Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các châu lục

TĂNG THỊ HOÀI PHƯƠNG (Bộ môn khoa học cơ bản - Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh là những giá trị lớn, có sức thuyết phục cao nhưng cũng là bức tường thành kiên cố nếu không biết cách vượt qua, vì vậy đòi hỏi người làm kinh doanh lại càng phải hiểu sâu về văn hóa khách hàng của mình. Trên trái đất này, mỗi châu lục, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia lại có bao nhiều điều khác biệt. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các châu lục cũng như văn hóa giao tiếp đặc trưng của từng quốc gia của các châu lục đó là điều cần thiết. Để có thể thành công trên nhiều phân khúc thị trường ở mọi nơi thì các doanh nghiệp cần phải chú ý đúng mức trong giao tiếp đối với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh…

Từ khóa: Văn hóa giao tiếp, kinh doanh, các châu lục.

1. Đặt vấn đề

Giao tiếp vốn là một hoạt động thiết yếu của con người. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh, giao tiếp đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Do vậy, để đạt được thành công trong cuộc sống và nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, người ta phải chú trọng đến vấn đề giao tiếp. Mỗi quốc gia đều thuộc một châu lục, có một nền văn hóa riêng vì vậy mà sẽ có thói quen, văn hóa giao tiếp khác nhau.

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi vì nó có thể đem đến các cơ hội hoặc mất đi cơ hội và công việc kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Vì vậy, tiểu luận này được thực hiện nhằm mục đích giúp người đọc nắm được văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các châu lục và một số quốc gia ở châu lục đó nhằm giúp các doanh nghiệp có được nhận thức đúng đắn và rõ ràng hơn trong con đường phát triển sự nghiệp.

2. Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các châu lục

2.1. Những đặc trung văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của từng châu lục

Châu Âu và châu Mỹ có nhiều điều chung trong giao tiếp kinh doanh nên chúng ta có thể gộp hai châu lục này với nhau và so sánh với châu Á:

2.1.1. Cư dân châu Âu và châu Mỹ

Khi gặp gỡ, họ thường chào hỏi nhau một cách hồ hởi và nhanh chóng. Phong cách chung là bắt tay, ôm hôn hoặc gật đầu. Họ luôn tỏ thái độ tự tin, bình đẳng, ít coi trọng cương vị xã hội.

•Trong công việc, họ luôn tỏ rõ bản lĩnh và lòng nhiệt tình của mình, đồng thời cũng đánh giá người khác qua công việc của họ. Họ rất ngưỡng mộ ai bằng năng lực và lòng kiên trì giành được thành công. Họ cũng có sự kính trọng với truyền thống gia đình, dòng họ.

•Họ luôn có ý thức và coi trọng quyền công dân của mỗi người. Họ luôn tin vào qui định của luật pháp để thực hiện công lý trong xã hội và luôn coi trọng, bảo đảm cho quyền sở hữu cá nhân. Vì thế, những câu hỏi tỏ sự ân cần quá mức về cuộc sống riêng tư không được ưa chuộng như với ngưòi châu Á. Tính độc lập này còn thể hiện trong cả sinh hoạt gia đình (kể cả khi đi du lịch).

Họ ít coi trọng quan hệ láng giềng như người châu Á. Khi rảnh rỗi, họ có thể vui thú với bạn bè hoặc trong câu lạc bộ chứ không nhất thiết thăm hỏi những người xung quanh.

Người Âu - Mỹ rất coi trọng tri thức khoa học và tư duy tuyến tính.Họ thường sắp đặt công việc theo thời gian chính xác, hoạt động phải đúng giờ và thời gian phải được sử dụng một cách hợp lý, các công việc được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Tuy vậy, những người ở vùng Nam Mỹ và Địa Trung Hải thường ít khắt khe về thời gian hơn.

2.1.2. Cư dân châu Á

- Cư dân ở châu Á khi gặp gỡ, chào hỏi thường dè dặt và có xu hướng tôn trọng địa vị xã hội của cá nhân. Họ luôn luôn tôn kính người lớn tuổi hoặc những người có địa vị xã hội cao hơn. Thái độ biểu cảm và cử chỉ, điệu bộ trong giao tiếp của họ cũng cụ thể.

- Trong công việc, người châu Á thường bày tỏ lòng biết ơn, sự khiêm nhường và trung thành với cấp trên, sẵn sàng thích ứng với công việc do yêu cầu của cấp trên hay người chủ đề ra. Họ coi trọng truyền thống gia đình, địa vị xã hội và học vấn.

- Người châu Á thường ít tin vào pháp luật, mà coi đó như sự áp đặt từ bên ngoài vào cuộc sống và lợi ích của họ. Vì vậy mức độ tôn trọng luật pháp của họ phụ thuộc vào địa vị xã hội, học vấn, truyền thống và danh dự của gia đình.

Cũng vì vậy, trong quan hệ, họ coi trọng cộng đồng và thích phụ thuộc lẫn nhau.

- Mặc dù cũng coi trọng thời gian theo lịch trình, song người châu Á chịu ảnh hưởng tôn giáo khá đậm, họ quan niệm thời gian là vòng luân hồi và có sự gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai. Họ có thái độ ứng xử hài hòa với nhau và với giới tự nhiên. Trong việc sắp xếp thời gian, đôi khi có sự xen kẽ hay lẫn lộn giữa chơi và làm việc. Người châu Á nhiều khi sử dụng thời gian theo cảm hứng trong cả hoạt động khoa học, sản xuất và đi du lịch. Họ thích sự ngẫu hứng và tin vào sự may rủi, số phận và sự ngẫu nhiên.

2.2. Một số điểm rõ nét hơn trong từng quốc gia - dân tộc

2.2.1. Châu Âu

* Người Anh, người Scotland và người Ailen:

Tránh nói về vấn đề độc lập dân tộc vì đây là vấn đề chính trị nhạy cảm. Những người này đều có chung ngôn ngữ: tiếng Anh. Họ thận trọng trong giao tiếp, ăn mặc và chú ý đến địa vị xã hội, danh tiếng, luôn đúng giờ và có thói quen luôn bắt tay khi làm quen. Những vấn đề cần tránh là: tôn giáo, tiền nong. Khi thân mật họ gọi tên, khi ăn có mời nhau…

* Người Pháp:

Họ luôn chú ý đến tính trang trọng và lễ nghi trong các cuộc gặp gỡ giao dịch và rất ít khi dùng tên thân mật. Họ có thói quen bắt tay nhanh và nhẹ. Họ sử dụng các bữa ăn tối để đàm đạo về những vấn đề quan trọng và cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định một vấn đề. Người Pháp rất tự hào về lịch sử, ngôn ngữ, hệ thống giáo dục, thành tựu nghệ thuật của đất nước. Họ có yêu cầu khá cao về chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ, bữa chính thường là bữa ăn trưa. Chủ đề ưa thích của họ là: món ăn, thể thao, văn hóa nghệ thuật. Họ tránh các chủ đề về tiền bạc, giá cả, đời tư, chính trị…

* Người Nga:

Họ rất niềm nở và trân trọng khi giao tiếp. Khi chào nhau, họ thường bắt tay và xưng danh, trừ khi gặp bạn bè họ ôm hôn ở má. Người Nga ưa thích các chủ đề: nghệ thuật, văn chương, tình bạn, hòa bình. Họ ưa thích các món quà là một cuốn sách, album nhạc, bút… Ít người nói được tiếng Anh (trừ các nhà khoa học).

* Người Đức:

Họ có thói quen bắt tay chặt khi làm quen, chào hỏi và chỉ gọi tên thân mật khi đã quen. Họ có tác phong đúng giờ và khá sòng phẳng. Khi giao tiếp, họ không đút tay vào túi và không xỏ tay vào vạt áo khi ăn và xưng danh đầy đủ khi trả lời điện thoại. Họ thường bàn luận công việc vào sau bữa ăn. Chủ đề ưa thích là: ôtô, bóng đá, món ăn và tránh các chủ đề về chiến tranh, về thể thao Mỹ.

* Người Thụy Điển:

Họ bắt tay khi giao tiếp và rất nghiêm túc. Họ ưa chuẩn xác về giờ giấc và thận trọng trong công việc, không thích nắm tay hay vỗ sau lưng. Họ có thói quen chúc tụng nhau trong bữa ăn. Người Thụy Điển luôn tự hào về lịch sử, văn hóa, xã hội của mình và di sản của bộ tộc Viking. Chủ đề yêu thích của họ: mức sống, cảnh quan thiên nhiên, thể thao. Họ tránh các chủ đề: tuổi tác, nghề nghiệp, ăn uống, gia đình.

* Người Thụy Sỹ:

Họ là dân tộc có sự giao thoa của văn hóa Pháp, Đức và Italia, sử dụng thông thạo cả ba ngôn ngữ này. Nhiều người biết tiếng Anh. Họ rất đúng giờ và kín đáo. Họ luôn tự hào về nền độc lập, trung lập, mức sống, lịch sử, cảnh quan của đất nước. Họ thường chúc nhau về sức khỏe và có thói quen tặng hoa, quả. Chủ đề ưa thích là thể thao, di sản và cảnh quan Thụy Sỹ, du lịch, chính trị, đồng thời tránh các chủ đề về: tuổi tác, nghề nghiệp, ăn uống, gia đình.

* Người Áo:

Họ có thói quen bắt tay chặt khi giao tiếp và rất đúng giờ, trang trọng trong việc xưng hô, ít khi dùng tên thân mật. Họ có thói quen tặng hoa hay sô cô la khi được mời tới nhà và rất không thích bị nhầm là người Đức dù sử dụng tiếng Đức. Chủ đề ưa thích là nhạc, thể thao, nghệ thuật, lịch sử, các loại rượu. Họ tránh các chủ đề: tiền bạc, tôn giáo, chính trị.

* Người Bỉ:

Họ có thói quen bắt tay khi chào hỏi và tiễn biệt, không dùng tên thân mật trừ khi là bạn bè. Khi ôm hôn, họ hôn đều lên cả hai bên má ba lần. Họ rất đúng giờ. Chủ đề ưa thích: bóng đá, lịch sử, dạo chơi bằng xe đạp. Họ tránh né những vấn đề chính trị và không thích bị nhầm là người Pháp.

* Người Bungari:

Họ thường bắt tay khi giao tiếp và hầu hết đều biết nói tiếng Nga và tiếng Đức. Họ có thói quen hẹn trước và rất đúng giờ. Điều đáng chú ý nhất trong phong cách của họ là: lắc đầu là đồng ý và gật đầu là không đồng ý. Họ thường mang tặng hoa, kẹo, rượu khi được mời. Bữa tối của họ hay có bánh mì với nước xốt thịt. Chủ đề ưa thích là gia đình, cuộc sống riêng tư, nghề nghiệp. Họ tránh các chủ đề: chính trị, tôn giáo.

* Người Hà Lan:

Họ có thói quen tự giới thiệu và cũng muốn người đối thoại tự giới thiệu, sau đó bắt tay với tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Họ không xoay người khi giao tiếp và không phô trương. Người Hà Lan thông thạo tiếng Anh và một số tiếng châu Âu khác. Họ rất đúng giờ và khi tặng quà thường gói theo kiểu truyền thống dân tộc. Người Hà Lan tự hào về việc lấn biển và lịch sử đất nước, về thương mại. Chủ đề ưa thích là chính trị, du lịch, thể thao và đánh giá cao sự chân thực trong thương mại.

* Người Italia:

Họ có thói quen bắt tay và nắm khuỷu tay khi giao tiếp. Họ có thể biểu lộ thái độ, tình cảm qua các cử chỉ, điệu bộ nhưng ít khi xưng hô bằng tên thân mật. Tuy vậy, các cuộc tiếp xúc xã giao họ luôn chú ý tới giờ giấc và không ưa kéo dài, không nói chuyện kinh doanh trong buổi gặp gỡ xã giao, họ ăn bữa chính vào buổi trưa. Chủ đề ưa thích là sự kiện thế giới, bóng đá và gia đình. Họ tránh các chủ đề về maphia, chính trị, tôn giáo, thuế má.

* Người Ba Lan:

Khi tiếp đón và tạm biệt, nam giới có thói quen hôn tay phụ nữ và chỉ dùng tên thân mật khi nói với bạn. Họ thường tặng quà cho nữ chủ nhà khi được mời và chúc tụng nhau vào bữa tối, bữa tiệc. Họ theo Thiên chúa giáo và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của mình. Chủ đề ưa thích là lịch sử, văn hóa, phong trào đoàn kết. Họ tránh các chủ đề: mối quan hệ với Liên Xô (cũ), Đông Đức (cũ)…

* Người Tây Ban Nha:

Họ khá nồng nhiệt trong giao tiếp và nếu thân mật thường hay ôm hôn khi gặp và chia tay. Trong tiếp xúc, họ hay nói chuyện vui trước khi vào công việc chính. Họ cần thông tin về địa chỉ rất ngắn gọn. Người Tây Ban Nha ăn tối muộn: từ 10 giờ tối trở đi và bữa chính là buổi trưa, thường từ 13h00 tới 16h30. Họ kiêng kỵ hoa cúc. Khi giao tiếp đôi khi họ chen ngang hoặc ngắt lời để thể hiện sự nhiệt tình. Chủ đề ưa thích là thể thao, du lịch, lịch sử. Họ tránh các chủ đề về chính trị, tôn giáo, gia đình, nghề nghiệp.

2.2.2. Châu Á

* Người Trung Quốc:

Khi gặp nhau, họ thường khom người hoặc cúi đầu để chào hỏi, đôi khi bắt tay, họ chú ý đến địa vị xã hội và tuổi tác của người đối thoại. Họ không có thói quen vỗ lưng và ôm người khi gặp nhau. Họ có thể hỏi những câu về địa vị của cá nhân (thu nhập, nhà cửa, con cái…). Họ rất chú ý đến mối quan hệ cá nhân khi quan hệ thương mại. Khi tặng quà, họ chỉ giới hạn ở mức rất khiêm tốn và có thể chỉ cần một món quà chung. Chủ đề ưa thích là lịch sử, văn hóa, gia đình, sự tiến bộ của Trung Quốc. Họ tránh các chủ đề về Đài Loan, Cách mạng văn hóa, sex, sức khỏe, chính trị.

* Người Nhật:

Khi tiếp xúc họ trao danh thiếp rồi cúi người thấp để chào hoặc bắt tay một cách nhẹ nhàng và không nhìn chằm chằm vào mắt khách. Họ rất chú ý tới tác phong và đánh giá cao đức tính kiên nhẫn, lịch sự, khiêm nhường. Ít khi họ xưng hô bằng tên thân mật. Họ cũng tiếp thu văn hóa ứng xử phương Tây, song ít khi dùng từ “không” trong đối thoại. Họ đánh giá cao vai trò cá nhân trong kinh doanh thương mại. Chủ đề chủ yếu là: Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Họ tránh các đề tài chiến tranh thế giới, những tranh luận gay gắt.

* Người Thái Lan:

Họ thường chắp hai tay trước ngực và hơi cúi khi tiếp đón với một thái độ khiêm nhường. Người Thái Lan thường gọi nhau bằng tên thân mật. Riêng vùng Tây Bắc Thái Lan, người ta có thói quen bắt tay khi đón và tiễn khách. Người Thái Lan cũng ít khi sử dụng lối hài hước kiểu phương Tây, vì sợ bị hiểu lầm. Họ tỏ ra rất kiên nhẫn và chân thực, thận trọng. Cử chỉ tối kỵ là hất hàm hay dùng chân, cũng như việc vỗ tay lên đầu người khác. Chủ đề ưa thích là văn hóa, lịch sử, món ăn Thái. Chủ đề cần tránh là chính trị, Hoàng gia, tôn giáo.

* Người Triều Tiên (Hàn Quốc):

Khi tiếp xúc, người Triều Tiên có thói quen bắt tay, cúi người khi gặp nam giới, song với nữ giới ít khi có động tác bắt tay. Trong xưng hô, họ gọi tên trước và gọi họ sau. Những đức tính chủ yếu là khiêm nhường, kiên trì và tôn trọng tuổi tác. Họ tránh há to miệng và không nói chen ngang. Chủ đề ưa thích của họ là văn hóa, thể thao. Chủ đề họ tránh né là chính trị, vai trò của phụ nữ.

* Người Mã Lai:

Đây là những người cư trú chủ yếu trên bán đảo Mã Lai, liên bang Malaixia. Họ có thói quen gặp gỡ là giơ hai bàn tay chào và bắt tay song rất ít khi cầm tay nhau và không dùng ngón tay trỏ ra hiệu với người khác. Trong khi đang ăn uống, họ tránh hắng giọng hoặc xịt mũi. Họ khá thận trọng và chậm rãi trong việc quyết định những vấn đề làm ăn, buôn bán. Chủ đề ưa thích của họ là văn hóa, thể thao, cảnh quan thiên nhiên. Chủ đề tránh đề cập là chính trị, tôn giáo.

* Người Singapore:

Singapo nguyên là thuộc địa của Anh và giao lưu văn hóa với châu Âu sớm lên người Singapo có phong cách giao tiếp gần với châu Âu. Họ bắt tay theo phong cách Âu, trao danh thiếp bằng hai tay, tác phong rất đúng giờ, có tính thực tiễn và thẳng thắn. Họ có thể nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Họ ít khi tặng quà trong quan hệ làm ăn. Bữa sáng được coi là bữa chính của người Singapo và bữa trưa thường kéo dài song không có nghi lễ. Rất ít người Singapo hút thuốc lá. Họ coi trọng tính thực dụng của người Mỹ, có quan niệm bình đẳng với phụ nữ trong công việc. Chủ đề ưa thích của họ là môi trường sinh thái, kinh tế (cả tiền bạc) sức khỏe. Chủ đề họ tránh là sự chênh lệch thành thị và nông thôn.

* Người Indônêxia:

Họ có tập quán đón tiếp là bắt tay và gật đầu. Họ rất coi trọng cá nhân, rất đúng giờ. Tuy vậy, trong quan hệ thương mại họ thường chậm chạp và thận trọng. Họ coi việc từ chối các món quà tặng là bất lịch sự. Chủ đề ưa thích là lịch sử văn hóa, truyền thống. Họ tránh các chủ đề về chính trị, viện trợ nước ngoài.

Đa số dân Indônêxia theo đạo Hồi nên còn có những tập tục của đạo này.

* Người Philippin:

Họ khá hồ hởi trong giao tiếp nên khi gặp bắt tay và có thể còn vỗ nhẹ vào lưng. Nói chung họ có thái độ cởi mở, nhiệt tình và dễ tạo sự thân mật. Ngôn ngữ trong giáo dục, kinh doanh hành chính là tiếng Anh. Họ thích tặng những món quà nhỏ cho bà chủ sau bữa tối. Chủ đề ưa thích của họ là gia đình, văn hóa, lịch sử, thương mại. Họ tránh các chủ đề chính trị, tôn giáo, viện trợ nước ngoài, sự suy đồi.

* Người Ả Rập:

Thấm đượm tinh thần đạo Islam, người Ả Rập rất coi trọng các nghi thức trong giao tiếp. Sau khi giới thiệu, chào hỏi họ thường bắt tay, nắm chặt khuỷu tay hoặc vai. Khi đã quen thân, các cuộc gặp gỡ có thể ôm hôn, nhưng chỉ với nam giới. Họ thích tặng những món quà đắt tiền. Họ tuân thủ rất chặt chẽ chế độ ăn kiêng và các lễ nghi tôn giáo. Khi ra nước ngoài họ được mang theo vợ và không chỉ có một vợ (luật hồi giáo cho phép có bốn vợ). Họ tôn trọng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, chặt chẽ, nghiêm túc. Chủ đề ưa thích của họ là lịch sử văn hóa, sự tôn sùng đạo Hồi, tinh thần thượng võ. Họ tránh các chủ đề về các tôn giáo khác, về Israel, vai trò và địa vị phụ nữ, các trò đùa cợt nhả.

2.2.3. Châu Mỹ

* Người Bắc Mỹ:

Có thói quen bắt tay nắm chặt, mắt nhìn thẳng khi giao tiếp nhưng tránh những va chạm, ôm ấp, ngoại trừ khi là hai người nam đã thân quen. Họ có tính thực tiễn cao, đúng giờ và luôn tiết kiệm thời gian trong sản xuất và kinh doanh. Họ thích tiếp khách tại nhà. Chủ đề ưa thích là thể thao gia đình, buôn bán, văn hóa. Họ tránh các chủ đề về siêu cường Mỹ, về chiến tranh.

* Người Mỹ La Tinh:

Ngoài những ảnh hưởng văn hóa chung, họ còn chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ rất tôn trọng thời gian và sở thích cá nhân, tránh các chủ đề về chính trị tôn giáo.

2.2.4. Châu Phi

* Người Nam Phi:

Người da trắng có gốc Anh và Hà Lan (người Boers) chiếm khoảng 17% dân số nhưng có phong cách giao tiếp châu Âu. Người Phi da đen chiếm đa số, có tính cởi mở, hồn nhiên khi giao tiếp. Người Nam Phi nói chung luôn đúng giờ. Họ sử dụng thông thạo tiếng Anh và ngôn ngữ bộ lạc. Họ thích các chủ đề về thể thao, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa châu Phi. Họ tránh các chủ đề về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn giáo.

* Những người Nam Phi ở các quốc gia khác:

Nói chung, họ rất hồn nhiên, cởi mở trong giao tiếp và có thói quen nhìn thẳng, bắt tay nhau. Trong công việc làm ăn họ thích tặng quà. Họ tiếp thu văn hóa châu Âu và sử dụng các ngôn ngữ châu Âu thành thạo. Họ ưa thích chủ đề về văn hóa châu Phi, thể thao, cảnh quan thiên nhiên, săn bắn và tránh các chủ đề về chính trị, tôn giáo, sắc tộc.

2.2.5. Nam Thái Bình Dương

* Người Úc:

Tiếp thu văn hóa Anh và Mỹ, họ có thái độ giao tiếp niềm nở, tình cảm, thân mật nhưng không khách sáo. Họ thường bắt tay chặt và thích nói trực tiếp vào vấn đề, thẳng thắn. Họ rất tôn trọng tình bạn bè, đồng nghiệp và cư xử một cách bình đẳng giữa người với người. Họ ưa thích các chủ đề về văn hóa, món ăn, phong cảnh, thể thao. Chủ đề họ tránh là chính trị đảng phái, chiến tranh.

* Người Niu Di Lân:

Họ có thói quen bắt tay khi giao tiếp và coi trọng hình thức ban đầu. Khi thân quen, việc giao tiếp rất cởi mở, thân ái. Họ không thích nhầm với người Uc. Trong giao tiếp và làm ăn buôn bán, họ coi trọng chất lượng công việc và sự thẳng thắn, chân thành. Chủ đề ưa thích là đất nước, cảnh quan, con người, văn hóa Niu Di Lân, biển khơi. Chủ đề cần tránh: đời tư, tôn giáo, năng lượng nguyên tử.

3. Kết luận

Văn hóa giao tiếp kinh doanh là nghệ thuật tạo nên mối quan hệ hài hòa trong các khác biệt. Tùy vào thói quen, cách xưng hô, cư xử… của từng nơi mà tạo nên những nét riêng cho căn hóa giao tiếp của vùng đất đó. Nhà kinh doanh cần phải có sự linh hoạt và sự tìm hiểu về văn hóa giao tiếp của đất nước mà mình muốn tiếp cận để có cách ứng xử trong giao tiếp cho phù hợp cho từng đối tượng và từng khu vực khác nhau. Vì vậy, tiểu luận đã chỉ ra những nét đặc trưng văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các Châu lục nhằm phục vụ mục đích đó.

Bài báo gồm hai phần chính:

Phần một “Những đặc trưng văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của từng châu lục” đã chỉ ra những điểm đặc trưng nhất về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của châu Âu và châu Mỹ so với châu Á có nhiều nét khác biệt hơn.

Phần hai “Một số điểm rõ nét hơn trong từng quốc gia-dân tộc” đã đi vào chi tiết hơn đặc trưng của một số quốc gia tiêu biểu của từng châu lục như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc… nhằm cung cấp cái nhìn cụ thể hơn, chi tiết hơn về văn hóa giao tiếp, đồng thời cho thấy sự khác nhau về nhiều mặt tại các quốc gia mặc dù cùng châu lục nhưng lại có những nét đặc trưng rất riêng. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ có một chính sách tiếp cận khách hàng, đối tác một cách hợp lý phù hợp với văn hóa giao tiếp tại địa bàn, nền văn hóa đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đoàn Thị Hồng Vân, Giao tiếp trong kinh doanh và cuộc sống, Nhà xuất bản Thống kê, 2011.

2. Phan Thanh Lâm, Giáo trình Tâm lý giao tiếp trong kinh doanh, Ban Xuất bản Đại học Hoa Sen, 2008.

3. Thái Trí Dũng, Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh, Nhà xuất bản Thống kê, 2009.

CULTURAL BUSINESS COMMUNICATION OF CONTINENTS

TANG THI HOAI PHUONG

Basic Sciences Department, Vietnam Trade Union University

ABSTRACT:

Cultural business communication has a number of great and high compelling values. However, it requires people to have deep understanding of their customers cultures in order to master the cultural business communication as every continent, culture and country has its cultrural differences. Hence, it is important for people to pay attention to cultural aspects in communicating with their customers, suppliers and business partners, and learn different cultural business communication of continents in order to succeed in doing business.

Keywords: Cultural communication, business, continents.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây