TÓM TẮT:

Doanh nghiệp là một trong những bên liên quan quan trọng nhất đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với giáo dục đại học. Hoạt động thực tiễn tại các doanh nghiệp chính là môi trường để kiểm định chính xác chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ cao trên thế giới và Việt Nam, cần phải có những nghiên cứu đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi liên kết đào tạo. Bài viết tập trung phân tích vai trò của doanh nghiệp gắn với hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học, chuỗi liên kết đào tạo.

1. Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ sở giáo dục đào tạo về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng với những thay đổi với tốc độ cao của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, vật liệu thông minh, người máy thế hệ mới, thương mại điện tử và hội nhập toàn cầu. Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất sử dụng sản phẩm của các cơ sở giáo dục đại học, một khâu quan trọng trong chuỗi liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang đối diện với những thách thức để tồn tại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự thích ứng, sáng tạo và đổi mới trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, việc nghiên cứu nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học là một nhu cầu cấp bách, một giải pháp để tồn tại của doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của các cơ sở giáo dục đại học.

2. Cơ sở lý luận

Tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng các trường đại học (AUN-QA). Nội dung xuyên suốt của bộ tiêu chuẩn luôn thể hiện vai trò của các bên liên quan, trong đó doanh nghiệp là một bên quan trọng nhất tham gia góp ý về xây dựng kết quả học tập mong đợi, chương trình đào tạo, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng đào tạo, những điểm hạn chế của sinh viên và thế mạnh của sinh viên.

Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn gắn chặt với xu thế toàn cầu hóa, đẩy mạnh hội nhập khu vực và thế giới. Cộng đồng các quốc gia ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên, đã xác định mục tiêu tiến đến một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung, với 5 yếu tố chính là: (i) các dòng hàng hóa tự do; (ii) các dòng dịch vụ tự do; (iii) các dòng đầu tư tự do; (iv) các dòng vốn tự do hơn (v) các dòng lao động tự do. Thực tế, nhu cầu lao động không chỉ đòi hỏi đáp ứng cho phát triển kinh tế trong nước, mà còn gắn kết với phát triển kinh tế khu vực ASEAN và thế giới. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo đại học đòi hỏi không chỉ diễn ra trong phạm vi ranh giới một quốc gia, mà còn vươn đến các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên toàn cầu.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương về tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam (2018) cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, nghiên cứu về vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết đào tạo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ. Cụ thể, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết giáo dục đại học, những cơ chế, chính sách cần được bổ sung, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết, đáp ứng cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học tại Việt Nam nói riêng.

3. Thực trạng chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Số liệu mới nhất theo từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/8/2019, đã có 222 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Số cơ sở giáo dục đào tạo được các tổ chức kiểm định chất lượng trong nước đánh giá ngoài là 133 đơn vị, trong đó 123 cơ sở giáo dục đào tạo đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Số chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước là 67 chương trình, trong đó có 19 chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Chất lượng của các sơ sở giáo dục đại học từng bước được khẳng định và nâng cao vị thế, đã có 3 cơ sở giáo dục đào tạo nằm trong danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất trên thế giới, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo và các chương trình đào tạo được nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có uy tín trên thế giới công nhận (Bảng 1).

Bảng 1. Một số chỉ tiêu về đánh giá chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

mot-so-chi-tieu-ve-danh-gia-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-viet-namNguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả theo thông tin từ Cục Đảm bảo chất lượng và các website

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 45/126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện về thứ bậc, như: Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Sản phẩm kiến thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo và cải thiện… Đây cũng là một minh chứng cho chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng.

Số lượng cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh về số lượng, gia tăng đội ngũ giảng viên và sinh viên trong giai đoạn 2010 - 2017 (Bảng 2), cho thấy nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển, đổi mới giáo dục đại học đã có kết quả bước đầu khá tích cực.

Bảng 2. Số lượng cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên và số lượng sinh viên đại học Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017

so-luong-co-so-giao-duc-dai-hoc-doi-ngu-giang-vien-va-so-luong-sinh-vien-dai-hoc-viet-nam-giai-doan-2010---2017Nguồn: Niên giám thống kê 2018, Tổng cục Thống kê

Tổng hợp từ Báo cáo điều tra lao động việc làm và Niên giám thống kê từ năm 2016 đến quí 1/2019 cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên có xu hướng tăng nhẹ từ 20,6% năm 2015 lên 22,2% vào Quí 1/2019 (Hình 1).

Hình 1: Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo giai đoạn 2015 – 2019

ty-le-lao-dong-co-viec-lam-da-qua-dao-tao-giai-doan-2015---2019

Nguồn: Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2015, 2016, Quí 1/2019 và Niên giám thống kê năm 2017, 2018, Tổng cục Thống kê

Theo cơ cấu lao động có việc làm có trình độ đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên, tỷ lệ lao động có việc làm từ trình độ đại học trở lên đang có xu hướng tăng, từ 6,4% năm 2012 lên 9,5% đến thời điểm quí 2/2018 (Hình 2).

Hình 2: Lực lượng lao động có việc làm giai đoạn 2012 - 2018

phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuậtluc-luong-lao-dong-co-viec-lam-giai-doan-2012---2018-phan-theo-trinh-do-chuyen-mon-ky-thuat

 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2015, quí 4/2017 và quí 2/2018 của Tổng cục Thống kê

 Bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, thị trường lao động Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập tồn tại qua nhiều năm. Với tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn ở mức khá cao 77,8% tính tại thời điểm quí 1/2019 cho thấy chất lượng lao động vẫn là thách thức và hạn chế lớn của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, phân tích theo khu vực cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn (Hình 3).

Hình 3: Cơ cấu lao động có việc làm đã qua đào tạo phân theo khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015 – 2018

co-cau-lao-dong-co-viec-lam-da-qua-dao-tao-phan-theo-khu-vuc-thanh-thi-va-nong-thon-giai-doan-2015---2018Nguồn: Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2015, 2016, Quí 1/2019 và Niên giám thống kê năm 2017, 2018, Tổng cục Thống kê

Về cơ cấu lao động thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2015 - 2018 đã thể hiện khuynh hướng tăng khoảng cách giữa lực lượng lao động chưa qua đào tạo và đã qua đào tạo. Kết quả này cho thấy, nhu cầu sử dụng lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 từng bước giảm dần sử dụng lực lượng lao động thủ công và đòi hỏi nhu cầu lao động có trình độ cao trên thị trường lao động Việt Nam (Hình 4).

Hình 4: Cơ cấu lao động thất nghiệp phân theo trình độ chuyên môn

kỹ thuật giai đoạn 2015 - 2018

co-cau-lao-dong-that-nghiep-phan-theo-trinh-do-chuyen-mon-ky-thuat-giai-doan-2015---2018

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2015, quí 4/2017 và quí 2/2018 của Tổng cục Thống kê

Đánh giá của doanh nghiệp về lao động sau tuyển dụng cũng thể hiện nhiều vấn đề cần lưu ý, tỷ lệ lao động sau tuyển dụng phải đào tạo lại khá cao, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên sau tuyển dụng, phát sinh lãng phí và áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34/2018/QH14 năm 2018 đã thể hiện quan điểm, chính sách của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo. Những hoạt động chính được khuyến khích bao gồm: hoạt động đầu tư vào giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận và tạo điều kiện cho người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; khuyến khích đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể để triển khai Luật Giáo dục đại học trên các khía cạnh tài chính, thuế, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp… vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, chưa đạt được mục đích đẩy mạnh sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.

Đội ngũ giảng viên doanh nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu là các doanh nhân thành đạt, hoạt động cộng tác chủ yếu là các buổi tọa đàm, trao đổi chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, chưa có quy định cụ thể về xây dựng và phát huy đội ngũ giảng viên doanh nghiệp đúng nghĩa với các cơ sở giáo dục đại học. Sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học còn mang tính tự phát trên cơ sở mối quan hệ quen biết với nhau, chưa trở thành xu thế và đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể.

Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong các chương trình đào tạo đều được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng, tuy nhiên chất lượng từ các hoạt động thực tiễn của người học như thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp vẫn bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian dài. Nguyên nhân xuất phát từ các doanh nghiệp phải tập trung cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, người được phân công hướng dẫn ngoài việc vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp giao thì hầu như các chế độ khác khi được giao hướng dẫn sinh viên thực tập hầu như không có. Cơ hội tiếp cận thực tế đối với nhiều hoạt động của doanh nghiệp như tài chính, kế toán, marketing, nghiên cứu và triển khai… đối với sinh viên thực tập còn hạn chế, vì những lý do bảo mật của doanh nghiệp. Từ thực trạng này một số cơ sở giáo dục đại học phải tập trung nguồn tài chính để đầu tư xây dựng nhiều phòng mô phỏng, nhằm đào tạo kỹ năng cho sinh viên qua thực tế ảo, kể cả đầu tư thành lập các hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ nhằm tạo điều kiện phát huy nguồn nhân lực là đội ngũ giảng viên, đồng thời là cơ sở để phục vụ cho người học tiếp cận với thực tế. 

Nhận thức của doanh nghiệp trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chủ yếu được quan tâm từ một số ít các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có quy mô lớn, trong khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 98,1% trong tổng số doanh nghiệp (năm 2018) có nhu cầu rất lớn và đa dạng về nguồn lao động vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của liên kết với các cơ sở giáo dục đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Từ thực trạng trên cho thấy đòi hỏi phải đổi mới cơ chế chính sách và xây dựng những giải pháp phù hợp, khai thông những điễm nghẽn trong hoạt động liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhanh và kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ cao trên toàn cầu.

4. Khuyến nghị và giải pháp

4.1. Khuyến nghị

* Đối với Nhà nước

- Cần xác định doanh nghiệp là một bên quan trọng trong chuỗi liên kết cung ứng nguồn nhân lực. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học cần cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước theo hướng đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, không phân biệt cơ sở giáo dục đại học công lập hay tư thục. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, tài chính, nhất là tín dụng, thuế nhằm khuyến khích các hoạt động liên kết của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục đào tạo.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư thành lập các doanh nghiệp trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học công lập gắn liền với các ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

- Xác định đội ngũ lao động có tri thức, kinh nghiệm tại các doanh nghiệp là nguồn lực quan trọng trong hoạt động liên kết nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nghiên cứu ban hành văn bản pháp lý để xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên doanh nghiệp.

- Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam trong chuỗi liên kết đào tạo.

* Đối với các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp

- Sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cần đa dạng hóa và theo nhiều cấp độ, từ hoạt động khởi nghiệp, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác sản xuất - kinh doanh đến hợp tác đào tạo (dài hạn, ngắn hạn, theo chuyên đề…) trên cơ sở giảm thiểu chi phí, khai thác tối đa thế mạnh của từng bên, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên tham gia, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo đại học nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung.

- Các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo xu thế tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng và phát triển các công cụ, phần mềm hỗ trợ trong giảng dạy kết hợp với phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên doanh nghiệp. Chương trình đào tạo cần xây dựng, điều chỉnh thích ứng với từng ngành đào tạo trên nền tảng điều kiện đáp ứng của từng cơ sở giáo dục đại học và các hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp.

- Đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong xu thế hiện nay đòi hỏi sự chủ động tích cực của tất cả doanh nghiệp, không phân biệt loại hình hay quy mô. Nâng cao nhận thức về gắn kết với cơ sở giáo dục đào tạo tạo nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam là một yêu cầu cấp bách để tồn tại và phát triển. (Hình 5)

Hình 5: Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục

đào tạo đại học

mo-hinh-lien-ket-giua-doanh-nghiep-va-co-so-giao-duc-dao-tao-dai-hoc

4.2. Giải pháp

- Sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động liên kết với cơ sở giáo dục đại học với nhiều hình thức đa dạng, có chính sách hợp lý đối với các khoản chi và thu của doanh nghiệp cho hoạt động này.

- Dù là cơ sở giáo dục đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng hay nghiên cứu thì những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng hội nhập với văn hóa doanh nghiệp vẫn là yếu tố hết sức quan trọng trong hoạt động đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý các cấp tại các doanh nghiệp là nguồn nhân lực đủ điều kiện đáp ứng cho các cơ sở giáo dục đại học trong triển khai các học phần có kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Phương pháp song giảng hoặc phối hợp giữa giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học và giảng viên doanh nghiệp cần được nghiên cứu và triển khai.

- Chương trình đào tạo truyền thống cần điều chỉnh theo hướng kết hợp giữa các học kỳ lý thuyết và học kỳ thực hành, đây là điều kiện để đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học tiếp cận, phát hiện những vấn đề đang tồn tại trong thực tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chương trình thực hành đảm bảo đủ về yếu tố thời gian trên nền tảng lượng kiến thức tích lũy cần thiết để sinh viên tiếp cận thực tế, đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế, chú trọng những kỹ năng cần thiết và phát huy trí sáng tạo, ươm mầm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên. Bố trí thời lượng và thời điểm thích hợp cho hoạt động thực hành phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp theo từng ngành cũng là cơ sở để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nhân sự, triển khai hoạt động thực hành, thực tập của sinh viên đạt kết quả tốt nhất. Đội ngũ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp qua hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp, vừa là cơ hội để doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực ngắn hạn; đồng thời cũng là cơ hội để tuyển chọn, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp trong tương lai.

- Chất lượng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học phải thể hiện qua kết quả chuyển giao ứng dụng trong thực tiễn. Để đạt được yêu cầu này, bắt buộc các cơ sở giáo dục đào tạo phải chủ động gắn kết với doanh nghiệp, phát hiện, giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại các doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để thay đổi và nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học, vừa khai thác trí tuệ của đội ngũ giảng viên, của đội ngũ người lao động có trình độ và kinh nghiệm tại doanh nghiệp, vừa giảm thiểu chi phí trong sử dụng cơ sở vật chất của đôi bên trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Cần xây dựng cơ chế kết hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo đại học nhằm khai thác tối đa nguồn lực hiện có giữa các bên, đáp ứng cho nhu cầu của hai bên về nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học cũng như đội ngũ lao động của doanh nghiệp. Nền tảng cho sự kết hợp bền vững này là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận.

5. Kết luận

Doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong chuỗi đào tạo cung ứng nguồn nhân lực. Với vai trò truyền thống là chủ thể sử dụng và đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vai trò của doanh nghiệp được thể hiện ở tất cả các khâu trong chuỗi đào tạo cung ứng nguồn nhân lực. Chất lượng hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học đòi hỏi sự nhận thức và đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp. Để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đòi hỏi cần có những chính sách khuyến khích của Nhà nước; sự chủ động của cơ sở giáo dục đào tạo trong xây dựng cơ chế phối hợp với doanh nghiệp đối với hoạt động tư vấn, đào tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Tài liệu tham khảo:

  1. ASEAN (2011), Cộng đồng kinh tế ASEAN - Sổ tay thông tin cho doanh nghiệp, Jakarta: Ban Thư ký ASEAN.
  2. Tổng cục Thống kê (2018), Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê.
  3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2015, 2016, quí 4/2017, quý 2/2018.
  4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quí I năm 2019.
  5.  Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, Trung tâm Thông tin - tư liệu.
  6. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-con-nhieu-bat-cap-post202309.gd .Truy cập ngày 10/12/2019.
  7. https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-dao-tao-lai-lao-dong-den-70-la-dao-tao-nhung-gi-644333.ldo. Truy cập ngày 10/12/2019.

THE ROLE OF VIETNAM’S ENTERPRISES IN HIGHER EDUCATION SECTOR IN THE CONTEXT OF INDUSTRY 4.0

Dr. TRAN TAN HUNG

University of Labor and Social Affairs - Ho Chi Minh City Campus

Dr. NGO THI MY THUY

University of Finance - Marketing Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Enterprises are one of the most important stakeholders for education and training institutions, especially for higher education sector. The quality of training could be accurately tested via practical activities in enterprises. In the context of Industry 4.0 which is a megatrend in the world and also in Vietnam, it is necessary to study the role of Vietnamese enterprises in the training linkage chain. This study focuses on analyzing the role of enterprises in developing training activities at higher education institutions and proposes solutions to enhance the role of enterprises in training high quality human resources.

Keywords: Industry 4.0, higher education, training linkage chain.