Vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay

ThS. CAO VIỆT THĂNG - ThS. NGUYỄN ĐÌNH SƠN (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Trong tổng thể nói chung, văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử1. Lĩnh vực lập pháp cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội được tổ chức và vận hành dựa trên căn bản là những giá trị văn hóa pháp luật và các hình thức văn hóa khác hướng đến bảo đảm hiệu quả của công tác lập pháp.

Bài viết nghiên cứu vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp - một bộ phận quan trọng của lĩnh vực lập pháp ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Văn hóa pháp luật, hoạt động lập pháp, pháp luật Việt Nam.

1. Khái quát về văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

1.1. Khái niệm và đặc điểm của văn hóa pháp luật 

Hoạt động lập pháp chịu sự tác động không chỉ của văn hóa pháp luật mà còn cả văn hóa khác, chủ yếu là văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức. Văn hóa pháp luật có thể được tiếp cận từ phương diện cấu trúc. Theo cách tiếp cận này, văn hóa pháp luật được xác định một cách trực tiếp các yếu tố chứa đựng văn hóa rộng hẹp khác nhau: “Văn hóa pháp luật là hệ thống các yếu tố, giá trị vật chất và tinh thần thuộc lĩnh vực tác động của pháp luật, được thể hiện trong ý thức, tư tưởng và hành vi của con người”2; “Văn hóa pháp luật được hình thành từ 3 yếu tố: Ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật và các phương tiện pháp luật; trình độ, khả năng sử dụng pháp luật để thực hiện các hành vi hợp pháp”3; hay: “Văn hóa pháp luật là hệ thống các yếu tố, giá trị vật chất và tinh thần thuộc lĩnh vực tác động của pháp luật được thể hiện trong ý thức, tư tưởng và hành vi của con người”4.

Khi tiếp cận văn hóa pháp luật dưới góc độ của văn hóa học, người ta cho rằng văn hóa pháp luật không phải là thuật ngữ của giới luật học thuần túy, mà là một đại lượng gắn liền với xã hội học pháp luật hoặc nhân chủng học có liên quan đến pháp luật. Xa hơn, nó có thể liên quan đến triết học pháp luật, luật so sánh5. Cụ thể, tiêu biểu là quan điểm của M. Friedman, tác giả cho rằng:“Văn hóa pháp luật là thái độ ứng xử, hệ thống các giá trị và quan điểm của xã hội đối với pháp luật, hệ thống pháp luật và các hợp phần đa dạng khác của hệ thống pháp luật”6... Từ các cách tiếp cận trên đây về văn hóa pháp luật và xem xét các khía cạnh liên quan có thể nhận thức tổng thể về hiện tượng “văn hóa pháp luật" như sau:

Một là, văn hóa pháp luật thể hiện ở các thiết chế, thể chế gắn liền với điều chỉnh của pháp luật và trong ý thức, hành vi của chủ thể pháp luật;

Hai là, văn hóa pháp luật chứa đựng trong nó những giá trị pháp lý có ý nghĩa, hữu ích7 đối với đời sống xã hội và là nền tảng đời sống pháp luật của mỗi xã hội;

Ba là, văn hóa pháp luật chỉ là góc nhìn về phương diện pháp lý trong các hoạt động, đời sống của con người, cá nhân, cộng đồng. Theo quan điểm của UNESCO, văn hóa pháp luật cùng với các loại hình văn hóa khác đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình8.

Trên cơ sở quan niệm chung về văn hóa pháp luật trên đây, có thể xem xét vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp. Trước hết, nói về hoạt động lập pháp. Đối với mỗi bộ máy nhà nước, các lĩnh vực hay quyền gắn với pháp luật được chí thành 3 lĩnh vực: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp. Như thế, trong bộ máy nhà nước lập pháp chỉ là một lĩnh vực hoạt động của nhà nước. Theo cách hiểu trong khoa học pháp lý về mặt ngữ nghĩa thì “lập pháp" là công việc làm luật của cơ quan đại diện Quốc hội (nghị viện hoặc tên gọi khác) phân biệt với “lập quy” là hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật do các cơ quan nhà nước không phải là Quốc hội thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, Quốc hội tuy được gọi là cơ quan lập pháp nhưng không phải chỉ làm nhiệm vụ xây dựng và ban hành luật. Nó thường còn làm cả các công việc khác như quyết định các vấn đề quan trọng lớn với đất nước, giám sát,…

Từ những nhận thức tổng quát về văn hóa pháp luật và hoạt động lập pháp về cơ bản, có thể hiểu văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp là những giá trị tạo nền tảng cho hoạt động lập pháp thể hiện trong thiết chế, thể chế lập pháp, trong ý thức và hành vi pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền hay tham gia thực hiện hoạt động lập pháp.

Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp có một số đặc điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, ở mức độ tổng quát, văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp phản ánh các đặc điểm của môi trường, trong đó hoạt động lập pháp thường gắn vai trò điều chỉnh của pháp luật với tính cách là hoạt động tạo nên các quy tắc pháp luật cơ bản, tạo nền tảng cho hoạt động của quốc gia. Vì vậy, ở đây đề cập đến là vấn đề văn hóa tranh luận, phản biện,…

Thứ hai, cũng từ vai trò tạo “nền tảng” như trên của luật, ý thức, hành vi lập pháp của các cá nhân, đại diện cho tổ chức, cơ quan luôn cần đến tính “chuẩn mực” mà mọi biểu hiện đi chệch chuẩn mực đó (dân chủ, quyền con người, lợi ích nhóm,…) đều chịu sự phê phán nghiêm khắc có thể đến “mất mặt”.

Thứ ba, hoạt động lập pháp là một hoạt động đặc biệt, hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước ở tầng cao và tác động đến các quan hệ cơ bản của đời sống - xã hội. Vì vậy, hoạt động này chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Do đó, khi các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước thì yêu cầu đặt ra là các chủ thể đó phải thể hiện văn hóa pháp luật trong việc “gương mẫu” tuân thủ các quy định pháp luật nhằm tránh trường hợp quyền lực nhà nước bị lạm dụng, mất kiểm soát,… cũng như tạo ra các quy định xung đột hoặc bất hợp pháp.

Thứ tư, có sự tác động của các đặc tính cá nhân, môi trường trên phương diện văn hóa pháp luật đối với chủ thể lập pháp. Ở đây luôn có mối tương quan giữa hành vi với cách nghĩ, cách ứng xử, niềm tin, tôn giáo của chủ thể lập pháp với các đặc tính nhân học và môi trường mà họ sinh sống. Và cũng cần nhấn mạnh rằng, không chỉ hành vi của các chủ thể lập pháp mới chịu tác động bởi mối tương quan đa chiều trên mà các hoạt động bình thường của bất cứ cá nhân nào cũng đều chịu sự tác động của các điều kiện đó. Nghĩa là, dấu ấn cá nhân như cách nghĩ, niềm tin, tôn giáo, môi trường sinh sống đều phản ánh lên mỗi hoạt động của họ qua lăng kính văn hóa pháp luật.

1.2. Chủ thể của văn hóa pháp luật

Văn hóa pháp luật luôn gắn với chủ thể của nó là con người có ý thức. Vì vậy, nói về văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp không thể không xác định các chủ thể tham gia vào quá trình lập pháp, nhưng chủ thể trước hết và chủ yếu phải nhắc đến là chủ thể lập pháp. Đó là những chủ thể mà hành vi, hoạt động của họ ảnh hưởng có tính chất quyết định đến việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, luật, Pháp lệnh (văn bản có tính chất luật) và được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật xác định sự hiện diện có tính chất bắt buộc hoặc chính thức. Các chủ thể này có thể là một cá nhân, nhưng cũng có thể là ý kiến chung của tập thể người trong một cơ quan, tổ chức.

Ở nước ta, chủ thể trong hoạt động lập pháp được chia thành hai loại:

a) Các chủ thể quyết định thông qua luật:

- Các công dân với tư cách là người tham gia trưng cầu ý dân về toàn văn hay nội dung nào đấy của Hiến pháp theo Luật Trưng cầu ý dân (Điều 6);

- Quốc hội theo quy định tại Điều 69 thực hiện quyền lập hiến, lập pháp;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh - văn bản có tính chất luật.

- Chủ tịch nước;

- Đại biểu Quốc hội;

b) Các chủ thể khác tham gia các hoạt động hoạt động lập pháp, đó là các chủ thể có quyền sáng kiến lập pháp hay tham gia bắt buộc vào quá trình hoạt động lập pháp, như: Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…

2. Thực trạng và định hướng xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

2.1. Thực trạng văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

Thực tiễn lập pháp ở nước ta trong quá trình đổi mới, đặc biệt là ở những khóa Quốc hội gần đây cho thấy những nét văn hóa nổi lên ngày càng rõ nét như là điểm son trong lập pháp của Quốc hội như sau:

1/ Nghiên cứu thực tiễn lập pháp ở nước ta trên phương diện văn hóa pháp luật dễ thấy nổi lên là: Giá trị của dân chủ được thể hiện trong pháp luật và ngày càng được bảo đảm một cách thực tế. Đây là điểm đặc trưng nhất khi nhìn nhận về văn hóa pháp luật được các chủ thể lập pháp ở nước ta tiếp nhận thời gian qua. Ví dụ, trong năm 2018, Chính phủ nước ta sau khi tiếp thu các ý kiến của nhân dân đã đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). Bên cạnh đó, sự không áp đặt ý kiến đối với các đại biểu trong thảo luận và thông qua luật, các đại biểu có thể tự do phát biểu ý kiến có tính chất xây dựng đối với các vấn đề của luật.

2/ Văn hóa tranh luận trong hoạt động lập pháp đã được đẩy lên mức ngày càng cao. Các ý kiến về xây dựng luật, các quy định của luật được tôn trọng quyền tự do phát biểu. Ý kiến có thể là thuận chiều hay trái chiều, có thể là gay gắt hay ôn hòa, nhưng nói chung, Quốc hội và giữa các đại biểu đã chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, không quy kết, chụp mũ.

3/ Văn hóa pháp luật được thể hiện trong sản phẩm của nó là ở các luật ngày càng có chất lượng. Hiện nay, đứng trước thực trạng chúng ta đang tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại mới đã chứng tỏ hệ thống pháp luật đang rất mở thì mới có thể cùng một lúc tiếp nhận và tương thích với nhiều hiệp định quốc tế để thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực trong hoạt động lập pháp gắn với những giá trị pháp luật hiện có, vẫn còn những hạn chế nhìn từ khía cạnh văn hóa. Đó là:

-  Văn hóa pháp lý bao cấp ít nhiều vẫn có trong hoạt động lập pháp. Trước tiên, nó thể hiện ở các kế hoạch lập pháp do Nhà nước, các cơ quan nhà nước thực hiện như ban hành các chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, toàn khóa,… Vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được đặt đúng vị trí trong xã hội hiện đại, chưa được đề cao đúng mức.

- Tính kiêm nhiệm đại biểu trong lĩnh vực lập pháp. Đây cũng là biểu hiện theo đó, văn hóa pháp lý đã không phản ánh được tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong hoạt động lập pháp. Thực tế, đó có thể là nguyên nhân nhiều đạo luật vừa ban hành đã phải sửa đổi9, hoặc thậm chí có quy định của luật chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi10.

- Biểu hiện cục bộ, lợi ích (ngành, lĩnh vực) trong hoạt động lập pháp. Đây là điều đã được biết đến từ khá lâu trong thực tiễn lập pháp nước ta. Hiện tượng “chạy qua chạy lại, xin cho, quy định không rõ ràng để người dân kêu ca, phải xếp hàng chờ đợi”11 là vấn đề đã được nêu trong các phiên họp của Chính phủ, các Bộ, ngành hoặc của dư luận xã hội nước ta thời gian qua.

- Trong hoạt động soạn thảo cũng như tranh luận, thông qua luật, không tránh khỏi ảnh hưởng của truyền thống, tâm lý pháp lý bắt rễ sâu trong đời sống - xã hội. Đó là “dĩ hòa vi quý”, “thêm bạn, bớt thù”, “nể nang”,… làm giảm tính tranh luận, phản biện trong hoạt động lập pháp.

2.2. Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp

Từ nhận thức lý luận và thực tiễn trên đây về văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, nghiên cứu xin có một số định hướng sau đây:

Một là, mở rộng các đối tượng tham gia vào hoạt động lập pháp.

Thực chất đây là tăng cường giá trị dân chủ trong văn hóa lập pháp. Định hướng phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở nước ta trước tiên cần được thể hiện ngay trong các quy trình lập pháp theo hướng xã hội hoá hoạt động làm luật.

Việc mở rộng đối tượng lập pháp này chính là biểu hiện quan trọng đầu tiên của văn hóa pháp luật, thể hiện ở việc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Cho đến nay, Chính phủ là cơ quan hành pháp, nhưng trên thực tế, có tới hơn 90% số dự án luật được xây dựng dựa trên đề xuất của các cơ quan hành pháp, sau đó giao cho cơ quan hành pháp chủ trì xây dựng luật12. Việc tận dụng tốt các nguồn lực xã hội, làm cho pháp luật trở nên khách quan hơn so với việc pháp luật được đưa ra từ phía các cơ quan lập pháp, cũng giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ để dồn sức cho việc thực hiện chức năng quản lý vĩ mô tốt hơn.

Hai là, bảo đảm tính pháp quyền trong hoạt động lập pháp.

Cần bảo đảm sự ràng buộc pháp lý để không chỉ các thể chế nhà nước mà các thể chế chính trị cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cụ thể hóa quy định tại khoản 3, Điều 4 của Hiến pháp: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, trong lĩnh vực lập pháp cũng cần thể hiện được nguyên tắc này. Ở đây có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất ở nước ta với vai trò đặc biệt quan trọng, là lãnh đạo nhà nước và xã hội, trong đó có lãnh đạo hoạt động lập pháp nhưng vẫn chưa có được một đạo luật về Đảng được ban hành. Vì vậy, thời gian tới, việc phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp cần phải thể chế hóa tổ chức và hoạt động của Đảng ta bằng các đạo luật cụ thể.

Ba là, xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp gắn với các cơ chế hữu hiệu công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực tế, văn hóa của người Việt vốn đề cao tính cộng đồng, hạ thấp tính cá nhân, khiến cho ý thức về cái tôi cá nhân bị xem nhẹ, người dân cũng ít đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng các cơ chế pháp lý để bảo vệ các phạm vi quyền của mình. Ở chiều ngược lại, tư duy về việc mình có quyền ban phát trong việc “tặng - cho”, “thu hồi” chứ không phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm cũng hiện diện tham gia tư tưởng của một bộ phận cán bộ, công chức. Vì vậy, pháp luật cũng như thực hiện pháp luật trong hoạt động lập pháp cần phải tính đến các yếu tố văn hóa này để cải thiện tình hình.

Bốn là, phát triển văn hóa pháp luật bằng việc xác định hợp lý phạm vi quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp.

Việc giới hạn quyền lực nhà nước trong hoạt động lập pháp không chỉ là việc xác định đúng thẩm quyền của các chủ thể quyền lực nhà nước mà còn là đảm bảo việc tham gia của nhân dân, của xã hội trong việc xây dựng các đạo luật cũng như tổ chức hoạt động lập pháp. Chỉ khi làm được như vậy thì các cơ quan nhà nước mới có vị trí, chính danh và nhân dân cũng thấy được tiếng nói của mình trong đó, làm hạn chế sự lạm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Năm là, gìn giữ tinh hoa văn hóa pháp lý truyền thống trong hoạt động lập pháp.

Văn hóa pháp luật truyền thống nước nào cũng vậy, có thể có những mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề bảo vệ, phát triển văn hóa pháp lý truyền thống trong hoạt động lập pháp là vấn đề rất phức tạp. Ta có thể gặp cả quan niệm dường như có xu hướng đi ngược các giá trị văn hóa pháp lý pháp luật. Vì vậy, việc lựa chọn các giá trị văn hóa pháp lý nào để gìn giữ, giá trị nào để loại bỏ do không phù hợp có lẽ là vấn đề cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Trong phạm vi của bài viết, các tác giả chỉ nêu một vài khía cạnh hoặc ví dụ mang tính gợi ý.

Chẳng hạn, gìn giữ tính nhân văn trong văn hóa Việt thể hiện quan điểm “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Theo đó, trong hoạt động lập pháp, việc xây dựng những văn bản pháp luật có tính trừng phạt, cưỡng chế đối với tội phạm hình sự hoặc các vi phạm hành chính. Ngoài áp dụng các biện pháp trừng phạt thì kèm theo đó cần đẩy mạnh tính chất, tạo lập cơ chế giáo dục tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho những người vi phạm có các cơ hội sửa chữa sai lầm, nhằm phát huy tính nhân văn của văn hóa truyền thống.

Hay với văn hóa trọng tình hơn trọng lý và truyền thống văn hóa khép kín của người Việt, trong lập pháp có thể tính đến việc lựa chọn hình thức quan phương hoặc phi quan phương trong một số mối quan hệ. Có thể cho phép cộng đồng tự giải quyết một số hành vi pháp lý một cách êm thấm. Chính vì vậy, trong hoạt động lập pháp có thể nghiên cứu để trao quyền giải quyết những vấn đề có tính địa phương (tự quản) như thừa nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp, đề cao hòa giải địa phương,… Điều đó là vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời giảm áp lực cho chính các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề địa phương.

Vấn đề hạn chế thấp nhất văn hóa bao cấp, thụ động trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tư tưởng bao cấp trong xây dựng pháp luật vẫn tồn tại đến ngày nay thể hiện ở tâm lý chờ đợi, “xin - cho”, ít sáng kiến đột phá trong hoạt động xây dựng thể chế và pháp luật. Ví dụ, các hoạt động xây dựng pháp luật thường được lên kế hoạch bằng các chương trình làm luật cụ thể của Quốc hội. Do đó, rất ít khi các chủ thể lập pháp chủ động xây dựng, đệ trình được những văn bản pháp luật ngoài chương trình đó cho các cơ quan lập pháp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr. 1.100.

2Hoàng Thị Kim Quế - Ngô Huy Cương (đồng chủ biên) (2011), Văn hóa pháp luật - Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 23.

3Lê Minh Tâm, Vấn đề văn hóa pháp luật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Luật học, số 5 (1998), tr.23.

4Hoàng Thị Kim Quế - Ngô Huy Cương (đồng chủ biên) (2011), Văn hóa pháp luật - Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 23.

5Phạm Duy Nghĩa, Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 24 (2008) tr.1.

6Friedman, L “Law and Society”, 1977, Prentice-Hall, tr. 76.

7Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr. 386.

8UNESCO cho rằng: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng rào thế kỉ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. (Ủy ban Quốc gia về thập kỉ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. H., Bộ Văn hóa Thông tin, 1992, tr.23)

9Bộ luật Hình sự năm 2015.

10Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

11 https://phaply.net.vn/ngan-ngua-loi-ich-nhom-tieu-cuc-trong-xay-dung-chinh-sach-phap-luat/

12 https://nhandan.org.vn/thoi-su-chinh-tri/gian-nan-lap-phap-303853/

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Minh Đoan (2013), Pháp luật với lối sống theo pháp luật và văn hóa giao tiếp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Học viện Hành chính quốc gia, Đề tài khoa học cấp nhà nước “Văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay” (2015), mã số KX03.13/11-15.
  3. Trần Hoàng, Trần Việt Hoa (2005), Văn hóa ứng xử nơi công sở, NXB. Văn hóa thông tin, Hà nội.
  4. Phạm Duy Nghĩa. 2008.“Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật”, Tạp chí khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật, 24, 1-8.
  5. Hoàng Thị Kim Quế - Ngô Huy Cương (đồng chủ biên) (2011), Văn hóa pháp luật - Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  6. Bùi Ngọc Sơn (2004), Xây dựng Nhà nước pháp luật trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, Nxb Tư pháp, tr. 10, Hà Nội.

THE ROLE OF LEGAL CULTURE

IN THE LEGISLATIVE ACTIVITIES IN VIETNAM

• Master. CAO VIET THANG

• Master. NGUYEN DINH SON

Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

In general, culture is understood as the accumulation of material and spiritual values. The legislative and other social activities stem from legal cultural values and other cultural forms which aim to ensure the effectiveness of legislative activities. This paper studies the role of legal culture in the legislative activities in Vietnam.

Keywords: Legal culture, legislative activities, laws of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]