TÓM TẮT:

Bài viết trình bày vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với các nội dung như công tác chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, thông báo triệu tập các Đại biểu Quốc hội họp thường kỳ, nội dung của các kỳ họp, tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để tổng hợp và báo cáo. Bài viết còn phân tích ví dụ về các hoạt động của UBTVQH để thấy được các công việc mà UBTVQH đã làm trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, đánh giá được ưu điểm và hạn chế của UBTVQH.

Từ khóa: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội.

1. Giới thiệu về Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Điều 73 Hiến pháp 2013 quy định: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên; Số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách và không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ.”. Và theo Điều 74 Hiến pháp 2013 đã quy định 13 nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH cụ thể như sau:

 “ 1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;

  1. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
  2. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
  3. Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
  4. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội;
  5. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước;
  6. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp Hội đồng Nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;
  7. Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  8. Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
  9. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
  10. Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;
  11. Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  12. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.”

Ðể thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình, UBTVQH giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chuẩn bị các vấn đề trình UBTVQH xem xét và quyết định.

UBTVQH đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tùy tình hình thực tế của từng địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật. Các thành viên UBTVQH  tiếp tục phát huy trách nhiệm, triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm sự tiếp nối liên tục trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ.

UBTVQH giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp.

2. Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị, tổ chức, triệu tập và chủ trì Kỳ họp Quốc hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo Điều 47 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) đã quy định chi tiết về vai trò của UBTVQH trong việc chuẩn bị, triệu tập, chủ trì kỳ họp Quốc hội như sau:

  “1. Dự kiến chương trình kỳ họp; quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội.

  1. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
  2. Tổ chức và bảo đảm việc thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết.
  3. Tổ chức để Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và những nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
  4. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; đề xuất các vấn đề trình Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
  5. Quyết định các vấn đề khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội.
  6. Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.”

Cho đến nay, Việt Nam đã có 14 khóa Quốc hội bình quân mỗi khóa có từ 9 - 11 kỳ họp Quốc hội, tùy thuộc vào tình hình thực tế của đất nước. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, UBTVQH đã xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án tổ chức 2 kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Hai cuộc họp đã diễn ra rất thành công, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của Đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Mỗi năm Quốc hội sẽ có 2 kỳ họp thường lệ để bàn bạc, thảo luận các vấn đề chung của đất nước. UBTVQH sẽ tiến hành tổ chức họp các phiên thường kỳ, lấy ý kiến cho việc chuẩn bị các kỳ họp của Quốc hội.

Ví dụ, phiên họp thứ 54 của UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, UBTVQH; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội; Cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp này, các báo cáo công tác nhiệm kỳ tiếp tục được UBTVQH xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và đồng thời cũng làm nổi bật những đổi mới, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội, của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XIV, từ đó đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp này, các báo cáo công tác nhiệm kỳ tiếp tục được UBTVQH xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và đồng thời cũng làm nổi bật những đổi mới, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội, của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XIV, từ đó đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.[1]

Về triệu tập kỳ họp Quốc hội

Theo Điều 92 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020), trước khi tiến hành họp thường lệ của Quốc hội, UBTVQH sẽ tiến hành triệu tập các Đại biểu Quốc hội từ các địa phương để tham gia dự họp chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; quyết định triệu tập kỳ họp cùng với dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu Quốc hội. Để Kỳ họp đạt kết quả tốt, UBTVQH đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về các nội dung kỳ họp; đồng thời, quan tâm một số vấn đề như sau:

Một là, các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cách thức phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về UBTVQH qua Ban Dân nguyện và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Hai là, đề nghị các đại biểu Quốc hội dành thời gian cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp.

Ba là, các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chức năng ở địa phương để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh tại địa điểm họp của Đoàn trong thời gian Quốc hội họp trực tuyến.

Bốn là, UBTVQH đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp.

Về tổ chức và chủ trì các kỳ họp quốc hội

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) và Nghị quyết số 102/2015/QH13, Nghị quyết Ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội thì UBTVQH là cơ quan có trách nhiệm tổ chức và chủ trì Kỳ họp Quốc hội theo quy định tại Điều 47 của Luật Tổ chức Quốc hội. Ngoài ra, UBTVQH còn có trách nhiệm bảo đảm để kỳ họp được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực theo chương trình đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm để Quốc hội thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Khi phiên họp của Quốc hội diễn ra, Quốc hội sẽ tiến hành họp phiên trù bị dưới sự điều hành của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên họp, Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 và Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên khai mạc kỳ họp đã diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Tham dự phiên khai mạc có đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV; đại diện lãnh đạo của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Tại phiên họp này, Quốc hội đã xem phim tài liệu “Quốc hội khóa XIV: Những thành tựu và dấu ấn nổi bật”.

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Ngoài ra, còn rất nhiều các báo cáo khác được đưa ra để các đại biểu Quốc hội nắm bắt được thông tin. Các luật đưa ra đều được các đại biểu Quốc hội đóng góp các ý kiến để hoàn thiện và ban hành phục vụ người dân. Bên cạnh đó, UBTVQH báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

3. Kết quả và hạn chế của UBTVQH

Để đạt được những kết quả trên, tập thể và từng thành viên UBTVQH luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, đoàn kết và thống nhất, phát huy trí tuệ của tập thể và cá nhân, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. UBTVQH đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, còn do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng; tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống; xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng. Đây là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của UBTVQH vẫn còn những hạn chế nhất định. Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: trách nhiệm của một số Ủy ban trong việc tham gia thẩm tra một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa thực sự quyết liệt; việc chấp hành các bước trong thực hiện một số quy trình, thủ tục còn chưa nghiêm túc, đầy đủ, mang tính hình thức; chưa chú trọng, quan tâm thực sự về tính toàn diện khi đánh giá tác động chính sách, sự cần thiết ban hành, tính khả thi và khả năng dự báo của một số dự án; một số quy định pháp luật còn chồng chéo, nhận thức và thực thi pháp luật còn chưa thống nhất, khó thực hiện; hoạt động giám sát, nhất là giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước có những điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế...

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

{1}Trịnh Dũng (2021), “Khai mạc phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-mac-phien-hop-thu-54-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-638476/, truy cập ngày 14/5/2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
  2. Quốc hội (2015), Nghị quyết số: 102/2015/QH13: Nghị quyết Ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015
  3. Quốc hội (2020), Luật số: 65/2020/QH14: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2020.
  4. Trịnh Dũng (2021), “Khai mạc phiên họp thứ 54 của Ủy ban thường vụ quốc hội”, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-mac-phien-hop-thu-54-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-638476/, truy cập ngày 14/5/2021.

The role of the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam in organizing meetings, convening deputies and chairing sessions

Phan Khuyen

Master’s student, National Academy of Public Administration – Ho Chi Minh City Campus

ABBTRACTS:

This paper presents the role of the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam with these following contents including the preparation of National Assembly sessions, the announcement to convene deputies to the National Assembly at  regular meetings, the content of the meetings, the meeting contents, the meetings with voters to listen to people’s opinions and thoughts. This paper also analyzes works and activities of the Standing Committee to highlight achievements and limitations in the last term.

Keywords: National Assembly, Standing Committee of the National Assembly, National Assembly session.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]