Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản vừa gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.

Cụ thể, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản yêu cầu quả vải thiều tươi xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vậtan toàn thực phẩm của Nhật Bản.

xuất khẩu vải sang Nhật
Quả vải tươi xuất khẩu sang Nhật phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide và phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Cũng theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Nhật Bản đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản.

Trong thời gian này, cơ quan nông nghiệp hai nước đã cùng nhau thực hiện nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh trong diện kiểm dịch thực vật của Nhật Bản, có khả năng đi theo quả vải thiều Việt Nam.

Để triển khai có hiệu quả việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá quả vải Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng vải khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm xuất khẩu lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.

Theo đó, từ năm 2018, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhiều lần đưa các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đi khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang và có những buổi làm việc với đại diện Sở Công Thương tỉnh và Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn nhằm xem xét khả năng nhập khẩu các lô hàng vải thiều ngay khi Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho quả vải Việt Nam.

Trong bối cảnh Nhật Bản là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm ngặt nghèo nhất trên thế giới, để quả vải Việt Nam từng bước có được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Bảo vệ thực vật, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản...) với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân để đảm bảo quy trình xuất khẩu quả vải sạch, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch và thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản.

xuất khẩu vải sang Nhật
Ngoài thị trường Trung Quốc, quả vải thiều của Việt Nam xuất khẩu được sang rất nhiều nước như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đồng thời cũng mở cửa được nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Úc và bây giờ là Nhật Bản

Những năm gần đây, ngoài thị trường Trung Quốc, quả vải thiều của Việt Nam xuất khẩu được sang rất nhiều nước như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đồng thời cũng mở cửa được nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Úc và bây giờ là Nhật Bản.

Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi hàng hóa phải đạt chất lượng cao. Việc Nhật cho phép quả vải thiều Việt Nam được xuất vào thị trường của họ có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu của quả vải, đồng thời tạo tiền để thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này, vị đại diện cho hay.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được khoảng hơn 100.000 tấn vải thiều tươi. Đáng chú ý, lượng vải thiều xuất khẩu sang những thị trường khó tính ngày càng tăng mạnh.