VBF giữa kỳ 2018: Liên kết doanh nghiệp bổ sung động lực cho tăng trưởng kinh tế

Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - Hợp tác cùng hướng tới lợi ích chung”, VBF kỳ vọng sự hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI sẽ bổ sung động năng cho tă

Khu vực FDI đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã chính thức khai mạc vào sáng 4/7/2018, tại Hà Nội với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung”. Diễn đàn gồm có 3 phiên thảo luận, với các báo cáo tập trung vào nhóm các vấn đề như: tiến tới chuỗi giá trị; giải quyết những thách thức về công nghệ và phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm kỷ niệm 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao. GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam

Đặc biệt, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.

Nhận xét về sự liên kết giữa doanh nghiệp nội - ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, doanh nghiệp FDI đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…

Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

VBF giữa kỳ 2018 kỳ vọng giải quyết những thách thức về công nghệ và phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững

"Để tăng cường sự liên kết đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ cần các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thúc đẩy các FTA mở cửa cho doanh nghiệp trong nước

Theo ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, năm 2018 là năm quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức, trong đó có yếu tố từ bên trong và bên ngoài.

Ví dụ yếu tố bên ngoài đó là bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế. Yếu tố bên trong đó là có thể xảy ra việc vỡ bong bóng bất động sản và gây hậu quả lên hệ thống ngân hàng, và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy, ông Tomaso cũng đề xuất, bên cạnh việc Việt Nam bảo vệ thị trường nội địa thì cũng cần sớm phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do cải cách hệ thống luật pháp để tuân thủ các hiệp định này.

Đại diện Hội đồng quản trị Liên minh VBF, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Cùng với 10 hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, đây là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi ở một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế. Cùng đó, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.