TÓM TẮT:

Thành phố Bảo Lộc là đầu mối giao thông quan trọng của Lâm Đồng trong việc phát huy tiềm năng, mở rộng giao lưu với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Có thể nhận thấy, mặc dù là cửa ngõ du lịch của Lâm Đồng nhưng Bảo Lộc vẫn chỉ đóng vai trò là trạm dừng chân, là điểm trung gian để du khách ghé qua trong chuyến hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Mục tiêu là làm sao để Bảo Lộc sớm thoát khỏi vai trò vùng đệm, trạm dừng chân như hiện nay. Bài viết tập trung vào nội dung ứng dụng mô hình HOLSAT đánh giá sự hài lòng của khách du lịch nội địa tại điểm đến thành phố Bảo Lộc.

Từ khóa: Thành phố Bảo Lộc, du lịch, sự hài lòng, mô hình HOLSAT...

I. Khái quát về thành phố Bảo Lộc và những khái niệm xung quanh

1. Thành phố Bảo Lộc - điểm hấp dẫn du khách

Thành phố Bảo Lộc được biết đến là phố núi thơ mộng, là mảnh đất trù phú trên cao nguyên Di Linh, là đầu mối giao thông quan trọng của Lâm Đồng trong việc phát huy tiềm năng, mở rộng giao lưu với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, ít gió bão, cảnh quan sơn thủy hữu tình, có nhiều vùng cây công nghiệp nổi tiếng của cả nước, Bảo Lộc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tham quan - nghỉ dưỡng.

Ở đây còn có tài nguyên du lịch phong phú với các thác hồ nước đẹp như: Đamb’ri, thác Bảy tầng, Hồ Nam Phương, đèo Bảo Lộc, núi Đại Bình, Cổng Trời... là điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch. Đặc biệt, Bảo Lộc có thương hiệu trà B’Lao đã nổi tiếng từ rất lâu đời. Ngoài ra, Bảo Lộc có lợi thế về du lịch dã ngoại và khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên như: khu vực Làng dân tộc Châu Mạ, khu cắm trại dã ngoại và khu vực vui chơi giải trí... Trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch và xem Bảo Lộc là vùng trọng điểm phía Nam của Lâm Đồng.

Ngoài những ưu thế về tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố đang ngày càng phát triển. Đến nay, toàn thành phố đã có 48 cơ sở lưu trú du lịch phục vụ du khách, với 681 phòng các loại. Trong đó có 17 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao. Hệ thống nhà hàng, các dịch vụ văn hóa giải trí, đường sá giao thông nội thị và liên huyện đến các vùng phụ cận cũng đã phát triển. Các dịch vụ phục vụ du lịch đã được xã hội hóa và quan tâm đầu tư.

Có thể nhận thấy, mặc dù là cửa ngõ du lịch của Lâm Đồng nhưng Bảo Lộc vẫn chỉ đóng vai trò là trạm dừng chân, là điểm trung gian để du khách ghé qua trong chuyến hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Mục tiêu là làm sao để Bảo Lộc sớm thoát khỏi vai trò vùng đệm, trạm dừng chân như hiện nay.

2. Sự hài lòng của khách du lịch

Sự hài lòng của du khách (Kozak và Rimmington, 2000) là một khía cạnh rất cần thiết ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của marketing điểm đến du lịch vì nó tác động trực tiếp đến sự lựa chọn điểm đến, sự tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và quyết định quay trở lại.

Pine và More (1999) đã đo lường sự hài lòng của khách hàng dựa trên sự tương quan giữa kỳ vọng và cảm nhận. Kỳ vọng (E1) nghĩa là những gì mà khách hàng mong đợi và Cảm nhận (E2) nghĩa là cảm nhận của khách hàng về những gì mà họ nhận được.

Tương tự như vậy, dựa trên khái niệm về sự hài lòng, nghiên cứu của Tribe và Snaith (1998) cho thấy sự hài lòng của du khách đối với một điểm đến du lịch dựa trên mức độ đánh giá các thuộc tính của điểm đến vượt quá mức độ kỳ vọng của họ về các thuộc tính đó.

Cũng giống như người tiêu dùng, khách du lịch (Zhu, 2010) có sự kỳ vọng của riêng họ trước khi về điểm đến du lịch đã được chọn. Nó có thể là hình ảnh về điểm đến, giá cả hoặc chất lượng của dịch vụ hay sản phẩm... Du khách cảm nhận được chất lượng của điểm đến trong chuyến đi du lịch của họ. Sự cảm nhận về chuyến đi cho phép du khách đánh giá kỳ vọng trước đó của họ để thấy được chuyến đi có làm họ hài lòng hay không. Khi du khách đạt được cảm nhận nhiều hơn những gì họ mong đợi, họ hoàn toàn hài lòng với chuyến đi. Ngược lại, nếu trải nghiệm ở điểm đến làm du khách không thoải mái, họ sẽ không hài lòng.

Reinger và Turner (2003) nhận thấy rằng sự hài lòng tích cực vẫn có thể xảy ra khi sự trải nghiệm không giống như mong đợi. Các tác giả phân loại ra ba mức độ của sự hài lòng tích cực từ “rất hài lòng”, “hoàn toàn hài lòng” đến “hài lòng”. Mức độ hài lòng thấp hay cao tùy thuộc vào kỳ vọng ban đầu. 

II. Mô hình HOLSAT

1. Mô hình nghiên cứu

Tribe và Snaith (1998) phát triển mô hình HOLSAT và sử dụng nó để đánh giá sự hài lòng của kỳ nghỉ tại khu nghỉ mát nổi tiếng của Varadero, Cuba. Mô hình HOLSAT đo lường sự hài lòng của một du khách với trải nghiệm về kỳ nghỉ của họ tại một điểm đến hơn là một dịch vụ cụ thể. Hơn nữa, nó không sử dụng một danh sách cố định các thuộc tính chung cho tất cả các điểm đến du lịch có nét độc đáo riêng. Một đặc điểm quan trọng của công cụ HOLSAT là xem xét đến các thuộc tính tích cực, cũng như các thuộc tính tiêu cực khi diễn tả các đặc điểm tính chủ chốt của một điểm đến. Như vậy, có thể xác định một điểm đến với một kết hợp của cả hai thuộc tính.

Nét đặc biệt của mô hình là một bảng câu hỏi trong đó người trả lời được yêu cầu đánh giá mức kỳ vọng của mội thuộc tính kỳ nghỉ (tức là ấn tượng của du khách trước khi đi du lịch) và đánh giá cảm nhận hoặc sự trải nghiệm trên cùng một bộ thuộc tính tiếp sau những kinh nghiệm về kỳ nghỉ (tức là sau khi đi du lịch). Một thang đo Likert (5 lựa chọn) được sử dụng để cho điểm từng thuộc tính ở cả “kỳ vọng” và “cảm nhận”. Sự khác biệt về điểm số trung bình giữa “Kỳ vọng” và “Cảm nhận” đối với từng thuộc tính mang lại sự đo lường định hướng về mức độ hài lòng của du khách.

Các kết quả trên được trình bày trên một ma trận, theo đó điểm của cả thuộc tính tích cực và tiêu cực sẽ được biểu diễn trên các ma trận riêng biệt với cảm nhận (trục X) và kỳ vọng (trục Y). Các vùng “Được” và “Mất” được phân định bởi “đường vẽ” là đường chéo 45 độ. “Được” đại diện cho những thuộc tính mà kỳ vọng của người tiêu dùng được đáp ứng hoặc vượt quá, “Mất” miêu tả những mong đợi của người tiêu dùng không được đáp ứng và “Đường vẽ” đưa ra một kết hợp chặt chẽ giữa những mong đợi và cảm nhận. Tùy theo tính chất tích cực hay tiêu cực của các thuộc tính mà các vùng “Được” và “Mất” nằm ở trên bên trái hoặc ở dưới bên phải của “Đường vẽ” càng  xa thì mức độ hài lòng hoặc không hài lòng theo cảm nhận của du khách càng lớn. Trong trường hợp điểm nằm trực tiếp trên “Đường vẽ”, cảm nhận của khách du lịch trùng với mong đợi của họ và do đó  đã đạt  được sự  hài lòng.

So với những mô hình trước mô hình HOLSAT được hình thành dựa trên tổng hợp lý thuyết từ nhiều mô hình khác nhau. HOLSAT không sử dụng một danh mục cố định các thuộc tính chung cho tất cả các điểm đến mà các thuộc tính được xây dựng, bổ sung cho phù hợp với từng điểm đến cụ thể vì mỗi điểm đến đều có nét riêng biệt. Điều này giúp đảm bảo các thuộc tính đang được sử dụng là phù hợp nhất với điểm đến đang được nghiên cứu. Điều này trái ngược lại với mô hình SERVQUAL sử dụng 22 thuộc tính cố định, không phân biệt cho các điểm đến khác nhau hoặc loại hình kinh doanh khác nhau.

Việc sử dụng cả hai loại thuộc tính, tích cực và tiêu cực cho thấy đây là lợi thế của HOLSAT so với các mô hình khác. Theo Tribe và Snaith (1998), mặc dù điểm đến du lịch có một số thuộc tính tiêu cực nhưng du khách vẫn có thể biểu hiện sự hài lòng nếu tính tiêu cực thực tế thấp hơn so với lo ngại ban đầu. Cách tiếp cận này mang tính mới và cho chúng ta cái nhìn sâu hơn trong nghiên cứu đo lường sự hài lòng của du khách.

Từ những ưu điểm trên so với các mô hình khác trong nghiên cứu về sự hài lòng của du khách, tác giả quyết định lựa chọn mô hình HOLSAT làm mô hình sử dụng trong nghiên cứu này.

Tương tự các nghiên cứu trước đây, tác giả dựa vào cơ sở lý thuyết và các mô hình nghiên cứu tham khảo đã nêu trên để xây dựng mô hình cho nghiên cứu này.

Theo Tribe và Snaithe (1998) có ba công cụ nghiên cứu chính đã được phát triển để phân tích các khái niệm về chất lượng và sự hài lòng của người tiêu dùng. Đây là tầm quan trọng hiệu suất, SERVQUAL (chất lượng dịch vụ) và SERVPERF (thực hiện dịch vụ). Sau khi điều tra thí điểm về du lịch tại Varadero, Cuba vào năm 1998. Tribe và Snaith phát triển công cụ thứ tư gọi là HOLSAT (sự hài lòng của kỳ nghỉ).

Có thể nhận thấy mô hình HOLSAT của Tribe và Snaith nhấn mạnh vào yếu tố đáp ứng sự hài lòng của khách du lịch đối với chất lượng dịch vụ thụ hưởng. Bên cạnh việc định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ (dựa trên các nghiên cứu và thang đo của Parasuraman – SERVQUAL), mô hình nhấn mạnh vào đánh giá của khách du lịch về việc thực hiện dịch vụ đó như thế nào, có đáp ứng kỳ vọng của khách du lịch hay người thụ hưởng hay không. Mô hình HOLSAT đã nhấn mạnh nhân tố sự hài lòng của khách du lịch, đối tượng phục vụ chính của ngành du lịch để từ đó có những thay đổi, đưa ra những kiến nghị, chính sách thích hợp cho việc phát triển du lịch.

Cơ sở lý thuyết đã phân tích trong các phần trên cho thấy những ưu điểm của mô hình HOLSAT so với các mô hình khác trong nghiên cứu sự hài lòng của du khách đối với điểm đến du lịch. Do đó, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất dựa trên mô hình nghiên cứu HOLSAT của Tribe và Snaith (1998). Tác giả đã tham khảo các nghiên cứu ứng dụng mô hình HOLSAT trong nước trong và tham khảo ý kiến chuyên gia để những điều chỉnh bổ sung để mô hình phù hợp với địa điểm du lịch thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất dựa trên 6 thuộc tính của điểm đến có tác động đến sự hài lòng của du khách đến Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được trình bày khái quát trong mô hình dưới đây:

2. Kết quả nghiên cứu

Sau quá trình triển khai nghiên cứu, ứng dụng mô hình Holsat đánh giá sự hài lòng của khách du lịch nội địa tại điểm đến Thành Phố Bảo Lộc, tác giả chỉ ra được những đặc điểm sau:

Về môi trường

Kết quả khảo sát, nghiên cứu và kiểm định đã cho thấy khách du lịch nội địa rất hài lòng với môi trường và khí hậu tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Khí hậu tại Bảo Lộc rất ôn hòa và dễ chịu.

Tuy nhiên, khách du lịch cảm thấy không hài lòng khi thấy sự môi trường dần bị ô nhiễm do ý thức của người dân khi đi du lịch. Việc xả rác bừa bãi đang dần làm ô nhiễm các khu du lịch tại thành phố Bảo Lộc cũng như các khu du lịch biển và sinh thái khác hiện nay.

Thành phố Bảo Lộc có lợi thế trong việc phát triển thành thành phố du lịch sinh thái bền vững. Việc bảo tồn thiên nhiên góp phần phát triển du lịch, mang lại giá trị lâu dài không chỉ về mặt sinh thái mà còn cả về mặt kinh tế và xã hội.

Về điều kiện tự nhiên

Bảo Lộc là một trong hai thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Khí hậu tại Bảo Lộc gần giống với Đà Lạt, quanh năm mát mẻ nên đây là nơi lý tưởng để du khách xa gần ghé đến tham quan và nghỉ dưỡng. Được thiên nhiên ban tặng, Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh đẹp và hùng vĩ như: Thác ĐamB'ri, rừng Madagui, những cánh rừng xanh bạt ngàn, và những đồi chè xanh bát ngát trải khắp sườn đồi. Du khách ghé thăm Bảo Lộc đều muốn dừng chân lại lâu hơn để tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

Về di sản văn hóa

Kết quả kiểm định cho thấy khách du lịch hài lòng với thuộc tính di sản văn hóa. Khách du lịch rất hào hứng khi được trải nghiệm cùng dân tộc gốc bản địa, tham gia vào các lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc Tây Nguyên. Khách du lịch rất thích được xem voi, thưởng thức rượu cần, nghe cồng chiêng, tạc tượng,… Các lễ hội truyền thống rất đa dạng và đặc sắc, người dân Tây Nguyên qua nhiều năm phát triển vẫn gìn giữ được nét đặc trưng văn hóa của mình, một nét riêng, nét đặc trưng khi đến với người dân Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, khách du lịch có thể tham quan Tu viện Bát Nhã, nằm biệt lập trong khu rừng thông xanh mát và bạt ngàn với không khí yên bình thanh tịnh. Du khách đến lễ Phật có thể nghỉ lại qua đêm trong những gian nhà khách sạch sẽ và ấm cúng.

Chùa Linh Quy Pháp Ấn được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh “cổng trời”, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả một khoảng không gian rộng lớn và hòa mình vào đất trời, núi non; Chùa Di Đà có quần thể kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc Phật Giáo, Châu Mạ và kiến trúc Việt. Trong khuôn viên chùa là những nếp nhà sàn bằng gỗ của người dân tộc, nóc mái chạm khắc phù điêu hoa văn, bên trong là những tượng Phật trang nghiêm.

Về giá cả

Giá cả và chi phí là một yếu tố quan trọng tác động không nhỏ đến sự hài lòng của khách du lịch. Kết quả kiểm định cho thấy khách du lịch hài lòng với dịch vụ và giá cả của các cơ sở lưu trú. Việc cạnh tranh giúp các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng với những mức giá phù hợp.

Bên cạnh đó, khách du lịch chưa hài lòng với mức giả cả dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện tại các khu du lịch.

Về Cơ sở Lưu trú - Ăn uống - Tham quan, giải trí - Ngân hàng - Viễn thông

Kết quả kiểm định cho thấy các loại hình dịch vụ tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có nhiều mặt tích cực lẫn hạn chế còn tồn tại.

Khách du lịch có thể hài lòng với nhân viên phục vụ cùng phòng ốc với những trang thiết bị tiên tiến trong phòng như TV, máy điều hòa, hệ thống nước nóng lạnh, truy cập internet,... Việc truy cập internet dễ dàng mang lại hài lòng cho khách du lịch, nhất là việc chia sẻ chuyến đi cùng bạn bè trên các trang xã hội. 

Ẩm thực tại Bảo Lộc khá phong phú và tươi ngon với nhiều món ngon đặc trưng, hợp khẩu vị nhưng vấn đề về giá cả chưa làm hài lòng khách du lịch. Khách du lịch có thể mua sắm các món quà nho nhỏ hoặc thưởng thức các loại trái cây, ẩm thực đường phố, café tại Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, việc bố trí nhà vệ sinh chưa đủ khiến du khách chưa hài lòng cũng như các địa điểm thu hồi rác thải chưa nhiều có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh.

Ngoài ra, việc thanh toán qua thẻ còn khá hạn chế và chưa được áp dụng phổ biến tại khu du lịch phần nào ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch.

Tóm lại, bên cạnh những điểm tích cực thì vẫn có một số điểm hạn chế nhưng nhìn chung thì chuyến du lịch đến Thành phố Bảo Lộc theo nhìn nhận của khách du lịch là đáng giá đồng tiền.

Về giao thông

Tình hình giao thông tại thành phố Bảo Lộc là rất tốt. Việc xây dựng và nâng cấp nâng cấp các quốc lộ 20, 55 và tỉnh lộ 725 thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng, song song với việc xây dựng kết nối vào sâu trong khu đô thị theo hình thức xương cá, giúp phát triển các khu đô thị mà không gây tắc nghẽn giao thông trong tương lai. Có nhiều nhà xe phục vụ từ từ Bảo Lộc đi đến các thành phố như Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nha Trang... Giá xe đến Bảo Lộc cũng phù hợp với thu nhập của khách du lịch.

Tuy nhiên, thông tin về Bảo Lộc tại các bến xe bus, nhà chờ, sân bay... còn thiếu, chưa được quảng bá rộng rãi. Điều này cần được cải thiện sớm để du khách có thể xây dựng cho mình những lịch trình phù hợp. Trong nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng mô hình HOLSAT được xây dựng dựa trên 6 thuộc tính của điểm đến có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch nội địa khi đến với Thành phố Bảo Lộc: Môi trường, Di sản văn hóa, Điều kiện tự nhiên, Giá cả, Dịch vụ Lưu trú - Ăn uống - Tham quan, giải trí - Mua sắm - Ngân hàng - Viễn thông và Giao thông.

Tác giả đã sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện, cỡ mẫu 235, sử dụng bảng khảo sát định lượng làm công cụ thu thập dữ liệu trong nghiên cứu của mình. Bảng câu hỏi khảo sát được phát đi 250 bản, thu về được 235 bản đạt yêu cầu phân tích, xử lý làm sạch dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.

III. Một số kiến nghị

Để thúc đẩy và định hướng cho thành phố Bảo Lộc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, các thuộc tính mà du khách hài lòng cũng như khắc phục những thuộc tính du khách chưa hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Môi trường

Nhằm nâng cao và duy trì ý thức bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bảo vệ vẻ đẹp cho thành phố Bảo Lộc, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định, các nhà quản lý cần sớm có những chủ trương, biện pháp mạnh tay nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và các sự cố môi trường do hoạt động của con người trong quá trình thực hiện quy hoạch...

Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sạch, công nghệ ít gây ô nhiễm trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.

Thực hiện công tác ngăn chặn và phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn đối với các dự án có liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, các công trình vui chơi giải trí… trong việc phát triển khu du lịch sinh thái bền vững.

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng nữa là đi đôi với các biện pháp nêu trên cần quan tâm đầy đủ đến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước ngọt bởi vì rừng tạo không khí trong lành, giữ gìn nguồn nước ngọt là nhân tố bảo đảm sự sống cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Điều kiện tự nhiên

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy du khách rất hài lòng với thuộc tính “Rừng núi đại ngàn, hùng vĩ”, “Có nhiều thác ghềnh với cảnh sắc hài hòa, độc đáo”. Điều này chứng tỏ Bảo Lộc có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: Thác Dam B’ri, Thác mang tên Tam Hợp, Hồ Nam Phương... Vì vậy, cần tăng cường khai thác theo chiều sâu loại hình du lịch này kết hợp bảo vệ môi trường, tránh tác động quá mức làm mất vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, tăng cường quảng bá và đào tạo đội ngũ lao động chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố Bảo Lộc cần quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái bền vững nhằm duy trì và phát triển thế mạnh sinh thái của Bảo Lộc.

Di sản văn hóa

Đến với Thành phố Bảo Lộc, khách du lịch không chỉ được tham quan nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có được trải nghiệm văn hóa bản sắc dân tộc Tây Nguyên như văn hóa cồng chiêng, đốt lửa, cưỡi voi,... tham gia các lễ hội của người dân tộc Tây Nguyên.

Bảo Lộc còn là điểm đến lý tưởng cho các khách du lịch tâm linh với nhiều địa điểm nổi tiếng như: Tu viện Bát Nhã, Chùa Di Đà, Chùa Linh Quy Pháp Ấn... các tổ chức, cá nhân cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan tiếp tục duy trì và khai thác tốt hơn nữa các nét đẹp đặc sắc của văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt là quảng bá và giới thiệu đến khách du lịch các lễ hội của Tây Nguyên nhằm giúp khách du lịch quan tâm hơn đến truyền thống văn hóa Tây Nguyên, một bản sắc văn hóa được người dân Tây Nguyên gìn giữ qua bao đời nay.

Giá cả

Kết quả kiểm định cho thấy khách du lịch hài lòng với dịch vụ và giá cả của các cơ sở lưu trú. Việc phát triển và cạnh tranh giúp các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng với những mức giá phù hợp. Sự ra đời của các cơ sở lưu trú Homestay giúp khách du lịch có một cách trải nghiệm gần gũi hơn với cư dân địa phương cũng như tham gia vào các lễ hội văn hóa, sinh hoạt theo tập tục của cư dân bản địa.

Bên cạnh đó, khách du lịch chưa hài lòng với mức giá cả dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện tại các khu du lịch. Điều này cần các cấp chính quyền quan tâm và có chính sách ưu đãi và quản lý phù hợp để góp phần tạo sự hài lòng cho du khách ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Thị Lương, 2011, Nghiên cứu sự hài lòng của khách du lịch nội địa đối với điểm đến du lịch Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, TPHCM: Nhà xuất bản Hồng Đức.

3. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2010, Thống kê ứng dụng trong kinh tế - xã hội, Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.

4. Trang web Tổng cục Du lịch Việt Nam, http://www. dulichvn.org.vn.

5. Trang web Baoloc, http://www.lamdong.gov.vn.

THE IMPLEMENTATION OF HOLSAT MODEL

TO ASSESS THE SATISFACTION OF DOMESTIC

TOURISTS VISTING BAO LOC CITY

● PhD. DINH KIEM

● NGUYEN DINH BINH

Hong Bang International University

ABSTRACT:

Bao Loc City is an important transport hub of Lam Dong Province in promoting its potential and expanding exchanges with the Southeast and South Central Coast provinces of Vietnam. Although Bao Loc City is considered as a tourist gateway of Lam Dong Province, the city is still a stopover and a mediator point for tourists when travelling from Ho Chi Minh City and Southeast region to Da Lat City. The goal is to make Bao Loc City soon escape from its current role of a stopover. The article focuses on analyzing the implementation of HOLSAT model to assess the satisfaction of domestic tourists visting Bao Loc city.

Keywords: Bao Loc City, tourism, satisfaction, HOLSAT model.