Vận dụng luật tục các dân tộc thiểu số trong hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Oanh (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích khái quát quy định của luật tục các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Từ đó đánh giá thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình vận dụng luật tục vào hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp đối với quan hệ hôn nhân và gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.

Từ khóa: luật tục, dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Ủy ban nhân dân, hôn nhân gia đình.

1. Những quy định của luật tục các dân tộc thiểu số trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có thể vận dụng trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên

Hôn nhân và gia đình là một lĩnh vực được nhiều điều luật tục của tất cả các dân tộc điều chỉnh nhất. Cho tới hiện tại, nhiều điều luật tục điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn còn được duy trì và áp dụng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trước hết về việc tìm hiểu, kết hôn, phần lớn luật tục các dân tộc đều tôn trọng việc tự do tìm hiểu yêu đương. Luật tục nghiêm cấm mọi hành vi ép hôn, lừa dối, cản trở hôn nhân. Chẳng hạn, “Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên”[1] (Luật tục Ê Đê). Ngay cả khi đã hứa hôn nếu không ưng thuận thì cuộc hôn nhân có thể hủy bỏ, song luật tục cũng răn dạy nam nữ không nên hủy hôn, nếu bên nào bỏ sẽ phải làm lễ hiến sinh bằng một con lợn (Luật tục Ê Đê), hay một con trâu (Luật tục Mơ Nông). Ví dụ: “… Anh đã hứa hôn, dấu cắt còn trên chuôi dao/… Quan hệ với phụ nữ, bị phạt một hũ rượu đền/ Từ chối kết hôn với con cái nhà cậu phạt một con trâu”[2] (Luật tục Mơ Nông).

Luật tục các dân tộc cũng có những quy định để bảo vệ tính bền vững của hôn nhân, chẳng hạn, “đã lấy vợ thì ở với vợ đến chết, đã cầm cần rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi giữ tay lại”[3] (Luật tục Ê Đê). Bên cạnh đó, luật tục các dân tộc ở Tây Nguyên cũng quy định vợ chồng phải siêng năng làm lụng, giúp đỡ gia đình, không ai được phép bỏ mặc gia đình. Luật tục quy định rất cụ thể về các tội: thông dâm với vợ người khác, bỏ mặc vợ đi lấy người khác, ngoại tình sau ly hôn cũng bị coi là tội, phạt vạ bằng voi, ché, hoặc tội vu khống người khác ngoại tình thông dâm: “…Vu khống người ta vô cớ/ Nghi vợ người ta thì chồng người ta phạt/ Nghi chồng người ta thì vợ người ta phạt/ Nghi con trai con gái chưa vợ chưa chồng / Thì cha mẹ của họ sẽ đòi phạt/ Phải có heo có rượu có ché”[4] (Luật tục Mơ Nông). Ngoại tình với tôi tớ, người ở trong nhà cũng bị phạt: “nếu nhà nghèo thì phải làm một lễ hiến sinh một con lợn giá bằng 2 sŏng cho vợ, và nộp cho vợ một khoản bồi thường giá 3 kŏ; còn nếu một tù trưởng nhà giàu thì vật hiến sinh sẽ là một con trâu, khoản tiền bồi thường phải là 6 kŏ”[5] (Luật tục Ê Đê - Sŏng là một đơn vị tiền tệ cổ bằng hiện vật, trị giá bằng 1 đồng bạc Đông Dương trước năm 1945; là một đơn vị tính theo hiện vật, tương đương với 2 đồng bạc Đông Dương).

Trong quan hệ gia đình, các quy định về giáo dục các con biết ơn cha mẹ, ông bà; trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục các con; phê phán các con không nghe lời cha mẹ; phê phán các con hỗn láo với cha mẹ cũng tồn tại trong luật tục và có thể được vận dụng. Luật tục quy định các con có nghĩa vụ phải tôn kính cha mẹ, nếu không sẽ bị đưa ra xét xử: “… Cô ta rồi cũng có chồng con, gia đình/ Cô ta, lúc ấy, không thèm nhìn ngó, chăm sóc đến bố mẹ/ Vì thế, phải đưa cô ta ra xét xử”[6] (Luật tục Gia Rai). Ngược lại, cha mẹ cũng phải có trách nhiệm đối với các con. Chẳng hạn, “Nếu những đứa con làm điều này điều nọ,… nếu người làm cha, làm mẹ làm ngơ, chấp nhận tất cả những hành vi xấu mà con cái họ có thể làm, thì họ là những người chịu trách nhiệm”[7] (Luật tục Ê Đê). Nếu cha mẹ sinh con ra nhưng không chịu nuôi dưỡng và bỏ con sẽ phải chịu tội:“Nai trong rừng cũng phải có mẹ/ Heo trong rừng cũng phải có cha/ … Nếu là con có cha mẹ … Có con sao bỏ cho ai/ Cha mẹ bỏ rơi con có tội”[8] (Luật tục Mơ Nông).

Những quy định trên đã và đang được vận dụng, phát huy trong việc quản lý cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay. Chính vì thế, đòi hỏi Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý lĩnh vực hôn nhân và gia đình đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phải linh hoạt kết hợp giữa luật tục với pháp luật. Đó là một đòi hỏi tất yếu giúp cho quá trình quản lý có hiệu quả hơn.

2. Thành tựu vận dụng luật tục các dân tộc thiểu số trong quản lý lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Cũng chính vì phần lớn các quy định của luật tục truyền thống đề cập đến hôn nhân và gia đình cùng với sức sống bền vững của các phong tục tập quán nên trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số hiện nay, các vấn đề về hôn nhân và gia đình vẫn chịu sự chi phối nhiều của luật tục, mặc dù pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện hơn. Vì thế, việc vận dụng luật tục trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình trong hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân ở các vùng dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là một tất yếu khách quan. Quá trình vận dụng đó ở các địa phương của Tây Nguyên tuy có những điểm khác nhau nhất định về phạm vi và đối tượng, song nhìn chung việc vận dụng đó thường được thể hiện trong một số hoạt động sau:

Thứ nhất, vận dụng luật tục trong việc chứng nhận kết hôn.

Việc kết hôn của các dân tộc thiểu số theo luật tục trước đây rất đơn giản, chỉ cần thủ tục trao vòng cầu hôn có sự chứng kiến của già làng và đại diện gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn và nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với Già làng tuyên truyền về việc kết hôn theo luật tục cũng như thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Cụ thể như dân tộc Ê Đê tại Đắk Lắk: “chính quyền đã vận dụng và thống nhất được với Trưởng buôn, Già làng về việc vẫn duy trì trao vòng cầu hôn cho đôi vợ chồng trẻ, song phải phù hợp với độ tuổi kết hôn theo pháp luật, đồng thời yêu cầu cặp vợ chồng tự đến Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục pháp lý đăng ký kết hôn trước chính quyền”[9].  Đó cũng là cách mà Ủy ban nhân dân ở các tỉnh Tây Nguyên vận dụng linh hoạt cả luật tục lẫn pháp luật và làm dung hòa 2 loại quy phạm này. Vì thế, hiện nay lễ cưới của các cặp uyên ương vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được tổ chức ở nhà thờ, song trước đó họ phải có Giấy chứng nhận kết hôn do chính quyền nhà nước cấp thì mới được Linh mục, Mục sư chấp nhận, một số nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì, như lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ cưới nhưng đã đơn giản hơn rất nhiều. Đây cũng là điểm tiến bộ đáng hoan nghênh của đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Việc đăng ký kết hôn đã được thực hiện một cách tự giác. Ủy ban nhân dân cũng chỉ đạo tuyệt đối không cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho những trường hợp tảo hôn. Bên cạnh đó, chính quyền đã phối hợp với Già làng, Trưởng buôn để kịp thời phát hiện các trường hợp kết hôn cận huyết, vì có nhiều trường hợp khi nam nữ đến Ủy ban nhân dân làm thủ tục đăng ký kết hôn mà chính quyền xã không biết họ có quan hệ họ hàng gần gũi. Nhờ đó, những năm gần đây, tỉ lệ kết hôn cận huyết đã giảm nhiều ở các địa phương.

Thứ hai, vận dụng luật tục để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ và các tranh chấp trong gia đình.

Hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các quy định của pháp luật phù hợp với luật tục đều được đồng bào các dân tộc tuân thủ nghiêm túc và tự giác. Tuy nhiên, ở khu vực này vẫn xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân. “Trước đây, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, trong cộng đồng thì người Ê Đê đề nghị Trưởng họ hoặc Già làng đứng ra giải quyết, nhưng hiện nay đã có Tổ hòa giải của buôn thì thường được Tổ hòa giải của buôn mời Già làng và những người uy tín trong dòng họ cùng tham gia giải quyết. Nếu buôn hòa giải không thành thì chuyển lên Ủy ban nhân dân xã giải quyết theo quy định của pháp luật”[10]. Để giải quyết những mâu thuẫn này Ủy ban nhân dân xã đã có sự kết hợp linh hoạt giữa luật tục và pháp luật. Cách vận dụng ở đây là: “Ủy ban nhân dân cử cán bộ tư pháp, công an, đại diện các đoàn thể tùy theo đối tượng của vụ tranh chấp, mâu thuẫn xuống trực tiếp nơi cư trú của vợ chồng và kết hợp với Già làng, Trưởng buôn cũng như các chức sắc tôn giáo để tiến hành phân xử theo quy định của pháp luật và luật tục. Trong quá trình giải quyết chỉ rõ cho các bên tranh chấp việc làm đúng sai để hướng các bên đến sự hòa thuận, bên vi phạm luật tục sẽ bị phạt theo luật tục. Đại diện chính quyền cũng giải thích rõ những quy định của pháp luật để người có lỗi sửa chữa sai phạm, giữ gìn hạnh phúc gia đình” [11].  Đó cũng là cách vận dụng được nhiều địa phương sử dụng. Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên mà thời gian quan đã có nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình ở các làng, bản được áp dụng luật tục để giải quyết. Trong đó, các mâu thuẫn thường được vận dụng luật tục để giải quyết là: vi phạm dạng bạo lực trong gia đình; vi phạm dạng ngoại tình; thách cưới quá cao; tranh chấp tài sản trong gia đình; con đối xử không tốt với bố mẹ; hoang thai. Theo kết quả điền dã, phỏng vấn phục vụ nghiên cứu đề tài luận án tại một số xã cụ thể được chính quyền vận dụng luật tục để giải quyết như sau:

Ví dụ: tại xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: “từ năm 2016 đến tháng 5 năm 2020 luật tục được vận dụng để giải quyết bao gồm: vi phạm dạng bạo lực trong gia đình 19 vụ; vi phạm dạng ngoại tình 5 vụ; thách cưới quá cao 3 vụ; tranh chấp tài sản trong gia đình 5 vụ; con đối xử không tốt với bố mẹ 0 vụ; hoang thai 0 vụ”[12].

Hay, tại xã Ea Drơn, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk: “từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2020, luật tục được vận dụng để giải quyết bao gồm: vi phạm dạng bạo lực trong gia đình 15 vụ; vi phạm dạng ngoại tình 1 vụ; thách cưới quá cao 2 vụ; tranh chấp tài sản trong gia đình 5 vụ; con đối xử không tốt với bố mẹ 1 vụ; hoang thai 1 vụ”[13].

Các địa phương khác, luật tục cũng được vận dụng để giải quyết các mâu thuẫn ở các mức độ khác nhau: Cụ thể tại xã Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai: “từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2020 luật tục được vận dụng để giải quyết bao gồm: vi phạm dạng bạo lực trong gia đình 4 vụ; vi phạm dạng ngoại tình 1 vụ; thách cưới quá cao 2 vụ; tranh chấp tài sản trong gia đình 2 vụ; con đối xử không tốt với bố mẹ 2 vụ; hoang thai 0 vụ”[14].

Từ kết quả đó cho thấy, Ủy ban nhân dân đã vận dụng một cách hiệu quả luật tục trong giải quyết quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong hôn nhân và gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vừa giữ được hòa khí trong gia đình, làng xóm, vừa phát huy được giá trị tích cực của luật tục.

3. Hạn chế của quá trình vận dụng luật tục các dân tộc thiểu số trong quản lý lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Hiện nay, trong quan hệ về hôn nhân, gia đình tại các tỉnh Tây Nguyên, các phong tục, tập quán vẫn còn được duy trì rất phổ biến như: tục bắt chồng, tục thách cưới, tục hôn nhân con cô con cậu, tục nối nòi, tục ma chay,… Đặc biệt, việc duy trì các phong tục này đều theo quy định của luật tục các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chính những phong tục đó lại gây ra những hệ quả trái với pháp luật. Đó chính là các hiện tượng như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thách cưới quá cao, tổ chức ma chay rườm rà, tốn kém,… Những phong tục, tập quán này được quy định trong luật tục đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân mà cho đến hiện nay vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn.

Qua quá trình điền dã tại các cùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cho thấy, nhiều vùng còn diễn ra tục thách cưới khá cao, làm biến tướng những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào và gây ra những hệ lụy nhất định cho các cặp vợ chồng sau khi làm đám cưới.

Ví dụ: Với bà con dân tộc Mơ Nông, Ê Đê, Mông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), hủ tục thách cưới đã tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cụ thể: theo phong tục của người Mơ Nông, để lấy được chồng, người con gái phải chuẩn bị đầy đủ các sính lễ mà nhà trai yêu cầu. Thông thường, lễ vật phải có trâu, bò, lợn, gà, chăn màn, gối, vải vóc,… và tiền mặt, tổng cộng ngót nghét 100 triệu đồng. Trước khi lễ cưới diễn ra, chị H Hòa sang nhà chồng làm dâu. Thời gian này, gia đình chị ở nhà chuẩn bị 2 con bò, 2 con heo, gà vịt và 20 triệu đồng theo yêu cầu của nhà chồng. Vì không có tiền, bố mẹ chị buộc phải đi vay tiền nóng với lãi suất 4%/tháng. Chị HHòa Niê (25 tuổi, trú tại buôn Khanh, xã Cư Pui huyện Krông Bông, Đắk Lắk) nói: “Bây giờ, cưới nhau đã được 1 tháng nhưng mình vẫn lo lắng vì gia đình ngập trong nợ nần. Chồng mình mới xin dạy hợp đồng ở trường tiểu học trong xã, mình ở nhà bán tạp hóa. Cuộc sống khó khăn thế này không biết khi nào mới trả hết nợ?”[15].

Có những trường hợp vì thách cưới quá cao mà nhiều cặp nam nữ đã không thể kết hôn với nhau. Ví dụ: “theo lời kể của K’ Hương (dân tộc Kơ Ho - Chil ở xã Đạ M Rông tỉnh Lâm Đồng) yêu anh A Khắt (dân tộc Mơ Nông ở Đắk Nông) đã 3 năm, nhưng do nhà trai thách cưới 5 con bò kèm các sính lễ khác như chăn, cườm, thổ cẩm, chóc, tô,… cho dòng họ nhà chồng mà hai người không thể kết hôn với nhau”[16].

Về lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó phần phụ lục có quy định về các phong tục, tập quán trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ và một số tập quán cấm áp dụng. Song thực tế, các phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại ở các địa phương, hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra. Cụ thể: Tại Gia Lai:“năm 2016 có 1513 trường hợp tảo hôn trong đó 1481 trường hợp người dân tộc thiểu số tảo hôn và có 15 vụ hôn nhân cận huyết thống - năm 2017 (có 1495 trường hợp tảo hôn và 52 trường hợp hôn nhân cận huyết) - năm 2018 có 1102 trường hợp tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết - đến năm 2020 Gia Lai vẫn còn 869 vụ tảo hôn)”[17]. Tại Kon Tum: “năm 2017, toàn tỉnh có 351 trường hợp tảo hôn và 3 cặp kết hôn cận huyết thống, thì sang năm 2018 giảm xuống còn 172 cặp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống.”[18]

Những phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, ngoài ra còn nhiều phong tục, tập quán trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cần loại bỏ, đó là những phong tục, tập quán liên quan đến các vấn đề như ngoại tình, ly hôn, bạo lực gia đình,… Những phong tục, tập quán lạc hậu ít nhiều đều được duy trì bởi luật tục, chính điều này đã gây khó khăn cho Ủy ban nhân dân các cấp khi quản lý đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

4. Kết luận

Với những thành tựu cũng như những hạn chế nêu trên của luật tục đối với quá trình quản lý vấn đề hôn nhân và gia đình tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên thời gian qua đòi hỏi chính quyền địa phương cần đưa ra những giải pháp thiết thực hơn nữa để khai thác triệt để hiệu quả của luật tục cũng như các thiết chế tự quản tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hỗ trợ cho pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Lê Đình Hoan (2006). Luật tục Ê Đê và sự vận dụng trong quản lý nhà nước ở tỉnh Đăk Lăk, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  2. Ngô Đức Thịnh và Ngô Văn Lý (2004). Tìm hiểu luật tục các dân tộc ở Nam Tây Nguyên. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  3. Ngô Đức Thịnh (1996). Luật tục Ê Đê (tập quán pháp). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. Lê Đình Hoan (2006). Luật tục Ê Đê và sự vận dụng trong quản lý nhà nước ở tỉnh Đăk Lăk, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
  10. Bùi Hồng quý (2018), Luật tục và ảnh hưởng của luật tục đối với thực hiện pháp luật trong cộng đồng người Ê Đê ở các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  11. Nhật ký điền dã - phỏng vấn K' Soanh (Chủ tịch Hội phụ nữ) xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày 05 tháng 11 năm 2019.
  12. Nhật ký điền dã – phỏng vấn K' Thao - dân tộc Kơ Ho (Chủ tịch Mặt trận tổ quốc) xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ngày 10 tháng 5 năm 2020.
  13. Nhật ký điền dã - phỏng vấn H’ Nay - dân tộc Ê Đê (Chủ tịch Hội phụ nữ) xã Ea Drơn, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk ngày 05 tháng 6 năm 2020.
  14. Nhật ký điền dã - phỏng vấn công chức phụ trách văn hóa - dân tộc Gia Rai xã Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 20 tháng 8 năm 2020.
  15. https://cand.com.vn/doi-song/Ganh-nang-tu-hu-tuc-thach-cuoi-o-Tay-Nguyen-i338820/
  16. Nhật ký điền dã - phỏng vấn K’ Hương - dân tộc Kơ Ho - Chil tại xã Đạ M Rông, Đam Rông, Lâm Đồng, ngày 20 tháng 7 năm 2018.
  17. https://vov.vn/xa-hoi/5-nam-ty-le-tao-hon-o-gia-lai-giam-034-827591.vov.
  18. https://vov.vn/xa-hoi/tinh-trang-tao-hon-o-kon-tum-va-vong-luan-quan-cua-doi-ngheo-972036.vov.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Đình Hoan (2006). Luật tục Ê Đê và sự vận dụng trong quản lý nhà nước ở tỉnh Đăk Lăk, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  2. Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2014). Tìm hiểu luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Nhật ký điền dã - phỏng vấn K' Soanh (Chủ tịch Hội phụ nữ) xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày 5/11/2019.
  4. Nhật ký điền dã - phỏng vấn K' Thao - dân tộc Kơ Ho (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc) xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ngày 10/5/2020.
  5. Nhật ký điền dã - phỏng vấn H’ Nay - dân tộc Ê Đê (Chủ tịch Hội phụ nữ) xã Ea Drơn, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk ngày 5/6/2020.
  6. Nhật ký điền dã - phỏng vấn công chức phụ trách văn hóa - dân tộc Gia Rai xã Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 20/8/2020.
  7. Nhật ký điền dã - phỏng vấn K’ Hương - dân tộc Kơ Ho - Chil tại xã Đạ M Rông, Đam Rông, Lâm Đồng, ngày 20/7/ 2018.
  8. Bùi Hồng quý (2018). Luật tục và ảnh hưởng của luật tục đối với thực hiện pháp luật trong cộng đồng người Ê Đê ở các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
  9. Ngô Đức Thịnh (1996). Luật tục Ê Đê (tập quán pháp), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  10. Ngô Đức Thịnh và Ngô Văn Lý (2004). Tìm hiểu luật tục các dân tộc ở Nam Tây Nguyên. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  11. Văn Thành (2015). Gánh nặng từ hủ tục thách cưới ở Tây Nguyên. Truy cập tại: https://cand.com.vn/doi-song/Ganh-nang-tu-hu-tuc-thach-cuoi-o-Tay-Nguyen-i338820/
  12. Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên (2020). 5 năm, tỷ lệ tảo hôn ở Gia Lai giảm 0,34%. Truy cập tại: https://vov.vn/xa-hoi/5-nam-ty-le-tao-hon-o-gia-lai-giam-034-827591.vov
  13. Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên (2019). Tình trạng tảo hôn ở Kon Tum và vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Truy cập tại: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-trang-tao-hon-o-kon-tum-va-vong-luan-quan-cua-doi-ngheo-972036.vov

THE PEOPLE'S COMMITTEES’ APPLICATION OF CUSTOMARY MARRIAGE AND FAMILY LAWS WHEN MANAGING MARRIAGE AND FAMILY RELATIONS OF ETHNIC MINORITIES IN THE CENTRAL HIGHLANDS’ PROVINCES

Master. NGUYEN THI OANH

Faculty of Law, Da Lat University

ABSTRACT:

This paper briefly analyzes the customary marriage and family laws of ethnic minorities in the Central Highlands. The paper assesses the achievements and shortcomings of these laws when the People's Committees at all levels applying these laws to manage marriage and family relations of ethnic minorities in the Central Highlands’ provinces.

Keywords: customary law, ethnic minorities in the Central Highlands, People's Committee, marriage and family.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]