VDSC: Áp lực tỷ giá có thể duy trì trong nửa đầu năm 2024

Trong bối cảnh đồng USD tăng trở lại khi Fed khó có thể sớm giảm lãi suất như kỳ vọng, hàng loạt đồng tiền trên toàn cầu đã mất giá trở lại. Hiện hãng chứng khoán Rồng Việt Securities nhận định áp lực tỷ giá có thể duy trì trong nửa đầu năm 2024.

Trong tháng 1/2024, tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh nhưng trong biên độ cho phép. Tại ngày 25/01/2024, VND giảm 1,4%  so với đầu năm và sau đó hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,6% so với đầu năm đối với tỷ giá trên thị trường chính thức và 0,1% đối với tỷ giá trên thị trường tự do.

Nguyên nhân chính khiến tiền đồng giảm xuống trong tháng đầu năm là do đồng USD phục hồi trở lại khi giới đầu tư toàn cầu giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất.

Tỷ giá đồng USD
Diễn biến tỷ giá USD/VND và chỉ số DXY trong thời gian qua. (Nguồn: Bloomberg, VDSC)

Công cụ FedWatch cho thấy, kỳ vọng của thị trường về việc Fed có thể giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3/2024 đã giảm từ mức 70% tại thời điểm đầu năm chỉ còn 34,5% sau thông cáo của Fed trong cuộc họp cuối tháng 1/2024. Trong khi đó, kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm trong năm 2024 vẫn giữ nguyên ở mức 150 điểm cơ bản với xác suất 42,8%.

Theo đó, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, đã phục hồi về mức 103 điểm, tương ứng tăng 1,7% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, mức chênh lệch dương của lãi suất USD-VND vẫn neo ở mức cao trong tháng 01/2024 (khoảng 4,85 điểm phần trăm), cũng gây ra áp lực lên diễn biến của tiền đồng.

Tuy nhiên, so với các đồng tiền khác, tiền đồng là một trong những đồng tiền giảm giá ít nhất so với đồng USD trong tháng 01/2024.

Tỷ giá đồng VND
Biến động của đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác trên thế giới. (Nguồn: Bloomberg, VDSC)

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục thực hiện thêm biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, kết hợp với tình hình kinh tế kém khả quan trong tháng 1/2024 đã khiến đồng Nhân dân tệ mất giá khoảng 1,1%.

Trong khi đó, đồng Yên Nhật mất giá mạnh nhất, đến 3,8%, khi giới đầu tư toàn cầu tiếp tục chờ đợi tín hiệu thay đổi chính sách lãi suất âm từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Các đồng tiền khác trong khu vực ASEAN (trừ Việt Nam) đều mất giá từ 1-3% trong tháng 01/2024.

Có thể thấy, đặt trong tương quan về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đồng USD có lợi thế hơn hẳn trong giai đoạn đầu năm 2024.

Xem thêm: "Việt Nam đón làn sóng FDI thứ 4, cổ phiếu bất động sản công nghiệp nào sẽ hưởng lợi?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) cho biết, dù bối cảnh kinh tế năm 2024 là khác biệt, một so sánh về biến động của giá dầu, đồng USD và giá vàng trong giai đoạn Fed nới lỏng (2019-2021) và thắt chặt chính sách tiền tệ (2022-2023) đưa ra một số hàm ý. Cụ thể:

Thứ nhất, trong giai đoạn Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng USD biến động tăng giá mạnh trong giai đoạn đầu và duy trì sức mạnh suốt một thời gian sau đó khi lãi suất neo ở mức cao.

Thứ hai, ở thời kỳ Fed cắt giảm lãi suất, các bước cắt giảm đầu tiên không tạo ra nhiều thay đổi với xu hướng của đồng USD, và sự suy giảm của đồng USD chỉ diễn ra sau đó khi chu kỳ cắt giảm lãi suất đi đến hồi kết.

Tỷ giá
Biến động giá dầu thô Brent, đồng USD, và giá vàng trong thời kỳ Fed giảm lãi suất (2019 - 2021, bên trái) và trong thời kỳ tăng lãi suất (2022 - 223, bên phải). (Nguồn: Bloomberg, VDSC)

Thứ ba, biến động giá dầu và giá vàng trong thời kỳ nới lỏng và thắt chặt chính sách của Fed khá thú vị. Cụ thể, dầu thô trải qua biến động tăng và giảm mạnh nhưng xu hướng chung là tăng trong thời kỳ Fed nới lỏng và giảm trong thời kỳ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giá vàng tăng giá trong cả hai thời kỳ.

“Chúng tôi cho rằng việc nhìn lại lịch sử có thể giúp dự báo một phần biến động tỷ giá trong thời gian tới, việc đồng USD neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024”, VDSC nhận định.

Trong tháng 01/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều thừa nhận điều kiện kinh tế đang được cải thiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh cần có “thêm dữ liệu” để xác nhận xu hướng giảm của lạm phát trước khi xem xét giảm lãi suất; đồng thời, cho thấy khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm tốc độ thắt chặt gói nới lỏng định lượng thay cho việc giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 3/2024. Qua đó, dập tắt hy vọng của thị trường về việc Fed sớm giảm lãi suất.

ECB và BoE cũng tiếp tục duy trì lãi suất ổn định. Hội đồng điều hành ECB đưa ra các thông điệp cho thấy quan điểm duy trì lập trường chính sách tiền tệ thận trọng để kiềm chế lạm phát và không có tín hiệu sớm giảm lãi suất.

Duy Quang