giao dịch liên kết
Vấn đề cốt lõi trong chống chuyển giá là xác định được giao dịch thực, chứ không phải căn cứ trên chứng từ, thứ vốn rất dễ gian lận hiện nay

Tại phiên họp Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến tình hình thu, chi ngân sách nhằm đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế...

Với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đối với sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để bảo đảm nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế và chống dịch, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các nguồn thu tiềm năng như: thu trên nền tảng số, thu từ tài nguyên khoáng sản, đất đai… tăng cường áp dụng các giải pháp để chống thất thu thuế như áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hạn chế trốn thuế, chuyển giá...

Vậy áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo có hạn chế được chuyển giá?

Trên thực tế, kết quả thanh kiểm tra cho thấy, hoạt động chuyển giá gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua; chủ yếu thông qua giao dịch liên kết.

Chúng ta đã có những khung khổ pháp lý về giao dịch liên kết, như Thông tư 117/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính, Nghị định 20/2017/NĐ-CP;  Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho doan nghiệp có cơ cấu vốn vay lớn; Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Mặc dù vậy, hoạt động chuyển giá vẫn là vấn đề lớn đối với ngành thuế. Năm 2020, ngành thuế thanh kiểm tra 339 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả, truy thu, truy hoàn và phạt 681,51 tỷ đồng; giảm lỗ 10.046,23 tỷ đồng; giảm khấu trừ 9,25 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.840,82 tỷ đồng; xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 361,02 tỷ đồng, giảm lỗ 3.874,01 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.632,93 tỷ đồng.

Những con số này đã nói lên tất cả!

Tình hình dường như cải thiện sau khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7 năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên câu chuyện chống chuyển giá trở thành một nội dung trong pháp luật về quản lý thuế. Điểm gút nổi bật nhất là nguyên tắc xác định vụ việc theo bản chất hoạt động, tức là giao dịch sẽ quyết định nghĩa vụ thuế chứ không phải giấy tờ.

Điểm tiến bộ này cho thấy, vấn đề cốt lõi trong chống chuyển giá là xác định được giao dịch thực, chứ không phải căn cứ trên chứng từ, thứ vốn rất dễ gian lận hiện nay. Nhưng xác định được giao dịch thực không đơn giản nếu không có hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh.

Hiện nay, ngành Tài chính mới đang từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế, hải quan, thị trường chứng khoán, thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội,…

Theo mục tiêu ngành này đề ra, phải đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo mới trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, đối với ngành Tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hoá đơn điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch.

Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Như vậy có thể khẳng định, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đủ sức xác minh các giao dịch thực - một vũ khí quan trọng nhất trong chống chuyển giá. Vấn đề còn lại nằm ở kế hoạch trang bị hệ thống và nhân viên vận hành của ngành Thuế.