dung bài học đó, mà còn vận dụng cả những kiến thức đã học để giải quyết. Ngoài ra, sinh viên còn phải đi thực tế để tìm thông tin từ cuộc sống (trải nghiệm thực tế), từ đó giúp sinh viên xâu chuỗi và tạo ra phần báo cáo trước các nhóm còn lại một cách thuyết phục.

Thứ năm, so sánh vận dụng phương pháp giảng dạy chủ động và học trải nghiệm bằng cách lồng ghép các kỹ năng mềm trong giảng dạy môn Thiết kế chiếu sáng áp dụng vào giảng dạy trực tiếp đối với lớp Đại học Công nghệ Kỹ thuật điện khóa 2016 (DA16KDHT) và lớp Đại học Công nghệ Kỹ thuật điện khóa 2017 (DA17KDHT) không được áp dụng sáng kiến,  kết quả kết thúc môn được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng. So sánh việc áp dụng phương pháp giảng dạy chủ động của lớp DA16KDHT và lớp DA17KDHT [6]

So sánh việc áp dụng phương pháp giảng dạy chủ động của lớp DA16KDHT và lớp DA17KDHT

Kết quả Bảng 1 cho thấy, lớp đã áp dụng có số lượng sinh viên đạt điểm loại trung bình 0%, sinh viên đạt điểm khá 46,7%, giỏi 53,3%; còn

lớp chưa áp dụng có điểm đạt loại trung bình 44,4%, trung bình khá 33,3%, khá 44,4% và giỏi là 11,1%.

Như vậy, việc áp dụng phương pháp học chủ động và học trải nghiệm trong giảng dạy môn Thiết kế chiếu sáng cho thấy kết quả được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ sinh viên lớp DA16KDHT so với sinh viên lớp DA17KDHT đạt kết quả điểm trên 9 đã tăng lên rất nhiều (tăng 42,2%). Đặc biệt, sinh viên lớp DA17KDHT rất hứng thú khi học môn Thiết kế chiếu sáng. Việc tạo hứng thú cho sinh viên cũng có thể được coi là một trong những cách hữu hiệu để sinh viên không bị nhàm chán đối với những môn học chuyên ngành Điện.

5. Kết luận

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương tiện dạy học hiện đại ngày càng được sử dụng rộng rãi trong dạy học. Tuy nhiên,điều đó không thể thay thế được vai trò, chức năng của người giảng viên, mà chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của họ. Người giảng viên trong nền giáo dục hiện đại phải là người đề xướng, thiết kế nội dung và lựa chọn, sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp, nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên biết cách học, cách tự rèn luyện để hình thành những năng lực cần thiết.

Điều đó đặt ra cho từng giảng viên luôn phải không ngừng trau dồi, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hình thành năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng thay đổi.

Tóm lại, việc vận dụng phần mềm kết hợp phương pháp giảng dạy chủ động và học trải nghiệm bằng cách lồng ghép kỹ năng mềm, sinh viên có nhiều cơ hội hơn để được thảo luận và đưa ra ý kiến cá nhân và hơn nữa các ý kiến sẽ được ghi nhận thành ý kiến chung của nhóm, nên sinh viên sẽ tự tin hơn khi trình bày các ý kiến này với cả lớp. Như vậy, các kỹ năng mềm về thảo luận và hợp tác trong nhóm, cũng như kỹ năng trình bày của sinh viên sẽ được nâng cao. Qua đó, sinh viên được rèn luyện thường xuyên về kỹ năng giao tiếp.

Cách đánh giá sinh viên cũng linh hoạt hơn và sinh viên bớt áp lực thi cử hơn, khi giảng viên sử dụng nhiều cách đánh giá khác nhau đối với sinh viên (thông qua trình bày kết quả hoạt động dưới dạng thuyết trình hoặc viết bài tiểu luận).

Qua nghiên cứu tài liệu và thực tiễn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy, phương pháp giảng dạy trên đã góp phần giúp sinh viên học tập một cách chủ động, hứng thú hơn, cũng như giúp nâng cao một số kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài ra, dựa trên khảo sát về phản hồi của sinh viên, vấn đề đặt ra cho tác giả là tiếp tục nghiên cứu cách thức tổ chức dạy học theo phương pháp giảng dạy này một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, nhằm khai thác tối đa các thế mạnh của phương pháp trong việc hỗ trợ học tập và nâng cao kỹ năng cho sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) thông qua.
  2. Bộ môn Điện - Điện tử, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh (2017). Thống kê bảng điểm kết thúc học phần môn Thiết kế chiếu sáng và sổ lên lớp của của các khóa 2016 (DA16KDHT) và khóa 2017 (DA17KDHT).
  3. Trần Hữu Thanh (2019). Một số vấn đề lý luận về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các trường đại học trong Quân đội. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt (Kỳ 2, tháng 5/2019), 180-184.
  4. Trần Thị Thơm (2019). Phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại trong dạy học Triết học. Tạp chí Giáo dục, 448 (Kỳ 2, tháng 2/2019), 56-59.
  5. Nguyễn Thành Hải, Phùng Thúy Phượng, Đồng Thị Bích Thủy (2010). Giới thiệu một số phương pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm, đạt các chuẩn đầu ra theo CDIO. Truy cập tại https://dambaochatluong.lhu.edu.vn/Data/News/473/files/2017_PPGIANGDAY/3_B_4_Gioi_thieu_PP_giang_day_cai_tien_TT_CEE.pdf.

USING DIALUX SOFTWARE AND INTEGRATING

SOFT SKILLS TO TEACH LIGHTING DESIGN COUURSE

IN TRA VINH UNIVERSITY

• Master. PHAN THE HIEU

Department of Electrical and Electronics Engineering

Faculty of Engineering and Technology, Tra Vinh University

ABSTRACT:

Lighting design is a specialized course provided by the Department of  Electrical and Electronic Engineering, Tra Vinh University (TVU). This paper analyzes the advantages and disadvantages of Dialux software, the combination of this software with traditional teaching methods, and the integration of soft skills to teach the lighting design subject in order to improve soft skills for students. The Dialux software and the above-mentioned teaching method have been used for teaching full-time Electrical and Electronic Engineering students in Tra Vinh University since 2017.

Keywords: lighting design, Dialux, teaching method, soft skills.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]