Vai trò, tác động của năng suất nhân tố tổng hợp đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

LỢI MINH THANH (Trường Đại học Kinh tế - Luật) và HÀ THỊ VIỆT THÚY (Học viện Chính trị khu vực II)

TÓM TẮT:

Năng suất các nhân tố tổng hợp (Total factor Productivity - TFP) là một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn và lao động, là căn cứ quan trọng để phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế đánh giá tiến bộ khoa học công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương hay một quốc gia. TFP đã và đang là chỉ tiêu quan trọng trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu, áp dụng. Ở Việt Nam, TFP đã được nghiên cứu và đưa vào áp dụng thực tế từ lâu, cùng với sự hình thành và phát triển của hệ thống các chỉ tiêu thống kê kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức và việc áp dụng TFP ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích vị trí, vai trò của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam; từ đó đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: năng suất nhân tố tổng hợp, tăng trưởng kinh tế, kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, vấn đề TFP và gia tăng TFP là vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành và địa phương. Ở Việt Nam, trong Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025: “Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP”[1]. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết cần nhận thức rõ vai trò, tác dụng của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, từ đó có những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy vai trò của TFP đối với tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian tới.

2. Khái quát về TFP

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), hay còn được gọi là phần dư Solow được đưa ra lần đầu tiên bởi Robert Merton Solow (1924) - một học giả kinh tế người Mỹ, trong nghiên cứu về lý thuyết tăng trưởng kinh tế (năm 1956). Khái niệm TFP ban đầu được dùng trong phân tích vĩ mô, nhưng sau đó nó được sử dụng rộng rãi trong các phân tích vi mô ở cấp độ ngành hay doanh nghiệp. Cùng với sự phổ biến rộng rãi của TFP, đã xuất hiện nhiều cách tiếp cận và nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ này.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế  (OECD) sử dụng thuật ngữ “Năng suất đa yếu tố” (MFP - Multi factor productivity) để chỉ khái niệm tương đương TFP[2]. “Năng suất đa yếu tố” (MFP) liên quan đến sự thay đổi về đầu ra bởi một số loại đầu vào. MFP được đo lường thông qua sự thay đổi về đầu ra mà không thể tính được thông qua thay đổi của đầu vào phối hợp. MFP thể hiện hiệu quả kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm công nghệ, quy mô sản xuất, kỹ năng quản lý, thay đổi trong tổ chức sản xuất[3]. Tác giả Tăng Văn Khiên đã viết về TFP, “suy cho cùng kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động (các nhân tố hữu hình), nhờ tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân,... (gọi chung là các nhân tố tổng hợp - các nhân tố về trình độ công nghệ tiềm ẩn trong các yếu tố cơ bản là vốn và lao động)[4]. Ở một góc độ diễn đạt khác, Trung tâm Năng suất Việt Nam cho rằng TFP: "phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng lao động, cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hóa - dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý,... Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn"[5].

Mặc dù có những khác biệt về thuật ngữ và cách diễn đạt, tuy nhiên bản chất của TFP là chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế, là căn cứ để phân tích hiệu quả kinh tế vĩ mô, đánh giá sự tiến bộ khoa học và công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi quốc gia. TFP có thể thay đổi do một số nguyên nhân chủ yếu như thay đổi chất lượng nguồn nhân lực (có thể do phát triển giáo dục, đào tạo), thay đổi cơ cấu vốn, thay đổi công nghệ (do phát triển khoa học và công nghệ), phân bổ lại nguồn lực và trình độ quản lý. Có những yếu tố quan trọng để góp phần tăng TFP, bao gồm: Giáo dục và đào tạo; Cơ cấu vốn; Tái cấu trúc kinh tế; Tăng nhu cầu; Tiến bộ công nghệ[6].

3. Vai trò và tác dụng của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Phương thức tăng trưởng thay đổi chưa rõ rệt, vẫn còn dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, lao động và các nguồn lực đầu vào khác; chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển. Để thực hiện mục tiêu: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn, khoa học vai trò của TFP đối với quá trình tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định, tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia luôn phụ thuộc chặt chẽ vào sự đóng góp của các yếu tố cơ bản là: Gia tăng vốn đầu tư phát triển; Gia tăng số lượng lao động đang làm việc; và gia tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Trong các yếu tố trên, TFP có vị trí, vai trò hàng đầu, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện trên các góc độ sau:

Thứ nhất, TFP là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Trong một thời gian dài, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tồn tại nhiều bất cập. Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Phương thức tăng trưởng thay đổi chưa rõ rệt, vẫn còn dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, lao động và các nguồn lực đầu vào khác; chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển” .  Điều này dẫn đến một hệ lụy, đó là muốn duy trì mức tăng trưởng cao, phải tiếp tục tăng thêm vốn và gia tăng số lượng lao động. Trong khi đó, quy mô kinh tế của nước ta còn nhỏ, tỷ lệ tiết kiệm thấp, nên khó tăng từ bên trong; vốn FDI và các nguồn khác đều có hạn và tỏ ra không chắc chắn; hơn nữa việc tăng vốn đầu tư thường có hiệu ứng phụ (gây bất ổn vĩ mô, lạm phát,…); nguồn lao động phổ thông, giá rẻ không còn là lợi thế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, để tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng từ “tăng trưởng theo chiều rộng” sang “tăng trưởng theo chiều sâu”, thì TFP đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi TFP gắn với tiềm năng trí tuệ của con người, nên có khả năng tăng “không giới hạn” mà không gây ra hệ lụy tiêu cực nào cho nền kinh tế. Không tăng TFP cũng đồng nghĩa với không thể thực hiện được thay đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Thứ hai, TFP góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia. Lý luận và thực tiễn đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của TFP đối với tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở Việt Nam, theo báo cáo Năng suất Việt Nam 2020, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam tăng TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng TFP đóng góp khoảng 45,7% vào tăng trưởng kinh tế. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất của các nước thành viên Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO). Trong đó, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Giai đoạn 2011 - 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%)7… Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng trong cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam. Giai đoạn 2007 - 2017, GCI của Việt Nam đã tăng 13 bậc, từ thứ hạng 68/121 năm 2007 lên 55/137 năm 2017. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được nâng hạng, tăng 10 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 67/141 nền kinh tế. 8

Thứ ba, TFP giúp Việt Nam giải quyết được những vấn đề nan giải về môi trường, xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhanh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các mục tiêu phát triển của Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh nếu không gắn với những mục tiêu phát triển bền vững, sẽ mang lại những hệ lụy không lường. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nếu không thực hiện tốt sự quản lý của Nhà nước, những hệ lụy này lại càng nặng nề hơn. Những hệ lụy đó là: tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm, thậm chí là cạn kiệt, chất lượng tài nguyên ngày càng kém đi, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, hủy diệt; từ đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế dài hạn, đến thu nhập của dân cư; mức sống, chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút, đất nước không có tiềm lực kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội,… Việc tăng TFP trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn, giúp Việt Nam từng bước giải quyết hiệu quả những vấn đề bất cập đó; đồng thời đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã xác định.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Để tiếp tục phát huy vai trò của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm phát huy vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế, bởi các yếu tố tạo nên TFP đều gắn liền với nguồn nhân lực, với trí tuệ của con người. Ở cấp độ vĩ mô, cần thực hiện tốt chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của quốc gia và của các ngành, các lĩnh vực. Ở cấp độ vi mô, cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề nhằm tạo nên nguồn nhân lực có năng lực, phẩm chất, trình độ tay nghề đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của từng doanh nghiệp, đơn vị kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” bằng các biện pháp hướng nghiệp dạy nghề, phân luồng hướng nghiệp từ sớm với đối tượng học sinh phổ thông. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện đồng bộ các chính sách về y tế, giáo dục, bảo hiểm,… để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng toàn diện cho nguồn nhân lực.

Hai là, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, việc cơ cấu lại nền kinh tế cần “gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao”[7]. Hoạt động này nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Những hoạt động đồng bộ này sẽ giúp hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành, nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, phát huy được tối đa vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế.

Ba là, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Đầu tư công là động lực vô cùng to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, giúp cho nền kinh tế có được sự tăng trưởng tốt bảo đảm cuộc sống của người dân và cộng đồng sinh sống tại Việt Nam. Hiệu quả đầu tư công là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế. Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công ở Việt Nam hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện thể chế đầu tư công, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập. Triệt để khắc phục tình trạng dự án chưa có chủ trương phê duyệt đầu tư nhưng vẫn khởi công, sau đó được đưa vào danh mục các dự án đầu tư.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần chú trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 3 cơ chế: cơ chế phát triển khoa học - công nghệ hướng vào ứng dụng (tạo cung), cơ chế phát triển kinh tế - xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo (tạo cầu) và cơ chế liên kết phát triển khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội (liên kết cung - cầu); phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển khoa học và đổi mới công nghệ. Thực hiện trên thực tế: phát triển khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao vào trung tâm của sự phát triển, tạo thành “Tam giác vàng: Con người  - Thể chế - Công nghệ”, bảo đảm đồng bộ tính khả thi về khoa học - công nghệ, về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước.

Năm là, từng bước thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ nhằm làm tăng TFP. Thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến các yếu tố tạo nên TFP của nền kinh tế. Theo yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, việc thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam cần được thực hiện theo các tiêu chí: 1) Đảm bảo độ tin cậy, độ bền, giá cả và khả năng giao hàng theo yêu cầu của khách hàng; 2) Sự gia tăng hàng hóa, dịch vụ phải giảm thiểu tác động xấu tới môi trường và xã hội. Những tiêu chí này cơ bản phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững, không chỉ của Việt Nam mà cả trong khu vực và trên thế giới.

5. Kết luận

Đối với mỗi quốc gia hiện nay, mục tiêu hàng đầu của tăng trưởng kinh tế là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong đó, nâng cao TFP  là vấn đề quan trọng. Đối với người lao động, nâng cao TFP sẽ góp phần nâng lương, nâng thưởng, điều kiện lao động được cải thiện, công việc ổn định hơn đối với doanh nghiệp giúp có khả năng mở rộng tái sản xuất; còn đối với nền kinh tế sẽ nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, nâng cao phúc lợi xã hội. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để phát huy tối đa vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Quốc hội (2021). Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội.

[2] OECD (2001). Measuring Productivity: Measurement of aggregate and industry-level productivity growth. OECD Manual. (http://www.oecd.org/dataoecd/59/29/2352458.pdf)

[3] Park, Jungsoo (2010). Projection of Long - Term Total Factor Productivity Growth for 12 Asian Economies. ADB Economics Working Paper Series, No. 227, October 2010. 47 pp

[4] Tăng Văn Khiên (2005). Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp: Phương pháp tính và ứng dụng. Hà Nội: NXB Thống kê.

[5] Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009). Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006 - 2007.

[6] Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009). Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006 - 2007.

[7] Nguyễn Phi Long (2022), Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-va-co-cau-lai-nen-kinh-te-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19-137994

[8] Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (2021), Báo cáo Năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài và Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ngày 21 tháng 3 năm 2021.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2019). Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
  2. Tăng Văn Khiên (2005). Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp: Phương pháp tính và ứng dụng. Nxb Thống kê Hà Nội.
  3. Park, Jungsoo. (2010). Projection of Long-Term Total Factor Productivity Growth for 12 Asian Economies. ADB Economics Working Paper Series, No. 227, October 2010.
  4. OECD. (2001). Measuring Productivity: Measurement of aggregate and industry-level productivity growth. OECD Manual. Retrieved from: http://www.oecd.org/dataoecd/59/29/2352458.pdf.
  5. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15, ngày 12/11/2021, về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội.
  6. Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009). Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006 - 2007. Hà Nội.

 

THE ROLE AND IMPACT OF TOTAL FACTOR PRODUCTIVITY ON VIETNAM’S ECONOMIC GROWTH

LOI MINH THANH1

HA THI VIET THUY2

1University of Economics and Law

2Academy of  Politics Region II

Abstract:

Total factor productivity (TFP) is one of the most accurate and general indicators of the efficiency of capital and labor use. It is also an important basis for analyzing the quality of economic growth or scientific and technological progress of each industry, each locality or a country. TFP is considered an important indicator in the system of economic indicators, and it has been studied and applied by many countries around the world. In Vietnam, TFP has been studied and used for a long time along with the development of the country’s system of economic statistical indicators. However, the awareness and application of TFP in Vietnam is still limited. This paper focuses on two major issues: 1) The position and role of TFP in Vietnam's economic growth; 2) Some solutions to promote the role of TFP in Vietnam's economic development in the coming time.

Keywords: total factor productivity, economic growth, economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 4, tháng 3 năm 2022]