Vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên thị trường hiện nay

ThS. NCS. ĐỖ THẾ DƯƠNG (Học viện Chính sách và Phát triển)

TÓM TẮT:

Công nghệ thông tin đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, là cầu nối gắn kết giữa nhà tuyển dụng với người lao động; đồng thời góp phần tăng năng suất lao động xã hội, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Bài viết phân tích vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên thị trường hiện nay. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động trên thị trường.

Từ khóa: công nghệ thông tin, tìm kiếm việc làm, thị trường.

1. Một số khái niệm cơ bản

 “Công nghệ (tiếng Anh: technology) là sự phát minh, sự thay đổi, việc sử dụng và kiến thức về các công cụ, máy móc, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, hệ thống, và phương pháp tổ chức, nhằm giải quyết một vấn đề, cải tiến một giải pháp đã tồn tại, đạt một mục đích, hay thực hiện một chức năng cụ thể đòi hỏi hàm lượng chất xám cao. Công nghệ ảnh hưởng đáng kể lên khả năng kiểm soát và thích nghi của con người cũng như của những động vật khác vào môi trường tự nhiên của mình. Công nghệ chính là sự ứng dụng những phát minh khoa học vào những mục tiêu hoặc sản phẩm thực tiễn và cụ thể phục vụ đời sống con người, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hoặc thương mại”[1]. Thuật ngữ công nghệ có thể được dùng một cách phổ biến nhất hiện nay, phù hợp với các quan điểm, chính sách phát triển và quản lý công nghệ, đó là khái niệm về công nghệ đã được quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ. Đó là: Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm.

Thông tin (tiếng Anh: Information) luôn được hiểu như các thông báo nhằm mang lại một sự hiểu biết nào đó cho đối tượng nhận tin. Căn cứ pháp lý: Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin 2016: “Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”.

 “Công nghệ thông tin, (tiếng Anh: Information Technology hay là IT) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin”[2]. Ở Việt Nam, khái niệm Công nghệ Thông tin được hiểu và định nghĩa trong Nghị quyết Chính phủ 49/CP ký ngày 04/08/1993: “Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”[3].

Trong kinh tế học và kinh doanh, thị trường là nơi người mua và người bán tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa và dịch vụ. Trên thực tế, thị trường là một tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau, dẫn đến khả năng trao đổi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

2. Vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm việc làm trên thị trường hiện nay

Thực tế hiện nay, miếng bánh thị trường ngày càng bị thu hẹp, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng lớn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm việc làm sẽ được rất nhiều người lao động lựa chọn.

Thứ nhất, công nghệ thông tin sẽ cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng và người lao động.

Đối với nhà tuyển dụng, để triển khai được hoạt động sản xuất - kinh doanh trên thị trường một cách hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cần chủ động cung cấp thông tin và giới công việc, mức lương, nhân lực cần tuyển dụng,... vào vị trí việc làm cho phù hợp với dây chuyền sản xuất - kinh doanh và đặc thù công việc. Đặc biệt ở những vị trí then chốt quyết định đến sự thành công hay thất bại của công ty đòi hỏi phải nhanh chóng tìm kiếm cho được nguồn nhân lực chất lượng cao cho vị trí đó. Vì vậy, nhà tuyển dụng phải chủ động sử dụng và ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào tuyển dụng nguồn nhân lực, như: Sử dụng website của công ty để đăng tải thông tin tuyển dụng; hoặc đăng tải trên Google, Zalo, Facebook,… Việc có được nguồn nhân lực tốt được coi là chìa khóa thành công đối với doanh nghiệp. Đối với người lao động chỉ cần tìm kiếm trên Google và các trang mạng xã hội cụm từ “tìm kiếm việc làm”, hoặc “tuyển dụng cộng với tên vị trí” sẽ nhận được hàng trăm nghìn kết quả. Sau đó, người lao động truy cập vào website tìm kiếm việc làm, lọc theo yêu cầu, mức lương, địa điểm là họ sẽ biết ngay một số công ty đang tuyển dụng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm công việc giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và công sức hơn; đồng thời những trao đổi tương tác với nhà tuyển dụng sẽ thuận tiện hơn.

Thứ hai, công nghệ thông tin gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD”[4]. Nhìn chung, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dịch bệnh covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, người lao động có nhu cầu muốn làm tăng ca, làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập, nhằm cải thiện đời sống. Chính vì vậy, công nghệ thông tin cung cấp và chia sẻ thông tin gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động. Bản thân người lao động căn cứ vào điều kiện thực tế như: thời gian làm việc, sức khỏe, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, năng lực của bản thân,… để nộp hồ sơ dự tuyển trên online hoặc offline. Sau đó, chủ động đến phỏng vấn, thử việc và chờ đợi kết quả thông báo từ nhà tuyển dụng. Trong thời gian tìm việc, hoặc chờ việc nhờ công nghệ thông tin mà người lao động có thể update nhiều hồ sơ xin việc đến các doanh nghiệp khác nhau, thông qua đó họ có nhiều cơ hội lựa chọn môi trường làm việc cho phù hợp với bản thân.

Thứ ba, công nghệ thông tin gia tăng thu nhập cho người lao động.

Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, năng suất lao động xã hội Việt Nam đã gia tăng nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Tăng năng suất lao động của năm 2018 cao hơn mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân hằng năm đưa ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm cao hơn 5,5%”. 

nang_suat_lao_dong_binh_quan

Bằng phương pháp tổng hợp số liệu và phân tích, số liệu tổng hợp từ Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng 4,35%/năm và giai đoạn 2011-2018, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân là 4,88%/năm. Xét riêng năm 2017-2018, tốc độ tăng bình quân đạt 5,99%/năm. 

Năng suất lao động tính theo giá thực tế, vì bản chất năng suất lao động chính là GDP/số người lao động nên để có cái nhìn rõ hơn về năng suất lao động cần đặt nó trong mối tương quan của GDP. Dựa trên số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình kinh tế các năm của Tổng cục Thống kê, tác giả xây dựng Biểu đồ tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam qua các năm. 

toc_do_tang_truong_gdp

Sử dụng phương pháp phân tích từ kết quả biểu đồ cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,91%/năm, trong đó do tăng năng suất lao động 4,35% (đóng góp 84,4% vào tăng GDP). Năm 2016 - 2017, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,51%/ năm, đóng góp do tăng năng suất lao động 6,09% (đóng góp do tăng năng suất lao động lên tới 93,5%). Năm 2017-2018, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,95%, đóng góp do tăng năng suất lao động 5,93% (đóng góp 85,3%). Số liệu này cho thấy tăng năng suất lao động ngày càng có vai trò lớn hơn trong tăng GDP của Việt Nam nhưng trong năm 2018 đang có sự sụt giảm. Biểu đồ trên cho thấy, sự biến động cùng chiều của GDP và năng suất lao động thể hiện vai trò của năng suất lao động là động lực chính tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Xét ở cấp độ vĩ mô cho thấy, chính nhờ vai trò của công nghệ thông tin là một trong những nhân tố then chốt giải quyết việc làm thường xuyên, làm thời vụ, làm công ăn lương, làm khoán theo sản phẩm cho người lao động và ở nhiều địa điểm khác nhau. Công nghệ thông tin đã mở ra cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

3. Một số biện pháp nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động trên thị trường

Một là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin

Các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin bắt buộc ký cấp phép kinh doanh và đăng ký kiểm định chất lượng đạo tạo theo định kỳ. Phải đáp ứng được hạ tầng cơ sở đào tạo, hạ tầng mạng internet, các thiết bị phục vụ giảng dạy, chủ động update và mua các phần mềm bản quyền phục vụ hoạt động dạy và học nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo và bồi dưỡng.

Các giảng viên thuộc các Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin phải có bằng đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên. Ngoài ra, phải có các chứng chỉ tin học đạt chuẩn quốc tế như: MOS, IC3, lập trình viên của Microsoft,… Ngoài ra, giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ thực hành nghề tin học văn phòng.

Hai là, người lao động phải tích cực, chủ động nâng cao năng lực công nghệ thông tin

Người lao động để có thể ra nhập và đáp ứng được thị trường lao động. Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm khác. Do đó, phải thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo chuẩn công nghệ thông tin quy định tại Thông tư số TT03/2014/TT-BTTTT  ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản (bắt buộc) và chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nâng cao theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu công việc. Ngoài ra, người lao động có thể chủ động học tập và thi lấy chứng chỉ tin học IC3, MOS theo chuẩn quốc tế, góp phần ra nhập thị trường lao động toàn cầu.

Thứ ba, người lao động phải biết chọn lọc các thông tin xác thực.

Người lao động trong quá trình tìm kiếm các thông tin việc làm trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin “thật”, “giả” lẫn lộn, thậm chí có cả thông tin lừa đảo để mua bán sức lao động trên mạng xã hội. Vì vậy, người lao động phải có năng lực làm chủ công nghệ thông tin, năng lực kiểm chứng thông tin, năng lực đánh giá thông tin,… Bên cạnh đó, cần dựa vào các trang mạng xã hội chính thống, tìm việc làm tại các trang web, nơi tuyển dụng uy tín. Hiện nay, các thông tin tuyển dụng lan tràn trên các mạng xã hội, kênh tuyển dụng online, tờ rơi,... nên khiến người tìm việc làm thêm khó có thể phân biệt được đâu mới là nơi tuyển dụng đáng tin cậy.

Chính vì vậy, để tránh bị lừa đảo, người lao động cần tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm hay các trang web tìm việc làm uy tín, chất lượng. Những cơ sở, kênh tuyển dụng uy tín sẽ giúp người lao động có thông tin rõ ràng, hướng dẫn ứng tuyển cũng như thông tin được cung cấp minh bạch để bạn dễ dàng lựa chọn công việc phù hợp. Ngoài ra, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm, tìm việc làm lao động phổ thông, việc làm theo bằng cấp, chuyên môn... có thể truy cập vào Joboko.com. Đây là website tìm việc làm, đăng tin tuyển dụng miễn phí được nhiều người đánh giá cao. Các tin đăng tuyển đều được xác minh từ các công ty, doanh nghiệp uy tín nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Người lao động có nhu cầu tìm việc làm part time hay full time, thì trang web cũng liên tục cập nhật tin đăng tuyển mới nhất giúp nhanh chóng có được việc làm theo ngành nghề đào tạo.

Như vậy, có thể khẳng định công nghệ thông tin là một nguồn lực kinh tế then chốt của quốc gia, là chìa khóa cung cấp thông việc làm cho người lao động trên thị trường hiện nay. Vì vậy, bản thân người lao động phải tích cực, chủ động nâng cao năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm và ứng dụng trong công việc nhằm tạo ra cơ hội, việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Công nghệ. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_ngh%E1%BB%87

[2] Princeton WordNet Search 3.1. Available at: <http://wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn?s=information%20technology>

[3]Chính phủ Việt Nam (1993), Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.

[4] Việt Dũng (2021). IMF: Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 10.000 USD. <https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/imf-nam-2020-gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-dat-tren-10000-usd-331067.html>

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2014). Thông tư TT03/2014/TT-BTTTTngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
  2. Quốc hội (2016). Luật tiếp cận thông tin 2016.
  3. Princeton WordNet Search 3.1. Retrieved: http://wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn?s=information%20technology
  4. Chính phủ Việt Nam (1993), Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.
  5. Việt Dũng (2021). IMF: Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 10.000 USD. <https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/imf-nam-2020-gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-dat-tren-10000-usd-331067.html>

 

THE ROLE OF INFORMATION TECHNOLOGY IN SEEKING JOBS

AND IMPROVING INCOME OF WORKERS

IN THE CONTEXT OF CURRENT LABOUR MARKET

Ph.D student, Master. DO THE DUONG

Academy of Policy and Development

ABSTRACT:

Information technology plays a very important role in the market economy as a bridge connecting employers with employees. In addition, it helps to increase the labour productivity, boost the income and improve the material and spiritual life of workers. This paper analyzes the role of information technology in searching for jobs and improving income for workers in the current conditions. This paper also presents some solutions to promote the use of information technology in seeking jobs for workers.

Keywords: information technology, job search, market.