Ủy ban kinh tế Á - Âu hoàn tất điều tra tự vệ với ống thép hàn, Việt Nam liệu có chịu ảnh hưởng?

Thông tin Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) đã hoàn tất quá trình điều tra tự vệ đối với sản phẩm ống hàn từ thép không gỉ vào ngày 3/1/2020, tuy nhiên, chưa ban hành kết luận vụ việc.

Đây là vụ việc EEC đã khởi xướng điều tra hơn 10 tháng trước, từ ngày 4/3/2019.

Theo đó, sản phẩm bị điều tra là ống thép hàn không gỉ gồm các mã HS 7306 40 2009, 7306 40 8001, 7306 40 8008, 7306 61 1009 và 7306 69 1009.

EEC cáo buộc rằng, trong giai đoạn 2015 - 2017 và 9 tháng đầu năm 2019 đã có sự gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra vào các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu cả về mặt tuyệt đối và tương đối, dẫn đến việc sụt giảm thị phần và gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Ngoài ra, EEC cũng đưa ra cáo buộc về sự đe dọa thiệt hại trong tương lai do các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu lo ngại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dư thừa thép, sự phát triển của các biện pháp an ninh đặc biệt và chống bán phá giá với các sản phẩm thép trong giai đoạn 2015-2017 (đặc biệt là biện pháp theo mục 232 của Hoa Kỳ với thép) có thể dẫn đến phân phối lại việc nhập khẩu thép trên thị trường thế giới, bao gồm cả thị trường của các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, trong vụ việc này, qua đánh giá sơ bộ, lượng xuất khẩu sản phẩm điều tra của Việt Nam là không đáng kể nên biện pháp tự vệ (nếu có) có thể chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên trong trường hợp xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến trong thời gian tới, EEC có thể tiến hành rà soát và bổ sung Việt Nam vào phạm vi áp dụng của biện pháp.

Thy Thảo