TÓM TẮT:

Tiếp cận công lý là một vấn đề được đặt ra cấp thiết trong thời gian gần đây, gắn liền với yêu cầu đảm bảo quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng khoa học và công nghệ trong các hoạt động cụ thể của tố tụng dân sự đem lại tính minh bạch, tăng cường khả năng tiếp cận các thiết chế giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa tranh chấp. Bài viết khái quát một số phương thức áp dụng thành quả khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự, từ đó kiến nghị các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng tương tự ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Tiếp cận công lý, công nghệ, tố tụng dân sự, xây dựng nhà nước pháp quyền, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Tiếp cận công lý, với vai trò “vừa là quyền cơ bản của con người vừa là phương tiện để thực hiện các quyền con người khác”[1] được hiểu chủ yếu ở hai phương diện. Thứ nhất, là quyền được xét xử công bằng. Cách hiểu này chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự và là cách hiểu truyền thống. Thứ hai, là khả năng tìm kiếm sự đền bù/khắc phục cho những bất công hay thiệt hại mà một cá nhân hoặc nhóm cá nhân phải gánh chịu. Cách hiểu này mang tính hiện đại với phạm vi mở rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội[2].

Quan niệm hiện đại trên bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960 và tiếp theo đó là sự ra đời của các giai đoạn (hay các làn sóng - waves) tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự. Làn sóng thứ nhất tập trung vào trợ giúp pháp lý để giúp đỡ các nhóm người thiệt thòi trong xã hội tiếp cận được với các dịch vụ pháp lý. Làn sóng thứ hai xuất hiện đầu những năm 1970, thừa nhận quyền khởi kiện tập thể và sự ra đời của thủ tục khởi kiện tập thể để đảm bảo các quyền, lợi ích có giá trị tương đối thấp nhưng ở cấp độ xã hội, những tranh chấp này rất có ý nghĩa và tác động đến nhiều người[3]. Làn sóng thứ ba vào cuối thập kỷ 70 với sự ra đời của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án (ADR), là sự thừa nhận tòa án không nhất thiết phải là phương thức trọng yếu để giải quyết tranh chấp dân sự[4].

Khoa học công nghệ phát triển đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và có thể được so sánh với làn sóng tiếp cận công lý mới trong tố tụng dân sự bởi những lợi ích nó đem lại.

2. Các ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự

2.1. Ứng dụng công nghệ trong đảm bảo tiếp cận thông tin

Ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự cho phép các cá nhân thêm nhiều lựa chọn tiếp cận thông tin với chi phí thấp.

Bằng việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội đa dạng như Twitter, Youtube, Linkedln…, giao diện web của cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc các ứng dụng độc lập, người dùng có thể tiếp cận các thông tin liên quan đến tố tụng dân sự. Ở Australia, trang web chính thức của bang Victoria cung cấp thông tin về hệ thống các cơ quan trợ giúp pháp lý và hướng dẫn cách thức liên hệ với các cơ quan đó, các văn bản pháp luật hiện hành[5], trang web của Tòa thượng thẩm bang Victory cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức tòa án, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, án phí. Nhiều ứng dụng được xây dựng nhằm mục đích kết nối giữa người dân và hệ thống trợ giúp pháp lý ở Hoa Kỳ cũng cung cấp các thông tin cơ bản về pháp luật và giải đáp thắc mắc đơn giản[6]. Ở Việt Nam, cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao cung cấp các thông tin về hệ thống tòa án, văn bản pháp luật và cách thức liên hệ với các trung tâm trợ giúp pháp lý[7].

Công dân không chỉ tiếp cận thông tin mà đa số các nền tảng trên hỗ trợ hoạt động thông tin hai chiều. Bằng việc đăng nhập và xác thực danh tính thông qua các dịch vụ của bên thứ ba như chữ ký số, công dân có thể nộp đơn kiện, chứng cứ chứng minh thông qua nền tảng trên và nhận kết quả trả về tại địa chỉ điện tử đã đăng ký như tại Cổng thông tin điện tử của tòa án[8], hình thức giao nhận thông tin này được nhiều quốc gia thừa nhận trong hoạt động giải quyết tranh chấp[9]. Các cơ quan tài phán có thể tiếp cận và liên lạc với các bên thông qua email được thiết lập trên một địa chỉ được xác định. Bằng cách này, thời gian thực hiện một số hoạt động trong quá trình tố tụng được rút ngắn và giảm được đáng kể các chi phí.

2.2. Ứng dụng công nghệ kết nối giữa người dùng với hệ thống trợ giúp pháp lý

Nhiều ứng dụng đã được triển khai nhằm kết nối giữa người dùng với cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc cơ quan trợ giúp pháp lý ở Mỹ và Úc. Ở Mỹ, các phần mềm như Ask a Lawyer: Legal Help[10] hay BernieSez[11] cho phép người dùng kết nối trực tiếp với các luật sư để nhận được tư vấn miễn phí hoặc đưa lên các vấn đề pháp lý của mình để tìm kiếm dịch vụ pháp lý phù hợp.

Với việc sử dụng công nghệ, người dân có cơ hội tiếp cận với hoạt động tư vấn pháp luật. Cùng với việc dễ dàng cập nhật các thông tin pháp luật từ các kênh chính thức trên mạng xã hội và trang web của cơ quan giải quyết tranh chấp, người dùng có thể dễ dàng kết nối với các kênh tư vấn pháp luật thông qua các phần mềm trên điện thoại. Các phần mềm này đã được xây dựng ở Mỹ, người dùng đặt câu hỏi và được các luật sư tư vấn miễn phí hoặc gửi thông tin về vụ kiện của mình vào phần mềm, luật sư sẽ liên lạc với người dùng để nhận vụ kiện[12]. Trong trường hợp đó, các bên đều có được thông tin về nhau như nội dung vụ kiện hay các loại vụ việc luật sư đã từng tham gia, mức phí…[13]. Trên cơ sở đó, các bên có nhiều cơ hội lựa chọn đối tác hơn.

Ở Anh, các phần mềm hỗ trợ cũng phát triển. Ứng dụng Free Legal Advice do Justify Digital LTD xây dựng được cung cấp miễn phí, cho phép người dùng truy cập vào các tài nguyên pháp lý trên nhiều lĩnh vực, mẫu biểu và được trả lời tư vấn miễn phí trong vòng 48 giờ[14].

Để giảm thiểu chi phí pháp lý, một số chương trình cho phép người dùng tự tạo cho mình các tài liệu pháp lý như đơn khởi kiện, yêu cầu hoàn tiền bảo hiểm..[15] mà không cần đến sự trợ giúp của luật sư. Sau khi điền các thông tin cần thiết theo mẫu có sẵn liên quan đến các vấn đề pháp lý của mình, người dùng sẽ được gợi ý các bước tiếp theo để hoàn tất văn bản pháp lý theo mẫu được xác định sẵn cho từng loại yêu cầu mà không cần phải có đủ các kiến thức pháp lý cần thiết. Người dùng có thể được hỗ trợ trong các trường hợp đơn giản để theo dõi việc giải quyết vấn đề để giảm các chi phí theo đuổi vấn đề pháp lý, điều này có nghĩa lớn trong việc giải quyết các tranh chấp mà giá trị tranh chấp nhỏ hơn rất nhiều so với các chi phí cho hoạt động tố tụng.

2.3. Ứng dụng công nghệ trong giải quyết các vụ kiện có giá trị tranh chấp nhỏ

Ủy ban Châu Âu đã sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các tranh chấp giữa người tiêu dùng với người bán trong giao dịch mua bán trực tuyến với điều kiện thương nhân và người tiêu dùng đều có trụ sở tại EU hoặc Nauy, Iceland và Lichetenstein theo Quy định số 524/2013 do Hội đồng và Nghị viện châu Âu ban hành ngày 21/5/2013. Theo đó, cả người tiêu dùng mua hàng trực tuyến và người bán hàng đều có thể gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp trực tuyến. Trước khi bắt đầu, người dùng phải qua bước xác định danh tính và trả lời các câu hỏi liên quan đến yêu cầu của mình và có thể đề xuất hướng giải quyết. Các bên có thể đề xuất cơ quan giải quyết tranh chấp và bên kia có thể lựa chọn dựa trên việc cân nhắc về phí, phương thức làm việc… của cơ quan đó. Các thông tin, tài liệu trao đổi giữa các bên được hỗ trợ chuyển đổi ngôn ngữ, việc chuyển và nhận thông tin giữa các bên được thực hiện trên nền tảng của dịch vụ này. Cuối cùng, các bên sẽ nhận kết quả quá trình giải quyết yêu cầu của mình ngay trên hệ thống mà không cần thiết phải đến tòa án.[16]

Phương thức này cho phép các bên thực hiện quyền tự yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện một cách đơn giản và chi phí thấp, điều này rất có ý nghĩa đối với các tranh chấp tiêu dùng mà các bên ở các khu vực địa lý khác nhau hoặc ở các quốc gia khác nhau.

2.4. Ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR)

Mở rộng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự. Khác với sự thay đổi trong làn sóng thứ ba về tiếp cận công lý, giải quyết tranh chấp trực tuyến về mặt bản chất không thay đổi về các chủ thể tham gia nhưng việc giải quyết được thực hiện trên nền tảng công nghệ giúp khắc phục được các vấn đề về khoảng cách địa lý và tạo cơ hội cho các nhóm yếu thế, thay đổi phương thức giao nộp và xuất trình chứng cứ.

Phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện thông qua hội nghị video và email hoặc dịch vụ trò chuyện kết hợp với trao đổi tài liệu trực tuyến. Phương thức này thay cho các buổi họp trực tiếp để giải quyết tranh chấp.

Phương thức này ngày càng được các thiết chế giải quyết tranh chấp quan tâm tham gia. Ở Úc, ODR được sử dụng trong giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong thương mại điện tử[17]. Với ODR, các chủ thể bị hạn chế trong việc tiếp xúc với các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ được tạo thuận lợi trong việc kết nối với tòa án và các cơ quan khác.

Một thực tế là với sự phát triển của thương mại điện tử, việc khiếu kiện đối với các giao dịch trong đó người mua hàng ở xa và giá trị giao dịch nhỏ gặp nhiều trở ngại, việc sử dụng ODR cho phép tăng cường khả năng tiếp cận công lý của các chủ thể. ODR của Modria đã xử lý đến 60 triệu tranh chấp mỗi năm ở eBay và PayPal[18]. Khi một tranh chấp được đưa ra, công cụ giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ thực hiện lần lượt các bước giải quyết và dừng lại khi người yêu cầu thống nhất với phương án được đưa ra. Hệ thống sẽ phân tích các vấn đề bất đồng và đưa ra các đề xuất giải quyết vụ việc, kết nối với bên trung gian hòa giải và giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thông thường các tranh chấp sẽ được giải quyết xong ngay từ bước thứ nhất hoặc thứ hai[19].

Ở Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Hà Nội đã triển khai hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến. Để tham gia, người dùng tạo tài khoản đăng nhập với số căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân và đăng ký địa chỉ thư điện tử nhận và gửi thông tin. Việc gửi, nhận và mở phiên giải quyết tranh chấp đã được thực hiện trực tuyến trong thời gian gần đây[20].

Như vậy, rõ ràng là sự hiện diện của công nghệ trong tố tụng dân sự đã tạo ra những thay đổi lớn đối với bảo đảm tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự.

Trước hết, việc giải quyết tranh chấp không cần đến sự hiện diện trực tiếp của các bên. Từ quá trình xác định danh tính, gửi yêu cầu, trao đổi các chứng cứ chứng minh và nhận kết quả giải quyết vụ việc đều có thể thực hiện trên nền tảng internet. Các đương sự giảm được các chi phí như thời gian di chuyển, chi phí cho phương tiện di chuyển, lưu trú và thời gian chờ đợi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người có hạn chế về khả năng di chuyển hoặc không có khả năng về tài chính.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện bởi chủ thể không phải là con người. Thông qua việc phân tích các tình tiết của vụ việc, đối chiếu với các quy định của pháp luật hoặc án lệ, AI đưa ra phương án giải quyết, trong trường hợp có khiếu nại thì vụ việc sẽ được xem xét lại bởi thẩm phán là con người. Điều này giúp giảm khối lượng công việc của các thẩm phán nhất là đối với các tranh chấp nhỏ. Các quyết định sơ bộ được đưa ra một cách nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi của các bên.

Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện nhanh hơn khi sử dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Các sự kiện là bằng chứng cho việc giải quyết có thể được kiểm chứng bởi AI trên cơ sở hệ thống dữ liệu Big data hoặc trên nền tảng blockchain, việc trao đổi thông tin qua mạng internet cũng làm giảm đáng kể chi phí và thời gian, công sức cho hoạt động giao nhận, nhất là khi các tài liệu được hỗ trợ chuyển ngữ trực tuyến.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự không tạo ra các thực thể mới trong tố tụng dân sự nhưng giúp tăng tốc độ giải quyết các tranh chấp dân sự, hỗ trợ tiếp cận thông tin khi đa số các trang web và các ứng dụng kết nối đều hỗ trợ chuyển đổi đa ngôn ngữ đối với các tài liệu trao đổi. Giảm thời gian giải quyết và chi phí giải quyết là một trong những yêu cầu tiên quyết của tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, với khả năng truy cập ở bất cứ đâu, việc ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận với thông tin, tiếp cận các cơ chế hỗ trợ và giải quyết tranh chấp chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet. Rõ ràng đây là một xu thế phát triển của tố tụng dân sự không thể phủ nhận và không thể bỏ qua.

Việc ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự đã bước đầu được thực hiện ở Việt Nam, tuy nhiên mức độ ứng dụng và phổ biến thông tin đến những người cần sử dụng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ trong tố tụng dân sự nhằm mục đích là thay đổi phương thức thực hiện các hoạt động truyền thống để đảm bảo tính hiệu quả, do đó, sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra đối với ứng dụng và vận hành các nền tảng công nghệ trong tố tụng dân sự nhằm đảm bảo tiếp cận công lý.

3. Các vấn đề đặt ra đối với việc áp dụng các thành tựu công nghệ trong tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, cần thiết lập khung pháp lý cho việc áp dụng công nghệ trong tố tụng dân sự. Đây là nền tảng để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ và sự vận hành không trái với các nguyên tắc của pháp luật thực định về tố tụng dân sự. Ví dụ, để đảm bảo tính pháp lý cho việc triển khai công nghệ AI trong hệ thống tư pháp, European Commission for the Efficiency of Justice (CEPEJ) đã áp dụng 5 nguyên tắc cơ bản về sử dụng AI trong các hệ thống tư pháp và môi trường của các hệ thống tư pháp đó[21]. Theo đó, các nguyên tắc được đặt ra nhằm đảm bảo sự tôn trọng đối với Công ước châu Âu về quyền con người (RCHR) và Công ước bảo vệ dữ liệu cá nhân (CPPD) bằng cách đảm bảo việc sử dụng Ai tôn trọng các nguyên tắc như tính minh bạch, công bằng và bình đẳng.

Thứ hai, cần xây dựng cơ sở hạ tầng về kỹ thuật để đảm bảo khả năng vận hành các dịch vụ, đồng thời, đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn lực đó đối với các cá nhân có nhu cầu. Theo báo cáo thống kê, hiện đang có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam trên tổng dân số người Việt Nam hiện đang đứng ở mức 70% và 65 triệu người hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vào tháng 1 năm 2020[22]. Các số liệu trên cho thấy việc ứng dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hoặc trợ giúp pháp lý với sự tham gia của công nghệ là khả thi.

Thứ ba, cần chú trọng đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ tích hợp công nghệ của nhóm yếu thế. Tiếp cận thông tin, tiếp cận các cơ chế hỗ trợ pháp lý và giải quyết tranh chấp trên nền tảng công nghệ số điều cần thiết không chỉ là thiết bị kết nối mà còn cả kỹ năng sử dụng và các yếu tố khác. Theo báo cáo của các sở tư pháp, tại nhiều tỉnh, người thuộc diện trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ rất cao (tại Đắc Nông ước tính tỷ lệ này là 98,5%, tại Lai Châu là 85%, tại Lạng Sơn là 94,4%, Yên Bái là 89%...)[23], nhưng các đối tượng này thậm chí không biết mình có thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý hay không, không biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý[24]… Bởi tính đến khả năng và nhu cầu của các nhóm yếu thế trong xã hội là một yêu cầu của tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đối với các dịch vụ pháp lý có tích hợp công nghệ. Việc xây dựng một hệ thống tố tụng dân sự hiện đại và tiện lợi là cần thiết nhưng nếu các đối tượng thụ hưởng không có thông tin và không có khả năng truy cập thì hệ thống đó không phát huy được hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] VCG, Hoàng Thị Bích Ngọc - Vũ Công Giao (2018), "Tiếp cận công lý theo quan điểm của Liên hiệp quốc", trong GS.TSKH. Đào Trí Úc - TS. Vũ Công Giao chủ biên, Công lý và quyền tiếp cận công lý - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.126.

[2] Vũ Công Giao (2009), "Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền", Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, quyển số 25

[3] Monique Moore Lisa Toohey, Katelane Dart, Daniel J. Toohey (2019), "Meeting the Access to Civil Justice Challenge: Digital Inclusion, Algorithmic Justice, and Human-Centered Design", Tạp chí Macquarie Law Journal, quyển số 19 , tr.137.

[4] Tlđđ, tr.139.

[5] Cổng thông tin điện tử Bang Victoria, Austraylia, https://www.justice.vic.gov.au, ngày truy cập 1/2/2020.  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[6] J Dysart, 20 apps to help provide easier access to legal help (2015), https://www.abajournal.com/magazine/article/20_apps_providing_easier_access_to_legal_help, ngày truy cập 2/2/2020.  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[7] Tòa án nhân dân tối cao Cổng thông tin điện tử, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/trung-tam-tro-giup, truy cập ngày 1/9/2020.

[8] Tlđđ, truy cập ngày 1/9/2020.

[9] Sourdin, Tania. Justice in the age of technology: 'The rise of machines is upon us', https://search.informit.com.au/documentSummary;dn=789253840314771;res=IELHSS, truy cập ngày .  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[10] J Dysart, 20 apps to help provide easier access to legal help (2015), https://www.abajournal.com/magazine/article/20_apps_providing_easier_access_to_legal_help, ngày truy cập 2/2/2020.  

[11] J Dysart, 20 apps to help provide easier access to legal help (2015), https://www.abajournal.com/magazine/article/20_apps_providing_easier_access_to_legal_help, ngày truy cập 2/2/2020.  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[12] Post your legal case & get offers
from lawyers that practice in that state, https://www.berniesez.com, truy cập ngày 3/3/2020. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[13] Post your legal case & get offers
from lawyers that practice in that state, https://www.berniesez.com, truy cập ngày 3/3/2020.  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[14] Phần mềm Free Legal Advice (2020), https://play.google.com/store/apps/details?id=ukfreelegaladvice.co.uk&hl=vi, truy cập ngày 6/7/2020. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[15] Trang trợ giúp pháp lý LawHelp, https://www.lawhelp.org/, truuy cập ngày 23/1/2020. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[16] Online Dispute Resolution, https://ec.europa.eu/consumers/odr/main/?event=main.home2.show (truy cập ngày 1.2.2020)

[17] Online Dispute Resolution, http://justice.acclimation.com.au/odr-software/, truy cập ngày 4/5/2020. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[18] Sourdin, Tania. Justice in the age of technology: 'The rise of machines is upon us', https://search.informit.com.au/documentSummary;dn=789253840314771;res=IELHSS, truy cập ngày .  (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[19] Modria and the Future of Dispute Resolution, http://www.odreurope.com/news/articles/online-dispute-resolution/1172-modria-and-the-future-of-dispute-resolution, truy cập ngày 23/12/2019. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[20] Trung tâm trọng tài quốc tế Hà Nội, https://hiac.vn/dang-ki?returnurl=/khoi-tao-vu-viec, truy cập ngày 15/1/2020. (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[21] European ethical Charter on the use of Artificial Intelligence in judicial systems and their environment, https://www.unodc.org/ji/en/resdb/data/european_ethical_charter_on_the_use_of_artificial_intelligence_in_judicial_systems_and_their_environment_adopted_at.html, (truy cập ngày 1/9/2020). (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[22] Thống kê Internet Việt Nam 2020, https://vnetwork.vn/vi/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020 (truy cập ngày 1/9/2020) (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[23] Bình An, Nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế về trợ giúp pháp lý và giải pháp nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân, http://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/nhan-thuc-cua-nguoi-dan-dac-biet-la-doi-tuong-yeu-the-ve-tro-giup-phap-ly-va (truy cập ngày 2/9/2020) (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet)

[24] Bình An, Nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế về trợ giúp pháp lý và giải pháp nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân, http://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/nhan-thuc-cua-nguoi-dan-dac-biet-la-doi-tuong-yeu-the-ve-tro-giup-phap-ly-va (truy cập ngày 2/9/2020) (trích dẫn lại theo quy định đối với tài liệu tham khảo qua Internet).

The role of technology in ensuring the access to justice in civil proceedings

Ph.D Nguyen Thi Thu Thuy

Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The access to justice is an urgent issue in recent times and it is associated with the requirement of ensuring human rights and building a rule-of-law state in Vietnam today. The practice shows that the application of science and technology in specific activities of civil proceedings increase the transparency, enhances the access to dispute settlement institutions, hence it prevents disputes. This paper summarizes some methods of applying scientific and technological achievements to ensure the access to justice in civil proceedings, thereby proposing issues that need further researches for the similar application in Vietnam.

Keywords: The access to justice, technology, civil proceedings, building a rule-of-law state, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]