VALOMA: Khảo sát, tìm hiểu hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Nam Định

Các giảng viên, sinh viên từ nhiều trường đại học, cùng các doanh nghiệp dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu đã khảo sát, tìm hiểu thực tế hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại tỉnh Nam Định.

Ngày 13/1, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Nam Định.

Đoàn khảo sát do ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu; giảng viên; sinh viên từ các chuyên ngành/ bộ môn đào tạo Logistics và chuỗi cung ứng tại các trường đại học, cao đẳng là thành viên VALOMA.

Tại Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Đoàn công tác đã tham quan, tìm hiểu hoạt động của âu tàu Nghĩa Hưng.

nam định 1
Đoàn tham quan, tìm hiểu hoạt động của âu tàu Nghĩa Hưng.

Kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, hai con sông quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Đây là công trình kênh đào có quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6. Dự án có điểm khởi đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng), điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng).

Theo thiết kế, luồng Nghĩa Hưng là luồng thủy nội địa quốc gia có cấp kĩ thuật đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng đáy 90 m, cao trình đáy - 6,3 m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100 m, cao trình đáy - 6,7 m); chiều cao tĩnh không thông thuyền là 15 m.

Trong đó, công trình Âu tàu Nghĩa Hưng dài 179m; rộng 17m; chiều cao 10,5 m; chiều dài hữu dụng 160 m; cao trình đáy âu -7.0 m; cao trình đỉnh âu +10.5 m; kết cấu bê tông cốt thép, tường đứng hình chữ U bằng bê tông cốt thép.

Hệ thống neo âu tàu là hệ thống neo cố định ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo. Khu chờ tàu gồm 2 khu, trong đó đầu Âu tàu phía sông Ninh Cơ có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành; đầu Âu tàu phía sông Đáy có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành. Trọng tải phương tiện được phép đi qua âu: đến 3.000 DWT.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được khởi công ngày 01/3/2021 và hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30/6/2023, đến ngày 25/7 chính thức được đưa vào khai thác, vận hành.

nam định 2
nam định 3
Các tàu hàng đi qua âu tàu Nghĩa Hưng, Cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ.

Đại diện Ban quản lý đơn vị cho biết, tính từ tháng 9/2023 đến nay đã có khoảng 300 tàu sông pha biển (VR-SB) đi qua âu tàu Nghĩa Hưng, số lượng tàu sông còn nhiều hơn, ước tính khoảng 40 - 50 lượt tàu chở hàng đi qua âu tàu này mỗi ngày. Các chủ tàu không phải trả bất cứ khoản chi phí nào khi qua kênh Nghĩa Hưng.

nam định 6
Đại diện Ban quản lý âu tàu Nghĩa Hưng trao đổi với Đoàn công tác.

Kênh đào Nghĩa Hưng được đưa vào hoạt động có ý nghĩa lớn cho giao thông vận tải, thủy lợi và phát triển kinh tế của khu vực. Kênh đào này sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó giảm gánh nặng cho đường bộ. Kênh đào này cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng chống ngập lụt, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Tại Nhà máy may Sông Hồng 10 (Công ty cổ phần May Sông Hồng), Đoàn công tác đã có buổi làm việc, trao đổi với đại diện Lãnh đạo Nhà máy về hoạt động của Nhà máy, chính sách sử dụng lao động cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.

nam định 4
Đoàn tham quan, làm việc tại Nhà máy may Sông Hồng 10 (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải cho biết, các hội viên của VALOMA là đại diện các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu hoạt động thực tế của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa - một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị. Từ đó có những trao đổi, kết nối giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp liên quan.

anh Hải
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA phát biểu tại buổi làm việc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khuyến - Giám đốc điều hành Nhà máy may Sông Hồng 10, Công ty CP May Sông Hồng là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam.

Với hơn 20 xưởng sản xuất và khoảng 12.000 lao động được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định, có lợi thế về vị trí địa lý gần sân bay, cảng biển, nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng với chi phí cạnh tranh, bộ máy quản lý là người Việt Nam, kết hợp thêm việc tuyển dụng các chuyên viên quốc tế đầu ngành, công ty hiện là đối tác của rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên toàn thế giới như: Nike, Colombia, Walmart… Hiện khoảng 75% - 80% sản phẩm của May Sông Hồng là phục vụ xuất khẩu với thị trường chủ yếu như: Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc…

nam định 5
Ông Nguyễn Ngọc Khuyến - Giám đốc điều hành Nhà máy may Sông Hồng 10, Công ty CP May Sông Hồng giới thiệu về hoạt động của Nhà máy.

Để phù hợp với xu thế của chuỗi cung ứng hàng dệt may thời trang trên thế giới hiện nay, May Sông Hồng không ngừng tìm tòi, đầu tư hệ thống sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nhãn hàng và ngày càng nâng cao uy tín trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.

Với riêng Nhà máy may Sông Hồng 10 là nhà máy mới đưa vào hoạt động của Công ty CP May Sông Hồng, cũng là nhà máy hiện đại nhất của Công ty được trang bị hệ thống sản xuất hiện đại, sử dụng phần lớn năng lượng Mặt Trời, với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn… Nhà máy có 02 xưởng may với 40 chuyền may, khoảng 2.200 lao động làm việc thường xuyên được bảo đảm đầy đủ chế độ, quyền lợi và các chính sách ưu tiên dành cho lao động nữ.

Tại buổi làm việc, đại diện các giảng viên, sinh viên của các cơ sở đào tạo chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng cùng Lãnh đạo doanh nghiệp đã trao đổi về nhu cầu sử dụng nhân lực cũng như định hướng hợp tác hướng dẫn sinh viên thực tập tại doanh nghiệp…

Chuyến khảo sát hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Nam Định là hoạt động thực tế đầu tiên được Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức trong năm 2024.

Sau gần 03 năm đi vào hoạt động, VALOMA đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cho các giảng viên, sinh viên của các cơ sở đào tạo là hội viện Hiệp hội được tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Thông qua các hoạt động này, nhiều trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành/ bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để hợp tác đào tạo cũng như cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành logistics; hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo logistics; nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, gắn đào tạo với thực hành, thực tập và thực nghiệp tại doanh nghiệp; thu hút và tạo ra nguồn nhân lực logistics chuyên nghiệp, chất lượng. Qua đó đóng góp thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.

Việt Hằng