Vận dụng kế toán quản trị tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

TS. PHẠM NGỌC TOÀN (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) – PHẠM THỊ ÁNH HỒNG (Công ty Dịch vụ Công ích Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị ngày càng trở thành công cụ quản lý quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý doanh nghiệp ra các quyết định điều hành hoạt động kinh doanh của đơn vị. Xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán toán quản trị tại các công ty công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là vấn đề cần thiết giúp các doanh nghiệp hoàn thiện các công cụ quản lý ngày một tốt hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ cùng chiều, có ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố: nhận thức của nhà quản lý về kế toán quản trị, chiến lược kinh doanh của công ty, quy mô doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, đặc điểm công ty và việc vận dụng kế toán quản trị của các doanh nghiệp, hàm ý rằng các biến này có tác động lên việc vận dụng kế toán quản trị của các công ty dịch vụ công ích TP. Hồ Chí Minh. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp có tác động trực tiếp đến việc nâng cao khả năng áp dụng hệ thống kế toán quản trị tại các công ty dịch vụ công ích TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Kế toán quản trị, dịch vụ công ích, TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Thông tin kế toán quản trị (KTQT) có một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp nhằm cung cấp cho nhà quản trị sử dụng để ra các quyết định trong quản lý. Nhà quản trị ở các cấp khác nhau sẽ có những nhu cầu thông tin khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống kế toán tài chính của doanh nghiệp không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thông tin của nhà quản lý vì vậy doanh nghiệp phải vận dụng KTQT trong hoạt động của mình. KTQT được coi là cần thiết và hữu ích đối với nhà quản trị, tuy nhiên trong khu vực công hay các công ty dịch vụ công ích hiện nay chưa coi trọng đúng mức. Do đó, việc nâng cao khả năng vận dụng KTQT thông qua các nhân tố tác động có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

KTQT là một hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính cho các nhà quản trị trong nội bộ doanh nghiệp để hoạch định, kiểm soát và ra quyết định, nhằm quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp; qua đó gia tăng giá trị khách hàng và giá trị cổ đông.

Các nhân tố tác động đến việc vận dụng KTQT tại doanh nghiệp như sau:

+ Quy mô doanh nghiệp

Đối với một công ty với quy mô siêu nhỏ, nhu cầu thông tin quản trị đơn giản thì việc đầu tư một bộ máy KTQT cồng kềnh với hàng loạt các công cụ kỹ thuật KTQT phức tạp sẽ không phù hợp do lợi ích mang lại từ việc vận dụng KTQT không tương xứng với chi phí bỏ ra đầu tư. Ngược lại đối với một công ty có quy mô lớn, cần các thông tin thích hợp phức tạp để ra quyết định thì việc đầu tư một khoản chi phí tương thích cho hệ thống KTQT phức tạp là điều chấp nhận được. Theo Kamilah A. (2012): Quy mô doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng được cho là có sự tác động đến cả cấu trúc lẫn các sự sắp xếp về mặt kiểm soát trong doanh nghiệp.

Giả thuyết H1 được đưa ra là: Quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến việc vận dụng KTQT tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

+ Chất lượng nguồn nhân lực

Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng có sự tương thích giữa việc hiện diện của các nhân viên kế toán chuyên nghiệp với mức độ hiểu biết cao về vận dụng KTQT trong doanh nghiệp (Ismail and King, 2007); hay sự hiện diện của các nhân viên kế toán chuyên nghiệp trong doanh nghiệp giúp cho sự phát triển của việc vận dụng KTQT trong doanh nghiệp (McChlery et al., 2004).

Thông thường các công ty dịch vụ công ích do hạn chế về ngân sách hoạt động hay phải chi ngân sách cho nhiều hoạt động khác nhau trong đơn vị nên việc tuyển dụng một KTQT viên chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian về mảng KTQT là điều ít xảy ra. Thay vào đó, nhân sự này hay kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau hoặc có thể thiếu các kỹ năng của một KTQT viên chuyên nghiệp.

Do đó giả thuyết H2 được đưa ra là: Chất lượng nguồn nhân lực có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

+ Chiến lược kinh doanh

Khi theo đuổi lợi thế cạnh tranh, thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình thì công ty thường vận dụng hệ thống KTQT nhằm hỗ trợ cho các chiến lược ưu tiên đặc biệt, ví dụ như công ty có thể vận dụng các công cụ kỹ thuật KTQT như các chương trình cải thiện chất lượng hay chuẩn đối sánh (Benchmarking) để hỗ trợ cho chiến lược khác biệt. Do đó, khi các công ty lựa chọn hay thay đổi các chiến lược kinh doanh khác nhau thì sẽ dẫn đến việc vận dụng KTQT khác nhau.

Giả thuyết H3 được đưa ra: Chiến lược kinh doanh có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

+ Nhận thức về KTQT của người điều hành

Việc tổ chức và áp dụng KTQT phụ thuộc chủ yếu vào trình độ nhận thức của nhà quản trị cấp cao từ việc đưa ra định hướng, chủ trương đến quá trình tổ chức, thực hiện, kiểm soát toàn bộ quá trình và sau cùng là đánh giá kết quả thực hiện trước, sau khi thực hiện áp dụng KTQT. Nhà quản trị cấp cao sẽ xác định được nhu cầu thông tin cần dùng, cách thức sử dụng thông tin KTQT một cách hiệu quả, để từ đó đưa ra các quyết định quản trị dựa trên những thông tin đã được sàng lọc phân tích và dựa vào quyết đoán của bản thân.

Giả thuyết H4 được đưa ra: Nhận thức về kế toán quản trị của người điều hành có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

+ Đặc điểm của các công ty dịch vụ công ích

Các công ty dịch vụ công ích với chức năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đặc thù, các yêu cầu đặt ra của các cơ quan quản lý ngành, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy KTQT hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của công ty, phù hợp với đặc trưng sản phẩm của công ty.

Giả thuyết H5: Đặc điểm của các công ty dịch vụ công ích có tác động tích cực đến việc vận dụng KTQT tại các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng. Sử dụng các kỹ thuật phân tích: Thống kê mô tả, phân tích khám phá EFA, mô hình hồi quy. Thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc được thiết kế dựa theo các nghiên cứu trước đó.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 116 người là các chuyên gia, các cán bộ và nhân viên tại các DN nhỏ và vừa ở TP Hồ Chí Minh.

Kích thước mẫu: Theo Green (1991) và Tabachnick và Fidell (2007) trích trong Đinh Phi Hổ (2014, trang 46) thì quy mô mẫu có thể được xác định theo công thức: n 50 + 8k, với k là số biến độc lập của mô hình. Ở đây, tác giả sử dụng mẫu nghiên cứu chính thức n = 116> 90 phù hợp với công thức trên và phù hợp trong việc chạy phân tích EFA và hồi quy bội.

Tác giả đã đề xuất mô hình hồi quy để kiểm định các giả thuyết trên có dạng như sau:

VDKTQT = β0 + β1 QMCT + β2 CLNNL + β3 CLKD + β4 NTNDH + β5 DDCTCI + ɛ

Trong đó:

VDKTQT: Vận dụng KTQT tại các công ty dịch vụ công ích TP. Hồ Chí Minh

QMCT: Quy mô công ty

CLNNL: Chất lượng nguồn nhân lực

CLKD: Chiến lược kinh doanh

NTNDH: Nhận thức về KTQT nhà điều hành

DDCTCI: Đặc điểm công ty

ɛ : hệ số nhiễu; β0 : trọng số hồi quy.

3. Kết quả nghiên cứu

Trước khi đi vào phân tích hồi qui ta cần xem xét sự tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc qua ma trận tương quan các biến như sau: (Bảng 3.1).

Các biến độc lập QMCT, CLNNL, CLKD, NTNDH, DDCTCI có hệ số tương quan cùng chiều với biến phụ thuộc, hệ số tương quan của biến phụ thuộc với các biến độc lập dao động từ 0,099 đến 0,707. Biến quy mô công ty có mối quan hệ chặt chẽ với biến VDKTQT. Biến chất lượng nguồn nhân lực có mối tương quan trung bình. Còn các biến còn lại có mối quan hệ lỏng với biến VDKTQT. (Bảng 3.2).

a. Biến độc lập: DDCTCI, QMTC, NTNDH, CLKD, CLNNL

b. Biến phụ thuộc: VDKTQT

Bảng 3.2 cho thấy, giá giá trị hệ số R2là 0.63 > 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.617, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 61.7%. Nói cách khác, biến phụ thuộc được giải thích 61,7% bởi các biến độc lập trên. (Bảng 3.3).

Căn cứ vào bảng 3.3, phương trình hồi qui tuyến tính bội của các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các công ty dịch vụ công ích TP. Hồ Chí Minh với các hệ số chuẩn hóa như sau:

VDKTQT = 0,460 QMTC + 0,342 CLNNL + 0,352 CLKD + 0,148 NTNDH + 0,342 DDCTCI

4. Kiến nghị

4.1. Đối với các công ty dịch vụ công ích TP. Hồ Chí Minh

Việc thay đổi cấu trúc theo hướng tinh giản, ưu tiên hình thức phân quyền là hết sức cần thiết. Bởi việc sở hữu một bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu quả sẽ đảm bảo cho việc truyền đạt thông tin trở nên thông suốt, và đây luôn là một sự thúc đẩy làm tăng mức độ thành công khi vận dụng các kỹ thuật KTQT vào công ty công ích. Các công ty dịch vụ công ích cần lựa chọn chiến lược sản xuất hàng hóa chuyên biệt theo yêu cầu đặt hàng của Nhà nước, chú trọng thêm vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân dân về số lượng sản phẩm, thực hiện tốt các chỉ tiêu Nhà nước đặt ra,... thì sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị cùng ngành hoặc các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ tương tự ngoài khu vực công. Tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên am hiểu về KTQT, đồng thời có nghiệp vụ về KTTC và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phù hợp đặc điểm doanh nghiệp. Cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý cho nhà quản trị, giúp nhà quản trị thấy được tầm quan trọng của kế toán quản trị trong hệ thống kế toán. Nhà quản trị cần xác định rõ những thông tin cần được bộ phận KTQT cung cấp, để bộ phận KTQT xây dựng mô hình đáp ứng những yêu cầu cung cấp thông tin, để nhanh chóng áp dụng KTQT vào doanh nghiệp.

4.2. Đối với các cơ quan chức năng

Các cơ quan chức năng cần triển khai xúc tiến các chương trình hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho các công ty tiếp cận với KTQT. Có thể xúc tiến KTQT bằng gắn liền với tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn trực tiếp KTQT cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý, tài chính cho doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao và phát triển KTQT; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành KTQT; xây dựng, phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực KTQT; xây dựng và chuyển giao KTQT cho các tổ chức nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đào Khánh Trí, 2015. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Kế toán - Kiểm toán (2009). Kiểm toán (tái bản lần thứ sáu), Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

2. Lê Thị Hương, 1996. Mô hình tổ chức kế toán quản trị của một số nước trên thế giới - Bài học kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán số 7.

3. Abdel-Kader (2006) Management accounting practices in the British food and drinks industry. British Food Journal, Vol 108.

4. Khaled Abed Hutaibat, 2005. Management Accounting Practices in Jordan. University of Bristol.

5. Ronald W. Hilton, 2005. Mangerial Accounting - Creating value in a dynamic business environment.

IMPLEMENTING MANAGEMENT ACCOUNTING IN PUBLIC SERVICES COMPANIES IN HO CHI MINH CITY

Ph.D. PHAM NGOC TOAN

University of Economics Ho Chi Minh City

PHAM THI ANH HONG

Binh Thanh distric Public Service Company Limited

ABSTRACT:

Management accounting is increasingly becoming an important management tool in order to provide information that help managers make appropriate business decisions. It is necessary to identify and assess factors affecting the implementation of mangement accounting at public services companies in Ho Chi Minh City in order to help these companies improve their mangement tools. The study’s results show that there are correlation relationships with statistical meanings among factors, namely perception of managers of management accounting, business strategy of companies, size of companies, quality of human resources, characteristics of companies and implementation of management accounting in companies. It also implies that these variables have impacts on the implementation of management accounting in public services companies in Ho Chi Minh City. Based on the study’s results, authors propose some measures to enhance the ability of implementing management accounting in public services companies in Ho Chi Minh City.

Keywords: Management accounting, public services, Ho Chi Minh City.