TÓM TẮT

Mô hình HOLSAT đi sâu đo lường sự hài lòng của khách du lịch tại một điểm đến bằng cách so sánh cảm nhận về các thuộc tính tích cực và tiêu cực của kỳ nghỉ với kỳ vọng của khách du lịch. Mô hình không sử dụng các thuộc tính cố định cho tất cả các điểm đến như các phương pháp trước đây. Thay vào đó, mô hình sử dụng các thuộc tính phù hợp với từng điểm đến cụ thể. Nghiên cứu này ứng dụng mô hình HOLSAT để đánh giá sự hài lòng của khách du lịch nội địa tại điểm đến du lịch là huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Qua đó, tác giả gợi ý một số hàm ý quản trị nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững trong tương lai của ngành du lịch địa phương.

Từ khoá: Mô hình HOLSAT, du lịch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 47,082 ha, trong đó 40,970 ha đất canh tác nông nghiệp, là một vùng đất đầy tiềm năng phát triển du lịch, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Nói đến Thoại Sơn, người ta còn nghĩ ngay đến khu di tích văn hóa Óc Eo có giá trị khảo cổ vô giá. Thoại Sơn còn là địa bàn mở đất đào kênh nổi tiếng gắn liền với Quan Dinh Điền: Thoại Ngọc Hầu người đã có công lớn trong việc lập làng, lập ấp, giữ yên và phát triển vùng đất Nam Bộ. . Hiện Thoại Sơn có 5 di tích văn hóa lịch sử, 14 di tích tín ngưỡng truyền thống và 44 cơ sở tôn giáo với nhiều sinh hoạt lễ hội mang đậm dấu ấn Nam bộ, đặc biệt là các lễ hội Kỳ Yên tổ chức hàng năm. Ngoài ra, với lợi thế nằm cách trung tâm hành chính tỉnh 25km, lại nằm trên cung du lịch khép kín toàn tỉnh: Thoại Sơn - Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế chủ lực của Thoại Sơn. Trong những năm qua du lịch Thoại Sơn đã có những bước tiến đáng kể, tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 13%/năm, trong đó khách nội địa tăng 12,5%. Tốc độ tăng doanh thu du lịch bình quân trong 5 năm đạt 23.4% đã góp phần vào tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của toàn huyện, giải quyết được việc làm cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, thị trường du lịch Thoại Sơn vẫn còn ở dạng tự phát, lượng khách đến không ổn định, số khách quay trở lại rất thấp, nhìn chung chưa có bước phát triển xứng với tiềm năng vốn có. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng mô hình định lượng HOLSAT để khám phá và đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách nội địa khi đến du lịch tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

2. Giới thiệu mô hình HOLSAT (HOLiday SATisfaction)

Tribe và Snaith (1998) đã phát triển mô hình HOLSAT và sử dụng nó để đánh giá sự hài lòng của kỳ nghỉ tại khu nghỉ mát nổi tiếng của Varadero, Cuba. Mô hình HOLSAT đo lường sự hài lòng của một khách du lịch với trải nghiệm về kỳ nghỉ của họ tại một điểm đến hơn là một dịch vụ cụ thể. Hơn nữa, nó không sử dụng một danh sách cố định các thuộc tính, chung cho tất cả các điểm đến mà các thuộc tính được tạo ra phù hợp với từng điểm đến cụ thể, vì mỗi điểm đến du lịch có nét độc đáo riêng, tính chất thu hút và hạn chế khác nhau. Một đặc điểm quan trọng của công cụ HOLSAT là xem xét đến các thuộc tính tích cực cũng như các thuộc tính tiêu cực khi diễn tả các đặc tính chủ chốt của một điểm đến. Như vậy, có thể xác định một điểm đến với sự kết hợp của cả hai loại thuộc tính. 

Nét đặc biệt của mô hình là một bảng câu hỏi, trong đó, người trả lời được yêu cầu đánh giá mức kỳ vọng của mỗi thuộc tính kỳ nghỉ (tức là ấn tượng của du khách trước khi đi du lịch) và đánh giá cảm nhận hoặc sự trải nghiệm trên cùng một bộ thuộc tính tiếp sau những kinh nghiệm về kỳ nghỉ (tức là sau khi đi du lịch). Một thang đo Likert (5 lựa chọn) được sử dụng để cho điểm từng thuộc tính ở cả “kỳ vọng” và “cảm nhận”. Sự khác biệt về điểm số trung bình giữa “kỳ vọng” và “cảm nhận” đối với từng thuộc tính mang lại sự đo lường định lượng về mức độ hài lòng của du khách.

Các kết quả được trình bày trên một ma trận, theo đó điểm của cả thuộc tính tích cực và tiêu cực sẽ được biểu diễn trên các ma trận riêng biệt với Cảm nhận (trục X) và Kỳ vọng (trục Y). Các vùng “Được” và “Mất” được phân định bởi “Đường vẽ” - là đường chéo 45 độ. “Được” đại diện cho những thuộc tính mà kỳ vọng của người tiêu dùng được đáp ứng hoặc vượt quá, “Mất” miêu tả những mong đợi của người tiêu dùng không được đáp ứng và “Đường vẽ” đưa ra một kết hợp chặt chẽ giữa những mong đợi và cảm nhận. Tùy theo tính chất tích cực hay tiêu cực của các thuộc tính mà các vùng “Được”, “Mất” nằm ở trên bên trái hoặc ở dưới bên phải của “Đường vẽ”. Đối với mỗi thuộc tính, khoảng cách giữa các điểm được vẽ và “Đường vẽ” càng xa thì mức độ hài lòng hoặc không hài lòng theo cảm nhận của các du khách càng lớn. Trong trường hợp điểm nằm trực tiếp trên “Đường vẽ”, cảm nhận của khách du lịch trùng với mong đợi của họ và do đó đã đạt được sự hài lòng.

3. Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp các khách du lịch nội địa. Đã có 280 phiếu điều tra được phát ra và thu về 242 phiếu hợp lệ. Việc điều tra được tiến hành trên địa bàn huyện Thoại Sơn từ cuối tháng 9/2020 đến tháng 3 năm 2021. Sau đó xử lý dữ liệu, kiểm định Paired Sample T-Test, phân tích đánh giá kết quả; đánh giá mức độ hài lòng của du khách nội địa, so sánh những kỳ vọng về điểm đến và những cảm nhận của họ trên hai yếu tố tích cực và tiêu cực sau khi đã trải nghiệm thực tế tại điểm đến du lịch.

Để đánh giá mức độ hài lòng của du khách nội địa, so sánh những kỳ vọng ban đầu về điểm đến và những cảm nhận của họ sau khi đã trải nghiệm thực tế. Bảng 1 tóm lược kết quả phân tích đối với các thuộc tính, bao gồm các thông tin: Các thuộc tính về kỳ nghỉ ở Thoại Sơn gồm: Nhóm các thuộc tính tích cực và tiêu cực. Giá trị trung bình (mean) và độ lệch chuẩn (SD) cho cả kỳ vọng và cảm nhận của mỗi thuộc tính. Chênh lệch giữa cảm nhận và kỳ vọng. Số cặp quan sát (N) và Mức ý nghĩa quan sát (Sig.5%) đối với từng cặp (cảm nhận - kỳ vọng của mỗi thuộc tính).

3.1. Các thuộc tính tích cực

Các thuộc tính tích cực được biểu diễn trên ma trận ở Hình 1. Kết quả kiểm định t được thể hiện trong Bảng 1 cho thấy 17 trong tổng số 28 thuộc tính tích cực có ý nghĩa thống kê mức ý nghĩa 5%, nghĩa là có sự khác biệt giữa giá trị trung bình nhóm giữa cảm nhận và kỳ vọng. Các thuộc tính P6, P8, P10, P15, P17, P18, P21, P23, P24, P25, P26 không đạt được mức ý nghĩa thống kê (Sig t > 0,05). Các thuộc tính tích cực đạt mức độ hài lòng P1, P2, P3, P4, P5, P7, P9, P11, P12, P13, P14, P16, P19, P20, P22, P27, P28 trong đó cao nhất là: P27 (Kỳ nghỉ xứng đáng với chi phí bỏ ra); P28 (Phương tiện di chuyển an toàn tiện lợi); P19 (Mặt bằng giá cả tương đối thấp phù hợp với chất lượng); P16 (Dễ dàng đặt chỗ khách sạn qua các kênh thông tin). Các thuộc tính này đều nằm trên vùng “Được” và cách xa “Đường vẽ”. Sự hài lòng này cho thấy cảm nhận thực tế vượt xa kỳ vọng ban đầu.   

3.2. Các thuộc tính tiêu cực

Theo Tribe và Snaith (1998), một sự chênh lệch (hiệu số) âm giữa “cảm nhận” và “kỳ vọng” đối với các thuộc tính tiêu cực cho thấy sự hài lòng. Điều này có nghĩa, các thuộc tính không phải yếu kém, tiêu cực như suy nghĩ ban đầu. Các thuộc tính tiêu cực được biểu diễn trên ma trận ở Hình 2. Kết quả kiểm định t được thể hiện trong Bảng 1 cho thấy, 9 trong tổng số 13 thuộc tính tiêu cực có sự khác biệt giữa cảm nhận và kỳ vọng với mức ý nghĩa thống kê 5%. Trong đó có 5 thuộc tính mang giá trị âm (nếu giá trị chênh lệch giữa cảm nhận và kỳ vọng âm càng lớn thể hiện không như kỳ vọng ban đầu, họ thật sự đã hài lòng cao), Các thuộc tính tiêu cực gồm N1 (Mội trường nguồn nước tại điểm đến ô nhiễm -0,880); N6 (Chất lượng dịch vụ y tế phục vụ kém -0,810); N2 (Vị trí địa lý các địa điểm du lịch xa, khó kết nối - 0,653); N13 (Đường xấu, đi lại khó khăn -0,471). Do đó, trên ma trận thuộc tính này được biểu diễn nằm bên vùng “Được” và cách xa “Đường vẽ”. Sự hài lòng này cho thấy, cảm nhận thực tế tốt hơn so với kỳ vọng ban đầu.  Có 5 thuộc tính có ý nghĩa thống kê nhưng nhận giá trị khác biệt dương N4 (Có ít địa điểm ăn uống để lựa chọn); N5 (Sản phẩm du lịch trùng lắp với các tỉnh); N9 (Thiếu nhà vệ sinh công cộng); N10 (Sử dụng thẻ tín dụng/ATM khó khăn); N12 (Gọi taxi hoặc các dịch vụ xe khó) nên cảm nhận thực tế đã không đáp ứng được sự mong đợi của khách du lịch. Kết quả là giảm sút sự hài lòng và được biểu diễn nằm trong vùng “Mất” của ma trận.

Bảng 1. Tóm lược kết quả từ thang đo HOLSAT đối với các thuộc tính tích cực và tiêu cực

(Các thuộc tính được tô đậm thể hiện các thuộc tính không có mức ý nghĩa thống kê)

Mã hóa

Thuộc tính
tích cực

Kỳ vọng (E)

Cảm nhận (P)

P - E

Sig

Mean

SD

Mean

SD

P1

Thời tiết ở Thoại Sơn mát mẻ, dễ chịu.

2.48

0.982

3.18

1.181

0.707

0.000

P2

Không khí trong lành, không gian thoáng đãng.

2.30

0.827

3.16

1.089

0.855

0.000

P3

Môi trường cảnh quan đẹp, nhiều vườn tược xanh mát.

2.28

0.791

3.08

1.230

0.802

0.000

P4

Phong cảnh sông nước, kênh rạch, đồng lúa hấp dẫn.

2.31

0.843

3.05

1.201

0.744

0.000

P5

Có nhiều núi non nằm sát vùng đồng bằng đẹp.

2.52

0.921

2.96

1.247

0.442

0.000

P6

Có nhiều cảnh quan du lịch thiên nhiên độc đáo.

2.65

1.092

2.55

1.108

-0.103

0.206

P7

Di tích văn hóa - lịch sử truyền thống, lâu đời, có giá trị.

2.43

1.005

2.86

1.171

0.434

0.000

P8

Có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân bản địa.

2.66

1.063

2.58

1.037

-0.083

0.387

P9

Các địa điểm tôn giáo linh thiêng cho khách hành hương.

2.29

0.928

3.10

1.141

0.810

0.000

P10

Nét sinh hoạt văn hóa đậm chất Nam bộ.

2.64

1.066

2.59

1.048

-0.054

0.575

P11

Giá thuê phòng, cơ sở lưu trú hợp lý.

2.62

0.975

2.90

1.254

0.285

0.004

P12

Phòng lưu trú được trang bị khá tốt.

2.47

0.939

2.90

1.193

0.434

0.000

P13

Phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát.

2.40

0.956

2.86

1.174

0.450

0.000

P14

Nhân viên khách sạn thân thiện và lịch sự.

2.62

1.069

2.89

1.254

0.277

0.008

P15

Vị trí khách sạn bố trí thuận tiện.

2.67

1.046

2.78

1.184

0.112

0.272

P16

Dễ dàng đặt trước khách sạn qua các kênh thông tin.

2.86

1.109

2.44

1.005

-0.426

0.000

P17

Giá thức ăn, thức uống là hợp lý.

2.69

1.112

2.59

1.102

-0.095

0.363

P18

Ẩm thực truyền thống địa phương đặc sắc và độc đáo.

2.64

1.180

2.55

1.180

-0.087

0.451

P19

Mặt bằng giá cả tương đối thấp, đạt chất lượng.

2.72

1.110

2.51

1.098

-0.211

0.035

P20

Có nhiều loại hình tham quan các di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội, làng nghề, khám phá thiên nhiên.

2.43

1.033

2.74

1.129

0.306

0.002

P21

Du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.

2.69

1.126

2.54

1.108

-0.153

0.151

P22

Du lịch theo hình thức ”homestay”.

2.50

1.071

2.74

1.124

0.240

0.018

P23

Thưởng thức các loại hình nghệ thuật của địa phương.

2.68

1.052

2.79

1.187

0.112

0.275

P24

Người dân địa phương thân thiện.

2.67

1.116

2.60

1.101

-0.070

0.502

P25

Hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình.

2.74

1.125

2.56

1.119

-0.178

0.081

P26

Trải nghiệm mua sắm ở chợ địa phương.

2.78

1.050

2.73

1.112

-0.050

0.620

P27

Kỳ nghỉ xứng đáng với chi phí đã bỏ ra.

2.95

1.120

2.34

0.902

-0.607

0.000

P28

Phương tiện đi lại an toàn.

2.74

1.135

2.53

1.086

-0.223

0.027

N = 242

 

STT

Thuộc tính tiêu cực

Kỳ vọng (E)

Cảm nhận (P)

P-E

Sig.

Mean

SD

Mean

SD

N1

Môi trường và nguồn nước tại một số điểm đến du lịch bị ô nhiễm.

3.08

0.769

2.20

0.776

-0.880

0.000

N2

Vị trí địa lý của các điểm đến du lịch khó kết nối, xa xôi.

3.21

0.791

2.56

1.119

-0.653

0.000

N3

Sử dụng internet, wifi còn khó khăn.

2.41

0.875

2.36

0.976

-0.054

0.570

N4

Có ít địa điểm ăn uống để lựa chọn, phải đi xa.

1.99

0.660

2.54

1.035

0.554

0.000

N5

Sản phẩm du lịch trùng lắp với các tỉnh khác.

2.12

0.662

2.71

1.141

0.591

0.000

N6

Chất lượng dịch vụ y tế phục vụ du khách kém.

2.90

0.824

2.09

0.757

-0.810

0.000

N7

Có nhiều người ăn xin và bán hàng rong.

2.38

0.958

2.55

1.038

0.165

0.071

N8

Các điểm du lịch đông đúc khách vào dịp lễ, cuối tuần.

2.00

0.786

2.05

0.850

0.050

0.064

N9

Thiếu nhà vệ sinh cộng cộng tại các điểm vui chơi.

2.13

0.720

2.69

0.676

0.558

0.000

N10

Sử dụng thẻ tín dụng hoặc ATM khó khăn.

2.07

0.748

2.72

0.701

0.657

0.000

N11

Thông tin về khu du lịch (khách sạn, bản đồ, ...) thiếu.

2.40

0.892

2.49

0.991

0.091

0.305

N12

Gọi taxi (hoặc các dịch vụ xe tương tự) khó.

2.23

0.857

2.55

1.089

0.322

0.000

N13

Đường xá đi lại khó khăn, đường xấu, kẹt xe.

2.52

0.774

2.05

0.774

-0.471

0.000

4. Mô hình nghiên cứu từ kết quả kiểm định Paired Samples T-Test

Mô hình HOLSAT trước khi kiểm định Paired Samples T-Test có 28 thuộc tính tích cực và 13 thuộc tính tiêu cực tác động đến sự hài lòng của khách du lịch khi đến huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau khi kiểm định Paired Samples T-Test, mô hình HOLSAT có 17 thuộc tính tích cực và 8 thuộc tính tiêu cực có ý nghĩa thống kê mức 5%, có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch khi đến với huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, được phân thành 6 nhóm thuộc tính tác động đến sự hài lòng của khách du lịch khi đến với Thoại Sơn. Mô hình cuối cùng ghi nhận như Hình 3.

5. Một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao sự hài lòng khi chọn điểm đến du lịchThoại Sơn

Để thúc đẩy và định hướng cho du lịch Thoại Sơn phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, các thuộc tính mà du khách hài lòng cũng như khắc phục những thuộc tính du khách chưa hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Thứ nhất, về môi trường, cảnh quan

Kết quả nghiên cứu cho thấy, du khách hài lòng với điều kiện môi trường tại Thoại Sơn. Tuy nhiên, chính quyền tại địa phương cũng như các công ty khai thác du lịch cũng nên lưu ý, thường xuyên khuyến cáo du khách và người dân địa phương trong việc giữ gìn môi trường cảnh quan khu vực, tránh tình trạng xả rác bừa bãi trên kênh rạch, duy trì và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ cho Thoại Sơn. Đồng thời, địa phương cần có những chủ trương, biện pháp mạnh tay nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa sự gia tăng sự ô nhiễm và các sự cố môi trường do hoạt động của con người trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng không đúng theo quy hoạch, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương, cũng như du khách. Tổ chức tốt phương án thu gom vận chuyển và xử lý các rác thải; Tích cực trồng cây tạo cảnh quan, tăng cường mật độ cây xanh trên các vùng núi đá, đồi trọc; Tăng tỷ lệ cây xanh cho các công viên nhằm đảm bảo môi trường trong sạch …

Thứ hai, về điều kiện tự nhiên

Các xã phía Đông và phía Nam có đất phù sa màu mỡ, các xã phía Bắc ruộng đất còn nhiễm phèn, đất triền núi trồng cây ăn trái và hoa màu với diện tích nhỏ. Thoại Sơn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, dân cư phân bố theo tuyến sông và kênh, tạo nguồn nhân lực cải tạo đất. Vẻ đẹp của Thoại Sơn vẫn còn rất hoang sơ và tự nhiên. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội nói chung và sự tăng nhanh về số lượng du khách đến với Thoại Sơn trong thời gian qua, cộng với việc phát triển các công trình xây dựng đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, tạo nên mối đe doạ đối với hệ sinh thái chung và tài nguyên động thực vật ở đây. Vì vậy, các cấp chính quyền cần  có chủ trương định hướng quy hoạch ngay từ đầu cho việc phát triển hạ tầng cơ sở ở Thoại Sơn. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền cho người dân thông hiểu các chủ trương, chính sách, nghiêm cấm tất cả các hoạt động chặt phá cây, sử dụng đất sai mục đích, hủy hoại đất, hủy hoại môi trường, làm các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm,...

Thứ ba, về di sản văn hóa

Kết quả nghiên cứu cho thấy du khách khá hài lòng với các thuộc tính về di sản văn hóa. Tuy nhiên, mức hài lòng vẫn chưa thật sự cao với mức chênh lệch giữa cảm nhận và kỳ vọng từ 0.434 đến 0.810. Thoại Sơn không chỉ nổi tiếng là nơi có khu di tích Óc Eo nổi tiếng, nơi đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 mà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo,... Bên cạnh đó, Thoại Sơn còn có nhiều nét văn hóa đặc trưng và mang tầm cấp quốc gia, như Lễ hội Kỳ yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các tổ chức, cá nhân cần phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan, tiếp tục duy trì và khai thác tốt hơn nữa các tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể. Đặc biệt là quảng bá, giới thiệu đến du khách các lễ hội, các di sản, di tích lịch sử,… nhằm giúp du khách hiểu và quan tâm hơn đến truyền thống lịch sử - văn hóa tại Thoại Sơn. Về lâu dài, đẩy mạnh khai thác yếu tố du lịch văn hóa tín ngưỡng cũng là một thế mạnh của du lịch Thoại Sơn bên cạnh cảnh quan thiên nhiên.

Thứ tư, về dịch vụ ăn uống - tham quan - giải trí - mua sắm - ngân hàng - viễn thông

Nghiên cứu này cũng cho thấy du khách chưa hài lòng dịch vụ ăn uống tại Thoại Sơn về mặt giá cả và sự phong phú của địa điểm cung ứng. Để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu ăn uống, mua sắm của du khách, vấn đề đặt ra đối với Thoại Sơn là tổ chức các địa điểm, cửa hàng sao cho đa dạng, phong phú, bắt mắt, có sức thu hút du khách, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, một điểm hạn chế nữa là còn nhiều sản phẩm, dịch vụ giống ở các nơi khác, làm cho khách du lịch cảm thấy nhàm chán, không có gì đặc biệt. Điểm hạn chế khác là dịch vụ thanh toán qua thẻ cũng khiến khách du lịch chưa thật sự hài lòng. Nhằm tạo thoải mái cho khách du lịch trong việc hạn chế mang nhiều tiền mặt, các cơ quan quản lý ở Thoại Sơn cần kết hợp với ngân hàng xây dựng nhiều hệ thống thanh toán qua thẻ cũng như xây dựng các máy ATM phục vụ cho nhu cầu rút tiền mặt của khách du lịch.

Thứ năm, về hệ thống giao thông

Cần quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông toàn vùng, đặc biệt là trục đường chính kết nối từ trung tâm huyện đến tỉnh cũng như các huyện lân cận. Đây là trục chính dẫn đến các khu du lịch trọng điểm, khu homestay, các nhà nghỉ, khách sạn, cũng như đến trung tâm các xã, thị trấn tại Thoại Sơn. Với đặc thù là vùng sông nước, chính quyền địa phương cũng đã đầu tư xây dựng các cây cầu bê tông hóa để tạo sự thuận tiện trong di chuyển cho địa phương và trải nghiện của du khách. Vì vậy, cần có chủ trương quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ nâng cấp mặt đường từ trung tâm đến các điểm tham quan, mua sắm mà du khách quan tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]        Thuy-Huong Truong, David Foster. (2006). Using HOLSAT to evaluate tourist satisfaction at destinations: The case of Australian holidaymakers in Vietnam. Tourism Management,  27(5):842-855, DOI:10.1016/j.tourman.2005.05.008.

[2]        Tribe, J., & Snaith, T. (1998). From SERVQUAL to HOLSAT: Holiday satisfaction in Varadero, Cuba. Tourism Management,19, (1),  25-34, https://doi.org/10.1016/S0261-5177(97)00094-0

[3]        Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu với SPSS, Nhà xuất bản Thống kê.

[4] Nguyễn Thị Thanh Tư, (2018.) Ứng dụng mô hình HOLSAT đánh giá sự hài lòng của khách du lịch nội địa tại điểm đến Bến Tre, Tạp chí Công Thương số 26 - tháng 11/2019.

[5] Nguyễn Đình Bình, (2018). Ứng dụng mô hình HOLSAT để đánh giá sự hài lòng của du khách nội địa tại điểm đến Thành phố Bảo Lộc, Tạp chí Công Thương số 16 - tháng 12/2018.

Using the HOLSAT model to assess the satisfaction of domestic tourists with the travel destination of Thoai Son District, An Giang Province

Ph.D Dinh Kiem 1

Ngo Thanh Ngoc Canh 2

1 Former dean, Faculty of Human Resources Management

University of Labour and Social Affairs – Ho Chi Minh City Campus

2 Leader, Technical and Appraisal Team, Construction Investment Project Management Board – Thoai Son District, An Giang Province

ABSTRACT:

The HOLSAT model is used to measure the satisfaction of tourists with their travel destinations by comparing perceived positive and negative attributes of their trips with their expectations. This study’s research model did not use fixed attributes for all travel destinations like previous methods. The study used attributes that are relevant to a particular destination. This study used the HOLSAT model to assess the satisfaction of domestic tourists with the travel destination of Thoai Son District, An Giang Province. Based on the study’s results, some implications are proposed to help the district develop its tourism sector sustainably in the future.

Keywords: HOLSAT model, tourism, Thoai Son District, An Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]