Ứng dụng triết lý của Đạo Phật vào kinh doanh

Quan kiến của Đạo Phật đối với hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế ra sao; với hệ thống nhân sinh quan tốt lành, ta có thể ứng dụng các triết lý của Đạo Phật vào công việc kinh doanh như thế nà

TCCT: Trước hết xin hỏi Thượng tọa một câu hết sức khái quát, khi Đức Phật còn tại thế, ngài có chấp nhận cho hàng cư sĩ của mình kinh doanh không?

TT. Thích Huyền Giác: Đối với Đức Phật, tiền bạc và tài sản là phương tiện sống không thể thiếu của dân chúng nói chung và hàng cư sĩ nói riêng.

Đức Phật biết rằng, nếu thường xuyên túng quẫn, con người ta dễ bị sa vào những phương thức mưu sinh bất chính. Ngài cũng chỉ ra những tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp bóc, bạo hành... bắt nguồn từ bế tắc trong mưu sinh hoặc quá túng quẫn. Nói tóm lại, sự cường thịnh của quốc gia, sự sung túc của người dân cũng là điều mong mỏi, quan tâm của Đức Phật.

Theo Đức Phật, kinh doanh là ngành nhanh chóng “đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng”. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất để chúng ta không còn phải băn khoăn rằng, Đạo Phật có ủng hộ công việc kinh doanh buôn bán hay không!

Không chỉ ủng hộ phương thức mưu sinh bằng kinh doanh, Ngài còn chỉ rõ 3 yếu tố để thành công trong kinh doanh là: Có mắt; Khéo phấn đấu; và Xây dựng được cơ bản. Có mắt là thương nhân phải biết rõ giá trị sản phẩm mà mình buôn bán: ở đâu cần sản phẩm này? mua ở thời điểm nào, bán ở đâu và thời điểm nào để có lợi nhuận cao nhất? Mua rồi bán ngay hay dự trữ đến thời điểm nào mới bán? Ngày nay ta thường gọi là tầm nhìn, hay chiến lược kinh doanh. Trong chu trình vận chuyển của sản phẩm có lúc thuận, có lúc nghịch, người thương nhân khéo vận hành, xoay sở linh hoạt ngay cả trong chu trình nghịch (như vào đúng vụ mà hàng vẫn ít, giá vẫn cao) thì gọi là Khéo phấn đấu. Cuối cùng, Xây dựng được cơ bản là thương nhân phải tích lũy vốn dồi dào và xây dựng được niềm tin với khách hàng cũng như bạn hàng.

TCCT: Như thế có nghĩa là Đức Phật ủng hộ hoàn toàn phương cách mưu sinh bằng kinh doanh, phải vậy không thưa Thượng tọa?

TT. Thích Huyền Giác: Bất cứ sự mưu sinh nào cũng được thực hiện bởi 2 phương cách, chân chính và bất chính. Hiển nhiên, Đức Phật chỉ ủng hộ phương cách mưu sinh chân chính, thuật ngữ trong nhà Phật gọi là Chính mạng.

TCCT: Xin Thượng tọa nói rõ thêm, kinh doanh chân chính là như thế nào?

TT. Thích Huyền Giác: Kinh doanh chân chính được dựa trên một nguyên tắc bao trùm là nhận thức đúng, hành xử tốt. Hành xử tốt là hoạt động kinh doanh cùng với mục tiêu kinh doanh phải phát triển song hành với mục tiêu xã hội. Chẳng hạn, một công ty dược phẩm thấy các bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp thường bùng phát sau mưa lũ, liền phát triển các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh trên. Như vậy, vừa có lợi cho công ty, vừa có lợi cho xã hội, tức là không chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho mình mà còn có tinh thần trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của đại chúng, nghĩa là lợi mình, lợi người. Còn công ty nào, găm hàng (như lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu…) chờ cơ hội bán cho người dân sau mưa lũ với giá cao khác thường, gọi là lợi mình, hại người, thuộc loại kinh doanh bất chính.

Nhận thức đúng là đúng với quy luật tự nhiên, quy định xã hội. Quy luật tự nhiên của bất cứ quốc gia nào là đất nước được độc lập, tự chủ, kinh tế thịnh vượng, phát triển tốt đẹp các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Vì thế các hoạt động kinh doanh chân chính phải hướng vào các mục tiêu đó, chí ít là không làm tổn hại. Theo quan kiến của Phật giáo, hoạt động kinh doanh nào góp phần làm cho trái đất nóng lên, phá hỏng tầng ozôn, đẩy nhanh quá trình nước biển dâng, làm biến đổi khí hậu… đều thuộc loại kinh doanh bất chính. Và, bất luận bạn có tin hay không, kinh doanh mà trái với quy luật tự nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái hay trái với thuần phong mỹ tục… thì không thể hưng thịnh và phát triển bền vững.

TCCT: Với nguyên tắc lợi mình - lợi người, chắc hẳn Phật giáo không chấp nhận chuyện nói dối trong kinh doanh?

TT. Thích Huyền Giác: Con người có 3 hoạt động: ý nghĩ, hành vi và lời nói. Trong đó, ý nghĩ quan trọng hơn cả (trong nhà Phật có câu: tu là tu trên tâm; tâm ở đây là ý nghĩ, ý muốn), ý nghĩ là động lực thúc đẩy lời nói và hành vi. Trong quan kiến của Phật giáo, lời nói dối hay lời nói thật không quan trọng bằng động lực ở bên trong là ý nghĩ, tức là có ý muốn sử dụng lời nói đó để làm lợi người hay hại người. Nói thật với động lực (ý nghĩ bên trong) làm hại người thì còn nguy hiểm hơn nói dối mà lợi mình, lợi người.

Trong kinh Phật, có thí dụ rằng, một nhà sư đang ngồi thiền trong rừng, thấy một con nai chạy ngang qua. Lát sau, người thợ săn đến hỏi. Nhà sư trả lời, ta không thấy con nai nào cả. Đây là lời nói dối có lợi và không bị coi là vi phạm giới luật của nhà Phật.

Trong thực tế kinh doanh hiện nay, có những doanh nghiệp cho người điều tra, tìm những điểm yếu của sản phẩm đối thủ làm ra, rồi bằng cách này cách khác, rỉ tai nhau hoặc tung lên công luận. Rõ ràng, lời nói là thật, nhưng được thực hiện với động cơ triệt hạ nhau.

Như vậy, vấn đề là ở chỗ lương tâm và cách thể hiện lời nói sao cho có hiệu quả lương thiện chứ không phải cứ nói thật mà lại có thâm ý hại người.

TCCT: Thưa Thượng tọa, liệu có thể ứng dụng những triết lý của Đạo Phật vào kinh doanh sao cho đạt hiệu quả lợi mình - lợi người một cách cao nhất?

TT. Thích Huyền Giác: Đạo Phật có phương pháp Tứ Như Ý Túc, hay còn gọi là Tứ Thần Túc. Tứ Như Ý Túc là bốn điều ước nguyện phải đạt được kết quả đầy đủ như ý. Nếu doanh nhân biết ứng dụng phương pháp này thì sẽ rất dễ thành công.

1. Dục Như Ý Túc: Có nhu cầu và nguyện vọng chính đáng. Khi lập kế hoạch kinh doanh mang lại lợi ích cho mình, cho người thì đã là một điều kiện để xã hội thừa nhận và ủng hộ. Tuy nhiên, doanh nhân phải biết thuyết trình kế hoạch của mình với người có trách nhiệm. Chẳng hạn, khi đầu tư xây dựng nhà máy may ở địa phương A, phải thuyết phục được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh đó rằng, sản phẩm của nhà máy đáp ứng được nhu cầu của xã hội; nhà máy sẽ mang lại bao nhiêu việc làm, hàng năm đóng thuế bao nhiêu tiền, hoạt động của nhà máy phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó…

2. Tinh Tấn Như Ý Túc: Tinh tấn giữ gìn tư tưởng tốt, loại bỏ tư tưởng xấu, một cách nhất tâm để đạt đến kết quả viên mãn như ý. Khi triển khai kế hoạch kinh doanh, phải phổ biến công khai đến tận quản đốc, nhân viên, để tất cả mọi người thấy được phần việc chung của toàn bộ nhà máy, và phần việc của riêng mình. Như thế, từng người sẽ tinh tấn siêng năng nỗ lực không phải chỉ với sự hăng hái, bồng bột trong nhất thời, mà là sự thực tập không bao giờ gián đoạn, vì nếu phần việc của mình gián đoạn sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến phần việc còn lại của nhà máy.

3. Tư Duy Như Ý Túc: Nghiên cứu đạo lý và tư duy kinh doanh một cách thông suốt như ý muốn, như một người nói tiếng mẹ đẻ của mình không cần để ý đến việc tìm chữ, để diễn đạt tư tưởng, nhưng nói không sai một chữ. Đã là doanh nhân thì các tính toán cơ bản nhất về cung, cầu, giá trị, giá cả, lợi nhuận, tồn kho… phải “tự nhiên nhi nhiên”, phản ứng một cách tự động và liên tục như nhịp đập của quả tim, hay hô hấp của phổi.

4. Thiền Định Như Ý Túc: Khi kinh doanh phải dùng trí tuệ quán sát tiến trình thực hiện công việc, nhờ đó mà định phát sinh. Khi định đã có thì định - tuệ quân bình. Khi quán trí này do định phát sinh thì, trí này là trí sáng suốt, thanh tịnh, chính vì nhờ thanh tịnh cho nên nó có thể thông đạt tường tận các phép buôn bán (dòng chảy của tiền - hàng) một cách như thật, rõ ràng như ở trong lòng bàn tay.

Thực hành thường xuyên và vận dụng Tứ Như Ý Túc một cách sáng tạo thì không chỉ thành công trong kinh doanh mà có thể phát triển sự nghiệp của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tứ Như Ý Túc chỉ là một thí dụ cụ thể, thực ra, doanh nhân có thể vận dụng nhiều triết lý khác trong nhà Phật như Bát Chánh Đạo, Thất Bồ Đề Phần, Lục Độ, Tứ Chánh Cần, Tứ Nhiếp Pháp… vào công việc kinh doanh của mình

TCCT: Xin hỏi Thượng tọa câu cuối cùng, để thực hành Thiền Định Như Ý Túc một cách có hiệu quả như ở điều thứ 4, doanh nhân có phải ngồi thiền hay không?

TT. Thích Huyền Giác: Nói một cách khái quát thì tùy căn cơ của từng người. Đối với một số người, nhất là giới doanh nhân do công việc bận rộn, thời gian eo hẹp nên việc “quyết tâm” ngồi thiền có thể tạo ra những căng thẳng không đáng có, và vì thế khó đạt kết quả như mong muốn. Theo tôi, khi có điều kiện rảnh rỗi, doanh nhân nên ngồi thư giãn, buông xả cho tâm định tĩnh thì mọi suy nghĩ sẽ sáng suốt, mà sáng suốt chính là thiền rồi. Khi đã rèn luyện tốt kỹ năng thư giãn rồi thì tiến thêm bước nữa, luôn chú tâm quán sát chính mình trong công việc hay trong quan hệ với mọi người và hoàn cảnh xung quanh một cách định tĩnh, sáng suốt. Nói cách khác, nếu có thể duy trì mọi hành động, lời nói với cái tâm trong lành, thanh thản thì tâm và trí sẽ được quân bình, định tĩnh, sáng suốt thì chính việc kinh doanh là thiền rồi; đừng quá bận tâm tới việc ngồi thiền nếu bạn không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Hơn nữa, thiền là phương tiện, đích đến là có được tâm - trí quân bình, định tĩnh và sáng suốt.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa.

Đức Đoàn