Vấn đề định tội đối với tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (PHẦN 2)

NCS.ThS. ĐOÀN TRỌNG CHỈNH (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) và ThS. LÊ THỊ MINH THƯ (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, “là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện”. Các quy định của pháp luật cũng như lý luận về tội danh này tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi áp dụng quy định của pháp luật về tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn khi định tội. Một trong những khó khăn đó là xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu của Tội giết người hay Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Dù đã có nhiều hướng dẫn giải quyết hai tội phạm này như Nghị quyết số 01/NQ ngày 19/4/1989, Nghị quyết số 04/NQ ngày 29/11/1996 của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) và Công văn số 03/CV ngày 22/10/1987, số 140/CV ngày 11/12/1998 của Tòa án nhân dân tối cao nhưng vẫn chưa đáp ứng hết những yêu cầu cụ thể riêng biệt để áp dụng thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là giai đoạn hiện nay. Khi cùng một hành vi phạm tội nhưng định tội danh khác nhau bởi mặt khách quan của Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích khá giống nhau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người phạm tội cũng như chính cơ quan tiến hành tố tụng.

Tiếp nối Phần 1 tác giả đã trình bày về trường hợp thứ nhất (Tạp chí Công Thương, Ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 9 tháng 5/2019), trong bài này tác giả sẽ trình bày tiếp nội dung của trường hợp hai “Phân biệt Tội giết người với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả chết người”.

Từ khóa: Cố ý gây thương tích, định tội, tội giết người, phạm tội chưa đạt.

3. Phân biệt Tội giết người với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả chết người

3.1. Mặt khách quan

Muốn phân biệt được hai tội phạm này, phải phân tích các tình tiết khách quan, nghĩa là các tình tiết được thể hiện ra bên ngoài một cách toàn diện, biện chứng, thông qua hành vi của người phạm tội. Các tình tiết đó thường là các tình tiết như: dùng vũ khí gì? súng, dao, gậy, thuốc độc? dao thì sắc hay cùn? Thuốc độc thì mức độ độc như thế nào? Cách dùng vũ khí như thế nào? Đánh, chém nặng hay nhẹ? Đánh, chém, bắn vào chỗ nào trong cơ thể nạn nhân? Thương tích để lại như thế nào? Qua đó để xác định xem khả năng gây ra cái chết cho nạn nhân nhiều hay ít? Cần kết hợp những tình tiết trên với những tình tiết khác như: trình độ nhận thức của người phạm tội, tuổi tác của hai bên người phạm tội và nạn nhân, tính tình thường ngày của họ, quan hệ giữa họ trước đây như thế nào? Thái độ, cách ăn nói, cử chỉ của họ trước, trong và sau khi xẩy ra sự việc làm chết người?… Cần so sánh, đối chiếu tình tiết này với tình tiết khác, trên cơ sở đó có thể có được một lập luận thống nhất lôgic về cách nhận định sự việc, giải đáp các vấn đề như: người phạm tội có thấy trước được hậu quả xảy ra do hành vi của mình không? Đối với kết quả đó người phạm tội muốn hay không muốn? Người phạm tội có thái độ bàn quan trước việc nạn nhân chết do hành vi của mình không? Động cơ đã thúc đẩy người phạm tội hành động và nhằm mục đích gì?… Qua thực tiễn, có thể rút được một số kinh nghiệm qua một số trường hợp sau:

Trong khi hành động người phạm tội có những hành vi cố ý có nhiều khả năng làm chết người và họ nhận thức được điều đó. Vấn đề đánh giá khả năng làm chết người nhiều hay ít có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ: trong khi hai bên đánh nhau đấm một cái vào sườn đối phương, không may làm vỡ lá lách, làm chết người, thì định tội là cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, vì khả năng làm chết người là rất ít. Nếu khả năng làm chết người khá lớn (ví dụ: dùng gậy to, nặng vụt mạnh vào đầu làm vỡ sọ dẫn đến chết người) thông thường phải định tội là giết người. Nếu hành vi rất nguy hiểm, khả năng làm chết người rất lớn (ví dụ: cầm dao sắc, nhọn đâm mạnh vào bụng người khác) thì thông thường hay định là tội giết người (với lỗi cố ý trực tiếp) mặc dù có thể nạn nhân không chết. Nói cách khác, nếu xác định được rõ ràng trong khi hành động, người phạm tội nhận thức được khả năng làm chết người nhưng cố ý thực hiện hành vi thì không định Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người mà định Tội giết người. Tuy nhiên điều này chỉ có tính chất tương đối: luôn luôn phải đối chiếu với những tình tiết khác của vụ án cân nhắc đánh giá một cách toàn diện, biện chứng, mới có thể kết luận chính xác trong mỗi vụ án cụ thể. Khi đối chiếu với những tình tiết khác của vụ án, nếu có thể xác định được là người phạm tội có ý muốn giết người từ trước hoặc ngay khi hành động thì định tội là giết người (cố ý trực tiếp).

Một trường hợp đáng chú ý nữa là trường hợp không muốn giết người mà chỉ muốn làm bị thương nhưng biện pháp để gây thương tích là một biện pháp hết sức nguy hiểm, lại rất khó chủ động trong hành vi của mình là biện pháp bắn về phía người khác ở một khoảng cách tương đối xa và hậu quả làm chết người thì thường định Tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan thời gian địa điểm, công cụ phương tiện thực hiện tội phạm,… cũng cần được xem xét để định tội đúng. Công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm sẽ có vai trò quan trọng khi định tội. Cụ thể để phân biệt dựa theo các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan của cấu thành hai tội này cần chú ý các trường hợp sau:

  Thứ nhất, vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân và mức độ nghiêm trọng của thương tích. Đối với Tội giết người, thông thường người phạm tội lựa chọn những vùng xung yếu trên cơ thể (như vùng đầu, vùng cổ, ngực, vùng bụng...) để tấn công làm cho nạn nhân có thể chết ngay. Trong trường hợp này cần xác định người phạm tội nhận thức đư­ợc hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho nạn nhân như­ng vẫn thực hiện hành vi và mong muốn (hoặc bỏ mặc) cho hậu quả xảy ra; Đối với Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, người phạm tội không lựa chọn những vị trí xung yếu để tấn công mà tấn công vào bất kỳ vùng nào trên cơ thể nạn nhân nhằm gây thương tích cho họ. Tuy nhiên, việc xem xét vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân và mức độ nghiêm trọng của thương tích cũng chỉ mang tính tương đối và trong từng trường hợp cụ thể cần phải được xem xét một cách toàn diện cùng các yếu tố khác mới có thể đánh giá đúng ý thức chủ quan của người phạm tội. Trong những điều kiện đặc biệt như­ sự việc xảy ra trong đêm tối, người phạm tội bị nhiều người tấn công hoặc trong lúc đang giằng co, vật lộn với nhau, người phạm tội không hoàn toàn làm chủ đ­ược hành vi của mình mà đâm chém bừa thì nên xem xét thận trọng, toàn diện để định tội danh cho chính xác.

Thứ hai, vũ khí, hung khí tấn công. Đối với Tội giết người, người phạm tội thường sử dụng vũ khí hoặc các loại hung khí có mức độ nguy hiểm cao, có nhiều khả năng gây chết người như­ súng, lựu đạn, lư­ỡi lê, dao nhọn, mã tấu,... đã được chuẩn bị để tấn công nạn nhân. Đối với Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, thông thường người phạm tội chỉ sử dụng tay, chân, để đấm, đá hoặc dùng các loại hung khí bất kỳ có mức độ nguy hiểm không cao để tấn công nạn nhân. Tuy nhiên, sự phân biệt trên cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì trên thực tế có trường hợp người có võ thuật chỉ dùng tay chân đấm đá vào những vùng nguy hiểm dẫn đến hậu quả chết người thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, bởi họ biết rõ hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người. Ngược lại, có trường hợp dùng dao là hung khí nguy hiểm nhưng do chỉ muốn gây thương tích nên đâm vào chân, nhưng không may vào động mạch chủ dẫn đến chết người do mất máu, thì cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.

Thứ ba, c­ường độ tấn công. Đối với Tội giết người, do mong muốn tước đoạt sinh mạng của nạn nhân nên cường độ tấn công của người phạm tội rất cao và quyết liệt để có thể làm cho nạn nhân chết ngay (trừ trường hợp lỗi cố ý gián tiếp). Nhưng đối với Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, do mong muốn chỉ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nên thông thường, cường độ tấn công của người phạm tội có mức độ, hậu quả chết người xảy ra là do những nguyên nhân khách quan khác…

 Ngoài ra, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người và thời gian chết của nạn nhân cũng là một dấu hiệu quan trọng để phân biệt. Đối với Tội giết người, nếu nạn nhân bị các vết thương vào các vùng nguy hiểm trên cơ thể như hộp sọ, tim, gan, phổi,… và chết ngay thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định tội danh là giết người. Còn đối với Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, nạn nhân thường bị thương vào các vùng khác nhau trên cơ thể và phải sau một thời gian điều trị thì nạn nhân mới chết. Tuy nhiên, thời gian dài hay ngắn giữa hành vi tấn công với cái chết xảy ra cho người bị hại không phải là một tình tiết đủ cho phép phân biệt giữa giết người với cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người mà nó chỉ là một tình tiết khách quan. Tình tiết này cũng ảnh hưởng phần nào đến việc nhận định mặt chủ quan. Ví dụ, sau khi bị tấn công nạn nhân chết ngay thường chứng tỏ rằng việc tấn công là mãnh liệt, do đó có thấy được phần nào ý thức của người phạm tội. Nhưng ảnh hưởng đó không quan trọng lắm, không có gì là quyết định. Có khi thời gian đó khá dài, nạn nhân bị thương khá lâu rồi mới chết, nhưng vẫn có thể định tội là giết người. Ngược lại, có khi thời gian đó rất ngắn, nạn nhân chết ngay sau khi bị thương tích, nhưng vẫn phải định tội là cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người. Trường hợp này được thể hiện thông qua ví dụ sau: V và H. là hai anh em rể. Trong khi H đi làm xa, vợ con H vẫn ở chung với gia đình V và mẹ vợ của hai người. Một hôm, nhân dịp H về ăn tết, gặp vợ, có chuyện xích mích cãi nhau. V mới xen vào, gây sự cãi nhau giữa V và H. H nói: “Vợ tao là vợ mày, con tao là con mày” và đấm V một cái. V tức giận chạy từ nhà ngoài (chỗ hai người cãi nhau) qua phòng trong vào bếp lấy con dao dài 40cm đem ra nhà ngoài chém H. H bị 3 vết chém nặng, trong đó có 1 vết chém dài 8cm ở vùng trán phải, làm vỡ xương sọ, rách màng não và tổn thương não và 1 vết chém ở vùng thái dương sâu thấu qua xương sọ. Do các vết thương ở sọ, sau 37 ngày H bị chết. Qua hồ sơ, không thấy phát hiện có mâu thuẫn gì sâu sắc giữa hai người này, cũng không thấy có phát hiện điều gì khác để nghi là V có ý định giết H từ trước. Trong quá trình tiến hành tố tụng có 2 quan điểm về định tội là Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, tác giả đồng tình với quan điểm định tội giết người. Bởi lẽ: V không phải vì bị đấm một cái mà đánh trả lại đối phương cho hả giận; V không sử dụng ngay những vật hiện để ở nhà trên xung quanh mình mà lại chạy xuống bếp, lấy con dao rồi chạy lên nhà trên chém nạn nhân nhiều nhát tập trung vào nơi đầu là nơi hiểm yếu nhất trong cơ thể con người, những vết chém lại khá mạnh và sắc, thấu qua xương sọ, tổn thương đến não, như vậy thì bị cáo không phải chỉ cố chém để gây thương tích mà khi thực hiện những hành vi trên trong tình trạng bị kích động, bị can đột xuất đã cố ý để cho hậu quả chết người xảy ra. Vì vậy, theo tác giả, V phải chịu trách nhiện hình sự về Tội giết người.

         Ví dụ trong trường hợp ngược lại: trong lúc A đang ngủ, vợ của A là M đến gọi dậy để đi làm. Gọi nhiều lần nhưng A không dậy, M dùng lời thô bỉ nhiếc mắng chồng. A bực tức đứng dậy toan dùng tay đánh vợ mấy tát cho hả giận nhưng vừa thấy một khúc củi dài hơn 1m, đường kính bằng cổ tay, A cầm lấy định đánh vợ 2 phát vào bả vai, không may lại trúng một phát vào gáy, người vợ ngã gục, máu chảy nhiều và chết. Tranh chấp về quan điểm định tội cũng xảy ra nhưng với nhận định hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra trong lúc bực tức đã đánh nhầm chỗ hiểm, chứ bị cáo không cố ý giết vợ, người phạm tội chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.

Nói chung, trong cả hai trư­ờng hợp thì thương tích đều là nguyên nhân dẫn đến chết ng­ười. Tuy nhiên, thời điểm nạn nhân chết không phải là căn cứ duy nhất để định tội danh vì trong thực tiễn, có những trư­ờng hợp xảy ra ngoài quy luật thông thường nói trên. Tùy theo mức độ vết th­ương, thể trạng và sức khỏe của từng ngư­ời cũng như­ phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cứu chữa mà nạn nhân có thể chết ngay hoặc sau một thời gian mới chết. Do đó, để kết luận chính xác thì phải trư­ng cầu giám định pháp y. Nếu vết thư­ơng đư­ợc xác định là nghiêm trọng, nạn nhân đ­ược cứu chữa trong điều kiện đầy đủ mà vẫn chết thì cần truy tố bị can về tội giết người. Ngư­ợc lại, vết thư­ơng không nghiêm trọng nhưng vì không đư­ợc cứu chữa kịp thời hoặc việc cứu chữa có sai sót nên nạn nhân chết thì cần xem xét, xử lý người phạm tội về Tội cố ý gây thư­ơng tích dẫn đến chết người.

3.2. Mặt chủ quan

Ngoài hành vi, có thể căn cứ vào các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan để định tội. Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: là trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả chết người. Trong đó người phạm tội chỉ cố ý đối với việc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân còn đối với hậu quả chết người do hành vi của họ gây ra, lỗi  của người phạm tội chỉ là lỗi vô ý. Thương tích dẫn đến chết người trước hết là thương tích nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích nặng này, nghĩa là giữa thương tích và cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả, như hành vi đâm vào đùi nạn nhân làm nạn nhân bị đứt tĩnh mạch và do bị mất nhiều máu nên nạn nhân chết. Cũng coi là Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trường hợp gây thương tích không phải là thương tích nặng nhưng vì nạn nhân là người quá già yếu, có bệnh nặng cộng thêm việc gây thương tích làm cho nạn nhân chết sớm hơn, nếu không bị gây thương tích thì nạn nhân chưa chết. Còn trong Tội giết người thì người phạm tội mong muốn hoặc bỏ mặc, chấp nhận hậu quả chết người, nghĩa là hậu quả chết người đã nằm trong tính toán của người phạm tội.

Để xác định thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả chết người phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu vẫn phải đánh giá hành vi khách quan, cụ thể như:

- Ý thức lựa chọn công cụ, phương tiện, phương pháp phạm tội và lựa chọn cách thức sử dụng phương tiện. Đây là tình tiết chứng minh thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả chết người vì trong sự lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội và lựa chọn cách thức sử dụng phương tiện của người phạm tội có thể có những biểu hiện phản ánh sự quan tâm, thái độ chủ quan đối với hậu quả chết người là thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc tất yếu xảy ra thì phải định Tội giết người.

- Việc luôn theo dõi tình trạng của nạn nhân và khi có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng thì người phạm tội có thể thay đổi cách thức thực hiện hành vi theo hướng làm giảm bớt mức độ nguy hiểm như thay đổi vị trí tác động, cường độ tác động, thậm chí có thể dừng lại hoặc có những hành động nhằm cứu chữa cho nạn nhân, khi hậu quả chết người xảy ra thì người phạm tội có thái độ hoảng hốt, thậm chí không còn quan tâm đến mục đích chính nữa. Trường hợp này thường chỉ định là tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người;

- Người phạm tội thấy có biểu hiện hậu quả chết người chưa xảy ra hoặc khả năng khó xảy ra thì có thể thực hiện hành vi với cường độ quyết liệt, mạnh mẽ hơn hoặc thay đổi cách thức, phương tiện, phương pháp phạm tội theo hướng làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi để thỏa mãn mục đích gây hậu quả chết người (như bóp cổ để giết chết nạn nhân nhưng nạn nhân chưa chết thì dùng dao đâm cho đến khi nạn nhân chết). Cũng có thể trong quá trình thực hiện hành vi, người phạm tội chuyển thái độ chủ quan từ loại trừ sang chấp nhận khả năng hậu quả chết người xảy ra (như bất ngờ phát hiện nạn nhân là người quen, biết nên phải giết để bịt đầu mối). Với trường hợp này mặc dù ban đầu hành vi tấn công chưa quyết liệt mục đích giết người chưa rõ ràng nhưng mức độ quyết liệt về sau tăng lên và mục đích giết người rõ ràng nên phải định tội giết người.

- Biểu lộ cử chỉ và ngôn ngữ của người phạm tội trước, trong và sau khi thực hiện tội phạm cũng cần nghiên cứu vì những biểu hiện trên và tâm lý bên trong có liên quan với nhau. Những suy nghĩ bên trong có thể được bộc lộ qua biểu biện bên ngoài, phản ánh sự quan tâm đối với hậu quả chết người đã thấy trước, qua đó chứng minh người phạm tội mong muốn hay chấp nhận hoặc có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  2. Bản án số 25/2015/HSST ngày 05/4/2015 của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai
  3. Bản án số 30/2015/HSPT ngày 12/7/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối caotại Thành phố Hồ Chí Minh.           
  4. Bản án số 22/2016/HSST ngày 12/3/2016 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương.
  5. Bản án số 21/2015/HSST ngày 27/3/2015 của Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh.

   6. Bài viết “Bình luận tội giết người theo Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà - Ngô Duy Thi, https://kiemsat.vn/binh-luan-toi-giet-nguoi-theo-blhs-nam-2015-50490.html.

 Disputes in the guilty plea for murdering under Vietnam’s current criminal code

(Part 2)

Master. Doan Trong Chinh
Lecturer, Faculty of Law, 
Ho Chi Minh City University of Technology
Master. Le Thi Minh Thu
Lecturer, Faculty of Law, 
Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT: 

The crime of murder, which is defined in Article 123 of the current Criminal Code, "is an act of intentionally causing death to another person in a unlawful manner, due to a person who ages 14 years or older with criminal responsibility”. Provisions of the Criminal Code as well as the reasoning of this crime are relatively clear. However, in fact, when applying the law of this crime, litigation agencies face many difficulties in judging the crime. One of these difficulties is to determine that the behavior meets the sign of Crime of murder or Crime of intentionally injuring or harming the health of others. Although there have been many guidelines to resolve this difficulty, such as Resolution No. 01/NQ dated April 19, 1989, Resolution No. 04 / NQ dated November 29, 1996 of the Judges Council, Official Dispatch No. 03 / CV on October 22, 1987 and Official Dispatch No. 140 / CV of December 11, 1998 of the Supreme People's Court, litigation agencies still find it difficult to judge the crime, especially when an offense could be judged differently as objective signs of  the Crime of murder and the Crime of intentionally injuring or harming the health of others are quite similar. This issue greatly affects the offenders as well as litigation agencies. This article presents the second case of identifying the Crime of murder and the Crime of intentionally injuring or harming the health of others, resulting in deadly consequences (the first case of this issue was published on the No.9 Industry and Trade Review - Publication of scientific research and technology application results in May 2019). 

Keywords: Intentionally inflicting injury, guilt, murder, crime not yet reached.